‘’Em cố đi, Qua còn đây, Qua sẽ lo cho các em”. Ông Tướng luôn xưng hô với các chiến sỹ của mình như vậy, rồi ông ra về.
Trời không mưa nhưng mây đen vần vũ, cái nóng bức toát trên mặt nhựa đường, nóng của cái không khí bị nhiều chục năm ô nhiễm, và từ cái chật chội của dòng người di trú tràn về thành phố này, bám nó như bám cái phao giữa mênh mông biển lớn, tìm ở đó ít ra còn chút hơi hướm, tự do một chút, thoải mái một chút hơn là định cư chết dí tại một khu hẻo lánh có quá nhiều thái thú như hôm nay.
Ghé chợ Bà Chiểu bằng con đường nhỏ xíu sau Lăng Ông, tôi hướng ra đường Lê Quang Định. Khu này thì lại mưa, cơn mưa rất nhỏ thổi qua vừa đủ lấm lem mặt đường.
Mỗi khi đi ngang con đường này tôi thường hay ghé mắt vào căn tạp hoá nhỏ của cô con gái Tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh phó quân đoàn 4, người đã đi trước Tướng Nguyễn Khoa Nam vài tiếng đồng hồ trong cái ngày nước mất, nhà tan của 38 năm về trước.
Căn tiệm nhỏ còn nguyên, nhưng hôm nay tôi không có thì giờ ghé lại, tôi phải đến chùa Già Lam thắp nén nhang cho vị tử tướng theo thành Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, bởi hai năm qua tôi không có dịp quay lại.
Năm nay, ngày này Sài Gòn không ồn ào xe cộ như những năm trước, đường xá có vẻ vắng hơn, người ta thưa hơn dù tôi đang ở vào cái giờ mà thường ngày ngựa xe như nước…
Dân Sài Gòn vốn dĩ có cái truyền thống, làm đủ ăn và hưởng thụ vậy mà hôm nay lễ Lao Động 01- 05 đường phố lại thưa thớt như một dấu hiệu kinh tế trên đà đi xuống, mà ở thành phố này rất dễ nhận ra khi quan sát cái mua, cái bán trong chợ hay chỉ cần nhìn mấy bà bán hàng chống cằm thở ra bên quầy hàng cao ngất ngưỡng là biết mãi lực của người dân. Tôi cũng chẳng quan tâm cho lắm cái sinh hoạt này, nhưng sống sót trong cái cộng đồng da beo nghèo mạt hạng, tất nhiên ít nhiều bị nó che chắn hết cái nhìn trong suốt 24 giờ của một ngày.
Qua chùa Dược Sư cấu trúc to đùng bên đường, đi tới một đỗi là thấy cái bảng sơn màu xanh lam treo lệch tại một ngã ba thì không thể lầm lẫn chùa Già Lam. Men theo con hẻm còn lấm nước mưa tôi vào chùa, khoá xe trước cổng. Cách có hai năm mà cả cái chùa cũng đổi thay bộ mặt nói chi là cái thành phố ồn ào nơi tôi đang sống.
Địa Tạng Đường vắng hoe, tầng trên cửa đóng, ổ khoá treo tòn ten chỉ móc vào nhưng không bấm lại. Tôi định đẩy cửa vào nhưng lại thôi, bước xuống hỏi thăm một thầy sãi đang ngồi nghe nhạc qua cái cell phone ngoài cổng trong cái quán thuốc lá của người giữ xe. Gã thầy tu nhổm dậy, khoác tay bảo tôi cứ mở cửa mà vào, không chút khách khí tôi leo cầu thang bộ xây ngay đầu hiên nhà, bước lên và mở cửa.
Cửa đóng không cài khoá, chứng tỏ hôm nay, không ai ghé qua đây
May mắn thay, lần trước tôi đến, có lẽ muộn hơn nên đèn tắt tối om, đẩy cửa vào trong tôi bước tới linh vị Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, chào kính và than thở đôi điều. Hai năm tôi trở lại nơi này ngày ông tuẫn tiết, hai năm Địa Tạng Đường vẫn âm u lạnh lẽo, chỗ đặt tro cốt của ông có thêm mấy cành hoa bằng nylon, bộ ấm tách trà nhỏ… tươm tất hơn. Có lẽ hai năm nay những người biết đến ông đã từng có đến chăm chút và thắp nhang cho ông.
Tôi nghĩ cũng lạ. Đúng cái ngày ông mất thành và chết theo thành thì hình như không ai đến đây, hay là anh linh người đã chết không muốn ai quấy nhiễu mình hay không muốn những kẻ phàm phu tục tử đứng trước mình vào cái ngày ông thua trận, làm giảm cái uy vũ của một danh tướng một đời hiến dâng cho tổ quốc. Ý nghĩ này làm tôi nhớ Mỹ, thằng bạn tôi.
Trước ngày tan trận nó bị dính giữa sống lưng mảnh phá làm nó nằm liệt suốt đời còn lại. Đêm 30-04-75 ông Tướng Tư Lệnh đã vào bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, thăm từng người một, ông đến bên giường từng người lính đã theo ông, chiến đấu cùng ông và bị thương tật tại chiến trường ngay trên vùng trách nhiệm của ông, ngay trên thành trì của ông, ông đã rưng nước mắt nói với nó: ‘’Em cố đi, Qua còn đây, Qua sẽ lo cho các em”. Ông Tướng luôn xưng hô với các chiến sỹ của mình như vậy, rồi ông ra về.
Sáng hôm sau, ông ra đi mãi mãi, trước cái nhục mất thành, trong khí tiết của một Tướng trấn ải.
Ngày tan trận quân lực VNCH có hàng trăm tướng lãnh, duy nhất chỉ có 5 anh hùng “tuẫn tiết theo thành”.
Thắp xong 3 nén nhang cho ông, tôi ngồi tựa cửa ra vào, nhìn lên di ảnh người anh hùng, chợt thấy lòng se lại.
Nếu như ngày đó, cả quân đoàn 4 vùng 4 chiến thuật còn nguyên vẹn.
Nếu Chuẩn Tướng tư lệnh phó Lê Văn Hưng không đi trước ông một bước.
Nếu như kế hoạch triệt thoái về tiêu thổ kháng chiến của hai ông tại vùng 4 cắt từ Mỹ Tho, thực hiện được thì Đại tá Cẩn đâu bị hành hình khi chiến đấu đến viên đạn cuối.
Nếu như những cấp tướng tuổi tên lừng lẫy không đào thoát, ôm của chạy với người từ những ngày trước đó.
Nếu như Tướng Viên, Tướng Khiêm tá lả tướng đều can đảm ở lại trên chiến trường, sát cánh với những tàn binh thì chúng ta … có lẽ cũng thua nhưng cái thua ít ra không nhục, và có lẽ sẽ không có những cuộc tự sát tập thể của những chiến binh can trường khi nghe lệnh buông súng.
Và nếu như… “Còn gì mà nếu, Thiếu Tướng ơi! 38 năm qua rồi”.
Tro cốt TT Nguyễn Khoa Nam nằm kề bức tượng Địa Tạng bồ tát n trái ngăn kệ thứ tư từ dưới (trên lầu). Hôm nay chỉ có 4 cây nhang cắm trên bàn thờ, một của người giữ cửa Địa Tạng Đường và… 3 cây vừa cắm
Tôi bước ra ngoài cổng, chiều xuống làm ngôi chùa có vẻ im vắng hơn, mùi khói nhang trên phật đường bay ngào ngạt, nhưng lòng không thanh thản, tôi ghé cái tiệm bán thuốc lá nghèo nàn của anh lính cũ.
Chào nhau một tiếng, anh kéo ghế mời tôi ngồi trước cái sân rộng thênh thang ngoài cổng chùa.
Hai người lính cũ gặp nhau qua những lần đến thắp nhang cho một người duy nhất ở đây, chúng tôi biết nhau. Trong cái âm u của một ngày mưa nhỏ qua đây, hai người chúng tôi bất chợt cùng nhìn lên phía trên Địa Tạng Đường, anh ta thở dài:
- Ba mươi tám năm… mới đó mà mau thật!
Lời than của người lính cũ làm tôi bùi ngùi. Chỉ một câu thôi nó nói lên sự chịu đựng dằn dai từ 38 năm, sự căm hận có lẽ chưa nguôi trong tâm hồn chất phát của người lính miền Nam, dù quân đội của anh không còn, tinh thần không như thời trai trẻ, nhưng trong cái nhìn về nơi lưu giữ tro cốt của một danh tướng với tất cả sự kính cẩn cho tôi tin điều anh nói, anh vẫn thường lên đó thắp cho TT Nam một nén nhang.
Dắt xe ra về tôi còn ngước nhìn lên cánh cửa Địa Tạng Đường mà tôi đã cài khoá lại.
Năm nay tôi còn đến thăm ông ngày ông nằm xuống, biết có còn lần sau nữa không.
Nợ sơn hà ông đã trả xong mà đất nước này hãy còn nợ ông một lời xin lỗi, những chiến binh cùng màu cờ sắc áo với ông vẫn mang mãi ân tình của ông, chút hãnh diện của những người lính dưới quyền những danh tướng tuẫn tiết theo thành.
Yên nghỉ đi người anh hùng của xứ sở nhiều năm điêu linh.
Nguyễn Thanh Khiết
Sài-Gòn 22giờ 01-05-2013