main billboard

Không thể để mặc cho Tổng Thống Obama lạm quyền, nhưng chính đảng Cộng Hòa cũng đang ở thế bí, không biết phải giải quyết chuyện này như thế nào.


Chiều Thứ Tư, phe Tea Party của đảng Cộng Hòa tổ chức biểu tình ngay tiền đình Quốc Hội liên bang. Chiều Thứ Năm, phe Cộng Hòa đang điều khiển Hạ Viện quyết định bỏ phiếu không cấp tiền cho hành pháp Dân Chủ thực hiện những điều khoản trong sắc lệnh Tổng Thống Barack Obama vừa ký, cho phép hơn 5 triệu người cư trú bất hợp pháp được ở lại Mỹ và có giấy phép đi làm.

bieutinh ungho ditruNgười biểu tình trước văn phòng Dân Biểu Darrell Issa (Cộng Hòa-California) ủng hộ cải tổ di trú. (Hình: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images)

Không thể để mặc cho Tổng Thống Obama lạm quyền, nhưng chính đảng Cộng Hòa cũng đang ở thế bí, không biết phải giải quyết chuyện này như thế nào.

Cuộc biểu tình chiều Thứ Tư quy tụ chỉ hơn trăm người, nhưng phần đông đều là những nhân vật quen thuộc của giới bảo thủ, chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz hay bà Dân Biểu Michelle Bachman từng có lúc đã ghi danh tranh cử tổng thống. Những người khác không tên tuổi bằng, nhưng đều là những nhân vật nòng cốt của từng khu vực, từ Ðông sang Tây từ miền Nam đổ tới vùng đồng bằng Trung Tây và đi xa hơn nữa. Tất cả đều có thành tích lẫy lừng: đã tham dự những cuộc vận động tranh cử cho ứng viên bảo thủ Cộng Hòa ở cấp địa phương lẫn cấp quốc gia, do đó, “tiếng nói của chúng ta chính là tiếng nói tiêu biểu cho tất cả người dân,” như lời Thượng Nghị Sĩ Cruz nói giữa tiếng vỗ tay reo hò của đám đông.

“Quyết định của ông Obama là một quyết định đi ngược lại tinh thần tôn trọng luật pháp của nước Mỹ,” một người trong đoàn biểu tình nói. “Những người được ông Obama ân xá cho ở lại là những người cố ý phạm pháp khi họ trốn ở lại Mỹ, chúng ta không chấp nhận cho họ được quyền ở lại, chúng ta không chấp nhận cho những kẻ phạm pháp như vậy trở thành công dân của đất nước này.”

Một bà khác tên Barbara Nagda lái xe cả chục tiếng đồng hồ từ Michigan đến đây cũng được mời lên phát biểu. Bà cho hay từng là di dân, thông cảm “dân chúng ở đâu cũng muốn sang Mỹ” nhưng “tôi không đồng ý hợp thức hóa giấy tờ cho những người thuộc diện trốn ở lại. Họ đã trốn sang đây, bây giờ họ lại lấy việc làm của chúng ta, không ai chấp nhận điều đó cả.” Vừa nói bà vừa giơ tay chỉ tấm biểu ngữ thật to được đoàn biểu tình căng ngay góc sân mang hàng chữ “phải dựng hàng rào an ninh” để ngăn chận làn sóng người trốn vào Mỹ. Cuộc biểu tình kết thúc với lời kêu gọi Quốc Hội không cho hành pháp cơ hội thực hiện “sắc lệnh ân xá cho những kẻ cố ý phạm pháp,” tức không cho những người thuộc tập thể này ở lại Hoa Kỳ, bất kể chuyện những người được Tổng Thống Obama chấp thuận cho ở lại là những người có con còn nhỏ sinh trưởng ở Mỹ.

Ðề nghị đó tức khắc được Hạ Viện thông qua ngay chiều hôm sau (Thứ Năm, mùng 3 tháng Mười Hai 2014). Với 219 phiếu thuận và 197 phiếu chống, Hạ Viện Cộng Hòa bỏ phiếu ủng hộ dự luật do Dân Biểu Ted Yoho của tiểu bang Florida soạn thảo. Dự luật quy định “tổng thống không được quyền tự ý cho phép những người cư trú bất hợp pháp được ở lại thay vì bị trục xuất” vì “điều này chỉ được ban hành bằng một đạo luật được Thượng và Hạ Viện thông qua.” Khi trình bày lý do tại sao lại bảo trợ cho dự luật, vị dân cử đại diện cho khối Tea Party miền Nam nói rằng, “Dự luật không nhắm vào mục tiêu nào khác hơn là nhằm nhắn gửi cho ông Obama biết rằng ông đã đi sai đường khi một mình tự ý ban hành luật mà không hỏi ý kiến của Quốc Hội.”

Thông qua Hạ Viện là một chuyện, có được Thượng Viện đồng ý cứu xét hay không lại là chuyện khác. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Jeff Sessions của tiểu bang Alibama ngợi khen Dân Biểu Yoho, xem dự luật như một dấu hiệu bày tỏ sự bất bình của các vị dân cử Cộng Hòa với vị tổng thống Dân Chủ, nhưng mặt khác cũng xác nhận dự luật này sẽ “không được Thượng Viện quan tâm tới.” Theo vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Alabama, “ông Yoho soạn thảo và bảo trợ dự luật này bằng cả tấm lòng của ông ta và Quốc Hội cũng cần phải lên tiếng nói về chuyện này, không thể để mặc cho Tổng Thống Obama lạm quyền.”

Không thể để mặc cho Tổng Thống Obama lạm quyền, nhưng chính đảng Cộng Hòa cũng đang ở thế bí, không biết phải giải quyết chuyện này như thế nào. Theo đề nghị của Tea Party - được sự tán thành của Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, đầu năm tới khi thật sự làm chủ cả Thượng lẫn Hạ Viện, các vị dân cử Cộng Hòa sẽ không thông qua ngân sách 2015 tức sẵn sàng đẩy chính phủ vào chỗ có thể sẽ phải đóng cửa. Ðề nghị này tức khắc gặp sự phản đối của nhiều vị dân cử Cộng Hòa, chẳng hạn như ông Tom Cole của tiểu bang Alabama cho rằng bài học lớn nhất cần phải nhớ là “chính phủ đã từng bị đóng cửa và dân chúng không bằng lòng, đồng thời “cũng chẳng đạt được mục đích gì cả, ngoại trừ sự giận dữ của dân chúng.”

Giải pháp thứ nhì được ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cho tất cả các bộ và cơ quan, ngoại trừ Bộ Nội An là bộ phận đặc trách di trú. Ông Boehner cho rằng đây là giải pháp hay nhất, “gây áp lực với tổng thống” buộc người lãnh dạo quốc gia phải thảo luận với lập pháp để tìm giải pháp chung khi muốn cải tổ luật di trú.

Phía Dân Chủ không tán thành điều đó. Xuất hiện trong cuộc họp báo với những nhà vận động cho tập thể di dân Latino, bà Trưởng Khối Thiếu Số Nancy Pelosi vừa lắc đầu vừa than “chẳng hiểu tại sao phe bên kia (Cộng Hòa) cứ tính chuyện đi thụt lùi,” thay vì “cùng với mọi người tiến về phía trước.” Vẫn theo bà Pelosi, “Chúng tôi sẵn sàng làm việc chung với họ để thông qua ngân sách quốc gia tài khóa 2015, nhưng chúng tôi không chấp nhận chuyện họ dùng ngân sách để trói tay tổng thống.”

Chưa rõ ý kiến của ông Boehner có được Thượng Viện ủng hộ hay không. Ðến tối Thứ Năm, văn phòng ông trưởng khối đa số (tương lai) Mitch McConnell chưa lên tiếng nói gì, trong lúc rạn nứt Dân Chủ-Cộng Hòa ở Hạ Viện mỗi lúc lại một thêm đậm nét, báo hiệu những cuộc bỏ phiếu tương lai vẫn có kết quả như hai năm vừa qua: khi bàn thảo về cải tổ luật di trú, chẳng đảng nào ủng hộ đảng nào khi bàn thảo cải tổ di trú, cho dù cả hai đều bảo sẽ làm việc chung với nhau.