main billboard

Nhưng thoát đi đâu, thoát như thế nào, thoát nhanh hay chậm, đó là những câu hỏi khó, gây nhiều tranh cãi.

4linh taucongNhư báo chí và các nhà phân tích đã nêu rõ trong mấy tuần nay, Việt Nam rõ ràng là đang nằm trong một thế kẹt. Chúng ta cần phải thoát Trung, về địa chính trị, kinh tế và văn hoá, điều đấy thì đã có sự đồng thuận cao.

Nhưng thoát đi đâu, thoát như thế nào, thoát nhanh hay chậm, đó là những câu hỏi khó, gây nhiều tranh cãi.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi tổng hợp và đưa ra bốn sáng kiến chính, thuyết phục, và bảo đảm hiệu quả.

Ba trong số đó có thể làm luôn, cái thứ tư cần thời gian lâu dài.

Chuyển thủ đô vào Phú Quốc

Đây là một động tác địa chính trị mang tính chiến lược.

Trong khi Việt Nam chưa thành công trong thương lượng với Mexico để hai quốc gia đổi chỗ cho nhau (và qua đó đổi láng giềng) thì chúng ta hoàn toàn có thể dời thủ đô từ Hà Nội, nơi quá gần Trung Quốc và bị cô lập, đến Phú Quốc, quây quần với Thái Lan, Campuchia, và Malaysia, có thể nói là ở ngay trong lòng của bạn bè ASEAN.

Lúc đó họ sẽ hỗ trợ và bảo vệ chúng ta được hiệu quả hơn.

Nhất là khi kênh đào Kra cắt đôi bán đảo Thái Lan được triển khai xong, nối liền Ấn Độ Dương và Biển Đông (hy vọng các bạn Thái đủ khôn ngoan để không chọn một nhà thầu Trung Quốc), thì hải quân Indonesia có thể có mặt ở Dương Đông (thủ phủ của Phú Quốc) trong nháy mắt.

Ngoài ra, Singapore đã cam kết đầu tư xây casino to nhất Đông Nam Á ở đây, và trong ngành ngoại giao, ai cũng biết là những người đánh bạc là những sứ giả hoà bình tốt nhất. Hãy cứ nhìn vào Macao mà xem.

Cuối cùng, rất đáng lưu ý là Miến Điện, trước khi làm động tác thoát Trung ngoạn mục là quyết định dừng đập thuỷ điện Myitsone, thì đã dời thủ đô từ Yangoon về Nay Pyi Taw, để đặt tiền đề cho hành động táo bạo này. Một trường hợp rất đáng nghiên cứu để noi theo.

Thất nghiệp ra biển


thuyenca ngudanViệt Nam cần 'chuyển thủ đô vào Phú Quốc'

Đây là một động tác thoát Trung về kinh tế. Trong khi đồ chơi, băng vệ sinh phụ nữ, hoa quả, iPhone, khai thác bauxite, nhà máy nhiệt điện...đều do Trung Quốc làm thì tuyệt vời thay, chúng ta vẫn tự đánh bắt hải sản được.

Ta cần phát huy thế mạnh này, và tôi hoàn toàn đồng ý với Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Dương khi ông kêu gọi các địa phương tạo điều kiện để “nhân dân không có việc làm, công nhân không có việc làm đi học nghề đánh bắt hải sản, để cùng đi ra biển.”(VietnamNet).

Sẽ có độ trễ nhất định trong quá trình triển khai (vì phải mở các khoá dạy bơi trước), nhưng những lớp “tân ngư dân” đầu tiên (tới từ Bình Dương?) hoàn toàn có thể ra biển trước mùa mưa bão.

Trung Quốc sẽ phải kính nể trước cảnh tượng trùng trùng các ngư dân mới dong thuyền đánh cá ra khơi.

Nhân tiện, cũng xin lưu ý là khi chuyển thủ đô xuống Phú Quốc rồi thì sẽ rất thuận tiện để lãnh đạo trung ương trực tiếp điều phối chiến dịch học bơi và đóng tầu này.

Tuy nhiên, tôi cũng tán thành việc ông Đỗ Văn Dương lờ đi đám trí thức, không cho họ ra biển cùng.

Bởi vì chắc chắn họ sẽ tạo ra thị trường mua bán chứng chỉ bơi giả, rồi học hộ, thi bơi hộ...rất là phức tạp.

Tấm gương hoa hậu


Thoát Trung về văn hoá là một bài toán khó. Họ Khổng giáo, Nho giáo, thì ta cũng Khổng giáo, Nho giáo.

Họ vẽ bậy lên đền đài ở Ai Cập, cho trẻ em tè trên đường phố Hồng Kong, xả rác ra bờ biển quê nhà, thì ta cũng na ná như vậy.

Vậy ta có thể ưu việt hơn họ ở chỗ nào?

Tôi thú nhận là ý kiến xuất sắc về hoa hậu không phải là của tôi, mà là của Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, khi ông bình luận về quy định mới của Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 là các thí sinh phải còn trinh. Theo ông, trinh tiết là nhằm “thể hiện lối sống để cho công chúng có thể học tập.”(VTC News).

Đây rõ ràng là một chiến lược bất ngờ để vượt xa Trung Quốc về mặt đạo đức xã hội.

vn airlineTiếp viên Hàng không Việt Nam sẽ sang làm ở Trung Quốc?

Ông Lê Như Tiến còn đề nghị cụ thể “dựa vào dư luận xã hội, tai mắt cử tri” để phát hiện ra xem thí sinh đã có quan hệ tình dục hay chưa.

'Vô vàn thiệt hại'


Đây là một chiến lược quân sự nhằm làm đối phương kiệt sức bằng những thiệt hại không lớn, nhưng số lượng thì vô vàn.

Chiến lược này cần nhiều thời gian, nhưng chiến tranh du kích lại vốn là sở trường của chúng ta.

Các đề xuất cụ thể gồm: bí mật tuồn các bác sĩ thẩm mỹ sang hành nghề ở Trung Quốc, đặc biệt lưu ý lập phòng khám nơi gần sông; đưa các tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vào làm ở các đường bay Nhật Bản - Trung Quốc để làm Trung Quốc mất uy tín với Nhật; bố trí cho hai anh em họ Dương và các đồng nghiệp hiện đang trong tù vào lãnh đạo các công ty đóng tầu của Trung Quốc; đánh tráo vắc-xin tiêm phòng và các tài liệu quy định chống dịch sởi của họ bằng vắc-xin và các quy định của ta; làm tương tự như vậy với các quy trình xả lũ thuỷ điện...

Nếu làm được những việc trên, theo tôi, chỉ sau một thời gian ngắn, xã hội Trung Quốc sẽ bấn loạn, lòng người không yên, tự họ phải rút các nguồn lực trên biển về để đối phó ở quê nhà.

Đến lúc đó, thực ra vấn đề “thoát Trung” không còn cần phải đặt ra nữa.

Bài viết thể hiện cách hành văn hài hước và quan điểm riêng của bạn Đặng Hoàng Giang từ Hà Nội.