“Thành ra, khi mọi sự trở thành quá khó chịu cho hàng lãnh đạo đảng Cộng Sản, hay là khi họ đã hết kiên nhẫn, liệu giải pháp cuối cùng cho cuộc phản đối hôm nay cũng như năm nào chăng?”
Ai cũng biết một trong những nhân vật nổi bật nhất trong những người biểu tình ở Hồng Kông là Joshua Wong Chi-fung, một sinh viên vừa bước chân vào đại học mới có 17 tuổi gầy ốm, đầu tóc hơi bù xù, cặp kính cận vuông che nửa khuôn mặt xương xương.
Wang Dan, một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên năm 1989. (Hình: BBC)
Joshua tuy vậy không phải là tay mơ. Năm 2012, khi mới 15 tuổi, Joshua tổ chức phong trào Scholarism, một phong trào của các học sinh trung học thành lập nhằm chống lại cố gắng của Bắc Kinh ép buộc chính quyền Hồng Kông đưa vào chương trình học môn “giáo dục yêu nước.” Và với các bạn học sinh, Joshua đã thành công tổ chức một cuộc biểu tình lên đến 100,000 người để chống lại chương trình học này. Ðối diện với con số khổng lồ của cuộc biểu tình, với một số học sinh bắt đầu tuyệt thực, Hành Chánh Trưởng Quan Lương Chấn Anh, lần đầu tiên đụng độ với Joshua, đã phải thụt lùi và chương trình đó bị hủy bỏ.
Lý do Joshua và các bạn của mình chống lại sự áp dụng chương trình đó cũng rất đặc biệt. Họ không sợ cho chính mình vì họ bảo họ hiểu biết rồi, nhưng sợ cho thế hệ đàn em, lớn lên bị nhồi sọ, tẩy não, nhận những điều sai sự thật mà Bắc Kinh gọi là lịch sử làm sự thật, và tệ hơn nữa không biết sự thật là gì.
Nhưng Joshua còn hoạt động sớm hơn thế nữa. Mới 13 tuổi, Joshua đã xuống đường chống lại kế hoạch xây dựng một hệ thống đường xe lửa cao tốc nối liền Hồng Kông với Hoa Lục. Hai năm sau, Joshua thành lập Scholarism. Và kể từ thành công trong cuộc vận động chống thay đổi chương trình học năm đó, Joshua trở thành một lãnh tụ.
Hôm thứ sáu tuần trước, sau một tuần lễ bãi khóa của sinh viên và sau đó học sinh, Joshua đang tham gia một nhóm vài trăm học sinh trung học bên ngoài trụ sở văn phòng chính phủ Hồng Kông nhìn xuống hải cảng. Lúc đó đã là 10 giờ đêm, và một số học sinh bắt đầu mỏi mệt, tính chuyện rút lui. Thấy vậy Joshua nắm lấy micro. “Các bạn, khoan đi đã,” Joshua năn nỉ với giọng tiếng Quảng rắn chắc. “Làm ơn cho tôi một chút thể diện và nghe tôi một chút trước khi bỏ đi.” “OK!” các học sinh khác đã trả lời.
Và trong khi Joshua nói chuyện, Alex Chow và Lester Shum, hai người bạn đã cùng Joshua tổ chức Scholarism, đột nhiên xông vào các bức hàng rào cao ba mét và cây cổng đồ sộ bảo vệ khu văn phòng chính quyền lãnh địa, vừa chạy miên vừa la “Tiến lên, Xông vào.”
Cảnh sát bắt Joshua ngay tại chỗ. Alex và Lester bị bắt ngày hôm sau.
Nhưng may mắn thay cho họ là họ sống ở Hồng Kông. Những giới hạn pháp lý trên quyền lực của nhà chức trách đã chẳng mấy chốc cản trở cố gắng của họ loại các lãnh tụ sinh viên này ra khỏi vòng chiến.
Ở tòa án hôm Chủ nhật, Thẩm Phán Patrick Li Hon-leung ra lệnh phải trả tự do ngay cho Joshua, cho Joshua được hưởng “writ of habeas corpus.” Ðây là di sản của chế độ tư pháp Anh theo đó tòa có quyền đòi nhà cầm quyền phải đưa trình diện người bị bắt và phải chứng minh sự bắt bớ người đó. Nếu người bị bắt biện minh được thành công là việc bắt giam mình là một vi phạm quyền hiến định thì thẩm phán có thể trả tự do ngay tại chỗ.
Joshua sẽ không có được sự bảo vệ đó ở Hoa Lục nơi mà quyền tương tự, hay bất cứ quyền công dân nào khác không được bảo vệ và nơi các lãnh tụ đối lập thường xuyên bị đánh đập và bắt giam vô hạn định không xét xử.
Theo luật sư của Joshua, ông Michael Vidler thì Thẩm Phán Li nói tại tòa là tình hình có thể khác đi nếu Joshua đã không bị giữ quá lâu như vậy. Trong hai ngày Joshua và các bạn của mình bị giữ không có cáo buộc, nhiều chục ngàn người biểu tình đã đổ đến trước các văn phòng của chính quyền và ba quận khác của thành phố. Khoảng một giờ trước khi thẩm phán ra lệnh trả tự do cho Joshua, cảnh sát chống biểu tình đã bắn hơi cay vào đám đông trong cố gắng giải tán đám đông. Lần đầu tiên từ nhiều thập niên nay mà những biện pháp như vậy đã được sử dụng chống lại những người biểu tình ở Hồng Kông.
Trong khi chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh đang tính chuyện làm sao giải quyết được cuộc biểu tình, phong trào phản đối bị chế ngự bởi sinh viên đã là một nhắc nhở cho ông Tập Cận Bình và hàng lãnh đạo đảng đến một cuộc biểu tình khác ở Thiên An Môn cách đây 25 năm vào tháng 6 năm 1989. Và các sinh viên, học sinh, nhất là sinh viên học sinh Hồng Kông, hàng năm chứng kiến những cuộc biểu tình khổng lồ để ghi nhớ Thiên An Môn, không quên điều đó. Ở góc Sogo của Causeway Bay, khu có thể nói là tương đương với Times Square của New York, những người biểu tình đã dựng lên một tấm bảng lớn mang hàng chữ “Ðừng lập lại Lục Tứ.” (Lục Tứ Vận Ðộng là một trong những cách người Hoa gọi phong trào của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989).
Dĩ nhiên không ai có thể không so sánh hai phong trào này. Tôi có hai người bạn đồng nghiệp cũ ở đài BBC, một người đã từng tường thuật về vụ Thiên An Môn năm nào và một người mới viết một cuốn sách về Thiên An Môn. Tim Luard, một trong những phóng viên của đài BBC đã có mặt và tường thuật suốt bảy tuần ở Thiên An Môn và nay đang sống ở Hồng Kông đã so sánh sự giống nhau của hai phong trào.
Anh nói đến ngay cả cảm tình của những người dân khác đối với những người biểu tình cũng giống nhau.
Cuộc biểu tình và tinh thần lạc quan của các sinh viên đã tạo nên một bầu không khí ấm áp khiến cho ngay cả những quan lại cứng ngắc cũng cười nói tham gia một cách tự nhiên với người biểu tình. Tim Luard còn nói ở nhiều khía cạnh hai phong trào giống nhau. Các sinh viên cũng vô cùng trật tự, hòa nhã và lễ phép.
Khi đối diện với cảnh sát chống biểu tình, chiến thuật của họ lúc đó cũng như ngày nay là lý luận và đối thoại, nhượng bộ để rồi quay trở lại.
Joshua Wong, lãnh tụ sinh viên hôm nay. (Hình: BBC)
Tim còn nhớ là ngay cả những danh từ mà Bắc Kinh đưa ra để lên án các thanh niên này nghe cũng quen thuộc: họ đang làm hại đến “ổn định xã hội” và là do “các thế lực thù địch ngoại lai” xúi bẩy. Tim còn đưa ra hai tấm hình: Một là Wang Dan, một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên năm 1989 và hai là Joshua Wong. Trông khuôn mặt họ cũng hao hao giống nhau.
Rồi Tim đặt câu hỏi: “Thành ra, khi mọi sự trở thành quá khó chịu cho hàng lãnh đạo đảng Cộng Sản, hay là khi họ đã hết kiên nhẫn, liệu giải pháp cuối cùng cho cuộc phản đối hôm nay cũng như năm nào chăng?”
Anh viết, “Nhiều trăm nếu không nói nhiều ngàn người chết khi xe tăng và binh sĩ nổ súng bắn đạn thật tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Không thể tưởng tượng được là Trung Quốc sẽ một lần nữa sử dụng vũ lực, biến 'Umbrella Man' thành 'Tank Man,' trước sự chứng kiến của báo chí thế giới. Nhưng đã có rất ít người trong chúng tôi vào lúc đó nghĩ là quân đội sẽ nổ súng bắn vào những sinh viên không có tấc sắc trong tay ở thủ đô Trung Quốc, nơi mà lúc đó cũng có rất nhiều nhà báo ngoại quốc.”
Tim Luard nhắc chúng ta là chính quyền Bắc Kinh đã vượt được cơn bão tố dư luân sau đó, và nay đã thành công xóa bỏ hầu hết kiến thức về biến cố đó trong dân chúng mình, ngoại trừ dân Hồng Kông. Nay thì Trung Quốc giàu có hơn và có liên hệ với thế giới bên ngoài nhiều hơn cách đây một phần tư thế kỷ. Và với quyền hành mới cũng kèm theo niềm tự tin mới để muốn làm gì thì làm.
Vả lại, Tim viết, “Giải pháp khác ngoài đàn áp vào lúc này là nhượng bộ... và nhượng bộ cho đòi hỏi bầu cử tự do thực sự thì không thể tưởng tượng được.”
Người phóng viên đã chứng kiến Thiên An Môn đã tỏ ra vô cùng bi quan. Với sự thách thức càng kéo dài càng có triển vọng lây lan sang những phần khác của Trung Quốc, cũng như ngày nào cách đây 25 năm khi cuộc biểu tình đã lây sang cách thành phố khác vì đã được để cho kéo dài quá lâu ở Bắc Kinh, Tim Luard kết luận, “Có những người Bắc Kinh hôm nay có thể nói là Hồng Kông không thể được cho phép kéo dài cuộc nổi loạn quá lâu.”
Nếu Tim Luard biết đến Thiên An Môn như là một nhân chứng của lịch sử thì Louisa Lim biết đến Thiên An Môn như là một sử gia. Louisa đã viết một cuốn sách về Thiên An Môn mang cái tên “The People's Republic of Amnesia: Tianamen Revisited” để chứng tỏ sự xóa sạch ký ức của Thiên An Môn tại Hoa Lục.
Và Louisa, một người Hồng Kông, đã rất bi quan “Hồng Kông chưa phải là một Thiên An Môn nữa, nhưng khi hai sự việc được nói đến cùng một lúc cho thấy Bắc Kinh không cần phần còn lại của thế giới nghĩ gì.”
Thực sự tôi hy vọng cả Tim Luard lẫn Louisa Lim sai. Tôi muốn nghĩ là chế độ pháp trị và tinh thần “fair play” mà Thẩm Phán Patrick Li Hon-leung là đại diện sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh không làm được điều họ đã làm ở Thiên An Môn tại Hồng Kông.
Tôi hy vọng là Joshua Wong có thể làm được những điều mà Wang Dan đã không làm được.