main billboard

Sợi dây xích xuyên suốt trong phương pháp làm ăn của “bầu” Kiên là sự sự tiếp tay, hỗ trợ lớn của các quan chức nhà nước. Nếu không, Kiên đã chẳng nói “được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.”


Ngày 20 tháng 8 năm 2012, Cơ Quan Ðiều Tra Bộ Công An đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Ðức Kiên tức “bầu” Kiên hay “Kiên Bạc.”

Việc bắt giữ “bầu” Kiên, như là chưa có tiền lệ, đã làm rung động toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng, của Việt Nam, tạo hiệu ứng chưa từng thấy. Trị giá của sàn chứng khoán Việt Nam chỉ trong ba ngày sau đã bốc hơi trên 1 tỷ USD.

Các tờ báo lớn uy tín trên thế giới đồng loạt đưa tin với những tiêu đề rất sốc như “Sự sụp đổ tiếp tục ở Ngân Hàng Việt Nam “ (New York Times 24 tháng 8, 12); “Fitch : Các lỗ hổng của bề mặt Ngân Hàng Việt Nam ; RTG rủi ro gia tăng” (Reuters 24 tháng 8, 12); “Cổ phiếu Việt Nam giảm nhiều nhất ở Châu Á” (Bloomberg 23 tháng 8, 12); “Ngân hàng của Việt Nam : lòng tự tin bị mục nát” (Financial Times 23 tháng 8, 12); “Tại Việt Nam : Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế” (New York Times 22 tháng 8, 12)...

“Bầu” Kiên bị truy tố 4 tội danh: Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, trốn thuế, kinh doanh trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau 20 tháng tạm giam điều tra, phiên tòa sơ thẩm đã diễn ra ngày 16 tháng 4 năm 2014 tại Hà Nội.

Các tình huống liên quan đến phiên tòa khiến ta có nhiều suy nghĩ và đặt ra những câu hỏi lớn.

baukien ratoaBầu Kiên ra tòa

Trước hết, “Bầu” Kiên bị áp giải từ xe chở tù ra tòa bởi một đội ngũ công an dày đặc, tay cầm dùi cui lăm le. Kiên bị còng tay và và lòng thòng một sợi xích, còn trong trại giam thì bị cùm cả chân.

Kiên đã nói trước tòa:

“Sáng nay tôi được giám thị trại giam yêu cầu mặc đồng phục của trại nhưng tôi không mặc vì đây là quyền tối thiểu của tôi. Tôi cũng đề nghị trại giam ngưng ngay biện pháp cùm chân tôi trong quá trình tạm giam. Ðây là biện pháp không phù hợp, đề nghị không áp dụng với tôi.”

Dường như chưa có trường hợp nào như thế, kể cả đối với những kẻ thảm sát, giết người như Lê Văn Luyện. An ninh đã làm quá mức cần thiết. “Bầu” Kiên bị xem như một tay khủng bố cực kỳ nguy hiểm, hay một trùm mafia và có thể bị đánh tháo, trong khi đó, luật quy định rằng, chưa có án của tòa thì chưa mất quyền công dân và nếu có, cũng chỉ là một tội kinh tế. Hơn thế, khả năng chạy trốn và đánh tháo là ảo tưởng.

Vậy nhà cầm quyền muốn gì qua hành động này?

Trong 20 tháng qua, “bầu” Kiên đã làm nhiều đơn từ kêu oan gửi nhiều cấp lãnh đạo. Có thể vì vậy mà nhà cầm quyền cố ý răn đe, khủng bố tinh thần? Cũng có thể phe nhóm lợi ích khác, ghen tức, muốn hạ nhục “bầu” Kiên?

Chi tiết thứ nhì là, tiến trình đình hoãn phiên tòa có những điều khó hiểu.

Cần chú ý rằng, ông Trần Xuân Giá trước khi tòa diễn ra đã có đơn đề nghị hoãn, những phiên tòa vẫn tiến hành. Người ta từng đã tiến hành xét xử với trường hợp bệnh tình nặng hơn nhiều . Ðó là cựu chánh thanh tra Bộ Công An Trần Văn Thanh bị đưa đến tòa trên xe cấp cứu và nằm trên băng ca trong tình trạng thở ôxy và truyền dịch vào tháng 8, 2009.

Vào lúc 11 giờ, sau 15 phút hội ý, Hội Ðồng Xét Xử đã quyết định không hoãn phiên tòa. Nhưng đến đầu giờ chiều (sau 2 giờ) lại ông bố quyết định hoãn với lý do ông Trần Xuân Giá “có đơn xin hoãn vì lý do sức khỏe , hiện tại đang điều trị tại Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Xô, cùng với kết quả xác minh của Tòa Án Thành Phố Hà Nội về kết quả bệnh án của bị cáo do bệnh viện cung cấp.” Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ (trong giai đoạn nghỉ trưa) họ đã cấp tốc đi lấy kết quả bệnh án?

Thực chất, theo tôi, sự đình hoãn là xuất phát từ những đề nghị của “bầu” Kiên.

“Bầu” Kiên nói: “Tôi bị buộc tội trốn thuế trên cơ sở văn bản yêu cầu của Tổng Cục Thuế nên yêu cầu người ký văn bản hoặc đại diện có thẩm quyền của Tổng Cục Thuế có mặt.”

Ông Kiên cho rằng bản thân bị buộc tội kinh doanh trái phép trong khi tất cả việc làm của ông là được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, do đó yêu cầu tòa triệu tập: Phòng đăng ký kinh doanh của Sài Gòn và Hà Nội; đại diện các bộ, ngành: công thương, kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng nhà nước.

“Tôi bị buộc tội 4 tội danh trong khi cá nhân tôi trong 20 tháng qua đã có nhiều đơn, nhiều lần trả lời bản cung cơ quan điều tra, tôi cho rằng tôi không có tội, tôi bị oan. Do đó, tôi mong muốn phiên tòa xét xử sớm, công khai cho mọi người biết, dư luận xã hội biết” - Ông Kiên nói bình tĩnh, rõ ràng.

Cuối cùng, “bầu” Kiên kiến nghị:

“Tôi cho rằng tôi không liên quan đến vụ án Huyền Như nên tòa xét xử trước 3 tội danh mà không liên quan đến Trần Xuân Giá. Việc vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến 3 tội danh khác mà Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao truy tố. Ðề nghị Viện Kiểm Sát cho tiến hành phiên tòa . Có thể chờ ông Giá ở phần sau vì đây là phiên tòa kéo dài. Ðề nghị xét xử trước 3 tội danh không liên quan đến các hành vi ở ACB và sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá không ảnh hưởng tới các tội danh khác của tôi.”

Những đề xuất của “bầu” Kiên là thiết thực và hợp lý, buộc tòa phải có những đắn đo, suy tính và cũng khó đoán được “bầu” Kiên sẽ tung ra chưởng gì trong các mối làm ăn với sự can dự của giới chức đương quyền. Cần nhớ rằng, Thượng Tướng Công An Nguyễn Văn Hưởng, cố vấn kinh tế của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cũng là cố vấn ăn lương của “bầu” Kiên. Các việc làm của “bầu” Kiên, ông Hưởng không thể không biết. Từ tướng Hưởng, sẽ còn đi đến đâu là điều chưa được bật mí.

Vì vậy khi bị cảnh sát dẫn giải, Kiên đã tự tin nói với người nhà, “Yên tâm, yên tâm! Không sao đâu! Cả nhà cứ yên tâm đi, nhá!”

Thái độ ngang nhiên của Bầu Kiên đã mang lại cảm tình cho dư luận. Người ta mỉa mai nhà cầm quyền, nhưng không phải ủng hộ gì “bầu” Kiên.

“Bầu” Kiên đã có những thủ đoạn kiếm tiền ma giáo. Ông ta cho thành lập các công ty con có vốn điều lệ lớn, phát hành cổ phiếu bán cho ngân hàng để “huy động” vốn, rồi lấy tiền từ ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng, cầm cổ phiếu này thế chấp vay tiếp mua trái phiếu, trả nợ ngân hàng, hoặc dùng vào mục đích khác, song song với những trò đầu cơ bằng các liên kết đẩy giá thị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ lên xuống theo ý đồ, lừa gạt dân chúng nhẹ dạ, cả tin.

Từ tháng 5, 2010 đến tháng 11, 2011, bất chấp quy định về điều hành lãi suất của nhà nước, Kiên đã chỉ đạo Ngân Hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng, thu số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 247 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước.

Kiên đã sử dụng pháp nhân Công Ty Cổ Phần Ðầu Tư ACB Hà Nội vay của Ngân Hàng ACB 307 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để mua gần 30 triệu cổ phiếu của Công Ty Cổ Phần Thép Hòa Phát, sau đó lại dùng hơn 22 triệu cổ phiếu của Công Ty Cổ Phần Thép Hòa Phát thế chấp cho Ngân Hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu.

Ngày 15 tháng 5, 2012, Kiên chỉ đạo nhân viên dưới quyền lập biên bản họp Hội Ðồng Quản Trị để quyết định chuyển nhượng 20 triệu cổ phần của Công Ty Cổ Phần Thép Hòa Phát, trị giá 264 tỷ đồng để bán cho Công Ty Thép Hòa Phát. Ðiều đáng lưu ý là 20 triệu cổ phần này nằm trong số hơn 22 triệu cổ phần đã được thế chấp cho Ngân Hàng ACB để đảm bảo việc phát hành trái phiếu. Như vậy, Nguyễn Ðức Kiên cùng hai đồng phạm là Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” mang tài sản đã thế chấp đem bán nhằm chiếm đoạt 264 tỷ đồng.

“Bầu” Kiên là tổ sư của trò “mượn đầu heo nấu cháo,” “lấy mỡ nó rán nó,” đặt cược hàng trăm tỷ đồng, nhưng “khi thua có người cứu.” “Ngân hàng thương mại mà chết thì có Ngân Hàng Nhà Nước cứu. Như vậy là anh đem tiền của nhân dân đi đánh bạc, thắng anh ăn, anh thua - nhân dân chịu. Nói chung, đó là đánh bạc không sợ mất vốn” - Ông Bùi Văn, cựu phó giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định trên tờ Pháp Luật.

Ðiều này được khẳng định chẳng thèm giấu giếm qua tuyên bố của Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước rằng, “Chủ trương của chính phủ không để cho bất kỳ ngân hàng thương mại nào đổ vỡ trong giai đoạn này.” Trong khi Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân Hàng ACB nói “Ngân Hàng Nhà Nước cũng đã hỗ trợ thanh khoản cho ACB , chúng tôi cần bao nhiêu thì Ngân Hàng Nhà Nước sẽ hỗ trợ bấy nhiêu.”

Sợi dây xích xuyên suốt trong phương pháp làm ăn của “bầu” Kiên là sự sự tiếp tay, hỗ trợ lớn của các quan chức nhà nước. Nếu không, Kiên đã chẳng nói “được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.”

“Bầu” Kiên là một trong những ông chủ của Ngân Hàng ACB , một người làm ăn có máu mặt ở Việt Nam, có tầm vóc của một nhà tài phiệt, quan hệ sâu rộng với giới chức cầm quyền, thọc tay sâu vào cả khâu nhân sự và chính sách tài chính-ngân hàng của chế độ.

Ðình hoãn không đưa ra thời gian tiếp tục cụ thể, phiên tòa là một vụ án không những chỉ dừng lại ở khu vực kinh tế mà còn đối diện với cả hệ thống chính trị và các phe phái lợi ích. Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu, nhưng dự đoán một phiên tòa nhiều kịch tính và bất ngờ.