“Tôi nhớ một chiều xa xôi chớm Thu. Em đến thăm tôi một chiều khi nắng vàng. Cỏ cây dường như khoe sắc thắm, nghiêng nghiêng đón gót người đi yêu đương dâng sóng tình mến...”
Ðọc nhiều lần bài Tây Tiến của Quang Dũng rất nhiều lần mà rốt cuộc tôi chỉ nhớ được câu “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.” Nhưng thực ra, hình ảnh những người đẹp Hà Nội của ông không bao giờ xa hẳn ông, xa hẳn những câu thơ của ông. Lúc nào cũng thấy họ thấp thoáng. Lúc “trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ,” lúc “áo mỏng buông hờn tủi,” lúc “dạt dào” những “dòng lệ thơ ngây”...
Tôi ở Hà Nội trong những năm còn rất bé. Ký ức về thành phố này không có được bao nhiêu. Hồi ấy tôi còn quá nhỏ. Nhớ được mấy con đường gần nhà đã là nhiều lắm. Thỉnh thoảng theo người lớn đến vài ba nơi mà tôi cũng chỉ nhớ được một hai cái tên đường. Chưa có được cả một mối tình. Nhưng tôi vẫn còn nhớ được vài ba khuôn mặt mà nếu có liều lĩnh gọi đó là những dáng kiều thơm thì cũng có thể tạm coi là được.
Cạnh nhà tôi là gia đình một ông giáo. Ông có một cô con gái mà tôi nghĩ là đẹp lắm. Cô tên là Th. Chắc cô phải hơn tôi sáu tuổi là ít. Gia đình ông sống kín đáo, không bao giờ nghe thấy bất cứ một thứ tiếng động hay tiếng người nào từ nhà ông bay vọng ra. Ngay cả mấy ông chú của tôi cũng không biết được bao nhiêu về cô.
Có thể tôi lại còn biết cô hơn cả mấy ông chú rất tinh nghịch của tôi là đằng khác. Trong lớp nhạc ở phố Cửa Nam, một hôm tôi thấy cô đến để nhờ ông nhạc sĩ dạy đàn cho tôi tập cho cô hát bài Tình Thắm của Vũ Nhân. Mấy câu đầu của bài hát ở lại với tôi từ đó.
“Tôi nhớ một chiều xa xôi chớm Thu. Em đến thăm tôi một chiều khi nắng vàng. Cỏ cây dường như khoe sắc thắm, nghiêng nghiêng đón gót người đi yêu đương dâng sóng tình mến...”
Mấy tháng sau, gia đình tôi di cư vào Nam, nhưng bài hát ấy thì vẫn còn trong ký ức của tôi, và cô vẫn đến “thăm” tôi những chiều khi nắng vàng, có hoa cỏ dâng sóng tình mến.
Tôi tiếc không có thêm được mười tuổi để chuyến đến thăm như trong ca khúc của Vũ Nhân có thể diễn ra trong những tháng ngày ở Hà Nội.
Gia đình cô có đi Nam không thì tôi không cách nào biết được. Cuộc sống đưa đẩy, tôi quên hẳn cô Th. Cô có vào Sài Gòn, có sống ngay cùng ở cái thành phố ây có khi tôi cũng không biết. Tới tuổi biết đi tìm cô (nếu gia đình cô ở Sài Gòn) thì tôi lại không ở thành phố đó mấy năm. Rồi những quen biết mới, những nơi sống mới lại càng đưa tôi đi xa thêm nữa.
Th. không còn ở trong đầu óc của tôi nữa. Chỉ thỉnh thoảng lắm, khi nhớ lại vài ba câu trong bài hát cũ, Th. mới xuất hiện. Th. của tuổi 16 hay 17, chiếc áo dài trắng, đôi guốc cô để dưới chân cầu thang khi leo lên căn gác có lớp dạy nhạc ở phố Cửa Nam, mùi mái tóc bay nhẹ khi cô cúi xuống tìm bản nhạc trên cái pupitre của tôi.
Chắc dáng kiều thơm thì phải như thế.
Bây giờ, chắc cô đã phải 75 hay 76 tuổi. Cô chắc phải làm bà nội, bà ngoại vài ba lần. Cô ở đâu sau những dâu biển tang thương của đất nước? Cô ở lại Hà Nội hay cô cùng gia đình đi Nam, vào Sài Gòn, Ðà Lạt hay Huế? Hay cô cũng di tản ra nước ngoài?
Nếu ở lại Hà Nội, cô có còn ở lại khu nhà cũ ở gần Văn Miếu không? Cô có trở thành cán bộ, lấy một anh chồng răng đen mã tấu nhà quê nhà mùa không? Cô có dọn về một căn “hộ” trong một khu tập thể nào không, ngày ngày lo cho anh răng đen mã tấu để cho chàng chiều chiều co cẳng hút thuốc lào vặt nói phét ông ổng khắp khu nhà không?
Và lũ con, cháu nội ngoại của cô có đứa nào chửi thề luôn miệng, động một chút là lôi nhau ra đường đánh nhau xong còn xé quần áo của nhau ra cho lũ bạn mất dạy thu video clip tung lên mạng mà báo chí đã thuật lại hàng trăm vụ hay không?
Tôi chưa về Việt Nam bao giờ, mà có về thì cũng chẳng dám lần về khu nhà cũ để hỏi thăm kiếm cô đâu.
Vô phúc gặp ngay một con mụ cán bộ mặt mũi đanh ác chửi cho một trận, lại hắt cho một chậu nước bẩn vào mặt kèm theo một cái bĩu môi trông như ông Phạm Văn Ðồng lúc xấu trai nhất thì đau đớn cho đời khỉ già lưu vong biết là bao.
Không dám đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm nữa đâu. Bố bảo cũng chịu thua.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Người Việt tử tế
Trong những năm gần đây, có lúc tôi đã đi tới một sự suy nghĩ rằng ở Việt Nam không còn có được bất cứ một cái gì tử tế, tốt đẹp sót lại trong cái đất nước này nữa.
Bản tính, đạo đức, lối sống, con người, tình cảm, luân lý... tất cả đều đã phá sản hoàn toàn từ sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở khắp cả hai miền Bắc và miền Nam. Người cộng sản, như Vaclav Havel, tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc không cộng sản đã nói, có một cái tài đặc biệt là có thể làm xấu đi tất cả những gì tốt đẹp của con người. Ông đã nói như thế khi dẫn một người bạn đi thăm một vài nơi ở thủ đô Praha. Những cái xấu xa đó không phải chỉ ở mặt ngoài của đất nước, mà còn luôn cả những cái ở bên trong con người Tiệp Khắc. Ông Havel cho là phải mất rất nhiều năm mới gột bỏ được những cái xấu xa đó mà cộng sản tạo ra cho đất nước của ông. Tôi thấy ông nói rất đúng khi nhìn về đất nước của mình.
Nhưng có thể tôi đã lầm. Vẫn còn một Việt Nam rất đẹp, rất tử tế, rất nhiều tình của người đối với người. Những thứ mà ngay cả ở nước Mỹ, ở một vài nước tôi đã có dịp đi học, đi làm, sinh sống, và luôn cả ở miền Nam thời trước năm 1975 cũng không được tốt đẹp như Việt Nam bây giờ.
Người Việt, tôi thấy, chưa bao giờ đối xử với nhau được như cách người ta đối xử với nhau như ở Việt Nam ngày nay.
Trước năm 1975, anh em ruột thịt trong nhà, bạn bè thân cũng như sơ, họ hàng thân thuộc gần xa chưa bao giờ tôi thấy ai đối xử với nhau đẹp như một vài trường hợp như ở Việt Nam ngày nay.
Báo chí trong nước mới đây có viết mấy bài về một người đàn ông ở Bến Tre, ông Trần Văn Truyền, nguyên ủy viên trung ương đảng, nguyên thanh tra chính phủ nay đã về hưu. Ông lui về nghỉ tại một căn biệt thự xây trên một khu đất rộng trên một ngàn mét vuông làm toàn bằng vật liệu như gỗ quí, đồ đạc trong nhà toàn những thứ đắt tiền trong một kiến trúc rất đẹp chung quanh có tường cao, trang trí bằng những mặt trống đồng lịch sử và cổ điển.
Ngoài ra, ông Truyền và gia đình cũng còn làm chủ một số bất động sản, biệt thự rất lớn và đắt tiền ở Sài Gòn, khu đô thị Phú Mỹ Hưng và phường Thảo Ðiền thuộc quận 2.
Khi thấy một giới chức chính phủ về hưu mà nhà cửa kinh khủng như vậy thì nhiều người cũng đâm ra thắc mắc. Làm sao lương lậu chính phủ phát mà có được nhiều tiền để (nhiều) nhà cao cửa rộng như thế thì ông Truyền cho biết đất đai là ông thừa hưởng của mẹ để lại, con trai mua thêm khu đất hoang nằm sát cạnh biếu ông để ông làm nhà. Ðó là một chuyện tốt đẹp thứ nhất. Gia tài mẹ để lại thì anh em cho ông hết, không thèm tranh chấp đánh nhau vỡ đầu, kiện lên kiện xuống. Con trai chí hiếu thì mua miếng đất bên cạnh biếu bố cho bố xây nhà, không hề có chuyện cướp đất hương hỏa của bố, đuổi hai con khỉ già ra chợ Bến Tre bán vé số độ nhật.
Có đất rồi nhưng làm thế nào có nhà ở cho bỏ những ngày cơ cực? Dễ thôi. Ông có một cô em gái nuôi thấy vậy bèn tặng ông một số tiền để xây lên mấy tầng, có mái vòm, ao cá, vườn cây, lối xe ra vào thoải mái không phải tránh nhau, gắn camera khắp nơi cho an toàn.
Ðó là chuyện tốt đẹp và tử tế thứ hai. Em gái nuôi ở cái lỗ nào chui ra mà sao tốt như thế? Ông chỉ cho tôi chỗ để kiếm một hai đứa đem về cung phụng vài năm coi chúng nó có tặng cái nhà nào không , hay giúp xây cho cái hộ (?) nào chăng.
Tuần qua, báo trong nước đăng tin giám đốc sở tài nguyên Ðào Anh Kiệt khai với công an là bị mất trộm ngay tại sở làm (ở Sài Gòn) một món tiền lên tới 1 tỉ đồng và 30 ngàn đô la Mỹ. Ông cho biết định mang số tiền đó đi mua nhà cho con trai. Ôi đúng là một người cha tử tế. Ông khai với cảnh sát và cũng nói với báo chí rằng số tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt ông dành dụm từ nhiều năm nay mới có được chứ không hề là tiền tham nhũng mà có.
Ðất nước chúng ta vậy ra càng ngày càng khá ra. Mồ hôi và nước mắt bây giờ rất có giá là như thế. Cứ đem hai thứ ấy ra đổi là khối tiền, mà tiền tỉ chứ bộ cứt sao!
Tội nghiệp Robin Williams sao ra đi sớm vậy? Chứ nếu ở tới hôm nay, nghe hai chuyện này cũng được một trận cười thỏa thích, cam đoan hết trầm cảm ngay, khỏi phải đi tìm cái chết quá sớm như thế. Hay cũng có khi nghe xong, cười quá cũng lại chết thì sao!
Rõ khổ.