main billboard

Cuối cùng, dưới một hình thức nào đó, Hoa Kỳ vẫn phải trở lại Iraq.


Mặc dù Tổng Thống Barack Obama nói sẽ không đưa quân trở lại chiến trường mà ông từng hãnh diện là người chấm dứt cuộc chiến “sai lầm” “ngu xuẩn,” nhưng quyết định oanh tạc những cứ điểm của Islamic State (IS) để ngăn chặn tình trạng “diệt chủng” có thể xảy ra với tập thể thiểu số thuộc giáo phái Yazidi, cũng như để chặn đường tiến của lực lượng Hồi Giáo quá khích này trước cửa thủ phủ Erbil trong vùng tự trị của người Kurds, chứng tỏ ông vẫn không thể ngồi yên. Song song với những hoạt động quân sự đó, Hoa Kỳ còn lập cầu không vận, thả thực phẩm, nước uống và thuốc men xuống giúp 40,000 người Yazidi đang bị các tay súng ISIS bao vây, truy đuổi, phải chạy trốn trên đỉnh núi Sinjar nằm giữa sa mạc.

nguoi kurds o iraqCác chiến binh người Kurds ở Iraq. (Hình: AP/Photo)

Các giới chức hành pháp Hoa Kỳ cho biết tất cả mọi quyết định đều được tổng thống Hoa Kỳ “cân nhắc rất kỹ lưỡng” trước khi ban hành, dẫn chứng được đưa ra là “những gì nên làm, cần làm đã được Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia bàn thảo trong 2 tuần lễ liên tiếp,” trước khi Tổng Thống Obama đọc bài phát biểu thông báo quyết định của ông vào tối Thứ Năm. Trong bài phát biểu đó, ông Obama nói rõ 3 điều: thứ nhất “chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ,” thứ nhì “nước Mỹ đến để trợ giúp (những người đang gặp nạn),” và thứ ba: không đưa quân bộ chiến, tức binh sĩ Mỹ sẽ không trở lại chiến trường Iraq.

Có thể quyết định mang tính nhân đạo của Tổng Thống Obama khiến dân chúng Mỹ hài lòng và cam kết không gửi quân trở lại chiến trường giúp mọi người an tâm, nhưng hoàn toàn đi ngược lại những gì ông đã nói với cử tri 5 năm trước đây khi vừa khởi đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống với chủ đề rút quân khỏi Iraq. Trong buổi tiếp xúc với báo chí tại New Hampshire hồi Tháng Bảy 2007, ông nói rõ, “Không dời lịch trình rút quân,” kể cả trường hợp có thể ngăn chặn cuộc “nội chiến dẫn đến diệt chủng” giữa các sắc tộc, tôn giáo, mà các nhà phân tích chính trị lẫn quân sự vẫn nói tới. Nguyên văn lời ông, “Nếu (diệt chủng) là tiêu chuẩn chúng ta đặt ra để quyết định gửi quân thì bây giờ chúng ta đã phải đưa 300,000 binh sĩ vào Congo, nơi có hàng triệu người bị giết vì cuộc chiến giữa các sắc tộc.”

Bảy năm sau ngày đưa ra lời tuyên bố mang tính chính sách đó, ông quyết định trở lại Iraq “để ngăn chặn một hành động diệt chủng (của quân ISIS),” như lời ông nói trong bài phát biểu gửi người dân Hoa Kỳ đọc tối Thứ Năm ở Tòa Bạch Ốc. Tức khắc, câu hỏi được đưa ra: phải chăng nhà lãnh đạo Mỹ “nói một đằng, làm một nẻo?”

“Câu trả lời là không,” một viên chức của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nói với các nhà báo ngay sau khi Tổng Thống Obama mới kết thúc bài phát biểu. “Quyết định của tổng thống dựa vào rất nhiều lý do, trong đó bao gồm cả lý do nhân đạo và lý do an ninh quốc gia,” nhắc lại điểm ông Obama nói với đại ý “phải bảo vệ an toàn cho những công dân Hoa Kỳ đang có mặt ở Iraq,” tức sử dụng những cuộc không kích để chặn đường tiến quân của lực lượng Hồi Giáo quá kích Sunni “không để chúng tiến vào thủ phủ Irbil của người Kurd” nơi Hoa Kỳ có Tòa Lãnh Sự và có binh sĩ đang đóng vai trò cố vấn, giúp huấn luyện cho quân đội nước bạn.

Viên chức cao cấp này nói thêm, “Chúng ta (Hoa Kỳ) không mở một trận chiến quy mô hay dài hạn nhắm vào bọn ISIS,” nhắc lại điều nước Mỹ từng nhiều lần nói tới: phải tìm một giải pháp chính trị để ổn định Iraq. Ðiều này được ông phát ngôn viên Josh Earnest nhắc lại trong cuộc họp báo trưa Thứ Sáu “chiến dịch quân sự (của Hoa Kỳ) không giải quyết được bàn cờ chính trị ở Iraq,” đồng thời nhắc lại “đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ thực hiện một chiến dịch nhân đạo ở Iraq,” hồi 1991 Tổng Thống George Bush (ông Bush “bố”) cùng với Anh Quốc và một số nước đồng minh NATO đã làm điều này để giúp hai cộng đồng Kurds và Shittes trước hiểm họa diệt chủng do các binh sĩ trung thành với Saddam Hussein gây nên. Chiến dịch đó thành công mỹ mãn, cuộc tắm máu ở Trung Ðông đã không xảy ra.

Quyết định của Tổng Thống Obama đúng hay sai? Có lẽ khó trả lời.

“Quyết định này đến trễ,” nhà báo Scott Wilson chuyên viết tin về chính sách đối ngoại của tờ The Washington Post đưa nhận xét. “Từ mấy tháng trước chúng ta đã thấy quân ISIS từ Syria tràn qua biên giới vào Iraq, chiếm Mosul là thành phố lớn thứ nhì của Iraq từ Tháng Sáu. Người Kurds đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ giúp đỡ, và qua những điều tổng thống trình bày tối Thứ Năm vừa rồi, ít nhiều, chúng ta thấy sự suy nghĩ và quyết định của ông na ná giống những điểm đã được ông đưa ra ở nhiệm kỳ đầu khi loan báo can dự vào cuộc chiến Libya,” tức chỉ ở mức oanh kích chứ không gửi quân tham chiến.

Theo chuyên gia Faysal Itani của Hội Ðồng Ðại Tây Dương (Atlantic Council), những quyết định “mang tính lưng chừng” của Tổng Thống Obama “không giúp giải quyết được vấn đề.” Ông Itani nói rõ hơn: ISIS chẳng dại gì đối đầu với không lực Mỹ, chúng sẽ tạm rút quân chờ ngày tái phối trí và “lúc nào cũng là áp lực đè nặng trên chính quyền tự trị Kurds và chính quyền trung ương Baghdad.”

Với nhà phân tích Elise Labott của đài truyền hình CNN, có thể Tổng Thống Obama sai lầm khi “quyết định rút hết quân khỏi Iraq” trong lúc các viên chức quân sự dưới quyền của ông e ngại chính phủ Baghdad không đủ sức để đảm nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh lãnh thổ, đồng thời “trở ngại xảy ra vì Thủ Tướng Nouri Al-Maliki không phải là người được quân đội tín nhiệm, binh sĩ đặt câu hỏi tại sao chúng ta lại chiến đấu cho ông ta.” Vì thế, “điều Hoa Kỳ đòi hỏi là giải pháp chính trị, tìm một nhân vật có thể xây dựng một chính phủ đoàn kết, giải quyết được những khó khăn mà Hoa Kỳ không muốn thấy.”

Theo một viên chức từng làm việc với Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng Thống Obama kể lại chuyện “tìm người thay thế ông Al-Maliki được nói đến từ thời ông George W. Bush mà cũng chẳng thấy nhúc nhích gì.” Viên chức này nói thêm “quả thật anh em chúng tôi có bảo với nhau tổng thống vội vã khi rút hết quân,” nhưng thắc mắc với tình hình như thế này, “chúng tôi không biết nếu có để lại 10,000 quân thì liệu có giải quyết được gì hay không?”