“Vòng cấm vận sắp đến sẽ không nhắm trực tiếp vào các khu vực kinh tế của Nga, trọng tâm vẫn là những người có liên hệ trực tiếp với ông Putin và các công ty những người này đang điều khiển.”
Trong vòng 24 giờ đồng hồ có tới 3 cuộc họp báo khác nhau.
Cuộc họp báo đầu tiên diễn ra tại Brussels vào sáng Thứ Năm do Ðại Sứ Daniel Baer chủ tọa, để người đại diện cho chính phủ Mỹ bên cạnh Tổ Chức An Ninh Và Hợp Tác Châu Âu (OSCE) thông báo các bằng chứng cho thấy chính phủ Liên Bang Nga không thi hành đúng những gì đã cam kết khi đặt bút ký Hiệp Ðịnh Quốc Tế Geneve để tái lập ổn định cho Ukarine. Dẫn chứng được nói đến là “vẫn có những hoạt động quân sự ở dọc biên giới Nga, gây xáo trộn cho ổn định của Ukraine.”
Tổng Thống Obama đang có chuyến thăm Philippines. Tại đây ông nói rằng, “Ông Putin không thể tiếp tục ‘nói một đàng, làm một nẻo.’” (Hình: Getty Images)
Buổi trưa cùng ngày tại Washington D.C., ông phát ngôn viên Steve Warren của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho hay đã nhiều lần gọi điện thoại dàn xếp cuộc nói chuyện giữa ông Tổng Trưởng Chuck Hagel với người đồng nhiệm Sergey Shoygu bên Nga “nhưng không thấy họ trả lời.” Vài tiếng sau đó là cuộc họp báo được xem là quan trọng nhất diễn ra ngay trên chiếc Air Force One để ông Phụ Tá Cố Vấn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Ben Rhodes trình bày quyết định mới nhất của Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu: sẽ tăng mức cấm vận áp dụng với Nga.
Trong cuộc họp báo đó, ông Rhodes cho biết 4 điểm quan trọng.
Thứ nhất, “các quyết định mới về cấm vận sẽ được loan báo vào tuần tới,” không cho biết đích xác lúc nào “nhưng sẽ không diễn ra vào những ngày nghỉ cuối tuần.”
Thứ nhì, mục tiêu Hoa Kỳ và đồng minh Âu Châu nhắm tới vẫn là những đại gia Nga, “bọn giàu sụ” nhờ quen biết và giúp đỡ của Tổng Thống Vladimir Putin (chữ ông Rhodes dùng là “cronies,”) hiện đang hoạt động trong những lãnh vực “mà chúng tôi sẽ nhắm đến trong những quyết định cấm vận sau này.” giải thích thêm “chế tài các tay tổ này sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế của Nga.”
Ðiểm thứ ba được nói đến là Hoa Kỳ hiểu rõ “mối quan tâm của cộng đồng kinh doanh Âu Châu hiện đang làm ăn với Nga” vì mọi quyết định đều có ảnh hưởng đến những hoạt động của các công ty mà họ đang điều hành. Nhưng “quyết định là quyết định chung của mọi chính phủ chứ không riêng Hoa Kỳ,” đưa ra dẫn chứng “Tổng Thống Obama đã gọi điện thoại nói chuyện với các nhà lãnh đạo những nước bạn, tất cả đều đồng ý phải có biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với Moscow.”
Ðiểm thứ tư cũng là điểm quan trọng nhất: nếu binh sĩ Nga vượt biên giới tràn sang Ukraine, “lúc đó chúng tôi sẽ loan báo quyết định cấm vận nhắm vào những khu vực kỹ nghệ của Nga” và quyết định đó “sẽ gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu,” ám chỉ Hoa Kỳ và các nước bạn sẵn sàng ban hành “những biện pháp mạnh hơn.”
Những điều được các viên chức Hoa Kỳ nói đến trong những ngày cuối tuần vừa qua hoàn toàn chẳng khác gì những điểm đã được nêu ra khoảng 10 ngày trước đó, lúc Washington đang nỗ lực dàn xếp Hội Nghị Quốc Tế Geneve, hy vọng tìm được “một giải pháp chính trị lẫn ngoại giao cho vấn đề Ukraine” như Ngoại Trưởng John Kerry phát biểu trước khi lên máy bay đi Thụy Sĩ phó hội.
Sau khi đạt được kết quà, tin từ hành pháp cho hay cũng chính người đang điều khiển ngành ngoại giao Hoa Kỳ nói với các viên chức phụ tá của ông là “chỉ cần một tuần lễ, chúng ta sẽ biết Liên Bang Nga có thực hiện đúng với những gì họ ký kết hay không.”
Thời gian “một tuần lễ” ông Kerry nói đến đã qua, phía Moscow “vẫn không làm những gì mà họ phải làm,” theo lời một viên chức Tòa Bạch Ốc. Do đó, “Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu đồng ý với nhau sẽ phải đưa ra những quyết định cấm vận mới,” viên chức này nói tiếp.
“Vòng cấm vận sắp đến sẽ không nhắm trực tiếp vào các khu vực kinh tế của Nga, trọng tâm vẫn là những người có liên hệ trực tiếp với ông Putin và các công ty những người này đang điều khiển.”
Lúc đó, tin từ Tòa Bạch Ốc cũng nói nhân vật đứng đầu danh sách tầm ngắm là ông Igor Sechin, chủ tịch Công Ty Dầu Khí Rosneft, một đại công ty làm tiền cho nhà nước Nga.
“Ðương nhiên Âu Châu sẽ đi theo quyết định của Hoa Kỳ, nhưng không có gì bảo đảm Âu Châu sẽ làm tất cả những điều Washington muốn họ làm” là nhận xét của bà Padma Desai, thành viên Hội Ðồng Quan Hệ Ðối Ngoại Mỹ.
Cùng với một số chuyên gia khác, bà Desai cho rằng việc Hoa Kỳ “báo tin sẽ cấm vận vào ngày Thứ Sáu nhưng phải đợi đến Thứ Hai” mới thông báo những quyết định mới nhất “chứng tỏ phía Mỹ và Âu Châu chưa nhất trí được với nhau về những gì muốn làm,” cho dù cả hai đồng ý với nhau là “dưới một hình thức nào đó, phải trừng phạt Nga chứ không thể để yên cho ông Putin được.”
Một cựu viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ kể lại lúc còn làm việc với chính phủ trong những năm đầu của Tổng Thống Obama, “Chúng tôi đã từng nghĩ đến chuyện có ngày phải đối phó với Nga, bàn thảo với nhau những gì có thể làm nếu chuyện này xảy ra.”
Nhân vật này kể thêm là “chúng tôi cũng bảo với nhau rằng nếu muốn cấm vận thành công như trường hợp của Iran, chúng ta phải có toàn thể Âu Châu ủng hộ, nhưng điều đó khó có thể làm được vì Âu Châu có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Moscow.” Do đó, “biện pháp Tổng Thống Obama có thể làm trong lúc này vẫn là nhắm vào thành phần thân cận với ông Putin, trong lúc tìm được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo Âu Châu hầu có thể đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa.”
Trong thời gian chờ đợi đó, “Tôi không ngạc nhiên khi thấy quyết định của Âu Châu chậm trễ hơn quyết định của Hoa Kỳ, tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu quyết định của Âu Châu không mạnh bằng quyết định của Mỹ.”
Các viên chức Hoa Kỳ tin rằng mọi quyết định cấm vận đối với Moscow dù chưa đủ mạnh “nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế của Liên Bang Nga,” điển hình là trị giá đồng “rúp” Nga đang giảm, dần dần lượng ngoại tệ dự trữ của Nga sẽ không còn dồi dào như trước, và theo lời ông Cố Vấn Ben Rhodes, những hành động của ông Putin sẽ khiến cho giới đầu tư nước ngoài “phải suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ vốn đầu tư.”
Ông Rhodes giải thích “một chính phủ không tôn trọng chủ quyền của những nước láng giềng sẽ là một chính phủ không tôn trọng luật lệ mà họ đã đặt ra, kể cả luật lệ về kinh tế, thương mại mà họ hứa hẹn với giới đầu tư ngoại quốc.”
Ðó cũng là nội dung lời tuyên bố được Tổng Thống Obama đưa ra tại Manila, Philippines hồi sáng Thứ Hai (28 Tháng Tư 2014.) Ông bảo mục tiêu của cấm vận “không nhắm vào cá nhân của ông Putin” mà nhằm đẩy nhà lãnh đạo Nga tới chỗ phải thay đổi “những toan tính của ông ta” vì về lâu về dài những gì ông Putin đang làm đối với Ukraine “sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế của Nga.”
Tổng Thống Hoa Kỳ nói thêm đã tới lúc ông Putin phải thực hiện đúng những gì được ghi trong Hiệp Ðịnh Quốc Tế Geneve, không thể tiếp tục “nói một đàng, làm một nẻo.”
Nhà lãnh đạo của Mỹ cũng cảnh báo trước, cho biết mức độ cấm vận sẽ tăng mạnh hơn nữa “nếu tình hình Ukraine trở thành xấu hơn.”