Thế nhưng, lại một lần nữa, người dân bị thất vọng nặng nề. Nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn bối rối, bất lực, không thể và cũng không dám đối phó lại ngón đòn vỗ mặt của đàn anh.
Nhìn lại thời gian 75 ngày Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (2 tháng 5 đến 16 tháng 7, 2014), xã hội Việt Nam thực sự đã “nổi sóng.”
Ðứng trước nguy cơ mất biển, tiếp theo là mất nước, người Việt, dù thuộc thành phần nào, quan điểm chính trị ra sao, dù đang sống ở trong hay ngoài nước, đều lo lắng, phẫn nộ.
Nghị Sĩ John McCain phát biểu ở Hà Nội là Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong tháng tới. (Hình: Getty Images)
Từ người lái xe ôm, bà bán quán cho đến anh trí thức, từ báo chí “lề đảng” cho tới “lề dân,” các trang mạng xã hội...chủ đề quan tâm chính là cái giàn khoan, là mưu đồ bành trướng quá rõ ràng của Trung Cộng và tương lai của đất nước.
Lòng yêu nước tưởng chừng đã ngủ quên dưới những lo toan cơm áo hàng ngày, lại bừng thức dậy.
Trong thời gian đó, rõ ràng nhà cầm quyền Việt Nam phải chịu một sức ép to lớn từ phía người dân. Dân chúng chờ xem họ sẽ hành động như thế nào để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ lãnh hải của tổ tiên để lại mà cũng là bảo vệ tính chính danh và lý do tồn tại của đảng cầm quyền. Liệu họ có dám công khai phản đối Trung Cộng, có dám kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế, mạnh hơn nữa, họ có dám “thoát Trung”?
Chưa bao giờ những lời kêu gọi xem xét lại mối quan hệ Việt-Trung, tiến tới “thoát Trung,” “thoát Cộng,” cải cách thể chế chính trị, liên minh quân sự với các nước dân chủ để cứu nước...lại công khai như vậy.
Thế nhưng, lại một lần nữa, người dân bị thất vọng nặng nề. Nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn bối rối, bất lực, không thể và cũng không dám đối phó lại ngón đòn vỗ mặt của đàn anh.
Mặc dù trên mặt trận truyền thông, báo chí đã được phép lên án công khai Trung Cộng. Nhưng trên biển, những động thái của Việt Nam chỉ là đưa lực lượng tàu kiểm ngư và tàu chấp pháp, ít, nhỏ và yếu hơn hẳn lực lượng tàu bảo vệ giàn khoan các loại của Trung Cộng, chạy loanh quanh phía xa bên ngoài để kêu gọi giàn khoan phải rút đi và đẩy ngư dân ra làm “lá chắn sống.” Ngoài ra, chủ yếu là...kịch liệt phản đối mồm và kêu gọi quốc tế, nhất là Hoa Kỳ lên tiếng giúp!
Nội bộ Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam bất hòa, chia rẽ sâu sắc trong việc tìm cách chống đỡ lại trò khiêu khích của Bắc Kinh, thể hiện qua hàng loạt lời phát biểu cho tới hành động bất nhất, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” của các quan chức, chính khách Việt.
Phép thử của Trung Cộng qua vụ giàn khoan, về nhiều mặt, đã thành công.
Bắc Kinh đã chứng tỏ với thế giới và với chính người dân Việt Nam rằng họ có thể kiểm soát được mọi động tĩnh từ phía Hà Nội, và họ hoàn toàn có thể muốn làm gì thì làm trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phép thử đó cũng cho thấy sự cô đơn của Việt Nam. Trong tương lai nếu Việt Nam xảy ra chuyện đụng độ, kể cả chiến tranh với Trung Quốc, sẽ không có quốc gia nào, từ khối ASEAN cho tới phương Tây, Hoa Kỳ, đứng bên cạnh Việt Nam để đổi lấy sự thiệt hại trong mối quan hệ với nước lớn Trung Quốc. Bởi vì Việt Nam không phải là đồng minh của nước nào cả.
Mục đích đã đạt được, cộng thêm sức ép từ Hoa Kỳ và các nước dân chủ, đồng thời cảm thấy cũng chưa phải lúc để đi quá xa, Bắc Kinh đã cho giàn khoan rút đi chỗ khác.
Nhưng điều đáng nói hơn là Việt Nam sẽ làm gì lúc này, và trong thời gian tới?
Trước đó, ngay khi giàn khoan HD-981 còn đang sừng sững cắm sâu trong vùng biển của Việt Nam, nhà văn lão thành Nguyên Ngọc có nói một câu đại ý: Sợ nhất là giàn khoan lẳng lặng rút đi và mọi chuyện chìm, lại rơi trở lại trạng thái cũ.
Bây giờ, quả thật, khi giàn khoan của Tàu Cộng tạm thời rút đi, từ nhà cầm quyền cho đến báo chí, người dân... “xẹp” hẳn xuống, tưởng như không hề có sự cố nghiêm trọng vừa qua, tưởng như “Biển Ðông lại trở về yên tĩnh, không có gì mới.”
Và tất nhiên, chuyện của ta mà ta còn cố quên đi thì thế giới, với bao nhiêu sự kiện nóng hơn đang xảy ra, lại càng quên.
Trong khi đó thì Trung Cộng vẫn tiếp tục lẳng lặng thực hiện chiến lược của họ. Tiếp tục xây cất các công trình dân sự và quân sự trên những quần đảo đã chiếm được của Việt Nam, đặc biệt là Hoàng Sa, theo chủ thuyết “chủ quyền thực tế,” đặt các bên liên quan trước “sự đã rồi.” Tiếp tục xua hàng ngàn hàng vạn tàu cá ra chiếm lấy Biển Ðông, đầu tư càng ngày càng lớn vào quốc phòng, nhất là hải quân, đóng thêm các giàn khoan khủng khác...
Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từ bỏ giấc mộng chiếm hữu Biển Ðông, bành trướng sức mạnh ra bên ngoài, việc rút giàn khoan của Trung Cộng chỉ là tạm lùi một bước để rồi sẽ quay trở lại bất cứ khi nào có thể.
Nói cách khác, Bắc Kinh luôn lợi dụng mọi thời gian “tạm hoãn” để củng cố sức mạnh, đồng thời sử dụng những chiêu thức khác nhau để vẫn thực hiện được âm mưu, chiến lược lâu dài của mình nhưng không gây ra phản ứng quá lớn từ quốc gia mà họ đang xâm lược cho đến dư luận quốc tế.
Ðứng trước sự thật này, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm, đó là cũng tranh thủ thời gian để kịp thời sửa chữa những bước đi sai lầm trong quá khứ, tích cực thay đổi để tự cứu mình.
Bởi, ai cũng thấy, Việt Nam, vốn không thể so sánh với Trung Quốc về sức mạnh quốc phòng, nếu vẫn không tự cải cách thể chế, không thể hùng mạnh hơn về kinh tế, cũng không có những thay đổi trong đường lối ngoại giao để có thêm đồng minh thì mối nguy cơ mất biển, mất nước vẫn còn nguyên.
Và khi Trung Cộng trở lại với những giàn khoan khủng mới, những chiến lược mới, nhà cầm quyền Việt Nam chỉ còn nước bó tay đầu hàng. Mà thực tế qua vụ HD-981, như vừa nói ở trên, thì họ đã đầu hàng rồi!
Nhưng hiện tại, “hậu giàn khoan HD-981,” nhà cầm quyền Việt Nam lại chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu gì chứng tỏ họ đang chuẩn bị để thay đổi cả.
Mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân vẫn không hề được nới lỏng, nhân quyền vẫn tiếp tục bị chà đạp.
Các cá nhân lên tiếng đòi hỏi tự do ngôn luận và cải cách chính trị vẫn bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần cách này cách khác. Hàng trăm hàng ngàn tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, ngoại trừ một vài người được thả ra, còn lại vẫn bị giam giữ...
Ðối với Trung Cộng, nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không có bất cứ động thái nào muốn thoát ra. Sự có mặt của Trung Cộng, vô hình hay hữu hình, vẫn hiện diện khắp nơi, trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế cho tới quốc phòng.
Ngược lại, đối với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh để hỗ trợ Việt Nam đương đầu với Trung Cộng, cũng là quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất trong vụ giàn khoan vừa qua, Việt Nam tiếp tục tỏ thái độ hai mặt khi ve vãn, lúc lại thù địch. Những tờ báo đảng như Nhân Dân, Quân Ðội Nhân Dân, Công An Nhân Dân....vẫn thường xuyên chửi Mỹ, nhắc lại những “chiến công anh hùng đánh Mỹ” năm xưa bất cứ khi nào có thể.
Ngay cả trong một chuyến đi có tính chất ngoại giao sang Hoa Kỳ của Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, ông ta cũng tìm cách hạ nhục Thượng Nghị Sĩ John McCain và Mỹ qua món quà nhắc lại sự kiện máy bay ông John McCain bị bắn, bản thân ông bị bắt sống, bị tù đày năm xưa.
Ðó không phải là sự vụng về hay ngu xuẩn, đó là sự cố tình, là thông điệp của Hà Nội gửi cho Washington rằng Việt Nam vẫn chưa quên quá khứ, và đừng có mơ Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ đi theo con đường dân chủ của Hoa Kỳ và phương Tây vv...
Một lần nữa, đảng và nhà nước Việt Nam đã tự bỏ phiếu lựa chọn đặt lợi ích của đảng, của phe nhóm lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc.
Như những con đà điểu rúc đầu vào cát, những người đang lãnh đạo Ðảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam tiếp tục làm ngơ trước mọi yêu cầu đỏi hỏi phải thay đổi từ thời cuộc và từ phía nhân dân.
Họ cứ ngỡ rằng, nếu tiếp tục nhịn nhục, tiếp tục đứng một mình không bắt tay với phương Tây và để yên cho Trung Cộng muốn làm gì thì làm trên biển cũng như trên lãnh thổ Việt Nam, thì Bắc Kinh sẽ để yên cho Ðảng Cộng Sản Việt Nam tồn tại. Và cũng không đi xa quá đến mức gây chiến tranh, thôn tính Việt Nam.
Sự thật là họ đã có quá nhiều kinh nghiệm đau thương với Trung Nam Hải mà vẫn cố tự ru ngủ mình.
Như trong câu chuyện cổ tích, có con hổ đói khát nào chịu dừng lại một khi nó đã thò được hai chân, rồi cả bốn chân vào bên trong nhà con cừu?