Thứ nhất, từ góc độ lịch sử, đó là một bài thơ chửi đầu tiên có tác giả với tên tuổi và thời điểm sáng tác đàng hoàng; hơn nữa, nó là một tiếng chửi trực diện, mạnh mẽ, chát chúa, như vỗ vào mặt những kẻ có quyền lực mà ăn gian nói dối.
Tranh dân gian VN
Dùng thơ hay văn chửi nhau, từ xưa đến nay, không hiếm. Nhưng ở Việt Nam, hầu hết những bài thơ hay văn chửi nổi tiếng nhất lại thuộc văn học dân gian, không có tác giả. Trong văn học viết, chỉ có hai loại: Một, phần giai thoại, ví dụ Hồ Xuân Hương chửi các nho sĩ tấp ta tấp tểnh làm thơ… con cóc (Một đàn thằng ngọng đến xem chuông / Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông) hoặc Cao Bá Quát chửi các nhà thơ trong nhóm Thi Xã ở Huế (Ngán thay cái mũi vô duyên / Câu thơ Thi Xã, con thuyền Nghệ An); và hai, một số bài thơ chửi bóng chửi gió, thâm thuý nhưng nhẹ nhàng của các tác giả như Phan Văn Trị, Khuyễn Khuyến và Tú Xương vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Bài thơ “Tau chưởi” của Trần Vàng Sao mới đây được phổ biến trên facebook là một trường hợp ngoại lệ.
Thứ nhất, từ góc độ lịch sử, đó là một bài thơ chửi đầu tiên có tác giả với tên tuổi và thời điểm sáng tác đàng hoàng; hơn nữa, nó là một tiếng chửi trực diện, mạnh mẽ, chát chúa, như vỗ vào mặt những kẻ có quyền lực mà ăn gian nói dối.
Thứ hai, về khía cạnh văn hoá, cho đến nay, trong văn học dân gian, những bài chửi hay nhất đều xuất phát từ Huế. Trần Vàng Sao cũng là người Huế, hiện vẫn còn sống ở Huế. Trong bài thơ, rõ ràng ông muốn tiếp tục truyền thống những bài chửi mất gà nổi tiếng ở quê ông (1). Tại sao Huế, kinh đô kéo dài hơn cả trăm năm của triều Nguyễn, lại nổi bật lên tài năng chửi bới như thế? Tìm hiểu để trả lời được câu hỏi ấy, theo tôi, chắc sẽ rất thú vị.
Thứ ba, về tính chất liên văn bản, nhan đề “Tau chưởi” không thể không gợi nhớ đến bức thư ngỏ “Tôi tố cáo” (J’accuse) của Émile Zola đăng trên tờ L’Aurore ngày 13 tháng 1 năm 1898. Nếu bức thư của Zola được xem như một dấu mốc trong quá trình tham gia vào việc phản biện xã hội của người trí thức, bài “Tau chưởi” của Trần Vàng Sao không chừng sẽ là một dấu mốc lớn trong quá trình thức tỉnh của trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam trước các huyền thoại giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp tại Việt Nam.
Thứ tư, về phương diện thẩm mỹ, theo tôi, đây là một bài thơ hay. Hay ở ngôn ngữ: Rất sắc. Hay ở nhịp điệu: Rất mạnh. Hay ở tư tưởng: Nó giống như một bản cáo trạng.
TAU CHƯỞI
tau tức quá rồi
tau chịu không nổi
tau nghẹn cuống họng
tau lộn ruột lộn gan
tau cũng có chân có tay
tau cũng có đầu có óc
có miệng có mắt
có ông bà
có cha mẹ
có vợ con có ngày sinh tháng đẻ
có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần
rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả
tau đầu tắt mặt tối
đổ mồ hôi sôi nước mắt
vẫn đồng không trự nõ có
suốt cả đời ăn tro mò trú
suốt cả đời khố chuối Trần Minh
kêu trời không thấu
tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không
tau chưởi
tau phải chưởi
tau chưởi bây
tau chưởi thẳng vào mặt bây
không bóng không gió
không chó không mèo
mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước
giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây
đặng nghe tau chưởi
tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời
cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì
con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi
tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống
hết nối dõi tông đường
tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp
tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu
tam giáo đạo sư bây
cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây
hà hơi trún nước miếng cho bây
bây ỉ thế ỉ thần
cậy nhà cao cửa rộng
cậy tiền rương bạc đống
bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá hoạ
giết người không gươm không dao
đang sống bây giả đò chết
người chết bây dựng đứng cho sống
bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp
bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra
bây mang bí danh
anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường
lúc bây thật lúc bây giả
khi bây ẩn khi bây hiện
lúc người lúc ma
lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét
lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm
lúc như thầy tu vào hạ
lúc như con nít đói bụng đòi ăn
hai con mắt bây đứng tròng
bây bắt hết mọi người trước khi chết phải hô
cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây
sống dai đời đời kiếp kiếp
phải quỳ gối cúi đầu
nghe bây nói không được cãi
phải suốt đời làm người có tội
vạn đợi đội ơn bây
đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống
thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu
bây làm cho mọi người tránh nhau
bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng
đồ phản động
đồ chống đối
đồ không đá bàn thờ tổ tiên
đồ không biết đốt chùa thiêu Phật
thượng tổ cô bà bây
mụ cô tam đợi mười đời bây
tau xanh xương mét máu
thân tàn ma dại
rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch
mả ông bà cố tổ bây kết hết à
tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm
bây ăn chi mà ăn đoản hậu
ăn quá dã man
bây ăn tươi nuốt sống
mà miệng không dính máu
người chết bây cũng không chừa
năm năm mười năm hai mươi năm
xương chân xương tay sọ dừa vải liệm
bây nhai bây khới bây mút
cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột
bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương
khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng
để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho
cha mẹ cố tổ bây
hỡi cô hồn các đảng
hỡi âm binh bộ hạ
hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió
trong am trong miếu giữa chợ giữa đường
đầu sông cuối bãi
móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó
cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi
bây giết người như thế
bây phải chết như thế
ác lai thì ác báo
tau chưởi ngày chưởi đêm
mới bét con mắt ra tau chưởi
chập choạng chạng vạng tau chưởi
nửa đêm gà gáy tau chưởi
giữa trưa đứng bóng tau chưởi
bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi
mười hai nhánh họ bây
cao tằng cố tổ bây
tiên sư cha bây
tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén
xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng
tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ
mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm
tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu
tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn
đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ
bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra
cũng phải tránh xa
tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn
chết không được mà sống cũng không được
tau chưởi cho dứt nọc dòng giống của bây cho bây chết sạch hết
không bà không con
không phúng không điếu
không tưởng không niệm
không mồ không mả
tuyệt tự vô dư
tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây
TRẦN VÀNG SAO
29 tháng 6 năm 1997
Chú thích:
Nguyên bài chửi mất gà trong dân gian như sau:
“Cao tằng tổ tỷ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tau chửi đây nè:
Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm... bay ăn mần răng mà hết chục rưỡi con gà?”