“Về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm các cuộc biểu tình, không có việc kiện lên Liên Hợp Quốc, sẽ không xảy ra các trận diễn tập quân sự với Mỹ và không có chuyện dẫn đầu mặt trận ASEAN thống nhất nhằm chống lại Bắc Kinh”.
Mất mùa là bởi thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài đảng ta
Có lẽ câu ca dao trên phù hợp với bối cảnh giàn khoan HD 981 của Trung Quốc trên biển Đông.
Sau hai tháng trời với kiểu chơi mèo vờn chuột, sử dụng súng nước, 27 tàu thuyền Việt Nam bị hư hỏng, 15 cán bộ giám sát biển bị thương, vào ngày thứ Ba, 15 tháng 7, Trung Quốc ra thông báo rút giàn khoan HD 981 ra khỏi khu vực tranh chấp chủ quyền với Việt Nam xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Chưa cần biết động thái này của Trung Quốc xuất phát từ lý do nào, một vị tướng của quân đội Việt Nam, ông Lê Mã Lương, đã nhận định “đây là sự thành công về cuộc chiến về pháp lý, về ngoại giao của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam”.
Trong phiên họp nội các ngày 16/7, ông Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu một cách yếu ớt, “yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan” trong vùng biển Việt Nam. Chẳng khác nào chủ nhà "yêu cầu" tên cướp đừng tới nhà mình nữa!
Trên mặt trận pháp lý và ngoại giao, ngoài lá thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nói về tình hình hiện tại, Việt Nam đã chẳng làm được gì thêm. Không dám kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế. Quốc hội không ra nổi một nghị quyết về Biển Đông. Mạnh nhất có những tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng cũng chỉ là võ mồm, trấn an dư luận, mị dân.
Trong khi trước đó Trung Quốc cũng đã gửi thư tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và đề nghị chuyển cho 153 nước thành viên, thông báo khu vực đặt giàn khoan thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đi kèm với các tài liệu chứng minh điều đó: công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958, bản đồ biển Đông thuộc Văn phòng Thủ tướng Việt Nam, sách giáo khoa Việt Nam...
Trên mặt trận ngoại giao trong hai tháng qua, Việt Nam dường như đơn độc, đã không lôi kéo được các nước ASEAN ủng hộ, cũng chẳng có chính phủ hay tổ chức quốc tế nào lên tiếng chính thức, ngoại trừ nghị quyết về Biển Đông của Thượng viện Hoa Kỳ. Trong thực tế, nội dung Nghị quyết này cũng chỉ nhằm bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ và quyền lợi của Mỹ trên biển Đông, chẳng có dòng nào ủng hộ cụ thể Việt Nam. Chuyến thăm Hoa Kỳ dự kiến trong tháng 7 của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bị hoãn vô thời hạn là một thất bại của phía Việt Nam trong việc kêu gọi hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Theo hãng tin Reuters, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết giàn khoan đã "hoàn thành trơn tru" mục tiêu của nó và tìm thấy dấu hiệu của dầu và khí đốt, bước tiếp theo sẽ là để phân tích các dữ liệu địa chất và đánh giá các lớp dầu khí.
Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời của Wang Zhen, Phó Giám đốc Văn phòng nghiên cứu chính sách của CNPC, nói rằng, phân tích sơ bộ của CNPC cho biết "khu vực có điều kiện cơ bản và khả năng khai thác dầu khí, khai thác thử nghiệm nhưng không thể bắt đầu trước khi đánh giá toàn diện của dữ liệu".
Mặc dù giàn khoan đã được lên kế hoạch để khám phá những vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa cho đến giữa tháng Tám nhưng Tân Hoa Xã cho biết thêm tháng Bảy là đầu mùa mưa bão, trong khi siêu bão Rammasun đang tiến vào biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết rút giàn khoan là thực hiện theo quyết định thương mại và "không liên quan đến bất kỳ yếu tố bên ngoài".
Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông nói ông tin rằng giàn khoan đã hoàn thành công việc trước thời hạn vì thời tiết tốt trước khi mùa mưa bão bắt đầu. "Nơi đây có tiềm năng dầu khí khá tốt. Có vẻ đầy hứa hẹn".
Trong ngày 16 tháng 7, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "khẳng định không nên xem việc di chuyển giàn khoan Hải Dương – 981 là một động thái rút lui".
Trong khi đó, tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, viết: “Tình hình căng thẳng đã tạm lắng, và may mắn là không dẫn đến cuộc xung đột quân sự nào giữa hai phía. Nhưng các giàn khoan sẽ trở lại, trong năm nay hoặc năm tới. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối phó với một Trung Quốc mạnh hơn, tự tin hơn và cũng kiên quyết hơn”.
Với bài "China’s Rig Departure Proves Nothing" (tạm, dịch: Di chuyển giàn khoan không nói lên điều gì", tờ "The Diplomat" viết rằng, "Trung Quốc đã cho thấy khả năng chịu được áp lực trong khu vực, và có khả năng sẽ trở lại theo cách riêng của nó".
Trung Quốc có thể coi việc đặt giàn khoan là thiết lập một tiền lệ thành công, nhờ đó có thể áp đặt cách giải thích ranh giới khu vực mà không có một phản ứng dữ dội đáng kể. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể xem xét lại vấn đề thời gian và địa điểm lựa chọn của mình trong tương lai, và sự cân bằng an ninh khu vực sẽ không có thay đổi nào đáng kể, tờ Diplomat nhận định.
Nhớ lại chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng 6 vừa qua. Ông ta đã thẳng thắn nói với Đảng Cộng sản Việt Nam rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ chủ quyền và các hoạt động của giàn khoan, trong đó, theo quan điểm của Bắc Kinh, rõ ràng là nằm trên vùng biển của Trung Quốc.
Tóm lại, cuộc đối đầu hai tháng qua, có vẻ như xấu nhất kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979 trong quan hệ hai nước Trung Quốc và Việt Nam mang nặng tính trình diễn của một vở kịch mà các nhà đạo diễn Bắc Kinh đã lèo lái theo đúng ý mình.
Trung Nam hải đã thực hiện được ý đồ khảo sát thăm dò nguồn dầu khí trên biển Đông, ép và dạy dỗ được "những đứa con hoang ngỗ ngược" trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt Nam biết vị trí của mình ngồi đâu và hoạch định được cả sách lược tiến xuống phía Nam trong thời gian tới.
Đúng như nhà báo Roger Mitton viết trên Times Myamar:
“Về cơ bản, Hà Nội đã đầu hàng. Sẽ không có thêm các cuộc biểu tình, không có việc kiện lên Liên Hợp Quốc, sẽ không xảy ra các trận diễn tập quân sự với Mỹ và không có chuyện dẫn đầu mặt trận ASEAN thống nhất nhằm chống lại Bắc Kinh”.
"Trong khi đó, Trung Quốc đã chuyển một giàn khoan dầu thứ hai vào vùng biển tranh chấp và cho biết kế hoạch cho 50 năm tới. Và đó là những gì Trung Quốc sẽ làm", Roger Mitton kết luận.