Không chỉ hai con đường rất đẹp của Sài Gòn bị mất tên, mà hai thứ quí giá nhất của miền Nam là công lý và tự do cũng không còn nữa.
Những người ở tù chung với Vũ Hoàng Chương tại khám Chí Hòa thời gian sau tháng 4 năm 1975 kể lại rằng trong nhà giam Cộng Sản, một lần, khi nhắc chuyện đường sá thay tên ở Sài Gòn, nhà thơ hàng đầu của văn học Việt Nam thế kỷ XX (bằng một giọng chắc là ngán ngẩm lắm), đã đọc hai câu này:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do
Ở Sài Gòn, đường Công Lý chạy song song với đường Pasteur ngang tòa án sau tháng 4 liền bị đổi thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Tự Do (Catinat cũ) bị đặt tên mới là đường Đồng Khởi. Công Lý và Tự Do mất tiêu sau khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Đồng Khởi.
Chữ nghĩa của nhà thơ họ Vũ thật ghê gớm. Đối nhau chan chát. Hai câu đều mang tính chất tiên tri như người Việt Nam đã thấy quá rõ.
Không chỉ hai con đường rất đẹp của Sài Gòn bị mất tên, mà hai thứ quí giá nhất của miền Nam là công lý và tự do cũng không còn nữa. Vũ Hoàng Chương ra đi ít lâu sau khi ra khỏi tù (tháng 10 năm 1976).
Không như những cái tên lịch sử mà Cộng Sản thù ghét bị thay tên mới lập tức, đường Công Lý hoàn toàn không đụng chạm gì tới những người chủ mới của Sài Gòn cũng bị dẹp bỏ vì những người Cộng Sản rất dị ứng và thù ghét công lý. Trong khi tên đường Tự Do thì chỉ có chính phủ mới được quyền nhận vơ ghép vào giữa hai thứ mà họ chẳng hề đem lại cho cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Độc Lập và Hạnh Phúc.
Hai câu của Vũ Hoàng Chương ghép mấy cái tên đường cũ mới của Sài Gòn càng nghĩ càng thấy đúng.
Tuần qua, báo chí trong nước bỗng xôn xao hẳn lên vì hai cuốn sách cũng dính líu ít nhiều tới công lý qua những cái bìa của chúng.
Một cuốn có tựa đề là Bộ Luật Dân Sự Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014. Cuốn thứ nhì là Bộ Luật Hình Sự Và Văn Bản Hướng Dẫn Thi Hành 2014. Cả hai đều do nhà xuất bản Lao Động Xã Hội in và phát hành. Nếu chỉ có những hàng tựa của hai tập tài liệu về luật này thì đã không có gì để gây xôn xao suốt mấy ngày qua. Chính những cái bìa của hai cuốn sách đã tạo ra những phản ứng của các độc giả của nhiều báo trong nước. Hai cái bìa còn kèm theo những hình minh họa chắc để cho đỡ khô khan. Việc làm đó (kèm theo hình minh họa) cũng là chuyện bình thường. Bộ sách Triết của Linh Mục Trần Văn Hiến Minh cho học sinh ở cấp trung học hơn nửa thế kỷ trước sử dụng bức ảnh chụp tác phẩm điêu khắc Le Penseur của Rodin thì vừa đẹp vừa hợp lý. Cuốn luật dân sự dùng hình của một người đàn ông trên người có độc nhất một chiếc quần shorts rất ngắn, hai tay cầm hai chiếc bàn cân giống như một chiếc cân thiên bình. Người trình bày bìa cuốn sách dường như muốn dùng hình ảnh chiếc cân để gợi ý cho nội dung cuốn sách luật. Thay vì dùng hình ảnh của tượng nữ thần công lý của La Mã hay Hy Lạp thường thấy tại các pháp đình ở nhiều nơi trên thế giới với tay trái cầm thanh gươm hai lưỡi, tay phải cầm chiếc cân, hai mắt bịt kín tượng trưng cho công lý vô tư, công bình, thì bìa cuốn sách dùng bức ảnh người đàn ông mặc quần shorts ngắn cũn cỡn để tạo ra hình chiếc cân công lý.
Có điều khuôn mặt ghép cho thân hình lực lưỡng đó là hình chụp một diễn viên hài kịch nổi tiếng nghệ danh là Công Lý. Như thế, kịch sĩ hài hước Công Lý được cho thay thế nữ thần công lý trên bìa cuốn sách luật dân sự.
Nếu như cái mặt không phải là của diễn viên hài kịch, mà của một người không ai biết thì cũng tạm chấp nhận được đi. Nhưng ông ta lại là một nghệ sĩ chuyên đóng hài kịch thì bộ luật pháp, công lý là trò hề hay sao?
Bìa cuốn sách thứ hai, cuốn mang tựa đề Bộ Luật Hình Sự thì dùng hình của một chiếc cân với một bàn cân trên có một sấp đô la trông rất rõ, không thể lầm là bất cứ một thứ gì khác. Thế thì có phải là chẳng có cái quái gì là công lý cả. Cứ ấn cho một nắm đô la là xong hết hay sao? Đến nỗi chuyện chạy án cũng được bầy ra ngoài bìa sách thì việc hướng dẫn thi hành là bằng đô la chăng?
Sau khi có nhiều ý kiến không tốt về bìa hai cuốn sách, Cục Xuất Bản mới quyết định đình chỉ phát hành cả hai cuốn sách và phạt nhà xuất bản 252 triệu đồng.
Người vẽ kiểu bìa sách có thể là một người quá ngu dốt nên mới dùng chân dung một anh hề để làm bìa cho cuốn sách. Đáng lý bìa cuốn sách phải được trình bày một cách nghiêm túc thì nó được minh họa hài hước như vậy.
Nhưng cũng có thể người vẽ mẫu bìa cho cuốn sách luật dân sự là một người cực kỳ thông minh dùng nó để chửi cái chế độ không hề có công lý như câu chơi chữ của Vũ Hoàng Chương đã tiên đoán.
Hai cái bìa sách chỉ nói đúng được chuyện công lý ở Việt Nam thôi mà. Tịch thu rồi còn phạt làm khó nhau mà chi trong khi ai mà chẳng biết công lý thì tiêu từ khi có Nam Kỳ Khởi Nghĩa, hay nếu có thì cũng chỉ là trò hề thôi mà.