Cái nghề chuyên môn, cờ lê, mỏ lét, con đội, xăng nhớt...bây giờ được ngồi mát, ăn bát vàng, chỗ để nhận trà nước cho thủ trưởng, gọi là đền ơn những ngày lái xe, tận tụy, trung thành với thủ trưởng, “trung với đảng, hiếu với dân!”
Ngày xưa, bí mật của các bậc từ vương tôn, công tử chí đến các bậc đại thần, quan lại trong triều đình đều nằm trong tay những tên xà ích (người đánh xe ngựa.) Xà ích là người hiểu rõ đường đi nước bước của người chủ mình, ngài có tư tình với ai, thường lui tới chốn ăn chơi, khu đèn đỏ hay chốn hồng lâu nào, thậm chí có mưu đồ phản nghịch, bàn chuyện phản loạn, gặp gỡ những ai để bàn chuyện thí vua thì cũng không qua khỏi con mắt quan sát và bàn tay sử dụng ngọn roi của tên đánh xe ngựa.
Ngày nay bí mật của các viên chức cao cấp quan trọng trong chính phủ, cho đến quan đầu tỉnh, đầu huyện, từ “mặt trận” cho đến “phong trào” đều nằm trong tay anh “lái xe,” công xa hay tư xa, người hằng ngày theo sát công tác của thủ trưởng. Ông đi đâu, gặp gỡ ai, phòng hai, bồ nhí chân dài ở đâu, lui tới quán massage, ăn nhậu nơi nào. Ngoài ra tài xế còn biết ngân khoản quỹ đen của thủ trưởng, việc mua sắm ngoài luồng, quà cáp biếu xén, bồi dưỡng, mua nhà, sắm xe cho ai, vì quan không thể xuất đầu lộ diện đi mua sắm, để lại quá nhiều dấu vết trên con đường ăn vụng.
Tướng Trần Ðại Quang, một trong 189 tướng công an Việt Nam. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Do vậy, các chức vụ phụ tá, bí thư, chánh văn phòng chức có vẻ cao, quyền có vẻ trọng, nhưng không được thủ trưởng, tin cậy kính nể, yêu thương và cả nể sợ như đối với anh lái xe. Nhắm vào yếu tố này, nhiều phu nhân cũng đã phải dùng các “yếu nhân” này của chồng, tạo anh lái xe thành người gián điệp nhị trùng, ăn “bổng” của nhà nước nhưng hưởng “lộc” của cả hai phe. Người ta đang tìm chiếc hộp đen để biết được hành trình và chuyện gì đã xảy ra cho một chuyến bay ngộ nạn, thì tài xế chính là chiếc “hộp đen” của thủ trưởng, bà nào tìm mở ra được chiếc hộp đen này là coi như nắm được tất cả bí mật hành trình của chàng, nhưng cũng có nhiều quý phu nhân ngây thơ, tin chồng đang rong ruổi với tài xế trên đường công vụ, bận rộn đêm ngày với bao nhiêu việc dân, việc đảng.
Ðể bù đắp cho việc bảo mật, không có ông thủ trưởng nào mà không “hảo” với người lái xe của mình, mặc dù lái xe là người dưới quyền của ông, thăng thưởng hay sinh sát nằm trong tay ông. Tài xế cũng không dại gì không tỏ ra biết điều, trung thành với chủ để có chỗ nương thân, lính tráng thì khỏi ra mặt trận, thời bình thì khỏi phải khiêng to, vác nặng hay thuyên chuyển đến chỗ “khỉ ho cò gáy.” Là người ít học, không có kiến thức văn hóa, chuyên môn, tài xế chỉ là người ngồi trước tay lái, chỉ đâu đi đó, biết kín miệng, giữ ý, nếu rành chuyện ăn chơi, chỉ đường cho thủ trưởng lại là chuyện quý hơn.
Trong quân đội xưa cũng như nay, đơn vị trưởng hay thủ trưởng có muốn nâng đỡ tài xế cách mấy cũng không thể đề nghị đặc cách cho anh trung sĩ thăng cấp chuẩn úy, gắn anh dũng bội tinh, vì công việc tài xế chỉ có nhiệm vụ đưa ông đến sở, chở “cô Chiêu, cậu Ấm” đi học, hoặc đưa bà đi thâu hụi, đậu chến.
Có muốn nâng đỡ tài xế, gửi đi học trường đào tạo sĩ quan thì cũng phải có bằng cấp, không thể chơi trò ngang ngược được.
Nhưng nay trong cái gọi là “xã hội chủ nghĩa,” tiền bạc của quốc gia là của “chùa,” nhân lực và tài sản của đất nước như thứ “nước sông, công tù,” xài bao nhiêu cũng được, nửa ăn nửa bỏ, coi chuyện đất nước như thứ không mất tiền mua, ai “cấu” được tí nào thì “cấu!”
Sở dĩ tôi phải dài dòng văn tự như vậy là vì gần đây, nhiều cán bộ cộng sản lấy chức vụ của nhà nước để ban ơn cho tay chân bộ hạ, những người tín cẩn của mình cũng như từng nắm chỗ yếu của mình. Thay vì cho những anh lái xe ít học, bất tài này, tới tuổi hưu về vườn hay thuyên chuyển cho đi làm bảo vệ, giữ xe gắn máy, giữ kho... thì lại bổ nhiệm họ vào những chức vụ đúng ra, phải có chút ít chữ nghĩa, kiến thức hành chánh hay kinh nghiệm chuyên môn và đúng ra phải có chút liêm sỉ tối thiểu để biết hổ thẹn mà không nhận bừa chức vụ. Ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa, Huyện ủy đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hiệp, không có bằng đại học, là lái xe, giữ chức Phó Văn phòng Huyện Ủy.
Ngày 12 tháng 10, 2011, ông Trương Bá Phúc - bí thư Huyện ủy huyện Tĩnh Gia lại ký quyết định số 216-QÐ/HU bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Hợi (sinh năm 1959, quê quán xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia,) công chức lái xe cơ quan huyện ủy giữ chức vụ phó chánh văn phòng huyện ủy. Cùng thời gian trên, ông Nguyễn Xuân Thủy - chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cũng ký quyết định bổ nhiệm ông Vũ Quang Huy (sinh năm 1960, trú tại xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia) là lái xe cơ quan UBND huyện giữ chức vụ phó chánh văn phòng UBND huyện.
Như thế là ba tài xế của ba ông, hai ông là đảng, một ông là chính quyền được xếp đặt vào chức vụ phó chánh văn phòng, là loại biết tiếp khách và không mù chữ để đọc được một cái công văn. Cái nghề chuyên môn, cờ lê, mỏ lét, con đội, xăng nhớt...bây giờ được ngồi mát, ăn bát vàng, chỗ để nhận trà nước cho thủ trưởng, gọi là đền ơn những ngày lái xe, tận tụy, trung thành với thủ trưởng, “trung với đảng, hiếu với dân!”
Lương là của nhà nước, chức vụ là của cơ quan, những vị thủ trưởng này xem như tiền nhà, ban phát cho con cháu họ hàng một cách vô tội vạ.
Kiểu bổ nhiệm này chúng gọi là “vận dụng linh hoạt,” và ngụy biện rằng “thường vụ huyện ủy thấy khả năng các anh ấy có thể đáp ứng tốt công tác hành chính quản trị nên đã đi đến thống nhất cao để bổ nhiệm. Mặc dù tại thời điểm bổ nhiệm chúng tôi biết hai anh này không đủ điều kiện về bằng cấp, trình độ để đảm nhiệm vị trí phó văn phòng.”
Ðiều này cho chúng ta thấy, chuyện lâu nay thiên hạ vẫn cho đảng viên cộng sản là phường bất nhân vô ơn, bạc nghĩa, như mẹ đào hầm cho cán bộ ẩn nấp, nay có chức có quyền, cướp nhà, lấy đất, đẩy mẹ vào thế dân oan nằm đường ngủ chợ, hay chuyện bà Cát Hanh Long bị tử hình thời cải cách ruộng đất là chuyện bôi xấu chế độ! Rõ ràng là người cộng sản có tình có nghĩa, ngay cả với một anh tài xế quèn, còn được cất nhắc lên địa vị, ngày trước lái xe cho người, ngày nay chễm chệ có người lái xe cho mình. Thử hỏi ngày nay có bao nhiêu giám đốc, thứ trưởng, đảng ủy, tỉnh ủy xuất thân là cận vệ, anh nuôi cho
thủ trưởng ở trong rừng, khi cướp được chính quyền được nâng đỡ lên như diều gặp gió, nhưng đã có ai vỗ ngực xưng mình xuất thân từng vác ba-lô, mang “nóp,” nấu cơm, hái rau rừng cho các anh Ba, anh Tư.
Cần dọn đất chính quyền, trả lương, cấp xe, nhà, chia chác công quỹ cho “phe đảng,” nên xã hội chủ nghĩa đặt ra nhiều chức vụ, thêm nhiều quyền lực cho anh em, đồng chí mỗi người mỗi chức. Chúng ta đã ngạc nhiên khi nghe Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội có đến 7 chức phó chủ tịch đã là chuyện lạ, nhưng chúng ta sẽ sững sờ hơn khi đọc bản tin “Danh sách phó thủ tướng Việt Nam- Wikipedia tiếng Việt” ghi rằng: “Phó thủ tướng Việt Nam là một chức vụ trong chính phủ Việt Nam, được quy định ngay từ Hiến Pháp 1946.
Trong chính phủ Việt Nam từ năm 1955 có nhiều ghế phó thủ tướng. Kỷ lục nhất là vào năm 1987 có tới 12 phó thủ tướng tại nhiệm và trong nhiệm kỳ Quốc Hội khóa VII (1981-1987) tổng cộng có tới 17 người đảm nhiệm phó thủ tướng!”
Thủ tướng muốn ban phát chức vụ, cấp bậc cho người dưới trướng, để thế lực càng ngày càng mạnh, nhất là trong chế độ toàn trị, công an là một công cụ dùng để đàn áp nhân dân, để bảo vệ củng cố đảng. Thời VNCH, ngành cảnh sát có bốn vị tướng (không kể một vị sau khi tốt nghiệp K.16 Thủ Ðức mang cấp bậc chuẩn tướng cảnh sát,) con số tướng lãnh của Bộ Công An CSVN ngày nay có hơn 180 người, (trong đó có nữ thiếu tướng đầu tiên - Bùi Tuyết Minh, giám đốc công an Kiên Giang,) một con số làm cho chúng ta thật sự chóng mặt.
Không biết trong số 180 tướng lãnh công an này có ai xuất thân là lái xe cho các anh Ba, anh Tư không?
Ðất nước mình còn nghèo, chậm tiến, mà cứ “vận dụng linh hoạt” kiểu này thì “thằng chủ” là nhân dân càng ngày càng đói rạc, mà “đầy tớ” thì càng ngày càng béo mập ra.