Chính vì vậy, mọi hy vọng nhà cầm quyền sẽ thay đổi, tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc, làm tất cả vì quyền lợi của đất nước, dân tộc là điều không tưởng. Trách nhiệm đó phải thuộc về người dân.
Một lần nữa, trái tim của những người con dân Việt còn trăn trở với vận mệnh đất nước lại sôi sục lên trước thông tin kể từ ngày 1 tháng 5, Trung Cộng đưa giàn khoan “khủng” Hai Yang Shi You 981 (HD 981) vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để tiến hành thăm dò dầu khí.
Việt Nam buộc phải cho các tàu thực thi pháp luật ra kiểm tra. Trong thông báo tại cuộc họp báo quốc tế ngày 7 tháng 5 của Việt Nam, Trung Quốc điều hàng chục tàu đến bảo vệ giàn khoan, có lúc lên đến 80 tàu các loại, kể cả tàu quân sự, ngoài ra còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.
Hình ảnh tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư của Việt Nam làm nhói tim của người dân Việt. (Hình: AP/Photo)
Ðã xảy ra đụng độ khi tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, đâm rách, làm hư hỏng tàu và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ Việt Nam v.v...
Trên các trang blog, trang mạng xã hội những ngày qua, câu chuyện của tất cả những ai quan tâm đến tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam đều xoay quanh sự việc trên.
Phẫn nộ trước hành động ngày càng ngang ngược, tham vọng bành trướng ngày càng lộ rõ của nhà cầm quyền Trung Cộng, người dân càng phẫn nộ hơn đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Bởi chính mối quan hệ bất xứng, sự lệ thuộc về nhiều mặt cũng như sự hèn hạ, bạc nhược của Hà Nội đối với Bắc Kinh trong suốt bao nhiêu năm đã đưa tới kết quả này.
Từ trước đến giờ nhà cầm quyền Việt Nam đã phạm rất nhiều sai lầm và bây giờ họ đang liên tục phải trả giá đắt.
Sai lầm trong đối ngoại khi làm bạn với Trung Quốc, thần phục Trung Quốc trong khi đó lại không chân thành, tích cực xây dựng mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ, các nước phương Tây cũng như các nước Ðông Nam Á có cùng hoàn cảnh bị Trung Quốc o ép. Ðến khi cần nhìn lại chẳng có ai là bạn, là đồng minh.
Ðối nội, sai lầm khi suốt bao nhiêu năm liên tục tiến hành một chính sách ngu dân, khiến đại bộ phận dân chúng không hiểu rõ tình hình đất nước, cứ yên tâm mọi chuyện đã có đảng lo, nhà nước lo, thậm chí sợ hãi, né tránh mọi thứ liên quan đến chính trị. Trong khi một thiểu số có lòng với đất nước, lên tiếng cảnh báo, xuống đường biểu tình chống Trung Quốc...thì bị đàn áp, bắt tù.
Chính sự hai mặt trong đường lối quan hệ ngoại giao, chính trị của Hà Nội khiến thế giới không thực sự hiểu được Hà Nội muốn gì. Người dân cũng vậy, không thể hiểu được nhà nước này sẽ làm gì, sẽ đối phó với Trung Quốc ra sao.
Với các nước bên ngoài thì đơn giản, họ sẽ mặc kệ hai nhà nước cộng sản “anh em” này tự dàn xếp với nhau, như từ trước tới giờ vẫn thế, lâu lâu Bắc Kinh dấn tới lộ liễu thì Hà Nội lại la lên, nhưng rồi cả hai bên đều không muốn chiến tranh xảy ra, lại xuống giọng đàm phán. Sau cuộc thương lượng chắc chắn Trung Quốc lại lấn thêm được một chút, Việt Nam lại nhường một chút, cứ thế...
Nhìn lại sau 40 năm, kể từ ngày mất Hoàng Sa, Trung Cộng từ chỗ hoàn toàn không có chỗ cắm dùi trên biển Ðông nay đã có Hoàng Sa, một phần Trường Sa. Họ đã và đang tiến hành xây dựng những căn cứ quân sự vững chắc trên những hòn đảo lấn chiếm được của Việt Nam, đã vào ra ngang nhiên trên vùng biển Ðông như ao nhà của mình, áp đặt những luật chơi bắt các nước láng giềng phải theo, đã vẽ cả chiếc lưỡi bò trên biển Ðông và đang hiện thực nó từng ngày từng giờ...Còn Việt Nam cứ lùi dần, lùi dần cho đến lúc không còn biển, và mất nước!
Sai lầm tai hại thứ hai nằm trong cách hành xử không rõ ràng, minh bạch, trống đánh xuôi kèn thổi ngược.
Mới đây cũng vậy, khi Trung Cộng đang đưa giàn khoan vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam, một hình thức xâm lăng trắng trợn, thì nhà cầm quyền lại cho bắt khẩn cấp ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm, người sáng lập ra trang điểm tin, báo Ba Sàm có tiếng. Cũng là người điều hành trang Chép Sử Việt ghi lại những sự kiện chính trị xã hội và bình luận hết sức sắc sảo. Trên cả hai trang này, đều có thể nhận thấy quan điểm phản đối mạnh mẽ một nhà nước Trung Quốc tham lam, bành trướng, xấu tính.
Cũng giống như trước đây họ đã cho bắt nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, tức blogger Ðiếu Cày, một trong những người đi đầu trong những cuộc xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa, ngay trước thời điểm diễn ra sự kiện rước đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 tại Sài Gòn.
Những hành động bất nhất, mâu thuẫn như vậy hỏi làm sao người dân không nghi ngờ rằng nhà nước này liệu có thật tâm muốn đương đầu với âm mưu bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ tổ quốc thiêng liêng?
Tai hại khác là việc bưng bít thông tin hoặc thông tin không đầy đủ. Ðặc biệt, trong mọi chính sách, đường lối có liên quan đến mối quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước Việt Nam-Trung Quốc từ xưa đến nay, người dân không bao giờ được biết chuyện gì đã, đang xảy ra.
Trở lại câu chuyện giàn khoan Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam cũng vậy, người dân chỉ được biết những gì đảng và nhà nước cho biết.
Nếu như khi xảy ra sự việc tương tự với Philippines, tổng thống Philippines luôn luôn có mặt ngay tức khắc, lên tiếng mạnh mẽ tố cáo Trung Quốc, cam kết sẽ cùng nhân dân bảo vệ chủ quyền đất nước thì ngược lại, những quan chức cao cấp cho đến “tứ trụ” Việt Nam luôn luôn im lặng, như không hề tồn tại!
Một khi thông tin không đầy đủ thì từ nhân dân cho đến quốc tế sẽ không hiểu rõ tình hình để mà hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam. Một nước nhỏ yếu khi phải đương đầu với một nước lớn mạnh hơn, luôn phải dựa vào dân và vào bạn bè, dư luận quốc tế. Kể cũng lạ, trước kia khi đánh Mỹ, đảng cộng sản Việt Nam đã sử dụng rất tốt hai nguồn sức mạnh này bằng “nghệ thuật” tuyên truyền, vậy mà bây giờ họ lại tự tước bỏ đi.
Ðã có những lời kêu gọi xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc vào sáng ngày Chủ Nhật 11 tháng 5 tới của 20 tổ chức xã hội dân sự, nhưng thái độ của người dân bây giờ rất khác nhau.
Người Việt bao giờ cũng yêu nước, nói đến chống Trung Quốc người Việt luôn luôn sẵn sàng. Nhưng đa số không còn có lòng tin vào nhà nước nữa, và không muốn bị nhà nước lợi dụng như con rối khi cần làm áp lực với Bắc Kinh, còn khi chưa cần thì lại đàn áp, bắt bớ.
Bây giờ nếu chiến tranh với Trung Quốc có xảy ra, liệu người dân có đồng lòng tiếp tục hy sinh xương máu cho một cái nhà nước đã lừa họ bao nhiêu lần và khi hòa bình thì ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, đối xử với dân như một bọn độc tài hà khắc, tham lam, đốn mạt nhất?
Câu trả lời đối với đa số người dân hẳn phải là nếu muốn chúng tôi tiếp tục hy sinh xương máu, phải có điều kiện, đó là nhà nước cộng sản phải thay đổi hoặc tự giải thể, trả lại mọi quyền tự do, dân chủ mà họ đã đánh cắp của nhân dân bao lâu nay.
Và đó là điều nhà cầm quyền sợ hãi nhất.
Từ Trung Cộng cho đến người dân Việt đều quá hiểu cái thế kẹt của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay.
Ngoài, không có đồng minh. Trong, không có niềm tin của nhân dân. Ðánh nhau cũng chết, vì thua, kinh tế sụp, mất chế độ. Mà không đánh, nhịn nhục, thương lượng, thậm chí bán nước thì cũng không xong với cái loại “chó sói gửi chân, được đằng chân lân đằng đầu” như tập đoàn Trung Nam Hải, và không yên với nhân dân. Cũng sẽ mất chế độ. Chung quy, đảng chỉ sợ mất đảng, chỉ vì quyền lợi của đảng.
Chính vì vậy, mọi hy vọng nhà cầm quyền sẽ thay đổi, tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc, làm tất cả vì quyền lợi của đất nước, dân tộc là điều không tưởng. Trách nhiệm đó phải thuộc về người dân.
39 năm qua, hẳn ngày càng nhiều người Việt Nam ngậm ngùi nhận ra hiện trạng của đất nước hôm nay là kết quả từ sự sai lầm của các thế hệ đi trước, với cả hai miền Nam Bắc. Với miền Bắc là mù quáng quyết tâm tiến chiếm miền Nam cho bằng được để thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, với miền Nam là đã không chứng minh được với nhân dân và thế giới chính nghĩa thuộc về mình, để thuyết phục đồng minh Hoa Kỳ không bỏ rơi và thế giới ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng bao nhiêu lần ước ao, tiếc nuối, kể cả oán trách cho sự sai lầm ấy.
Vậy nếu thế hệ hôm nay không làm gì để cho đảng và nhà nước cộng sản cứ tiếp tục tồn tại và đi theo con đường toan tính riêng, mặc kệ vận mệnh của đất nước, dân tộc, đến khi mất biền, thậm chí mất nước, các thế hệ sau này sẽ lại phải gánh chịu hậu quả từ chúng ta, nhưng nặng nề, bi đát hơn rất nhiều.