main billboard

Chuyện bia rượu của Việt Nam cũng chẳng phải chuyện mới mẻ gì, cũng ngàn năm một thuở mất rồi.


ly ruouNgày đầu tiên bước chân vào một tập đoàn nhà nước lớn ở Việt Nam, sau câu hỏi thông thường: “Em là con ai vậy?”, là câu hỏi cũng thông thường không kém: “Em nhậu tốt không?”. Thế là những tháng ngày gắn bó với công việc của tôi tại nơi đó luôn đi kèm với bia rượu, vì theo như lời bỏ nhỏ của trưởng phòng là: “Chú mày mà không uống được tốt thì không cần đi làm nữa nhé!” Quả thật là đáng tiếc cho quãng thời gian làm việc khoảng một năm ở đó, bởi vì tôi chả học hỏi được gì, chỉ cứ phải nhắm mắt nhắm mũi bấm bụng mà uống bia rượu cho vừa lòng sếp, và cho vừa lòng các đàn anh đàn chị đồng nghiệp.

Theo như lời của một anh đồng nghiệp thì sở dĩ có cái truyền thống bia rượu như thế là vì phòng tôi làm là phòng Tiếp thị của một công ty lớn quản lý một khu công nghiệp đang ăn nên làm ra. Nhân viên trong phòng ngoài việc làm chính là quảng bá để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp còn phải biết cách tạo quan hệ lấy lòng các sở ban ngành để mà giấy tờ được “trôi chảy”. Chưa kể là các sếp cũng dẫn nhau đi nhậu để mà giúp nhau ký kết hợp đồng. Kiểu như nếu không có chút men, không có các em xinh tươi cầm tay thì không thể nào ký nổi một chữ ký ấy.

Chuyện bia rượu của Việt Nam cũng chẳng phải chuyện mới mẻ gì, cũng ngàn năm một thuở mất rồi. Chắc cũng có từ cái thời xuất phát ra câu nói muôn thuở của cánh bợm nhậu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Để giờ đây Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ bia rượu và đứng thứ 3 châu Á cũng ở hạng mục này. Một kỷ luc chẳng hay ho tẹo nào. Thậm chí là cho dù kinh tế Việt Nam có khó khăn thì lượng tiêu thụ rượu bia cũng chẳng hề suy giảm, thậm chí mỗi năm lại mỗi tăng thêm. Bằng chứng là tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch đã công bố con số thông kê cho thấy 2,8 tỷ lít bia đã được tiêu thụ ở Việt Nam trong năm 2012. Bình quân, mỗi người Việt tiêu thụ 32 lít/năm. Đến năm 2013 thì con số 3 tỷ lít bia cũng không hề suy giảm. Quả là một tin đáng mừng cho các doanh nghiệp sản xuất bia rượu trong ngoài nước khi đang nhắm đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Vậy ra con số thống kê của Bộ Công thương rằng trong nước sản xuất được 2,9 tỷ lít bia rượu là hoàn toàn không thể đáp ứng được cho nhu cầu nhậu trong nước.

Sử dụng rượu bia đã trở thành một thói quen phổ biến đối với không ít đàn ông, có trên 70% đàn ông Việt Nam thường xuyên sử dụng rượu bia. Thậm chí với nhiều đấng mày râu, sử dụng rượu bia đã trở thành nét văn hóa, một thói quen trong cuộc sống thường ngày. Rượu bia đi vào từng sinh hoạt của người dân. Rượu bia xuất hiện ở tất cả các cuộc vui như cưới hỏi, sinh nhật, hội họp, gặp mặt… Thậm chí, ngay cả ma chay cũng không thể thiếu được rượu bia. Chính thói quen thường xuyên sử dụng rượu bia đang khiến Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ rượu bia đứng hàng đầu khu vực, kèm với đó là những hậu quả, tác hại của rượu bia gây ra cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Bởi lẽ, những người thường xuyên sử dụng rượu bia rất dễ mắc các bệnh nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng bản thân như ung thư, xơ gan, viêm gan…

Chúng ta bắt gặp hàng ngày tại khắp nẻo đường ở Việt Nam đầy những quán nhậu đủ các kiểu, thượng vàng hạ cám. Và thay vì tan sở mỗi buổi chiều, các anh về nhà với gia đình thì có một số đông chỉ thích lao ra hàng quán nhậu nhẹt. Vấn đề là chúng ta cứ quy chụp cho bia rượu là chất men giúp công việc nhanh chóng hơn, các mối quan hệ công việc cũng thân thiết hơn. Nhưng bản thân tôi một năm trời làm việc tại doanh nghiệp nhà nước kia chẳng có nổi một mối quan hệ tốt đẹp với các sở ban ngành mặc dù rượu bia cứ phải uống. Các anh cứ bảo là “chú mày phải uống đi để mà tiếp khách hàng và tiếp các sếp”, vậy nhưng chỉ thấy các anh tiếp nhau hằng ngày, chả có khách hay sếp nào cả và cũng chẳng thấy công việc đâu vào đâu. Các anh cứ vô tư zô zô, hoặc là cứ giả vờ vô tư mà chẳng hiểu rằng việc lạm dụng rượu bia gây ra nhiều tác hại cho người sử dụng và cho xã hội. Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày, trong đó những người trẻ chiếm một tỉ lệ đáng kể. Hơn 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới gây ra do các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra bởi việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Ở Việt Nam có rất nhiều người nghiện rượu. Điều tra cộng đồng mới đây cho thấy, tỷ lệ nghiện rượu là 3,23%; lạm dụng rượu là 11,27% dân số trên 15 tuổi. Trên 60% người loạn thần và nghiện rượu bắt đầu uống rượu trước tuổi 20. Trong khi đó ở các quốc gia tiên tiến đều có quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng bia rượu, nhất là độ tuổi. Như ở Mỹ, thanh niên trên 21 tuổi mới được đụng đến thức uống có cồn. Ở Việt Nam lại khác, trẻ em còn có khi còn được cổ súy uống rượu, như một hình thức xem như trẻ đã lớn và noi theo gương của cha chú. Mặc dù con số người nghiện rượu ở Việt Nam là một con số không nhỏ nhưng vẫn chưa có các trung tâm cai nghiện rượu đúng bài bản. Nguyên nhân có thể là do người dân chưa có ý thức rằng nghiện rượu cũng chẳng thua kém nghiện ma túy, chính phủ cũng vì thế chưa có động thái tăng cường các trung tâm cai nghiện rượu. Viện Pháp y Quốc gia công bố xét nghiệm 500 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông thì 34% nạn nhân trong máu có nồng độ cồn. Báo cáo về Chất có cồn và Sức khỏe của WHO trong năm 2014 cho thấy trong tổng số hơn 3,3 triệu ca tử vong có liên quan đến chất có cồn trên toàn cầu thì 15% số tử vong đó là do tai nạn giao thông có liên quan tới chất có cồn. Tại Việt Nam, theo WHO 71,7 % nam giới tử vong do xơ gan có liên quan đến rượu bia và 36,2% nam giới tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia. Vậy rõ ràng, tác hại của bia rượu chẳng thua kém mà có khi còn hơn cả ma túy.

Luật ban hành cũng chỉ là để răn đe, quan trọng là ở ý thức của người dân. Từ suốt bao đời nay rượu bia được sử dụng rộng rãi nhiều nơi trên thế giới và cũng có một số tác dụng có lợi nhất định, làm cho đời sống con người thêm thi vị. Tuy nhiên việc lạm dụng bia rượu và thức uống có cồn là điều cần nên chấn chỉnh nghiêm khắc, nhất là ở một quốc gia có truyền thống say xỉn như ở Việt Nam. Cứ mỗi chiều tan tầm về, nhìn thấy các quán nhậu đông nghẹt khách, cảm thấy đáng buồn cho viễn cảnh một đất nước sáng say chiều xỉn. Một khảo sát 200 sinh viên tại bốn trường đại học Sài Gòn vào năm 2007 cho thấy, tuổi trung bình “biết nhậu” lần đầu tiên là 16,7 tuổi, trong đó tất cả sinh viên năm thứ nhất uống rượu bia ngay khi mới 15.5 tuổi; trong 127 sinh viên còn sử dụng rượu bia, 33.9% uống vài lần/tháng, 29.1% uống dịp lễ, tết, 3.1% sinh viên ngày nào cũng uống. Trung bình mỗi sinh viên uống 4.58 chai bia/lần và khoảng 1.95 xị rượu/lần. Đặc biệt, trung bình một nữ sinh viên uống 5.97 chai bia/lần trong khi nam chỉ có 3.93 chai/lần. Sinh viên là người thành thị cũng uống nhiều hơn sinh viên gốc nông thôn (5.65 chai/lần so với 4.01 chai/lần); 70,1% đến với rượu bia do được rủ rê.

Bài viết này nói những điều đã cũ, nhưng vì vẫn còn tồn tại nên tôi cũng muốn chia sẻ chút ý kiến, chỉ mong độc giả cảm nhận và chung tay cùng thay đổi quan điểm sử dụng rượu bia trong truyền thống Việt Nam.