Trung Quốc đã chứng tỏ vô cùng mặc cảm đối với Hoa Kỳ trong chuyến công du mới đây của Tổng Thống Barack Obama đến dự Hội Nghị Thượng Đỉnh của Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu và Thái Bình Dương (APEC).
Khởi đầu với việc chặn các thông tin về ô nhiễm của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh và kết thúc những điều loan báo trên báo chí, Trung Quốc đã chứng tỏ vô cùng mặc cảm đối với Hoa Kỳ trong chuyến công du mới đây của Tổng Thống Barack Obama đến dự Hội Nghị Thượng Đỉnh của Diễn Đàn Kinh Tế Á Châu và Thái Bình Dương (APEC).
Họ đã làm đủ thứ, cấm đốt đồ mã cho đám ma, đóng cửa nhà hàng và xí nghiệp, cấm giao hàng và cấm nhiều triệu cái xe trên đường phố, cấm những nhà máy điện ở thành phố Thiên Tân kế cận khiến cho dân chúng phải co ro vì không có sưởi. Nhưng các lãnh tụ Trung Quốc vẫn không thể đạt được bầu trời xanh cho Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC với những dữ kiện từ tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh cho thấy ô nhiễm vẫn sáu lần cao hơn mức an toàn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Vậy thì còn có cách gì khác nữa không? Có chứ, cấm luôn không cho dân chúng biết về sự thật, về những thống kê của tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh.
Trong khi quý vị quan khách ngồi vào bàn tiệc, với những bộ đồ chén bát Giang Tây canh tân trông hết sức nhà quê, thống kê này, vẫn còn trên địa chỉ của tòa đại sứ cho thấy chỉ số về phẩm chất không khí là 203, rất không trong lành. Thống kê cũng cho thấy chỉ số PM 2.5, đo các vi vật là 154 microgram cho mỗi mét vuông. WHO nói mức an toàn hàng ngày là 25 micrograms.
Nhưng như tờ Washington Post tường thuật, những ứng dụng trên cellphones, tablets và các địa chỉ của Trung Quốc vốn thường xuyên cho số liệu của Hoa Kỳ cùng với con số chính thức của nhà nước, bỗng đột nhiên thấy con số của Hoa Kỳ biến mất, trong khi con số chính thức chỉ có 147 tức là “ô nhiễm nhẹ.”
Thật ra nhờ ơn nhà nước mà con số chỉ có 203 bởi trong tháng 10 vừa qua, những người chạy việt dã marathon ở Bắc Kinh đã phải đeo mặt nạ trong khi con số PM 2.5 của tòa đại sứ lên đến 344 microgram cho mỗi mét vuông. Dân chúng Bắc Kinh đã được dịp nói đến “Apec blue,” một giây phút nhẹ thở nhờ ơn APEC. Có người còn bảo “Bpec hay Cpec blue cũng còn hơn là không.”
TT Obama và CT Tập Cận Bình
Trong khi đó báo chí tìm đủ mọi cách để che dấu một sự thực là tuy Tổng Thống Barack Obama có thể không được dân chúng Hoa Kỳ thích vào lúc này nhưng ở Trung Quốc ông là một thần tượng.
Điều này đã làm chính quyền Trung Quốc tìm đủ mọi cách để dè bỉu, bôi xấu ông. Mọi đoạn video hay hình ảnh được phổ biến đều để nhằm làm giảm vị thế của khách đến thăm và đề cao ông Tập Cận Bình. Điều đó đúng không những với Tổng Thống Obama còn cả với các vị khách khác nữa. Nhưng trong trường hợp ông Obama thì nó đã trở thành nực cười và nhỏ mọn.
Ngay khi tổng thống đến phi trường, đoàn quân để ông duyệt qua đã được chọn để cao hơn tổng thống, một việc phải nói là đáng chú ý vì ông Obama nào phải là người lùn. Ông cao đến 6'1” (1.85m). Những đoạn phim khác cố tình chụp khi tổng thống không có tùy tùng đứng gần trong khi những nhân viên an ninh Trung Quốc, đúng là thuộc loại “khỉ đột” bao quanh, mục đích là để cho thấy ông có vẻ yếu thế.
Nhưng ngay lập tức trên Weibo, một website tương đương với Twitter ở Trung Quốc, đã có những lời biện minh cho tổng thống. Khi đài truyền hình nhà nước CCTV nói là tổng thống chậm rãi xuống phi cơ và duyệt đội quân danh dự, nhiều người chỉ ra ngay là tổng thống đi rất nhanh và xuống phi cơ cũng vậy, theo thói quen bình thường của ông. Khi ông bị chụp thấy nhai loại kẹo gum nicorette để cai thuốc lá, báo chí ồn lên phê bình là thất lễ, nhưng ngay lập tức có những lời bênh vực bảo là ông có làm vậy trong nghi lễ chính thức đâu, chỉ trong xe hơi khi đi tới chỗ họp. Khi báo chí chỉ trích ông không chịu dùng xe Hồng Kỳ của nhà nước, cũng lập tức có những lời bênh bảo xe Hồng Kỳ trông kênh kiệu so với xe Cadillac đen của tổng thống, trông sang trọng.
Và khi tổng thống rời Bắc Kinh đi Miến Điện trong chặng dừng chân tới của chuyến công du Á Châu của ông, các viên chức Hoa Kỳ tuyên bố cuộc viếng thăm thành công, chỉ ra một thỏa thuận chung kéo dài chiếu khán nhập cảnh, một thỏa thuận về mậu dịch kỹ thuật và một loan báo về chỉ tiêu khí thải nhà kiếng. Nhưng báo chí nhà nước Trung Quốc hầu như không nói gì đến những thỏa thuận này cả, tập trung việc tường thuật vào một điều khác hẳn.
Theo báo chí Trung Quốc, hai vị lãnh tụ đã đồng ý thúc đẩy và phát triển “một liên hệ mới giữa các cường quốc” dựa trên tôn trọng lẫn nhau và hợp tác như là những “cường quốc” bình đẳng. Việc này không thể đúng được, bởi cái câu “liên hệ cường quốc mới” đó đã là hoàn toàn không thể chấp nhận được về phía Hoa Kỳ kể từ khi ông Tập đề nghị hồi năm ngoái, và các viên chức Hoa Kỳ, kể cả tổng thống, đã cấm dùng.
Những đoạn ghi lại cuộc đối thoại trong các cuộc họp giữa hai bên cho thấy một trò chơi mèo chuột khi chính ông Tập hay một trong những viên chức của ông dùng câu này lập đi lập lại trong cố gắng làm cho ông Obama hay một trong các viên chức của ông công nhận câu nói đó.
Thái độ nhỏ mọn đó thực sự trong suy nghĩ của người Hoa là chuyện vô cùng quan trọng. Bởi câu đó tóm gọn viễn ảnh mà có vẻ như ông Tập đang có về một điều mà một số các nhà bình luận gọi là một diễn dịch Trung Quốc của Chủ Thuyết Monroe thời thế kỷ thứ 19 của Hoa Kỳ, khi Hoa Kỳ muốn dành quyền chế ngự Mỹ Châu. Có điều một sử gia đã chỉ ra là Chủ Thuyết Monroe sở dĩ hình thành là vì đế quốc đương đại lúc đó, đế quốc Anh, đã ngấm ngầm đồng ý và khuyến khích. Số là trong giai đoạn đó, Anh quốc không muốn Pháp và Tây Ban Nha vào Mỹ châu, nhưng Anh còn bận tay ở nơi khác, nên đã để Hoa Kỳ thao túng ở Mỹ châu để ngăn cản các cường quốc khác. Ngày nay thì không có vậy. Cường quốc đương đại là Hoa Kỳ không đồng ý cho Trung Quốc duy trì một Chủ Thuyết Monroe trong vùng Đông Á. Vả lại một sử gia cũng đã chỉ ra là ở Mỹ châu hồi đó không có những cường quốc như Nhật Bản có thể đứng lên thách thức.
Cũng phải thêm là trong suốt chuyến đi, hai bên đã nói cùng một vấn đề nhưng với ý nghĩa khác hẳn. Chúng ta cứ thử nhìn vào danh sách những điều hai bên đã bàn đến trong các cuộc họp. An ninh Internet là một vấn đề lớn đối với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc và quân đội đánh cắp bí mật của doanh nghiệp. Nhưng vào đúng ngày ông Obama đến Bắc Kinh đã có tiết lộ là chính phủ Trung Quốc đã tấn công mạnh mẽ vào Cơ Quan Bưu Điện Hoa Kỳ. Khi họ bàn chuyện khủng bố, tổng thống muốn nói đến Islamic State ở Iraq và Syria trong khi Trung quốc muốn nói đến những nhóm thiểu số ở Tân Cương mà Hoa Kỳ thì coi như đang bị đàn áp nhân quyền bởi Trung Quốc. Khi hai bên bàn chuyện mậu dịch và đầu tư, Hoa Kỳ muốn củng cố trật tự hiện hữu do Hoa Kỳ lãnh đạo trong khi Trung Quốc đang xây dựng một cơ chế song hành với ngân hàng phát triển riêng của họ, các thỏa thuận song phương và một “con đường lụa” mới.
Nhưng sau cùng thì không phải xét đoán của các quan chức Trung Quốc mà là của các quốc gia khác cũng như của người dân của họ mới là quan trọng.
Các quốc gia láng giềng đã không nhượng bộ Trung Quốc vì điều mà Trung Quốc đề nghị không phải là một trật tự thế giới mới mà là một trật tự đế quốc mới trong đó mọi quốc gia đều là chư hầu của Trung Quốc. Trong khi dân chúng, ngay cả các nhà kinh doanh của Trung Quốc vẫn coi Tổng Thống Obama như là một thần tượng bởi ông đã đưa ra một cái gì mà họ đều ao ước. Chả thế mà họ đều muốn gửi con đi học ở Hoa Kỳ. Ngay chính con gái ông Tập cũng đang theo học ẩn danh ở Harvard.