Miền nam VN giữ quyền tự trị, độc lập của họ, theo ông (TT Kennedy) miền nam VN phải tự bảo vệ đất nước họ, Hoa Kỳ không thể chiến đấu cho họ.
Trước ngày đảo chính
Năm 1961 chiến tranh bắt đầu lan rộng tại miền nam VN, Việt Cộng gia tăng lực lượng từ đầu năm 5,500 người tới 25,000 cuối năm 1961. Tổng thống Kennedy cho tăng quân số VNCH từ 170,000 lên 200,000 người, số cố vấn phụ trách huấn luyện gia tăng tới 3,200 người. Năm 1962 chính phủ Mỹ vội viện trợ cho quân đội VNCH ba đại đội trực thăng H-21, 16 phi cơ vận tải C-123, hai chi đoàn thiết giáp M-113 (1)…
Việt Cộng bị bao vây tiêu diệt dần dần, quân đội VNCH nhờ chiến thuật, vũ khí mới đã đạt thắng lợi năm 1962, quân phiến loạn bị mất tinh thần.
Năm sau1963, chính phủ Ngô Đình Diệm bị sa lầy vì vụ Phật giáo khởi đầu từ giữa cho tới cuối năm 1963 thì hoàn toàn sụp đổ.
J.F Kennedy. Ảnh Internet
Từ giữa 1962 chính phủ Kennedy có mục đích rõ ràng chỉ gửi cố vấn sang huấn luyện quân đội VNCH để tự bảo vệ đất nước họ (2), nghĩa là không gửi quân tác chiến. Bộ trưởng quốc phòng McNamara cho biết ông đã đặt giới hạn cho thời gian huấn luyện, nếu thành công thì phải rút. Ngày 23-7-1962 ông hỏi tướng Paul Harkins (3) tại Honolulu bao lâu ta có thể loại trừ hết VC, ông tướng nói có lẽ một năm. McNamara nghĩ có lẽ ba năm sẽ trấn áp địch, cuối tháng 3-1963 ông hỏi ý kiến Sir Robert Thompson (chiến lược gia chống du kích) về việc này, ông ta nói nếu bình định tiến bộ, có thể rút bớt 1,000 người, lúc này tổng cộng có 16,000 cố vấn tại miền nam VN.
Lần họp sau tại Honolulu với tướng Harkins ngày 6-5-1963, McNamara hỏi ông tướng và được biết cuộc chiến diệt du kích tiến triển tốt đẹp, ông bèn chuẩn bị cho rút 1,000 cố vấn cuối năm 1963. Trong khoảng thời gian này khủng hoảng tôn giáo chính trị bùng nổ, tới tháng 8-1963 tình hình căng thẳng hơn. Ban tham mưu không đồng ý kế hoạch rút quân khi được McNamara hỏi tới, họ nói khoan rút cho tới cuối tháng 10 vì tình hình chính trị VNCH xáo trộn, khủng hoảng lắng dịu hãy cho rút.
Theo McNamara ngày 21-8-1963, khoảng 2 giờ sáng, được sự đồng ý của Diệm, Nhu cho lệnh tấn công các chùa chiền (with Diem’s approval, Nhu ordered an elite military unit to raid the Buddhist pagoda..) (4), bắt giam mấy trăm sư tăng. Bắt đầu từ mùa hè McNamara được tin ông Diệm giao cho Nhu tiếp xúc bí mật với Hà nội, nhân cơ hội này De Gaulle kêu gọi VN thống nhất, trung lập. McNamara cho rằng ông Diệm định tháu cáy Mỹ vì họ đang ép ông bớt đàn áp những người chống đối. Tuần này những viên chức then chốt nắm quyết định về VN – Tổng thống Kennedy, Dean Rusk, McGeorge Bundy, John McCone, McNamara – đều không ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn (5)
Ngày 24-8 những bản tường trình về sự bạo hành từ VN tràn tới Washington . Các viên chức xử lý thường vụ tại trung ương cho đây là cơ hội để lật đổ chế độ Diệm. Người Mỹ chuẩn bị làm đảo chính, McNamara cho đây là một trong những quyết định nguy kịch nhất về VN dưới chính phủ Kennedy và Johnson. Người khởi xướng là Roger Hilsman, ông ta thay thế Averell Harriman trong chức vụ Phụ tá bộ trưởng ngoại giao đặc trách Viễn đông sự vụ, Hilsman và các cộng sự viên cho rằng nếu còn Diệm ta không thể thắng (CS), vậy phải loại bỏ ông ta (we could not win with Diem and, therefore, Diem should be removed)
Roger Hilsman bắt đầu soạn một công điện để gửi cho Henry Cabot Lodge, Đại sứ mới nhậm chức tại Sài gòn, khởi đầu bằng sự kết án Nhu xin sơ lược như sau (6)
Nhu lợi dụng thiết quân luật để tấn công các chùa chiền (to smash pagodas), rõ ràng Nhu trở thành người cầm đầu
Chính phủ Mỹ không thể tha thứ cho tình trạng quyền hành rơi vào tay Nhu, phải giúp Diệm loại bỏ Nhu và đồng bọn.
Nếu ông (tức Cabot Lodge) đã cố gắng hết mình mà Diệm vẫn ngoan cố (Diem remains obdurate) và từ chối thì có thể loại bỏ ông. Ta cũng cho các Tướng lãnh (Sài gòn) biết Mỹ sẽ cắt viện trợ trừ khi thả các sư tăng bị bắt và loại bỏ vợ chồng Nhu. Chúng ta sẽ cho Diệm cơ hội thuận tiện để loại bỏ Nhu nhưng nếu ông ta còn ngoan cố, bó buộc ta không thể ủng hộ Diệm. Ông có thể nói cho các Tướng lãnh (VN) rằng chúng ta sẽ trực tiếp giúp họ giai đoạn sau đảo chính. Thêm vào đó Đại sứ và các cộng sự của ông có thể tạm thời nghiên cứu chi tiết kế hoạch thay Diệm nếu cần.
Hilsman soạn xong trình Averell Harriman, Thứ trưởng ngoại giao (mới lên) chấp thuận. Công điện sau đó được gửi Kennedy (đang nghỉ mát), ông ta nói có thể đồng ý nếu các cố vấn của ông đã thuận. Dean Rusk (Bộ trưởng ngoại giao), được hỏi ý kiến và được biết Tổng thống đã đồng ý, Dean cũng thuận nhưng không nhiệt tình lắm.
McNamara chán nản vì chính phủ tại Sài Gòn gia tăng đàn áp nhưng không biết sẽ thay bằng chính phủ như thế nào, có lẽ tốt nhất là thuyết phục ông Diệm thay đổi lập trường, dọa cắt viện trợ có thể khiến ông từ bỏ đàn áp. Công điện đã được gửi đi Sài Gòn.
Kennedy sau đó lấy làm tiếc đã gửi công điện, coi đó là sai lầm, ông tưởng đã được McNamara, tướng Taylor .. .soạn và đồng ý nhưng thực ra chỉ là do Harriman, Hilsman, Mike Forrestal … những người này ủng hộ đảo chính mạnh. Ngày 29-9-1963 tướng Maxwell Taylor và McNamara tới dinh Gia Long họp 3 giờ với ông Diệm, sau có đãi tiệc, Lodge và tướng Harkins cũng tháp tùng. Ông Diệm nói hai tiếng rưỡi về chính sách và diễn tiến cuộc chiến. McNamara nói Mỹ muốn giúp VN thắng CS, chúng tôi lo âu về tình hình chính trị tại VN, tôi đề nghị ông chấm dứt đàn áp vì sự xáo trộn sẽ ảnh hưởng xấu nỗ lực của Mỹ.
Ông Diệm bác bỏ cho rằng báo chí xuyên tạc về chính phủ và gia đình ông khiến người Mỹ hiểu lầm về VN. McNamara nói mặc dù có một số bài báo sai nhưng không thể phủ nhận sự khủng hoảng niềm tin vào chính phủ Diệm tại VN cũng như tại Mỹ. Ông Diệm không đồng ý và trách những sinh viên non trẻ vô trách nhiệm bị bắt mới rồi, ông chua chát bảo tôi có trách nhiệm về vụ Phật giáo ấy là vì tôi quá tử tế với họ.
Taylor và McNamara về Hoa Thịnh Đốn tường trình Tổng thống với sự giúp đỡ của Phụ tá bộ trưởng quốc phòng về vấn đề an ninh quốc tế, bản văn gồm một số điểm chính.(8)
-Về quân sự có nhiều tiến bộ
-Sài Gòn căng thẳng về chính trị, chính phủ Diệm Nhu ngày càng mất lòng dân.
-Những hành động đàn áp trong tương lai của Diệm Nhu có thể thay đổi tình hình quân sự tốt đẹp hiện nay, một đường lối cai trị ôn hòa có thể làm dịu khủng hoảng chính trị.
-Không phải áp lực Mỹ sẽ làm Diệm Nhu ôn hòa, thật ra có thể khiến họ ương bướng.
-Viễn tượng thay đổi chính phủ có thể cải thiện 50 – 50
Khuyến cáo (một số điểm chính)
Hai người khuyên:
-Một chương trình thiết lập, huấn luyện người VN có thể thay thế vai trò quân nhân Mỹ cuối 1965, có thể rút hết người Mỹ vào lúc này.
-Song song với chương trình huấn luyện người Việt nắm vai trò quân sự, Bộ quốc phòng sẽ thông báo một ngày rất gần chuẩn bị rút 1,000 quân nhân Mỹ cuối năm 1963
-Ngưng viện trợ tài chính.
-Giữ những liên hệ đúng với viên chức cao cấp VNCH
-Quan sát tình hình coi xem Diệm có bớt đàn áp và tăng hiệu quả quân sự không?
-Ta không khuyến khích việc thay đổi chính phủ (VN)
Hai người nhấn mạnh không tin tưởng hành động tổ chức đảo chính vào lúc này
Về Mỹ ngày 2-10-1963, Taylor và McNamara thuyết trình cho Kennedy nghe tại tòa Bạch ốc, chủ đề thảo luận chính là khuyên rút 1,000 cố vấn Mỹ.
“Thưa tổng thống, tôi nghĩ chúng ta phải tìm cách rút ra khỏi địa bàn, và phải cho dân chúng biết thế”
Chiều hôm ấy Kennedy triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về bản tường trình, ông nói chúng ta cần tìm cách thuyết phục ông Diệm thay đổi không khí chính trị tại Sài Gòn, ông nhấn mạnh chính phủ ta sau cùng nhất trí về VN, nay chúng ta có một chính sách và bản tường trình được mọi người cùng duyệt.
Mọi người đồng ý đó là cuộc chiến tại miền nam VN, chúng ta chỉ gửi cố vấn và giúp họ chiến đấu, nếu họ không tự vệ được thì sẽ không thắng được cuộc chiến. Thảo luận sôi nổi về lời khuyên của Bộ quốc phòng thông báo kế hoạch rút quân cuối 1965 bắt đầu bằng 1,000 người cuối 1963.
Cuộc thảo luận cho thấy không đồng nhất, một số cho quân sự tiến triển tốt, huấn luyện tốt ta có thể rút; một số cho không thấy chiến tranh tiến triển thuận lợi và không thấy quân đội VNCH được huấn luyện tốt nhưng cũng đồng ý cho rút vì người miền nam VN huấn luyện được và ta đã làm việc ở đó khá lâu, có kết quả; nhóm ba thể hiện ý kiến của đa số nói người VN huấn luyện được và tin cuộc huấn luyện chưa đủ, cần tiếp tục thêm.
Kennedy chấp nhận cho rút 1,000 người cuối tháng 12-1963, ông không lý luận. Vì chương trình bị nhiều người chống đối và sợ họ có thể cố gắng thuyết phục Kennedy đổi ý nên McNamara thúc Tổng thống thông báo chính thức. Kennedy đồng ý nhưng không kèm theo câu vào cuối năm vì sợ nếu thông báo mà không làm được trong ba tháng sẽ bị chỉ trích.
McNamara nói cái lợi của kế hoạch là chúng tôi cho Quốc hội, người dân biết ta có kế hoạch giảm quân số Mỹ tại nam VN mà người VN sẽ bình định đất nước họ, nó sẽ là thành quả tốt đẹp trước những nhận định cho rằng Mỹ sẽ sa lầy hàng chục năm.
Kennedy đồng ý, sau phiên họp, tòa Bạch ốc đã chính thức thông báo: Bộ trưởng quốc phòng McNamara và Tướng Maxwell Taylor tường trình cuối năm nay chương trình của Mỹ huấn luyện cho người VN tiến triển tốt đẹp và 1,000 quân nhân Mỹ công tác tại đây sẽ được hồi hương.
Sáng 5-10-1963 thảo luận về tường trình. Tổng thống Mỹ chấp nhận đoạn nói về kế hoạch đảo chính. Bản tường trình viết “lúc này ta không nên cổ võ thay đổi chính phủ (bênVN). Một chính sách khẩn để tìm và tiếp xúc một lãnh đạo khác nếu có thể, Tổng thống chỉ thị gửi tới Sài Gòn qua đường CIA.
Quyết dịnh của Kennedy: Mỹ chủ trương không thay đổi chính phủ (VN). Ngày 25-10, trong môt điện khẩn gửi Mc George Bundy, Đại sứ Cabot Lodge (từ VN) cho biết âm mưu các tướng VN đã tiến hành mạnh, chúng ta không thể ngăn cản đảo chính, ông lý luận: ta có thể tin chính phủ sau sẽ không thối nát như chính phủ hiện tại. Thay lời tổng thống, Mac phúc đáp Lodge: ta hãy duyệt kế hoạch các tướng và làm cho họ nản chí vì khó thành công.
Bốn hôm sau trong một phiên họp với Kennedy, McNamara nói về trong số các viên chức Mỹ ở Sài Gòn âm mưu làm đảo chính và thấy tướng Harkins có thể không biết tòa Đại sứ và CIA làm gì. Theo ông này ủng hộ đảo chính nghĩa là đặt tương lai miền nam VN vào tay những người chưa rõ ra sao. Taylor đồng ý cho rằng nếu thành công nó sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực chiến tranh của Mỹ.
Lúc 6 giờ chiều họp tiếp, Kennedy không tin vào nhiệt tâm của Lodge về cuộc đảo chính cũng như các tướng VN. Họp xong Bundy gửi điện cho Lodge tại VN và bảo ông này đưa bức điện nói về âm mưu của các Tướng (VN) cho Tướng Harkins coi và hỏi ý kiến ông ta.
Tướng Harkins phàn nàn Đại sứ Lodge dấu không cho ông biết tin tức về đảo chính, Harkins chống đảo chính, không tin các tướng lãnh VN. Ông nói chúng ta không thay ngựa nhanh như vậy mà phải thuyết phục cho ngựa đổi hướng và thay đổi cách hành động.
Lodge sợ chính phủ Mỹ phản đối cuộc đảo chính bèn đánh điện trả lời bầy tỏ chán nản: “Chúng ta không có khả năng trì hoãn đảo chính”. McNamara và Bundy thắc mắc các tướng VN có tiếp tục đảo chính không nếu họ biết Mỹ chống lại đảo chính. Bundy đánh điện Lodge “Chúng tôi không chấp nhận lý do ‘ta không thể trì hoãn đảo chính’. Chúng tôi tin ông phải hành động và thuyết phục các tướng ngưng hay hoãn mọi kế hoạch chưa chắc đã thành công (tức kế hoạch đảo chính)”
Lodge định về Hoa thịnh Đốn ngày 1-11-1963 để tham khảo ý kiến. Trước khi lên máy bay ông theo Đô đốc Felt vào viếng xã giao ông Diệm. Trước đó ông Diệm đã gửi thiệp cho Lodge bảo ông này ở lại chừng mười năm phút sau khi Đô đốc Felt đã đi, Lodge đồng ý. Sau đó ông đánh điện về Hoa Thịnh Đốn
“Khi tôi đứng dậy định đi, ông ta (Diệm) nói: Ông làm ơn nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và ngay thẳng, chẳng thà thẳng thắn giải quyết vấn đề bây giờ hơn là nói về nó sau khi chúng tôi mất hết. Nói cho Tổng thống Kennedy biết tôi coi những đề nghị này nghiêm chỉnh và muốn thi hành nó nhưng chỉ có vấn đề thời gian thôi”
Lodge nhận xét
“Tôi nghĩ đây là một bước tiến khác qua cuộc nói chuyện mà Diệm đã bắt đầu tại lần gặp nhau ở Đà lạt hôm chủ nhật (27-10) (lời Lodge)
“Nêu Hoa kỳ muốn thương thuyết nhiều vấn đề. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được.. thật vậy ông ta nói : Cứ nói cho tôi biết các ông muốn gì, chúng tôi sẽ làm” (lời ông Diệm)
Tôi hy vọng chúng ta sẽ bàn tới nó ở Washington ” (lời Lodge) (9)
Bức điện về Bộ ngoại giao lúc 9 giờ :18 phút sáng (giờ Washington) ngày 1-11-1963, tới 9 giờ 37 phút sáng tới Tòa Bạch Ốc, tại đó McNamara và các cố vấn họp với Tổng thống bàn về các biến cố ở Sài Gòn. Lúc đó thì đã quá trễ; cuộc đảo chính đã bắt đầu.
Trưa hôm ấy tin anh em ông Diệm bị giết khiến Kennedy xúc động mạnh.
Nhận định cuối cùng về VN trước công luận của Kennedy trong một cuộc họp báo ngày 14-11 ông nói “Chúng ta có từ bỏ VN không? Một chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là an ninh của đất nước ta nhưng chúng ta không muốn Hoa Kỳ đóng quân ở đó”
Trước đó trong một cuộc họp báo khác ông cho biết mục tiêu của chúng ta là đưa người Mỹ về nước, để người miền nam VN giữ quyền tự trị, độc lập của họ, theo ông miền nam VN phải tự bảo vệ đất nước họ, Hoa Kỳ không thể chiến đấu cho họ
(The South Vietnamese must carry the war themselves, The United States could not do it for them)
Ngày 22-11-1963, Tổng thống Kennedy bị ám sát tại Dallas
Sang thời Johnson
Phó tổng thống L.B Johnson lên thay thế Kennedy, tình hình chính trị miền nam ngày càng phức tạp và xáo trộn. Đúng ba tháng sau cuộc đảo chính 1-11-1963, tướng Nguyễn Khánh lại đảo chính Dương Văn Minh ngày 30-1-1964 (10), cuối tháng 10-1964, ông Trần Văn Hương được mời làm Thủ tướng, nhưng chính phủ của ông chỉ tồn tại được đúng ba tháng. Năm 1964 là một năm đầy hỗn loạn, đảo chính, tranh quyền, biểu tình, tuyệt thực…Trong khi CS ngày càng gia tăng xâm nhập (11), Nga và Trung Cộng gia tăng viện trợ quân sự (12), chương trình rút quân của Kennedy đã không thực hiện được mà Tổng thống mới còn phải gửi thêm cố vấn lên 23,300 người tính tới cuối năm 1964 (13).
Ngày 1-12-1964, Tổng thống Johnson họp với các cố vấn tại tòa Bạch ốc, tướng Maxwell Talor, Đại sứ ở Sài gòn về, phó tổng thống Humphrey.. VNCH bất ổn, mất VN sẽ phá hỏng chính sách be bờ ngăn chận CS tại Đông nam Á.
Đại sứ Taylor trở lại Sài Gòn mang thông điệp của Johnson cho các Tướng lãnh VN, Mỹ tiếp tục viện trợ, các tướng phải thôi chống đối nhau và chống chính phủ, sự thực họ vẫn chống chính phủ dân sự, McNamara nghĩ họ muốn nắm quyền. Trong một buổi họp với các tướng VN ngày 20-12-1964, hôm mà các tướng này giải tán Thượng Hội Đồng QG, Taylor có những lời lẽ nặng nề khiến các tướng VN gửi văn thư cho Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Trần văn Hương yêu cầu trục xuất đại sứ Taylor về Mỹ (14). Người Mỹ dọa cắt viện trợ, nhờ sự dàn xếp khéo léo của Thủ tướng Trần Văn Hương vụ khủng hoảng đã được dàn xếp ổn thỏa.
Ông Đại sứ tức giận gửi điện về Mỹ nhân dịp lượng giá cuối năm, ngoài các vấn đề khác, có nói “Nếu tình hình ngày càng tệ, chúng ta có thể tìm cách rút ra khỏi mối liên hệ này với chính phủ VNCH, rút hết cố vấn .. Nhờ vậy ta mới có thể dứt bỏ một đồng minh không đáng tin cậy và để cho họ tự lo lấy thân, có sụp đổ thì ráng chịu”
McNamara cho biết các viên chức tòa Bạch Ốc ít ai chịu chú ý tới điểm này vì sợ nó phá hỏng chính sách đắp đê ngăn chận CS của Mỹ. Taylor ám chỉ ta theo một chương trình sao cho miền nam VN yêu cầu chúng ta rút hoặc một tình trạng hỗn loạn khiến ta phải rút hết cố vấn, như vậy sẽ khiến Hoa Kỳ tiết kiệm được xương máu. Rõ ràng rút bỏ là con đường ta phải chọn lựa, nhưng ta đã không làm thế (15)
Gần cuối cuốn hồi ký In Retrospect của McNamara (trang 320) ông cũng nói Hoa Kỳ có ba cơ hội để rút bỏ VN: Từ cuối 1963 khi tình hình xáo trộn sau đảo chính hoặc cuối 1964, hay đầu 1965 khi miền nam VN xáo trộn về chính trị và yếu kém quân sự.
McNamara sau này cho rằng cuộc chiến VN là sai lầm, đáng lý phải rút khỏi VN từ giữa thập niên 60 để khỏi thiệt hại nhân mạng cho người Mỹ.
Sau khi lên thay Kennedy, Tổng thống Johnson không thể rút quân vì tình hình chính trị và quân sự ờ miền nam không ổn định. Johnson bắt đầu cho oanh tạc BV từ 2-3-1965 mục đích buộc Hà nội phải đàm phán ngưng bắn nhưng ngược lại họ tăng cường xâm nhập và tấn công quân đội VNCH. Tháng 3-1965 theo yêu cầu của Tướng Westmoreland và Đô đốc Sharp, Johnson cho hai tiểu đoàn TQLC tới VN để canh giữ phi trường, dần dần tình hình quân sự ngày một xấu, tướng Westmoreland khẩn khỏan xin Tổng thống cho tăng thêm lực lượng.
Johnson rất lưỡng lự trước quyết định gửi quân sang VN khi ấy Quốc hội người dân ủng hộ cuộc chiến ngăn chận CS tại Đông nam Á, họ muốn ông không để mất miền nam, đồng thời tướng Tư lệnh yêu cầu khẩn thiết cho tăng quân. Việc gửi quân cho dù cần thiết nhưng nó sẽ phá hỏng chương trình phúc lợi xã hội (Great Society) của Johnson gồm nhân quyền, medicaire, medicaid, trợ giúp giáo dục, chống nghèo….Nó có thể hủy hoại sự nghiệp chính trị của ông. Nhưng cuối cùng Johnson đã đồng ý cho tăng quân vì nếu mất miền nam, ông sẽ phải chịu trách nhiệm về sự hủy hoại chính sách đắp đê be bờ của Mỹ. Trung bình một tháng năm 1965 tăng quân vào VN trên 10,000, tới cuối năm đã lên tới 184,000, cho tới 1968 đã lên tới 530,000 người. Chiến tranh ngày càng mở rộng, Mỹ tăng quân thì BV gia tăng xâm nhập y như truyện Sơn tinh Thủy tinh, nước càng lên cao thì núi cũng lên cao.
Giữa năm 1965 nếu Mỹ không đem quân vào miền nam VN thì sẽ bị mất trong vòng 6 tháng (16), trung bình một tuần ta mất một quận và môt tiểu đoàn. Những năm 1966, 1967 tại miền nam có vài bài báo nêu vấn đề chủ quyền, chỉ trích chỉnh phủ làm ngơ cho người Mỹ đem quân vào nước ta. Nay vẫn còn nhiều người chê các tướng lãnh, chính phủ VNCH hồi giữa thập niên 60 đã không giữ được chủ quyền, để cho Hoa kỳ ngang nhiên đem quân xâm nhập. Người mình hay ngủ mơ trên mây xanh, sắp chết tới nơi mà vẫn nói chuyện chủ quyền.
Kết luận
Kennedy quyết định rút quân bắt đầu từ cuối 1963 vì cho rằng cuộc bình định miền nam đã tiến triển tốt, VC đã bị đánh bại, đẩy lui. Kennedy và McNamara thiếu tin tình báo cũng như không hiểu biết gì nhiều về CSVN. Thực tế đã chứng tỏ cuộc chiến kéo dài tới mười năm chứ không phải sẽ chấm dứt cuối 1965 như Kennedy và McNamara mơ tưởng.
Cho tới 1969 Nixon mới bắt đầu cho rút 60,900 quân, năm sau 1970 rút 140,600 người, năm 1971 rút 177,800 người, năm 1972 rút 132,600 người chỉ còn để lại hơn 20,000. Nhiều người Việt quốc gia lên án Nixon, Kissinger rút quân, bắt ép VNCH ký hiệp định Paris bất bình đẳng khiến miền nam sụp đổ năm 1975.
Người Mỹ lại nói khác, tác giả Walter Isaacson (17) chỉ trích Nixon đã không ký Hiệp định Paris từ 1969, rút bỏ miền nam sớm hơn thay vì bốn năm nữa mới ký (1973). Cuộc chiến kéo dài thêm bốn năm làm chết thêm 20,000 người Mỹ. Nhận định này không phải riêng của Walter Isaacson mà phong trào phản chiến, đảng đối lập, Quốc hội thù nghịch, truyền thông báo chí cũng nghĩ như thế. Người ta oán trách Nixon đã không chịu bỏ rơi chế độ Thiệu sớm hơn 4 năm và ký Hiệp định Paris từ năm 1969, để tiết kiệm xương máu cho người Mỹ. Họ cho rằng Hoa Kỳ không đáng phải hy sinh thêm 20 ngàn lính Mỹ để bảo vệ cho miền nam VN sống thêm 4 năm nữa.
Cuối năm 1963, Kennedy, McNamara muốn rút khỏi VN nhưng dù muốn cũng không làm được vì Quốc hội và người dân không muốn thế, qua thăm dò đại đa số tin vào thuyết Domino, mất miền nam Đông nam Á sẽ rơi vào tay CS. McNamara tiếc rẻ mãi, ông nói Hoa kỳ đáng lý phải rút bỏ VN từ 1963, 1964, 1965 vì đó là cuộc chiến sai lầm. Đây chỉ là một nhận định không tưởng vì tình hình lúc này không cho phép, người dân và Quốc hội sẽ chống đối không để Johnson McNamara làm như vậy. Nhận định này chỉ lả để bào chữa cho sự bất tài vô dụng của chính McNamara, người đã được Quốc hội và nhân dân ủng hộ hết mình, đã nắm trong tay hơn nửa triệu quân mà chẳng làm nên trò trống gì.
Những năm đầu thập niên 70, Nixon dù có muốn giữ miền Nam VN, dù muốn ở lại miền Nam cũng không được, gió đã đổi chiều: người dân, Quốc hội Mỹ đã quá chán chiến tranh Đông dương, họ chỉ muốn nó chấm dứt sớm ngày nào hay ngày nấy. Những người kết án Nixon, Kissinger phản bội đồng minh cũng nên để ý, người ta đã có kế hoạch, dự tính rút bỏ VN từ những năm 1963, 1964, 1965 và cà 1969 chứ không phải đợi tới năm 1973, 1975.
© Trọng Đạt
————————————————–
Chú thích
(1) Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 20, 21.
(2) Robert S. McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam (in 1995) trang 48
(3) Tư lệnh Bộ viện trợ quân sự Mỹ tại VN
(4) In Retrospect, trang 51
(5) Đi vacation, nghỉ mát, trang 52
(6) In Retrospect, trang 52.
(7) Đài VOA, BBC khoảng thời gian này nói Nhu cầm đầu chính phủ Sài Gòn, đại sứ Trấn văn Chương tại Mỹ từ chức để phẩn đối ông Diệm tuyên bố Ngô đình Nhu, con rể ông hiện cầm đầu chính phủ Sài Gòn
(8) In Retrospect trang 77
(9) In Retrospect, trang 82, 83
(10) Lâm Vĩnh Thế, VNCH 1963-1967, Những Năm Xáo Trộn, Chương ba (trang30), Chương bốn (trang 52), Chương năm (trang 65.)
(11) Nixon, No More Vietnams trang 50: trong năm 1964 chủ lực quân địch tăng từ 10,000 lên tới 30,000 người; phụ lực quân địch tăng từ 30,000 lên 80,000 người.
(12) BBC Vietnamese.com. Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh 10-5-2006. Giai đoạn 1955-60: 45 ngàn tấn viện trợ vũ khí, giai đoạn (1961-64) lên 70 ngàn tấn
(13) Chiến tranh VN toàn tập trang 886
(14) VNCH 1963-1967, Những Năm Xáo Trộn (trang 97, 98), In Retrospect trang 164
(15) In Retrospect trang 164: It is clear that disengagement was the course we should have chosen. We did not
(16) Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trận Chiến Trong Mùa Lễ Phục Sinh 1972, trang 16, 17
(17) Kissinger a Biography trang 484