main billboard

Mỗi người từ góc nhìn của mình, chỉ cần viết một cuốn sách, kể lại một câu chuyện, chuyện mình hay chuyện người, để góp phần vẽ lại bức tranh buồn của dân tộc.


Ðất nước Việt Nam chỉ tính riêng từ đầu thế kỷ XX đến nay đã trải qua bao nhiêu sự kiện long trời lở đất. Chiến tranh với Pháp, với Mỹ mà cũng là cuộc nội chiến Nam Bắc tương tàn, chiến tranh biên giới phía Bắc và các cuộc hải chiến trên biển Ðông với Trung Cộng, chiến tranh biên giới phía Tây Nam với Khơ Me Ðỏ...làm chết hàng triệu người Việt Nam.

biasach dencuBìa cuốn sách Ðèn Cù của Trần Dĩnh. (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)

Hàng loạt sự kiện bi thảm do những chính sách sai lầm, thất nhân tâm, xuất phát từ tầm nhìn hẹp hòi, thiển cận, từ niềm tin mù quáng vào học thuyết Mác-Lênin và lòng trung thành ngu muội với Liên Xô, Trung Cộng của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đã gây bao tang thương cho đất nước, dân tộc.

Ðến khi nhận ra sai lầm thì cũng chỉ thay đổi nửa vời về kinh tế và tiếp tục giữ chặt con đường độc tài độc đảng.

Hậu quả là Việt Nam ngày nay lạc hậu, thua kém hàng chục, hàng trăm năm so với các nước láng giềng chứ chưa nói đến các cường quốc trên thế giới. Một xã hội nát bét về mọi mặt, người dân thì vẫn chưa được sống trong tự do, độc lập và hạnh phúc. Ðáng nói nhất, Ðảng Cộng Sản đã dẫn Việt Nam vào vòng lệ thuộc nặng nề và đánh mất một phần lãnh thổ lãnh hải cho Trung Cộng.

Cái hiện thực đau thương đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua, nhưng đồng thời, nó cũng là nguồn đề tài, chất liệu vô cùng phong phú cho người sáng tác.

Thế nhưng nhìn lại suốt thế kỷ XX cho tới đầu XXI, số lượng tác phẩm từ văn học, thơ ca, hội họa, phim ảnh, kịch nghệ... tái hiện được phần nào quãng đường lịch sử đen tối nhất, lại chưa có bao nhiêu. Chứ khoan nói được thế giới biết đến.

Ngay văn học, vốn là loại hình chỉ phụ thuộc chủ yếu vào nhà văn, bất cần yếu tố bên ngoài nào, nếu so với làm phim hay dựng kịch, nên có thể dễ ra đời hơn, nhưng cũng không có nhiều tác phẩm gây chú ý.

Có thể một phần vì suốt từ năm 1945 đến nay đối với người dân miền Bắc và từ năm 1975 đối với người dân cả nước, khi phải sống trong một chế độ kiểm soát chặt chẽ và bóp nghẹt mọi tư tưởng, suy nghĩ khác biệt và do đó, cũng bóp chết luôn tài năng sáng tác ở người nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng.

Nhưng bây giờ dù sao tình hình cũng khác. Bây giờ nhà văn nếu không xuất bản được trong nước thì gửi cho các nhà xuất bản ở bên ngoài, và tác phẩm có thể đến được với người đọc nhanh chóng bằng nhiều con đường khác nhau.

Trước kia đảng, nhà nước nắm chắc cái bao tử của nhà văn qua con đường tem phiếu, sổ gạo, xuất lương ở các cơ quan, hội đoàn...Nếu lôi thôi mà bị cắt sổ gạo, cúp lương, thì chỉ có nước đi câu cá trộm ở Hồ Tây như nhà thơ Phùng Quán hay lên rừng chở đá như nhà thơ Hữu Loan.

Bây giờ, nhà văn có nhiều đường sống hơn, không làm cho nhà nước thì làm cho tư nhân, không được phép sống bằng nghề thì sống bằng cách khác. Vấn đề là nhà văn có cái gì để viết, có muốn viết, dám viết hay không.

Trong số những tác phẩm ít ỏi ra đời, là hồi ký, tiểu thuyết hay công trình nghiên cứu, soi sáng lại một phần quá khứ lịch sử u ám, góp phần giải mã một sự kiện, một giai đoạn hay giải thiêng Ðảng Cộng Sản... Có “Ðêm giữa ban ngày” của nhà văn Vũ Thư Hiên, “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, “Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc” của nhà phê bình văn học Thụy Khê, “Hồi ký của một thằng hèn” của nhạc sĩ Tô Hải, “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Ðức...Và mới đây là “Ðèn cù” của tác giả Trần Ðĩnh.

Nói một chút về cuốn sách mới nhất, “Ðèn cù.” Thật sự, tôi không đánh giá cao “Ðèn cù” ở góc độ một tác phẩm văn học. Văn phong trong “Ðèn Cù” khá là lủng củng, nhiều câu rối rắm, tối nghĩa, cấu trúc của tác phẩm lại càng lộn xộn vì viết theo trí nhớ, nhiều khi đang kể ở địa điểm này, thời gian này lại nhảy sang thời điểm khác, sau đó lại quay trở lại ...khiến người đọc hơi bị rối. Nhưng bù lại, tác giả có lối kể chuyện sinh động, nhiều chi tiết hóm hỉnh.

Giá trị lớn của “Ðèn cù” như nhiều người đã phân tích, là cái nhìn sám hối về một quãng đường lịch sử trong đó có sự dự phần của tác giả, là ở chuyện giải thiêng Ðảng Cộng Sản, giải thiêng một số nhân vật lãnh đạo Bắc Việt. Thông qua “Ðèn cù,” một số lập luận, quan điểm mà từ trước đến nay đa số thường cho là như vậy, hóa ra không phải. Ví dụ như vai trò của ông Hồ Chí Minh trong Cải Cách Ruộng Ðất hay Lê Duẩn thực ra lúc đầu rất tôn sùng Mao và Trung Cộng.

Có người bảo tác phẩm thiếu tính xác thực của thông tin, không có dẫn chứng văn bản, tư liệu đối chiếu, để tăng độ tin cậy. Nhưng thật ra, đây là một cuốn sách dạng hồi ký, là “truyện tôi” như lời tác giả, không phải là một công trình nghiên cứu và đòi hỏi văn bản trong hoàn cảnh bấy giờ là rất khó.

Cũng có người cho rằng phần lớn những sự kiện, hay một số những câu chuyện trong “Ðèn cù,” họ đã từng được nghe, được biết. Riêng đám bồi bút tự cho là biết nhiều thông tin trong ruột, còn dè bỉu là cứ bới c. ra làm gì, rằng tác giả viết vì thù hằn cá nhân v.v...

Nhưng cho đến tận bây giờ, trong hơn 90 triệu dân Việt, có bao nhiêu phần trăm biết được sự thật về Cải Cách Ruộng Ðất, vụ án xét lại, mặt thật của một số lãnh tụ hay bản chất của Ðảng Cộng Sản?

Có bao nhiêu phần trăm hiểu rõ mưu sâu của Trung Cộng từ đầu và trong suốt cuộc chiến Việt Nam, những chuyển biến trong nhận thức của từng nhân vật lãnh đạo cao cấp của Ðảng Cộng Sản Việt Nam dẫn đến sự nhùng nhằng dích giắt trong mối quan hệ Việt Trung?

Và còn các thế hệ tương lai nữa. Kể lại quá khứ không có nghĩa là đào bới đống rác, càng không phải do thù hằn, mà cần phải sòng phẳng với lịch sử, rút ra những bài học sai lầm để không bao giờ lặp lại.

Ðọc “Ðèn cù,” một số người khó mà bào chữa rằng Ðảng Cộng Sản chỉ mới trở nên tệ đi sau này khi đã nắm được cả giang sơn về một mối, khi các quan chức đảng viên đã ngồi trên mọi vinh hoa phú quý hưởng lạc đâm ra tham nhũng, xa rời nhân dân, xa rời lý tưởng.

Trong con mắt của nhân chứng Trần Ðĩnh, bản chất của Ðảng Cộng Sản đã dối trá, tàn ác, bội ước, hiếu chiến ngay từ đầu, và quan trọng hơn cả, đã phụ thuộc, quỵ lụy quá mức đối với Liên Xô và Trung Cộng ngay từ đầu, kể từ ông Hồ Chí Minh trở đi. Bị phụ thuộc từ viện trợ tài chính cho tới tư tưởng, mọi chủ trương chính sách đều do Bắc Kinh cầm tay chỉ dạy, nhất cử nhất động đều phải báo cáo với Bắc Kinh.

Vì nếu không có sự giúp đỡ, chi viện tối đa của Liên Xô và Trung Cộng, Bắc Việt không thể nào đánh thắng Pháp, thắng Mỹ và miền Nam.

Cái tâm thức nô lệ, tôn sùng Bắc Kinh được Ðảng Cộng Sản truyền cho người dân miền Bắc và cho giới văn nghệ sĩ, trí thức nói riêng. Giới trí thức thay vì đóng vai trò phản biện, thức tỉnh chính quyền, khai trí cho nhân dân thì lại bị trở thành bồi bút, thậm chí góp phần giết người bằng ngòi bút. Sống hèn, sống không khác những con vật.

Ðảng kiểm soát tất cả từ tư tưởng, linh hồn, cho tới bao tử, bộ phận truyền giống của người dân. Nhân cách con người, từ giới làm chính trị, giới văn nghệ, trí thức trở đi, bị hủy hoại đến tận cùng.

Dễ hiểu vì sao con người Việt Nam ngày hôm nay lại tệ hại đi như vậy.

Dễ hiểu vì sao Ðảng Cộng Sản Việt Nam khó thoát Trung, không thoát được.

Ðọc để thêm một lần, thấm thía cái bi kịch của dân tộc Việt Nam xuất phát từ một sự chọn lựa sai lầm, mà thật ra cũng không phải tự nguyện chọn lựa mà là bị lừa, bị bịt mắt nên cứ tưởng đi theo đảng sẽ có tự do, độc lập, ấm no.

Hiện thực Việt Nam và cuộc sống của đại đa số người dân hôm nay là câu trả lời rõ ràng chua xót nhất cho cú lừa kéo dài xuyên thế kỷ này.

Như đã nói, lịch sử Việt Nam còn quá nhiều điều cần phải được viết lại kể lại, được bạch hóa, cho dân mình bây giờ và các thế hệ tương lai, cũng là cho cả thế giới cùng biết.

Mỗi người từ góc nhìn của mình, chỉ cần viết một cuốn sách, kể lại một câu chuyện, chuyện mình hay chuyện người, để góp phần vẽ lại bức tranh buồn của dân tộc. Góp phần giải mã quá khứ, giải thiêng Ðảng Cộng Sản, thức tỉnh người dân đứng dậy, dẹp bỏ cái chế độ này đi để xây dựng một chế độ tự do dân chủ, một xã hội tươi đẹp hơn.

Bởi dân tộc Việt đã khốn khổ khốn nạn lâu quá rồi, đã trả giá quá đắt rồi, dân tộc này phải xứng đáng được hạnh phúc.