Người dân đã thật sự đối xử với công an giống y hệt đối xử với phường trộm cướp.
Tuần vừa qua, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xôn xao vụ một cán bộ công an về hưu bị đánh chết, bầm dập mình mẩy, sau đó kẻ thủ phạm đã mang xác viên công an này vào bãi tha ma để treo cổ lên ngọn cây…
Câu chuyện nghe ra rùng rợn và dã man, người chết phải chết hai lần, kẻ sống cũng chẳng vui vẻ gì khi nhúng tay giết người. Nhưng không hiểu sao nhiều người lại cảm thấy thoải mái, khoái chí khi nghe chuyện này, thậm chí có người buộc miệng: “Chó chết mèo cũng nhăn răng”!”.
Có lẽ, đến nước này thì cũng nên xem lại mối quan hệ giữa công an nhân dân và nhân dân Việt Nam mấy chục năm nay. Xem lại thành tích của nhân dân, thành tích của công an nhân dân, xem lại tương tác giữa hai bên. Và, một bản kê khai sơ bộ thành tích của công an nhân dân dành cho nhân dân nghe ra kinh hoàng hơn cả thời thực dân, phong kiến!
Hình ảnh nạn nhân bị thiệt mạng do sự tra tấn man rợ của công an CSVN
Trong vòng chưa đầy mười năm, đã có trên một trăm vụ người dân chết tức tưởi trong đồn công an từ cấp xã đến cấp huyện. Điểm đặc biệt là mọi cái chết của dân oan đều chết tại công an xã hoặc công an huyện, ít có khi nào công an tỉnh dính vào, công an bộ thì càng không. Và, người ta khẳng định ngay là viên công an bị đập chết này có thể là công an phường hoặc công an quận.
Chuyện ông ta là công an phường hay công quận không phải là vấn đ0ề quan trọng nữa, vì suy cho cùng thì công an nào cũng là công an thôi. Vấn đề cần bàn ở đây là tại sao người dân lại thấy hả hê, dửng dưng và đôi khi đánh ăn hôi mỗi khi có công an bị đánh?
Như trường hợp một viên cảnh sát giao thông bị một thanh niên kẹp cổ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, trước một siêu thị lớn có hàng trăm người đứng chứng kiến nhưng không có ai xông vào can ngăn. Thậm chí người ta còn đứng coi một cách thoải mái, khoái chí. Ở chuyện khác, một công an bị dân vây đánh tại Trảng Bom, Đồng Nai, nếu cảnh sát 113 không kịp đến giải cứu kịp thời, có lẽ viên công an này cũng có số phận chẳng khác nào những tay trộm chó bị đánh chết, đốt xe, đốt người ở phía Bắc.
Người dân đã thật sự đối xử với công an giống y hệt đối xử với phường trộm cướp. Đó là sự thật không thể chối bỏ! Vấn đề đó nói lên điều gì? Kể từ những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975, người dân miền Nam nói riêng và cả hai miền đất nước nói chung phải đối diện với một đời sống hoàn toàn mới lạ, sự hà khắc và tàn bạo cũng bắt đầu thể hiện thông qua những chính sách nhà cầm quyền ban hành.
Trong đó không thiếu những người miền Bắc di cư vào Nam phải rớt nước mắt khi nhìn đồng loại miền Nam của mình bị tịch thu trắng tay, bị đày đọa trắng máu, cái chết và sự khổ nhục của nhân dân miền Nam có liên quan đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã khiến cho đa số những người miền Bắc di cư phải suy nghĩ lại cái thứ lý tưởng mà lâu nay họ theo đuổi – lý tưởng Cộng sản xã hội chủ nghĩa!
Và cũng chưa bao giờ quyền lực của công an được phát triển như những ngày sau 30 tháng 4 năm 1975. Vì trước đây, ngay cả nhân dân miền Bắc cũng chưa bao giờ nhận thấy công an nguy hiểm và hung ác. Bởi trước 1975, mọi nguồn lực chỉ dành cho chiến tranh, dành cho quân đội để tấn công miền Nam, ngành công an chưa được làm cha thiên hạ như sau này. Chỉ khi hai miền đất nước thu về dưới tay nhà nước Cộng sản thì người ta mới nghĩ đến chuyện tiêu diệt những “kẻ phản động”, triệt tiêu những “mầm mống phản động”. Và công an lên ngôi từ đó.
Sự lên ngôi của ngành công an, rất tiếc là sự lên ngôi của bạo lực và man trá, sự lên ngôi của “còn đảng còn mình”, sự lên ngôi của một chính quyền công an trị, lấy sức mạnh bạo lực công an làm nền tảng thay thế cho sức mạnh pháp luật, thay vì kiến tạo một đất nước trên tinh thần pháp luật thượng tôn thì người ta lại dùng tinh thần độc tài chuyên chế để áp đặt nhân dân dựa trên cơ sở bạo lực thượng tôn.
Và cái tinh thần bạo lực thượng tôn của nhà cầm quyền Cộng sản đã phát huy một cách hiệu quả nhất với nhân dân. Nhân dân không dám nói tiếng nói của mình, từ suy nghĩ cho đến hành động đã có đảng Cộng sản lo, nhân dân bỗng dưng trở thành bầy cừu dưới ngọn roi công an trị của đảng Cộng sản. Và đó là qui luật, một khi người ta cảm thấy mình chịu đòn roi đã quá lâu, quá thừa và không chính đáng, mình cần phải làm cách mạng, thì việc đầu tiên, cần làm nhất sẽ là bẻ đi cây roi đã quất vào mình.
Và, chuyện nhân dân nổi dậy đánh đập công an, thậm chí giết chết công an rồi treo cổ vào bãi tha ma (mặc dù rất man rợ nhưng suy cho cùng cũng chỉ ngang ngửa với hành động công an đã làm với dân) cũng chỉ là những hành vi khởi sự, những bước đầu, hay nói cách khác chỉ là những lổ mối làm cho nước rỉ qua bờ đê trong lúc nước đã tràn bờ, và một khi nước tràn, đê vỡ, chuyện gì sẽ xãy ra?! E rằng không cần bàn thêm nữa. Nếu có nói thêm, chỉ xin khuyên các công an viên hãy nghĩ đến đồng loại, hãy nghĩ đến gia đình và bản thân mà hành động sao cho phải đạo làm người, đừng để mọi chuyện trở nên quá muộn màng!