main billboard

Ông quên chuyện phòng thủ lãnh thổ mà đem chuyện Mác-Lê Nin ra xin sỏ. Ông làm như Mác-Lê Nin là vũ khí giết được kẻ thù và cố tình không thèm biết cái chủ thuyết ấy nó đã hôi ê từ lâu lắm rồi.


Tin thật là vui,

Vui vì hai người Việt, thuần Việt, đặc sệt Việt nhưng được Vương quốc Campuchia phong lên tới chức Đại tướng quân do có công tu bổ, cải tiến và cuối cùng là chế tạo hẳn ra một loại xe bọc thép có khả năng ngang với loại mà Nga  chế tạo trước đây. Dĩ nhiên là mức độ thông minh, tối tân thì chưa bằng các nước tân tiến nhưng chắc chắn một điều là .. . hơn hẳn Việt Nam, nơi có Bộ quốc phòng ngày đêm nặn óc tính toán sao cho có thêm nhiều tướng lãnh, thay vì nhiều xe bọc thép, dù là xe bọc thép tự tạo.

Chức danh Đại tướng quân dĩ nhiên là không ăn lương, không được dân chúng Campuchia biết mặt biết tên và chào kính mỗi khi ra đường nhưng hãnh diện, tự hào thì có lẽ cả hai cha con ông Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh đều có cảm giác không tránh khỏi.

Và họ cũng không tránh khỏi nỗi niềm thất vọng, chen lẫn xót xa khi cống hiến của mình không phải cho Việt Nam, nơi họ được sinh ra và lớn lên mà đất nước khác, con người khác được hưởng thành quả này một cách may mắn.

sangche xetangÔng Trần Quốc Hải và gia đình với những xe thiết giáp do cha con ông làm ra

Bản tin của báo chí cho biết "Trong những lần qua Campuchia để hỗ trợ kỹ thuật máy trồng mì, ông Hải thấy một số xe bọc thép không khởi động được. Ông Hải đã tự bỏ tiền túi tổng cộng 25.000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên Xô cũ sản xuất).

Chiếc xe bọc thép BRDM 2 sau khi sửa có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100 km so với trước đây là 45 lít, tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150 m của xe cũ, tháp pháo tự động.

Sau thành công của chiếc xe, ông Hải được lữ đoàn 70 giao sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một xe bọc thép mới.

Sau bốn tháng, ông đã hoàn thành chiếc xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn. Chiếc xe bọc thép mới với vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe".

Có lẽ chức danh Đại tướng quân của ông Hải đã làm cho niềm cảm hứng từ cụm từ "anh em tâm tư lắm" của Đại tướng Phùng Quang Thanh trở nên mặn mà hơn. Hôm 6 tháng 11 vừa qua trong phiên họp Quốc hội về dự thảo sửa đổi về Luật sĩ quan Quân đội nhân dân, Đại tướng Thanh đưa ra đề nghị phong tướng cho lãnh đạo của Học Viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện quân y và kể cả khoa Mác Lê Nin.

Nói trước Quốc hội ông đại tướng than thở: “Quá trình thẩm định có ý kiến cho rằng giảm xuống Đại tá, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì trình ra Quốc hội. Nếu Quốc hội cho phép để lại là Thiếu tướng tôi cho là rất mừng. Ban soạn thảo rất tâm tư, tôi trình mà Quốc hội không bấm nút hai khoa này không Thiếu tướng thì tôi về thuyết phục anh em rất khó. Người ta sẽ hỏi là thế bây giờ Khoa Mác-Lê Nin không quan trọng à? Khoa khác quan trọng thế khoa này thì sao, hay là anh có vấn đề gì, rất là khó các đồng chí ạ".

Hình như ông Đại tướng chỉ nghĩ tới anh em cánh hẩu của ông, xin sỏ công khai trước quốc hội một điều phi lý và trẻ con mà một nhà quân sự cao cấp không được quyền nói. Ông quên xin những điều cần thiết cho người lính là ngân sách để hiện đại hóa quân đội. Ông quên lính để nghĩ tới quan, tới tướng. Ông quên chuyện phòng thủ lãnh thổ mà đem chuyện Mác-Lê Nin ra xin sỏ. Ông làm như Mác-Lê Nin là vũ khí giết được kẻ thù và cố tình không thèm biết cái chủ thuyết ấy nó đã hôi ê từ lâu lắm rồi.

Lời kêu van thống thiết của ông trước Quốc hội chưa được giải quyết thì nước bạn ban cho ông ngay một Đại tướng quân, người hoàn toàn có khả năng lãnh đạo Học viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam.

Không phải chỉ có Campuchia mới thừa nhận tài năng của Việt Nam, Malaysia đã từng làm như thế.

Câu chuyện của ông Phan Bội Trân và chiếc tàu ngầm mini du lịch Yết Kiêu có lẽ sẽ khiến cho trí thức Việt Nam mất ngủ. Ông Trân vừa ký hợp đồng sản xuất cho Malaysia vào đầu tháng 9 năm chiếc tàu ngầm do ông sáng chế. Sau khi hợp đồng này đi vào thực hiện ông Phan Bội Trân sẽ cung cấp kỹ thuật để Malaysia sản xuất tiếp 25 chiếc khác phục vụ kỹ nghệ du lịch của họ.

Hợp đồng này đã đánh một tiếng chuông cảnh tỉnh nền công nghiệp sáng chế Việt Nam nó cho thấy sự trì trệ của hệ thống rõ ràng quá nặng nề trong khi bộ máy cầm quyền không hề thiếu các loại ban bệ để thực hiện.

Tuy nhiên nhìn ra những yếu kém, tụt hậu đó không phải là sự dễ dàng. Quan chức Việt Nam vốn không có thói quen ấy và cách trả lời của họ trước các vấn đề có tính cách cốt lõi luôn giống nhau: cả vú lấp miệng em, tìm mọi cách để chống chế và né tránh trách nhiệm của mình.

Người điển hình trong vụ này là Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Trả lời báo chí ông Quân thẳng thừng bác bỏ cái gọi là hoạt động khoa học công nghệ của bà con nông dân:

"Trong số hoạt động khoa học công nghệ của bà con nông dân, có nhiều sáng kiến để phục vụ sản xuất. Trong số những sáng kiến ấy, có những cái được nâng lên thành sáng chế, nếu nó mới và chưa từng được phát hiện, hay được áp dụng ở đâu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có một số sản phẩm của người nông dân mặc dù có tính mới, áp dụng được, nhưng để gọi là sáng chế thì chưa thật chính xác.

Tôi ví dụ như với tàu ngầm Yết Kiêu của ông Phan Bội Trân và Trường Sa 01 của doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao ý tưởng sáng tạo cũng như tinh thần khoa học của người dân.

Thế nhưng, về mặt nguyên lý mà nói thì những sản phẩm này đã được người ta sáng chế, phát minh từ nhiều thập kỷ. Có điều, những sản phẩm trên được nổi tiếng chỉ là do người dân Việt Nam lần đầu tiên làm mà thôi.

Mặc dù đánh giá rất cao tinh thần khoa học của người dân, nhưng nếu chúng ta gọi đây là những sáng chế có tầm quan trọng rất đặc biệt với khoa học thì không phải.

Những sản phẩm này chỉ chứng tỏ tại một xưởng thủ công với một vài cá nhân quan tâm tới khoa học, ở trong điều kiện còn rất khó khăn cũng có thể làm ra được những sản phẩm ở trình độ nhất định

Tôi cho rằng, ngay cả khi những sản phẩm này có được thử nghiệm thành công thì khả năng để thương mại hóa hay để rất nhiều người trong xã hội sử dụng, thậm chí xuất khẩu ra các nước là một bài toán lâu dài, phụ thuộc vào cơ chế thị trường, nhất là khi Chính phủ chưa có chủ trương chế tạo tàu ngầm, máy bay".

Cái gọi là đánh giá cao ấy có một khiếm khuyết rất quan trọng: Ông không đánh giá bằng quan điểm của một Bộ trưởng Khoa học và Công nghiệp, ông nhìn những sáng kiến, thậm chí những thành tựu ấy bằng đôi mắt của một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông khi bước vào môi trường đại học choáng ngợp trước những thành tựu vĩ đại của thế giới.

Ông quên rằng dưới trướng của ông có bao nhiêu Giáo sư, Tiến sĩ làm được điều này? Ngay cả một con ốc vít cũng không xong thì nói chi tới tàu ngầm máy bay, xe tăng các loại.

Ông không nhìn thấy tiềm năng của người có sáng kiến. Không những ông hủy hoại chúng bằng tầm nhìn thiển cận mà còn lớn tiếng trước dư luận không nên ca ngợi những thành tựu của họ nữa. Ông GATO và ông nhỏ mọn. Ông không có cái nhận thức của một lãnh đạo và vì thế ông chỉ biết nói "đánh giá cao", kính nhi viễn chi đối với họ để tới khi xe bọc thép của cha con ông Trần Quốc Hải được Campuchia ca tụng và đặt hàng, rồi Phan Bội Trân bán hợp đồng chế tạo cho Malaysia thì ông ăn nói sao đây?

Ông còn nhỏ, nghèo và yếu nhưng vẫn lớn lối theo kiểu "anh là nông dân thì làm được cái gì?". Trong khi Mỹ nó lớn và mạnh là thế mà nó vẫn mang chiếc trực thăng của ông Trần Quốc Hải sáng chế trước đây trưng bày tại Viện bảo tàng New York như một thành quả đáng chiêm ngưỡng. Họ chiêm ngưỡng cái tư tưởng không sợ là kẻ đi sau. Họ chiêm ngưỡng vì một nông dân không có bằng Giáo sư hay Tiến sĩ vẫn âm thầm sống và làm việc với ước mơ vượt khó của mình. Họ không tự ti như ông mặc dù họ đã lên tới mặt trăng bằng phi thuyền và bây giờ đang chinh phục sao hỏa, thế nhưng chiếc máy bay thô sơ của ông Hải vẫn được họ trân quý, vì sao ông biết không?

Vì họ luôn yêu thương quá khứ và không ngớt suy nghĩ tới tương lai.

Quá khứ của họ như chiếc máy bay thô sơ của ông Hải hiện nay, và họ biết rằng trong vài thập niên tới Việt Nam sẽ vươn lên từ chiếc phi cơ dễ gãy này. Họ trân quý nó và họ biết sự trân quý ấy làm cho dân chúng Hoa Kỳ rút ra những bài học vô giá: phát kiến khoa học lúc nào cũng là que diêm châm ngòi cho những công trình vĩ đại.

Ông không có quá khứ để thương yêu và vì thế tương lai chỉ là một khái niệm mập mờ dễ ngã sang hồ đồ nếu cứ vung vít nói những điều siêu thực.