“cả 2 phía không hứa cuội, nhưng họ chỉ hứa suông, nói cho có chứ chẳng làm được gì cả đâu.”
“Ðừng vội mừng,” một nhà báo bạn từ xa về thăm thủ đô Washington D.C. nói trong lúc đang dán mắt vào TV để xem cuộc họp báo của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sau ngày đảng Dân Chủ thua đậm ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2014.
Khi thấy nhà lãnh đạo nước Mỹ nhắc đi nhắc lại câu “sẵn sàng làm việc chung với phía Cộng Hòa,” anh bảo ngay “họ hứa là hứa cho vui thôi, chứ thật sự chính họ cũng biết không thể nào bắt tay làm việc chung được.” Cộng Hòa-Dân Chủ, theo anh, “từ ngày ông Obama lên làm tổng thống đến giờ chẳng khác gì mặt trời mặt trăng, làm sao bắt tay nhau được.” Anh bạn chuyên viết tin quốc phòng những thích bàn chuyện chính trị nói thêm “cả 2 phía không hứa cuội, nhưng họ chỉ hứa suông, nói cho có chứ chẳng làm được gì cả đâu.”
Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) sẽ là lãnh tụ đa số Thượng Viện Mỹ vào năm tới. (Hình: Win McNamee/Getty Images)
Ðiều đó không sai. Cứ nhìn vào cuộc họp báo của Tổng Thống Obama và của Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell thì thấy ngay. Người đang lãnh đạo hành pháp cho biết vì Quốc Hội Liên Bang không chịu giải quyết số phận của hơn 12 triệu người cư trú bất hợp pháp, nên từ bây giờ đến cuối năm ông sẽ sử dụng quyền hạn tổng thống để ban hành sắc lệnh để một số không nhỏ tập thể này có thể tạm ở lại thay vì bị trục xuất và được phép đi làm. Vài phút trước đó trong một cuộc họp báo, thủ lãnh Thượng Viện Cộng Hòa là Thượng Nghị Sĩ McConnell nói thẳng thừng: “Nếu tổng thống tự một mình hành động (về vấn đề di trú mà không thông qua Quốc Hội) thì đó là một sai lầm lớn,” ông Chủ Tịch Hạ Viện Cộng Hòa John Boehner thì bảo “nếu làm điều đó, ông ta (Tổng Thống Obama) sẽ tự đốt cháy mình,” ám chỉ sẽ gặp sự chống đối mãnh liệt từ phía Quốc Hội. Một phụ tá đặc biệt của vị nghị sĩ sắp sửa giữ vai trò Trưởng Khối Ða Số Thượng Viện trình bày thêm với các nhà báo ở D.C.: “Trong trường hợp Tổng Thống Obama tự ý làm những điều ông muốn mà không hỏi ý kiến Quốc Hội, coi như mọi hy vọng làm việc chung sẽ tiêu tan.”
Chưa biết “hy vọng làm việc chung có tiêu tan hay không” nhưng một trở ngại khác cũng đã hé lộ và khiến cho các nhà quan sát chính trị Hoa Kỳ phải nhức đầu: luật bảo hiểm y tế. Ðây là đạo luật do Tổng Thống Obama đệ nạp, được thông qua từ thời đảng Dân Chủ còn nắm quyền kiểm soát cả Thượng lẫn Hạ Viện dù không được một lá phiếu ủng hộ nào của bên Cộng Hòa.
Theo trình bày của Thượng Nghị Sĩ McConnell, “nếu có thể làm, đương nhiên tôi sẽ hủy bỏ hẳn đạo luật này” và điều đáng tiếc hơn nữa là “ông ta (Obama) vẫn còn ngồi đó.” Vì vậy, trong những ngày tháng tới đảng Cộng Hòa sẽ thảo luận về 3 điểm được ghi trong đạo luật y tế: thứ nhất, bỏ điều khoản bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm y tế (nếu không sẽ bị phạt); thứ nhì: bỏ hẳn những khoản thuế mà các công ty chế tạo dụng cụ y khoa phải đóng; thứ ba, hạn chế số tiền chính phủ phải bỏ ra để trợ giúp dân chúng mua bảo hiểm y tế. Theo Thượng Nghị Sĩ McConnell “điều khoản bắt buộc dân chúng phải mua bảo hiểm là điều khoản mọi người đều bực mình,” theo lời Tổng Thống Obama “đây là điều khoản bằng mọi cách phải giữ, tôi không bao giờ buông điều này.”
Bên cạnh những đối đầu chính trị giữa hành pháp và lập pháp, ngay trong nội bộ của đảng Cộng Hòa cũng sẽ có khó khăn. Lý do: những thượng nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa mới đắc cử đều nhờ sự ủng hộ của tập thể cử tri bảo thủ, và đương nhiên tập thể này đòi hỏi đại diện của họ ở tòa nhà Quốc Hội Liên Bang phải thực hiện đúng những gì đã cam kết lúc vận động tranh cử, tức “phải cứng rắn, bằng mọi giá không được nhượng bộ,” theo nhận xét của ông Martin Downey, một thành viên nòng cốt của Tea Party, nhóm chính trị bảo thủ thuộc đảng Cộng Hòa.
“Chúng tôi không đòi hỏi hơn, nhưng cũng nhất định không chịu kém,” ông Downey nói. “Lập trường của những người bảo thủ là không chấp nhận nhượng bộ những kẻ có tư tưởng cấp tiến quá mức như ông Obama và chính quyền của ông ta.” Vì thế, “ngay từ ngày đầu chúng tôi đã dồn hết công sức cho những người có cùng quan điểm với mình, họ sẽ nói tiếng nói thay cho chúng tôi.”
Nếu phát biểu của ông Downey chưa đủ mạnh hoặc chưa rõ nghĩa, đã có phát biểu của bà Jenny Beth Martin, đại diện chính thức cho tập thể cử tri ủng hộ Tea Party (The Tea Party Patriots). Xuất hiện chung với những người cùng chí hướng ngay sau ngày cuộc bầu cử giữa kỳ kết thúc, bà Martin bảo “chúng ta đã đi đúng đường,” hãnh diện nói “người của chúng ta bây giờ đông hơn, có mặt ở cả Thượng và Hạ Viện, không có lý do gì chúng ta sẽ thất bại.”
Ðiều đó có nghĩa là lực lượng bảo thủ cứng rắn của đảng Cộng Hòa sẽ không chấp nhận nhượng bộ, sẽ làm mạnh hơn những gì họ đã làm trong 2 năm vừa qua. Ðiều đó cũng có nghĩa là dù những vị dân cử Cộng Hòa có sẵn sàng bắt tay làm việc với hành pháp đi chăng nữa, họ cũng khó có thể vượt qua rào cản do chính những vị dân cử cùng đảng dựng lên.