Tôi nghĩ nếu nói là xúc phạm thì phải là những tấm bảng cảnh cáo những người ăn cắp trong các siêu thị, các cửa hàng ở Nhật, ở Ðại Hàn, ở Ðài Loan...viết bằng tiếng Việt.
Vài ba chương trình mà người ta xem được do Việt Nam sản xuất và đưa ra hải ngoại có cái tên nghe rất đẹp: Duyên Dáng Việt Nam.
Tôi tin là bao giờ thì rồi sẽ vẫn có một Việt Nam rất đẹp. Bao giờ cũng sẽ vẫn có một Việt Nam duyên dáng và tươi đẹp của quan họ Bắc Ninh, của hò mái đầy trên sông Hương, của bài ca nghe tiếng trống nhớ chồng, mà ông già Cao Văn Lầu viết trong một đêm canh lúa ngoài đồng Nam Bộ.
Nhưng cũng có những người không thấy được những cái đẹp, những cái duyên dáng đó... em chưa hát ca dao một lần, em chỉ thấy quê hương căm hờn...(Trịnh Công Sơn).
Một cuốn phim nhan đề Nông Dân Hiện Ðại của Ðại Hàn cũng có nhắc tới Việt Nam. Những đoạn đối thoại đề cập tới Việt Nam này, theo nhiều người, chỉ nghe qua cũng thấy hình ảnh Việt Nam không được tốt đẹp lắm dưới mắt của người Hàn. Tôi chưa xem nguyên cuốn phim đó nhưng theo những người đã xem và kể lại thì một nhân vật trong cuốn phim, vì có một đời sống không mấy gương mẫu, đã bị mẹ quở trách bằng một câu có đề cập tới người Việt Nam.
Câu đối thoại ấy thực ra cũng không phải là một câu nói nặng, lời nói thậm từ mang tính cách nhục mạ phụ nữ Việt. Mẹ người thanh niên trong cuốn phim nói với con rằng nếu anh ta cứ rượu chè tối ngày như thế thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được vợ đâu.
Câu nói chỉ có thế. Không biết trong phim còn có những câu nào khác nặng nề hơn hay không. Chắc là không vì mấy tờ báo khác cũng chỉ trích dẫn có một câu ấy. Tôi không nghĩ đó là một câu nói quá nặng. Nặng đến nỗi theo tờ Tuổi Trẻ, cả ngàn người đã thấy “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã khi thấy cuốn phim Hàn Quốc đánh giá cô dâu Việt Nam rẻ như bèo.”
Nếu tỉnh táo một chút thì người ta không nghĩ như thế. Câu nói của bà mẹ khuyên răn con chỉ muốn nói rằng sống bê tha rượu chè như vậy thì có đi Việt Nam cũng không tìm được vợ mà lấy mặc dù ở Việt Nam, kiếm được vợ không phải là chuyện quá khó khăn. Người đàn bà trong phim chắc đã nhìn thấy cả những người già, đui què mẻ sứt qua Việt Nam vẫn kiếm được vợ. Ðó là chuyện thật. Người mẹ của người thanh niên không hề nói sai. Vậy thì tại sao lại cả ngàn người nghe câu nói ấy rồi thấy “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã”?
Nghe lại câu nói ấy thì người ta có thể hiểu là phụ nữ Việt Nam cũng không thèm lấy cái thứ đàn ông say xỉn tối ngày đâu.
Vậy thì không nên “buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã.”
Nếu thấy buồn, xấu hổ và nhục nhã thì vì nhiều chuyện khác chứ không phải chỉ vì câu nói của người mẹ nói với người con trai để khuyên răn anh ta.
Tôi nghĩ nếu nói là xúc phạm thì phải là những tấm bảng cảnh cáo những người ăn cắp trong các siêu thị, các cửa hàng ở Nhật, ở Ðại Hàn, ở Ðài Loan...viết bằng tiếng Việt.
Ở Mỹ cũng có những tấm bảng nói rõ các shoplifters sẽ bị truy tố tối đa (prosecuted to the fullest extent of the law). Nhưng tôi chưa thấy những tấm bảng ấy được viết bằng tiếng Việt một cách thoải mái như ở Nhật, Ðại Hàn, Ðài Loan và Thái Lan. Mấy tháng trước, cảnh sát Nhật đã tới khám xét văn phòng của Hàng Không Việt Nam để tìm hàng hóa ăn cắp. Tại một thị trấn gần Tokyo, một số cảnh sát Nhật đã ghi tên học tiếng Việt, không phải để tìm hiểu văn chương bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du...mà để điều tra những vụ phạm pháp của người Việt ở Nhật.
Nhục nhã, xấu hổ là ở những chuyện như thế chứ một câu nói của một nhân vật trong phim thì nhằm nhò gì!
Coi cô dâu Việt Nam rẻ như bèo là những bài báo, những quảng cáo những chuyến đi mua vợ ở Việt Nam, cô dâu Việt Nam rẻ mà lại còn trinh, về nhà chồng mà bỏ trốn thì được đền ngay cô khác, là cảnh phụ nữ Việt bày hàng khỏa thân cho bọn khách mua vợ ngay ở Sài Gòn chứ cần gì phải tìm trong phim ảnh Hàn Quốc!
Nói gì được khi mà chính lãnh tụ Việt Nam trong một chuyến xuất ngoại còn ăn nói như ma cô chào hàng rằng phụ nữ Việt Nam đẹp lắm, đi Việt Nam chơi đi!
Như vậy thì hãy nên thấy xấu hổ và nhục nhã.