main billboard




Lần đầu tiên trong đời pháo thủ tôi được quyền lựa chọn đơn vị nào mình muốn phục vụ.

vnch PhaoThuMuXanh

Cuối mùa Hạ năm 1963, tôi được lệnh trình diện bộ Tổng tham mưu để đáo nhậm đơn vị mới. Lần đầu tiên trong đời pháo thủ tôi được quyền lựa chọn đơn vị nào mình muốn phục vụ. Tôi sẽ chọn đơn vị nào đồn trú gần Saigon nhất. Đó là Tiểu đoàn pháo binh Thủy Quân Lục Chiến đang đồn trú ở Thủ Đức. Trước khi trình diện Bộ chỉ huy Pháo binh tôi đã lên trại Chương Dương xin gặp Đại úy Nguyễn Văn Trước hiện giữ chức vụ Tiểu đoàn pháo mũ xanh. (Đại úy Trước coi như ông thầy của tôi, ông là Trung đội trưởng Khóa sinh không quá nghiêm khắc ở trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Năm 1960 tôi lại tái ngộ với Đại úy Trước ở Bộ chỉ huy Pháo binh Quân đoàn II, không còn khoảng cách giữa Khóa sinh và Sĩ quan cán bộ, lại sống ở miền Cao nguyên xa gia đình, ông đã cùng tôi nhiều đêm say khướt, chân nam đá chân xiêu, dìu nhau ra xe phóng ào ào về Cư xá Sĩ quan độc thân. Lúc đó Đại úy Trước thật là dễ thương, thật là Huynh đệ Chi binh, ông vừa mất chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 nên buồn và thường rủ tôi đi nhậu. Ông chi tiền rượu, còn tôi có phận sự lái xe sao cho an toàn. Vài tháng sau tôi có lệnh thuyên chuyển về Tiểu đoàn 21 Pháo binh, Đại úy Trước về làm Tiểu đoàn trưởng Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến lúc nào tôi không rõ). Tôi mặc bộ Quân phục rằn ri từ ngày đó cho đến ngày tan hàng di tản.

Tiểu đoàn Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến lúc bấy giờ có 2 pháo đội 75 ly và 1 pháo đội 105 ly. Mỗi pháo đội có 8 khẩu (Pháo đội 105 ly ở Sư đoàn Bộ binh chỉ có 4 khẩu).

Pháo đội A 75 ly do Trung úy Đoàn Trọng Cảo khóa 13 Võ bị làm Pháo đội trưởng. Đoàn công tử sau lấy danh hiệu truyền tin là Can Trường. Tôi nghe danh công tử họ Đoàn này đã lâu, từ khi đọc cuốn Những Nụ Gai Mòn của Hà Huyền Chi, nay mới hội ngộ. Pháo đội B 75 ly do Trung úy Hạnh làm Pháo đội trưởng, anh được ông già Râu Kẽm (biệt danh của Đại úy Trước) gọi là Hạnh TV nội hóa vì chàng thích ở phòng ngủ với cô bạn gái trong khi hầu hết Sĩ quan đều xem Truyền hình ở Câu lạc bộ. Pháo đội trưởng pháo đội C 105 ly là Nguyễn Hồ Quỳ, mặt hơi đen, trán hói với biệt danh Hắc công tử. Quỳ và tôi cùng Trung đội 17, Đại đội 5 khóa 5 Thủ Đức nên khá thân, khi học khẩu đội vụ, Quỳ thay tôi chỗ nạp đạn, khi ra đài quan sát tôi ngồi sau Quỳ để điều chỉnh tác xạ giùm anh, tôi đã lười học bài mà khi thi Quỳ cứ ngồi cạnh tôi để chép, may mắn cả hai cùng ra trường Thiếu úy. Mãn khóa tôi chọn Quân khu II, được đổi về Tiểu đoàn 26 Pháo binh đóng ở Nam Giao, Quỳ đáo nhậm Tiểu đoàn 24 Pháo binh ở Ban Mê Thuột. Năm 1958, sau khóa tu nghiệp Pháo binh ở Hoa Kỳ về tôi tái ngộ cùng Quỳ ở Tiểu đoàn 24 Pháo binh. Khi tôi thuyên chuyển về Bộ chỉ huy Pháo binh Quân đoàn II thì Quỳ đi Hoa Kỳ học khóa Pháo đội trưởng rồi về với Tiểu đoàn Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến.

Bây giờ gặp lại nhau ở Binh chủng Mũ Xanh, Quỳ bàn giao pháo đội C cho tôi để giữ chức vụ Tiểu đoàn phó. Lúc đó xảy ra cuộc đảo chánh 1/11/1963, Hắc và Đoàn công tử có tham gia đảo chánh nên được thăng cấp Đại úy, tháng sau tôi cũng được điều chỉnh cấp bậc Đại úy vì đã hơn 6 năm Trung úy. Đây là lần thứ 5 tôi làm Pháo đội trưởng, nhưng là pháo đội 105 ly 8 khẩu, oai chán. Có thể nói rằng pháo đội C là điểm hội tụ của hầu hết cao thủ Mũ Xanh, sau này giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng như Đặng Bá Đạt, Lê Khắc Đông, Nguyễn Hữu Lạc, Hà Tiến Chương.

Sau gần 2 năm giữ chức vụ Pháo đội trưởng, nhìn thấy bạn bè cùng khóa ở Sư đoàn Bộ binh đều làm Tiểu đoàn phó, vài anh gặp thời đã làm Tiểu đoàn trưởng và lăm le lên Thiếu tá, tôi yêu cầu Thiếu tá Trước giao pháo đội C lại cho Trung úy Đặng Bá Đạt, viện lý do thiếu sức khỏe và xin thuyên chuyển. Tôi đâu có ngờ cái “rọ” Thủy Quân Lục Chiến này đã chui vào rồi thì khó mà thoát ra được. Tôi lại bị nhốt vào phòng 3 Sư đoàn. Gần 2 năm làm Sĩ quan tham mưu bị trói tay trói chân, đang tính làm đơn xin giải ngũ thì xảy ra biến cố Tết Mậu Thân. Lệnh tổng động viên ban hành, Sĩ quan được gọi tái ngũ.

Khi Thiếu tá Nguyễn Văn Trước đi học lớp Tham mưu trung cấp, lẽ ra Nguyễn Hồ Quỳ, Tiểu đoàn phó lên thay, nhưng không hiểu ông già Râu Kẽm làm ảo thuật gì mà công tử họ Đoàn lại nắm được Tiểu đoàn 1 Pháo binh. Hắc công tử chỉ biết chửi thầm khi cầm Sự vụ lệnh về trình diện Bộ Tư lệnh Sư đoàn làm Sĩ quan liên lạc pháo binh. Nhưng chỉ vài tháng sau, Tiểu đoàn 2 Pháo binh được thành lập và Quỳ được chỉ định làm Tiểu đoàn trưởng, tôi phụ tá cho Quỳ. Ông Mắt Kiếng, biệt danh của Đại tá Tham mưu trưởng Bùi Thế Lân, gọi tôi và Quỳ vào văn phòng tâm sự đôi lời rồi phán :

- Bây giờ cờ đến tay hai ông rồi đó, liệu mà phất !

Cũng vì lời nhắn nhủ của ông mà tôi hăng tiết vịt làm quá nhiệm vụ của mình. Kết quả là hồ sơ bị bôi đen một lần nữa bởi ông bạn thân cùng khóa. Hắc công tử phiền lòng ! Nhảm quá, cờ của ông chứ đâu phải của tôi. Làm lễ xuất quân cho Tiểu đoàn pháo số 2 xong, tôi khăn gói lên xứ sương mù tu nghiệp khóa Tham mưu Trung cấp gần nửa năm. Mãn khóa, trở lại Tiểu đoàn chưa được một tháng thì Trung tá Đỗ Kỳ, với chút tình nghĩa năm xưa ở phòng 3 Sư đoàn nói nhỏ là nên tìm cách đi và ông đề nghị tôi du hành quan sát các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở Okinawa. Thế là tôi có dịp rong chơi 4 tuần lễ dài khắp đảo Okinawa, bởi vì các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đồn trú ở đây đã sang Việt Nam gần hết, có gì đâu để mà quan sát.

Cuối năm 1969, tôi được thăng cấp Thiếu tá dù phiếu phê điểm cá nhân chẳng sáng sủa gì cho lắm. Phúc bất trùng lai, tôi được đề cử thành lập Tiểu đoàn pháo số 3. Bây giờ cờ đến tay, tôi lại thấm mệt chẳng muốn phất. Sinh sau, đẻ muộn, chưa có doanh trại, tôi dắt vài Hạ sĩ quan và dăm Tân binh về tá túc ở Tiểu đoàn 1 Pháo binh. Thành phần quân số Pháo đội lấy ra từ Tiểu đoàn 1 pháo binh, ông Cảo thương tình cho một Pháo đội trưởng có nhiều tài, đó là Phan Minh Hùng, tự Hùng Hô. Hắc công tử cho Hà Tiến Chương hiền như thầy tu xuất, giúp tôi thành lập pháo đội J. (Xin nhắc lại : Tiểu đoàn 1 pháo binh có 3 pháo đội tác xạ ABC, Tiểu đoàn 2 Pháo binh có các pháo đội DEF và Tiểu đoàn 3 có các pháo đội IJK).

Võ Đằng Phương, phụ tá cho tôi là Đại úy khóa 7 Thủ Đức nhưng tự ghép mình vào kỷ luật như dân Võ bị. (Phương số không khá, mãi đầu năm 1975 mới được chiếu cố chức vụ Tiểu đoàn trưởng, vài tháng sau cũng vì quá kỹ luật mà kẹt lại ở Thuận An vào tháng 3 gãy súng. Khi đi tù anh còn viết thư cho Thủ tướng Cộng sản Phạm Văn Đồng đòi được xét xử theo luật tù binh Quốc tế. Cộng sản đưa anh ra tòa năm 1985 và kết án 10 năm tù, hết hạn có thể cải tạo thêm. Bạn bè về hết anh vẫn tiếp tục nằm đếm lịch ! Nghe đâu anh đã về năm 1994 và may ra anh sẽ đi chuyến chót chương trình HO. Anh là người tù lâu năm nhất trong gia đình Mũ Xanh). Tôi chỉ định Phương đem Pháo đội I và pháo đội J ra trường Pháo binh ở Dục Mỹ để huấn luyện và khảo hạch. Khảo hạch xong mới giao cho Trung úy Phan Văn Kính, tự Kính Già. Sau đó Phương lại phải kiêm nhiệm chức vụ Pháo đội trưởng pháo đội K.

Lúc bấy giờ, Tiểu đoàn 2 Pháo binh đang tham dự hành quân ở Kampuchea, Thiếu tá Nguyễn Hồ Quỳ bỗng lâm trọng bệnh rồi đột ngột qua đời. Tôi lo tang lễ cho Quỳ thật chu đáo và buồn cho Quỳ, cờ đến tay chưa hưởng nhiều vinh quang đã bỏ anh em mà đi ! Đại úy Đặng Bá Đạt, khóa 6 Thủ Đức, xuất thân từ Pháo đội C, pháo thủ ưu ái của Trung tướng Lê Nguyên Khang, nắm quyền chỉ huy Tiểu đoàn 2 Pháo binh. Đạt có số đào hoa nhưng có số sát pháo, mới làm pháo đội trưởng anh đã đốt ngay một khẩu ở Bồng Sơn, đạn nổ trong lòng súng ! Trận Hạ Lào, Đạt đốt 12 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly ở căn cứ Đống Đa. Mùa Hè đỏ lửa 1972, tại căn cứ Mai Lộc, Đạt phải phá hủy 12 khẩu 105 ly, chạy bộ về Ái Tử. Ba tuần sau, Đạt nhận được 18 khẩu do Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ gửi tặng từ Okinawa, bèn tình nguyện theo Lữ đoàn 147 ra Ái Tử thay cho tôi. Lúc bàn giao vị trí tôi nói đùa với Đạt : “Bạn đốt pháo hơi nhiều đấy nhé, tình hình ở đây nặng lắm, chúc nhiều may mắn”. Nào ngờ chưa được một tuần lễ, lần thứ ba, Đạt phải phá hủy cả Tiểu đoàn pháo và xe bên bờ Bắc sông Thạch Hãn, lội ngang sông về cổ thành Quảng Trị. Tháng 3 năm 1975, Đạt đốt nguyên cả 3 Tiểu đoàn Pháo binh, 56 khẩu 105 ly ở vùng I Chiến thuật.

Chưa được bổ xung quân số và quân dụng 100% không lễ xuất quân, Tiểu đoàn 3 pháo binh âm thầm di chuyển sang xứ Chùa Tháp với 2 pháo đội tác xạ. Súng mới, xe mới, Quân trang cũng mới toanh, các pháo thủ Mũ Xanh Nỏ Thần đi trên đường phố Thị trấn Neak-Luong như đi diễn hành. Những người lính Miên ngắm nhìn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam một cách ngưỡng mộ.

Sau 3 tháng hành quân ở Campuchia, Tiểu đoàn 3 pháo binh, đứa em út của Pháo binh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã thực sự trưởng thành. Tôi hãnh diện với các Sĩ quan cán bộ, Tiểu đoàn phó Võ Đằng Phương thật kỹ luật gương mẫu, Hà Tiến Chương pháo đội trưởng công vụ, hiền lành nhưng thủ trại rất kỹ, Phan Minh Hùng râu quặp, xuất sắc nhất là pháo đội trưởng pháo đội I, Trương Công Thuận pháo đội trưởng pháo đội J được vài tháng thì thuyên chuyển về Tiểu đoàn 2 pháo binh, bàn giao cho Vũ Quang Vinh (Vinh dân Thủ Đức khóa 19, kỷ luật và gan dạ chẳng thua gì dân Võ bị. Anh đã nói một câu để đời : “Con cái thằng Tám dọt cả rồi, bây giờ tôi phải tay đôi với tụi nó đây”. Đó là lúc đoàn chiến xa Cộng sản ào ào tấn công pháo đội của anh ở xã Chính An, Vinh đã bình tĩnh chỉ huy bắn hạ chiếc chiến xa đầu tiên, đem lại tinh thần cho toàn thể pháo thủ bắn hạ thêm 5 chiến xa nữa, chặn đứng cuộc tấn công của địch). Pháo đội K do Phạm Văn Kính chỉ huy, Kính Già nóng tính, ưa dùng cây gậy với pháo thủ khó dạy. Có lần trấn giữ tuyến đầu với Tiểu đoàn Sói Biển ở Đông Hà ông đã chửi thề trong máy truyền tin : “ĐM định thí cái thằng già này sao ?”. Tôi biết rõ tình hình lúc ấy nhờ nghe được lệnh triệt thoái các lực lượng ở tuyến đầu của Tướng Giai, nên đã tự ý chỉ thị cho pháo đội K lui về phía sau.

Giờ đây tất cả đều có mặt ở Hoa Kỳ, trừ Vũ Quang Vinh. Anh đã bị thủ tiêu trong trại tù "cải tạo", hay đã chết trong Chiến khu ? Không ai biết rõ, nhưng chắc chắn anh đã là một trong những Anh hùng Vô danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trần Thiện Hiệu