Nhưng, nếu chịu khó nhìn lại vấn đề, xem video clip cho kĩ, thì mới nhận ra ra rằng những kẻ viết bài mắng người dân “hôi của” kia mới là vô văn hóa, nông cạn và hời hợt!
Mấy ngày gần đây, sau một thời gian dài bẵng đi của câu chuyện hôi bia ở Biên Hòa, Đồng Nai, 5 ngày trước, ở Bắc miền Trung, cụ thể là người dân Lệ Thủy, Quảng Bình lại dấy lên chuyện người dân xúm nhau hôi nhựa đường, thậm chí người dân tấn công những công nhân lái máy xúc để lấy nhựa đường. Và nhiều báo trong nước lại đưa tin, bình luận, cho rằng đó là hành động xấu làm ảnh hưởng đến “thuần phong mỹ tục” ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như bề dày bốn ngàn năm văn hiến gì gì đó… Nhưng, nếu chịu khó nhìn lại vấn đề, xem video clip cho kĩ, thì mới nhận ra ra rằng những kẻ viết bài mắng người dân “hôi của” kia mới là vô văn hóa, nông cạn và hời hợt!
Sở dĩ nói rằng những bài viết kia là vô văn hóa, nông cạn, hời hợt vì ba lý do: Người viết đã không xem kĩ video clip hoặc xem kĩ mà không nhận ra vấn đề; Thói quen viết chụp mũ đã biến bài viết trở thành một thứ lý luận giẻ rách; Cách nhìn một chiều, phiến diện và theo quán tính của kẻ bồi bút.
Ở vấn đề thứ nhất, không xem kĩ video clip, vì bất kỳ người nào xem kĩ video clip đều không bao giờ dám bảo đó là một vụ hôi của, cụ thể là hôi nhựa đường. Mà đó là một cuộc vùng lên trong chừng mực những bức xúc xã hội, bức xúc về kiểu qui hoạch vô trách nhiệm của ngành giao thông. Trong video, những người dân đã xúc nhựa đường để phủ taluy vào lối xóm. Đương nhiên làm như thế là không đúng pháp luật hiện hành nhưng lại hoàn toàn đúng với lương tri.
Dân chúng tự động sửa lại đường sau khi thi công (Ảnh trên Net)
Vì lẽ, đa phần các tuyến đường quốc lộ đều có chung một lối hành xử khi sửa chữa là mặc kệ người dân chung quanh suy nghĩ gì, cần gì và sống chết ra sao, họ thản nhiên thi công theo những “thông số kĩ thuật” của họ mà đáng sợ nhất là thứ thông số kĩ thuật chống lũ, nâng mặt đường cao lên 30cm, có nơi 40cm so với mức cũ. Sau khi thi công, tự dưng con đường trở nên cao vòi vọi so với trước và khoảng cách giữa mặt đường mới với đường dân sinh, đường đi vào nhà dân giãn ra, không tài nào dắt xe máy từ đường lộ xuống đường dân sinh được nữa chứ đừng nói đến ngồi trên xe đi bình thường như trước.
Và mọi tai nạn có thể xãy ra bất kì giờ nào khi trượt xe vào taluy đường. Thường thì sau khi các nhóm thi công rút đi, người dân lại hì hục tự chở đất, trộn bê tông để lấp vào những khoảng gấp gẫy đó. Nhưng người dân Lệ Thủy đã không làm thế, họ đã đấu tranh, họ vác cuốc, xẻng, xe rùa ra lấy nhựa đường để trải vào những khoảng lồi lõm nguy hiểm mà công ty thi công đã tạo ra.
Xét cho cùng, đó là việc làm chính đáng, thậm chí ông Bộ trưởng giao thông vận tải phải trước thì đứng ra xin lỗi, sau thì cám ơn người dân đã làm ông ta thức tỉnh và sau nữa, ông Thủ tướng Chính phủ phải phạt nặng những tờ báo, những tác giả đã viết bài xuyên tạc người dân. Bởi người dân đã hành động đúng, họ tự bảo vệ mình, họ làm vậy nhằm tránh tai nạn giao thông và hơn hết, họ đã đánh động lương tri xã hội về vấn đề cẩu thả trong xây dựng nhà nước nói chung và làm đường nói riêng. Họ hoàn toàn không mang nhựa đường về nhà, họ làm vì những con đường đi vào làng, xã, họ cũng không làm hết cả con đường mà chỉ làm để lấp chỗ lõm nguy hiểm do thi công tạo ra.
Ở vấn đề thứ hai, đó là thói quen chụp mũ và lối làm việc tùy tiện của những kẻ mệnh danh là nhà báo, ký giả thuộc hội nhà báo Việt Nam hoặc là đang công tác ở những tờ báo nhà nước. Cái thói quen dễ dàng chụp mũ, chửi bới, xúc phạm danh dự của đồng loại, đồng tộc chỉ vì chén cơm manh áo, vì cái ghế, vì được lòng cấp trên hoặc vì cái phong bì của kẻ có lỗi nhét vào túi để êm chuyện, để bẻ cong ngòi bút… Và, trong câu chuyện người dân Lệ Thủy xúc nhựa đường, khống chế công nhân thi công, nếu người dân có mảy may một chút lỗi, chắc chắn công ty thi công đã không bỏ qua, hoặc là họ thuê đầu gấu đến xử bà con, nếu thuê đầu gấu không xong, họ sẽ thuê công an, cảnh sát 113 đến giải quyết. Nhưng ở đây, cái lý thuộc về người dân, lẽ phải cũng thuộc về người dân, công ty thi công hết đường làm tới, buộc phải mượn những tay bồi bút xuyên tạc để cứu vãn tình thế mà cũng là đánh động dư luận, bảo vệ cho công ty thi công còn cơ hội tiếp tục làm sai ở những con đường khác. Chính vì cái phong bì của công ty thi công, những kẻ bồi bút đã dùng thứ lý luận giẻ rách để xuyên tạc, áp đặt bà con Lệ Thủy thành kẻ “hôi của”. Trong khi đó, nếu một nhà báo chân chinh, không ai nhìn sự việc theo cách mà đám bồi bút đã nhìn!
Và đến đây, vấn đề thứ ba, cách nhìn phiến diện, một chiều của những tay mệnh danh là nhà báo phục vụ nhà nước, nhân dân… rõ ràng có lý do cũng như nguyên nhân của nó. Bởi vì sống và làm việc trong một sinh quyển mà lòng tự trọng vắng mặt, lẽ phải và tình người cũng vắng mặt, chỉ có sự trí trá, nịnh bợ cũng như nâng bi cấp trên để tồn tại, phát triển, thì làm sao người ta có cơ hội để nhìn thẳng vào sự thật cũng như dám nói lên sự thật. Nhất là trong tình trạng mà sự thật và đạo lý làm người được định giá bằng phong bì và quyền uy?!
Và một khi những công ty thi công đại diện cho nhà nước đã hành xử vô trách nhiệm với người dân, cộng thêm những tay bồi bút sẵn sàng vì chén cơm manh áo, cái phong bì mà hạ nhục đồng loại, đồng tộc của mình như thế, thì câu chuyện phản kháng của người dân sẽ không dừng ở chỗ khống chế công ty để xúc nhựa đường đắp đường làng như vậy đâu. Vấn đề sẽ còn đi xa nữa, thậm chí, không chừng một ngày nào đó, nhân dân sẽ tịch thu xe ủi và bán thanh lý để chia nhau tu bổ nhà cửa bị nứt nẻ do rung chuyển trong quá trình thi công.
Không chừng người dân Trà My sẽ bắt trói ban lãnh đạo công ty thủy điện Sông Tranh 2 để thương thuyết và yêu cầu đền bù thỏa đáng?! Mọi chuyện đều có thể xãy ra dưới thể chế Cộng sản xã hội chủ nghĩa này!