Bởi hôm nay là Ngày Quốc Tế Cho Quyền Biết Ðược Sự Thật Về Những Vi Phạm Nhân Quyền Thô Bạo và Phẩm Giá của Các Nạn Nhân (International Day for the Right to the Truth Concerning Gross Human Rights Violations and for the Dignity of Victims).
Và tôi có rất nhiều điều muốn trải lòng. Cũng lâu, lâu lắm, phải gần 3 tháng rồi tôi mới có dịp ngồi lại để chia sẻ với các bạn đọc gần xa. Về những điều mà tôi đang ấp ủ.
Các bạn có biết hôm nay là ngày gì không? Một ngày mà trong suốt hai tuần vừa qua tôi phải đong đếm từng ngày mong cho nó đến. Chưa bao giờ trong đời tôi phải thao thức đến vậy. Cũng chưa bao giờ trong đời tôi phải phân vân đến thế.
Bởi hôm nay là Ngày Quốc Tế Cho Quyền Biết Ðược Sự Thật Về Những Vi Phạm Nhân Quyền Thô Bạo và Phẩm Giá của Các Nạn Nhân (International Day for the Right to the Truth Concerning Gross Human Rights Violations and for the Dignity of Victims).
Cách đây 4 năm, vào ngày 21 Tháng Mười Hai, 2010, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức tuyên cáo ngày 24 Tháng Ba mỗi năm sẽ là ngày mà cả thế giới, tất cả các quốc gia thành viên, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự và người dân cùng nhau tổ chức tưởng niệm những nạn nhân của các vụ vi phạm nhân quyền thô bạo, tầm quan trọng của quyền được biết sự thật và đạt được công lý. Ðể tôn vinh những ai đã và đang dành cả đời mình để tranh đấu và bảo vệ cho nhân quyền. Và đặc biệt hơn hết là để ghi nhận giá trị và việc làm hết sức quan trọng của Ðức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đến từ El Salvador, người đã bị ám sát vào ngày 24 Tháng Ba, 1980 sau khi lên án những vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với những thành phần cô thế cũng như bảo vệ những giá trị căn bản cho quyền làm người.
Như lời phát biểu của đương kim Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon: “Let us recommit to working to help victims, their relatives, and society as a whole to realize the right to truth - and to protecting those who fight to see the truth prevail.”
Chúng ta hãy cùng nhau tái xác quyết để giúp đỡ các nạn nhân, họ hàng của họ và cho cả xã hội có quyền biết được sự thật - và bảo vệ những ai đang tranh đấu để sự thật được thắng thế.
Tôi thật sự rất muốn làm được điều này. Rất muốn dành cả cuộc đời còn lại để đạt được mục đích này. Ðây là lý do đầu tiên làm cho tôi, tuy có nôn nóng, nhưng phải đợi đến ngày hôm nay mới có thể chia sẻ cùng các bạn.
Lý do thứ hai đơn giản hơn. Hôm nay, đúng 88 năm về trước, là ngày mà những lời tâm sự sau đây đã được đọc lên:
”Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi suối vàng.”
Các bạn có biết ai đọc điếu văn này không?
Xin thưa, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng.
Cho ai? Xin thưa, cho người bạn thân của ông, cụ Phan Châu Trinh.
Thú thật, trước đây tôi không biết nhiều về cụ Phan. Tên ông tôi đã nghe từ nhỏ. Biết ông là người thức thời, học cao, hiểu rộng, yêu nước, cùng thế hệ với các ông Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, v.v... nhưng những việc ông làm và nhất là đường lối, tư tưởng mà ông theo đuổi mãi sau này, những năm gần đây, tôi mới có dịp biết rõ.
Và ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ từ cái tâm cho đến cái tầm của ông. Nhất là cái tầm. Bởi 100 năm trước ông đã thấy những gì đất nước Việt Nam, con người Việt Nam thật sự cần thay đổi. Mà bây giờ, xin lỗi, tôi nghĩ đa số người Việt chẳng thèm để tâm đến.
Nói chi đến cái tầm bằng ông.
Khai dân trí. Chấn dân khí. Hậu dân sinh.
Ngày càng lớn, càng già, tôi càng tâm đắc với 3 câu, 9 chữ này. Dân trí mà chưa được khai thì đố mà có khí. Một khi có một tí khí rồi thì hẳn mong dân tình có dịp phát triển sinh sôi, nảy nở tốt đẹp hơn cho tương lai của đất nước Việt Nam.
Cũng bởi lý do này mà hôm nay tôi rất vui mừng thông báo với các bạn là đứa con tinh thần của nhiều bạn bè trong nước, của các anh chị em cùng chí hướng với tôi, cuối cùng đã được cho ra đời. Nó được cho ra đời vào đúng ngày 24 Tháng Ba hôm nay để dành lại quyền của tất cả mọi người dân, trong và ngoài nước, biết được sự thật. Về những gì đã, đang và sẽ xảy ra trên quê hương của chúng ta.
Nó được cho ra đời để thế giới thấy và hiểu rõ hơn về công cuộc đấu tranh giành lại lẽ phải của dân tộc Việt Nam. Của tất cả những ai đang đòi lại quyền làm người cho chính mình.
Nhưng trên hết, nó là một minh chứng hùng hồn cho sự trưởng thành, dân trí đã khai mở của một thế hệ trẻ Việt Nam, trong và ngoài nước, lần đầu tiên cùng nhau hợp tác. Ðể từ đó, dân khí Việt Nam sẽ được chấn hưng. Và trong tương lai, dân sinh sẽ là chuyện tất yếu.
Ngày này, 88 năm trước cụ Phan có thể đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho đời “đất vàng một nắm.” Nhưng tinh thần cụ, tư tưởng cụ vẫn mãi mãi còn đó để hôm nay, 88 năm sau, nó đã giúp tạo dựng nên một thực thể, ngày một thay đổi, đưa những tin tức trung thực, cập nhật từ Việt Nam ra toàn thế giới.
Nó có cái tên rất đơn giản, dễ nhớ: vietnamrightnow.com.
Việt Nam. Ngay bây giờ.
Và đây cũng là lý do tại sao hôm nay tôi viết những dòng chữ này. Cũng là lần cuối tôi được trải lòng với các bạn đọc trên trang VOA. Bởi trong bất kỳ cuộc chơi nào cũng có điểm dừng. Và tôi nhận thấy ngày hôm nay là ngày thích hợp nhất.
Cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi, khuyến khích tôi trong suốt 5 năm qua. Ðã ghé thăm, chia sẻ với tôi ngay tại trang nhà này những tâm tư, suy nghĩ cá nhân qua từng lời văn, câu chữ. Nếu không có các bạn, tôi đã không thể cho ra đời đứa con tinh thần duy nhất mang tên Hội & Ngộ. Nếu không có các bạn, chắc chắn khả năng viết tiếng Việt của tôi sẽ vẫn còn rất tồi.
Ðấy là chưa kể đến biết bao điều chúng ta thật sự đã tìm được sự đồng cảm, chia sẻ dành cho nhau. Từ câu chuyện về “Chú Ngươn,” “Bố Kỳ,” “Ngày Nảy Ngày Nay,” cho đến những dòng tản mạn viết về
“Tình Yêu” rạng sáng Tết cổ truyền Songkran ở Bangkok của hai năm về trước.
Tất cả, tất cả sẽ là những kỷ niệm êm đẹp nhất, tĩnh lặng nhất của một thời. Giữa tôi và bạn. Bởi câu nói của một ai đó luôn luôn đúng:
Sách là gương.
Chúng ta chỉ thấy được những gì đã có sẵn ở trong ta.
Chắp tay cầu chúc tất cả các bạn luôn bình an.