main billboard

Suốt 35 năm trời, ba hằng tự hào về một điểm: Đời ba, trong đó có con và mẹ con, sao giống như một pho tiểu thuyết.



Tác giả:

KD: Bạn bè gửi cho bài viết này về chuyện tình giữa nghệ sĩ Tân Nhân và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Ngày cuối tuần mình không muốn đăng các bài kinh tế, chính trị nặng đầu. Xin đăng bài về văn hóa, nghệ thuật để thư thái.

nhanvat tannhan

1- Đọc bài này bỗng nhớ biết bao kỷ niệm về nghệ sĩ Tân Nhân. Bởi thời ở Báo ND, mình và chị Tân Nhân là hàng xóm của nhau trong khu tập thể Nam Đồng (cũ). Hai chị em rất quý nhau. Chị Tân Nhân có dáng người vào loại cao lớn, gương mặt xinh đẹp, nhưng đặc biệt đôi mắt to, hàng mi dài, đẹp và đầy sức sống, trông rất quyến rũ với nụ cười tươi mê hoặc. Mình là con gái mà cũng mê chị, đừng nói chi đến đàn ông  ��

Khi đọc bài viết này, không biết Trương Nguyên Việt- tác giả- con trai nghệ sĩ Tân Nhân có biết một chi tiết quan trọng không? Đó là lúc có bầu (Trương Nguyên Việt), nghe tin người chồng sắp cưới của mình- Hoàng Thi Thơ “dinh tê”- chị Tân Nhân quá bàng hoàng. Thất vọng và đau đớn, chị định nhảy xuống sông tự tử. Đã lội ra sông, nước ngập đến đầu gối, chị đứng tần ngần một lúc rồi lặng lẽ quay vào, nước mắt lã chã. Đó là khi bất chợt chị nghe cái thai như quẫy đạp. Câu chuyện này chị Tân Nhân kể cho mình nghe vào một buổi tối mất điện, mình và chị nằm bên nhau trên chiếc giường đôi trong căn phòng tập thể 18 m2 của chị. Chị kể về cuộc đời chị, những đau đớn, chìm nổi của người thiếu phụ khi nghe tin người chồng sắp cưới bỏ rơi… Còn có gì đắng hơn thế? Chuyến chị lén gặp ông Hoàng Thi Thơ ở Nam Vang, trở về, chị đã bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng…

Không chỉ chuyện riêng, những lúc con cái, nhất là đứa con gái của chị có những vấp váp cay cực trong đời, thì mình cũng là người chị tìm đến chia sẻ. Hai chị em nói chuyện, bàn bạc. Rồi chị lặng lẽ đứng lên trở về nhà, đôi vai như nặng trĩu buồn đau. Mình bùi ngùi xót xa, mà không biết làm sao để giúp chị. Nỗi đau ở người đàn bà nghệ sĩ “hồng nhan gian truân” như số mệnh…

2- Là nghệ sĩ, nhưng chị Tân Nhân sống cũng rất giản dị. Bởi thời bao cấp đó, có ai không nghèo (trừ diện cán bộ Tôn Đản, bìa C trở lên). Nhiều khi mình bắt gặp chị quần ống thấp ống cao, bê ngửa chiếc nón trong đó đựng ít cà chua, hoặc cà pháo còn xanh mua ở đầu ngõ nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực. Nhớ mãi chuyện này:

Một lần, bỗng nhiên chị hốt hoảng chạy sang nhà mình. Hóa ra, ông Tố Hữu- thông gia của chị đến thăm (con trai của chị lấy con gái TH): Em, cho chị soi gương nhờ cái! Mặt mũi đầu tóc chị rối tung, hệt một bà nội trợ trong bếp. Chị vội vã chải đầu, ngắm nghía trước gương. Mình cuống cuồng lục tung tủ áo của mình, đưa cho chị chiếc khăn len đỏ Trung Quốc rất điệu (thời đó, mình thích chiếc khăn len đỏ này lắm, vì mê truyện ngắn “Cây phong non trùm khăn đỏ”. Chị trùm lên đầu, ngắm nghía rồi bất chợt vội vã cởi ra: Không, chị không đội đâu, trông thế nào í! Ai lại đội khăn đỏ cơ chứ! Hai chị em hiểu ý nhau, cứ cười ngặt nghẹo, cười chảy nước mắt. Rồi chị lại tất tả chạy về để tiếp ông thông gia- khi đó là quan chức cấp cao lắm- dưới ít người trên vạn người…

Chị đã trở về với cát bụi. Nhưng hình ảnh người đàn bà nghệ sĩ đẹp và tràn đầy sức sống, với giọng nói miền Trung tình cảm và lúc nào cũng cười tươi- với mình- như chưa bao giờ có những nỗi khổ đau mặn chát- thật khó quên.

Giờ, linh hồn chị hẳn nhẹ nhõm rất nhiều

nhanvat hoangthitho

Trước khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ lập nghiệp ở miền Nam sau năm 1954, ông đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp trong hàng ngũ Việt Minh ở Bình Trị Thiên. Tại đây Hoàng Thi Thơ đã có mối tình đẫm nước mắt với Tân Nhân – một ca sĩ được xem là huyền thoại của dòng nhạc đỏ.

Ca sĩ Tân Nhân và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có cùng quê ở Quảng Trị, học cùng trường từ nhỏ, sau này cả hai cùng đi theo kháng chiến. Tân Nhân theo kháng chiến từ lúc mới 16 tuổi, theo đoàn văn công Bình Trị Thiên. Năm 1949, trong 1 lần bị Pháp càn, đơn vị tan tác, các thành viên đoàn chạy vào rừng sâu thoát và mất liên lạc… Tin đồn về trận càn Phong Lai, dù đã được cải chính của Việt Minh, nhưng vẫn lan truyền về đất Nghệ Tĩnh.

Tin đồn Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò ngôi trường nổi tiếng một thời bà theo học. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Người bạn học cùng quê trước đó là Hoàng Thi Thơ – lúc này đang công tác ở Nghệ An – nghe tin như tan nát cả cõi lòng. Anh đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát Xuân chết trong lòng tôi:

Xuân ơi Xuân
Chim xa đàn
Xuân ơi Xuân
Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi
Trong tiếng đàn…
Ôi chim xa cành
Bướm lìa hoa
Trùng phùng xa lắm…

Khi trở về và nghe được bài hát này, Tân Nhân đã rất xúc động.

Nỗi thương nhớ dành cho người (ngỡ) đã chết của Hoàng Thi Thơ đã làm động lòng cô nữ sinh. Bà lại lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ lúc đó cũng đang tìm bà, rồi bắt đầu một mối tình lãng mạn và trắc trở.

Trong một lần về công tác và thăm quê nhà, Hoàng Thi Thơ đã bị Pháp bắt giam một thời gian và ở lại luôn miền Nam sau hiệp định Geneve 1954 chia cắt đất nước. Ông đã bỏ lại Tân Nhân với đứa con trong bụng rồi vào Sài thành lập nghiệp, kết hôn với ca sĩ Thúy Nga năm 1957. Còn ca sĩ Tân Nhân ôm hận, nén nhớ thương về lại miền Bắc, tự nguyện dấn thân cho kháng chiến và trở thành một ca sĩ huyền thoại của nhạc đỏ với bài Xa Khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Bài hát nói về nỗi nhớ thương của người con gái đất Bắc đối với người trai nơi miền Nam. Bài hát hợp cả với chất giọng lẫn hoàn cảnh nên Tân Nhân trình bày đạt cảm xúc cao độ:

Nắng tỏa chiều nay
Thuyền về mái động chiều nay
Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ
Nhớ thương anh ơi
(Xa Khơi)

Đứa con kết quả của mối tình lãng mạn ấy sống cùng mẹ trên đất Bắc với hai nỗi đau riêng là không được biết mặt cha và chịu một lý lịch có cha là nhạc sĩ dưới chế độ Sài Gòn… Người con trai lúc đầu lấy họ mẹ, mang tên Trương Nguyên Việt, sau đó lấy tên khác là Lê Khánh Hoài với họ của người cha kế. Ngoài ra còn có bút danh Triệu Phong (là quê quán của Hoàng Thi Thơ) khi viết báo.

Dưới đây là bài viết của nhà báo Trương Nguyên Việt kể về người cha của mình – nhạc sĩ huyền thoại của miền Nam Hoàng Thi Thơ – kèm theo đó là bức thư đầy xúc động mà nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã gửi cho người con xa cách của mình.



“Hoài, đứa con trai đầu lòng yêu quý của Ba

“Chối bỏ” ? Từ ngữ ấy không hề có trong từ điển đời ba. Hoặc có chăng đi nữa, thì ba chưa bao giờ dùng nó. Ba chưa bao giờ chối bỏ con. Suốt 35 năm trời nay, con luôn ở trong ký ức của ba, trong trái tim của ba, trong tâm hồn của ba….”

Cho đến năm 1987 – nghĩa là 12 năm sau ngày Sài gòn sụp đổ, tôi mới nhận được lá thư đầu tiên ấy của ba tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từ Mỹ gửi về. Ba tôi đã bắt đầu lá thư như thế …

“Năm 1956, Ba đã từ Sài gòn ra Đà Nẵng thăm ngoại con khi ba nghe tin mẹ con “đi thêm bước nữa” .Thăm ngoại thì ít, nhưng cốt để hỏi thăm con thì nhiều.

Năm 1958, ba đẻ em Thi Thi. Chính lúc đó, Ba nghĩ tới con nhiều nhất. Ba đã dùng cái tên “Thi” để đặt tên cho em con, cái tên đầy kỷ niệm mà ngày xưa ba và mẹ con đã rất yêu và đã hứa với nhau sẽ dùng để đặt cho đứa con đầu lòng của ba và mẹ con, là con. Và từ ngày đó, mỗi lần gọi tên em Thi của con là riêng ba, ba nhớ tới con. Nhớ cho tới khi nào ba không còn trên trần gian này nữa để gọi tên Thi.

Năm 1964, trong một hoàn cảnh vô cùng éo le, ba đã bỏ nước trốn sang Nam Vang. Những ngày lén lút đó, biết rằng mẹ con đến đó trình diễn, ba đã bất chấp hiểm nguy để liên lạc với mục đích duy nhất là là biết được chút tin tức về con và mẹ con. Và ba còn nhớ rõ, nếu lúc ấy mẹ con không quá dè dặt và không quá cứng rắn, ba đã trở lại nơi ba phải giã từ mẹ con… Và có cơ hội sống bên con từ 1964!

Năm 1970, khi ba soạn phim “Người cô đơn”, ba đã hoàn toàn nghĩ tới con, dựng lên một nhân vật bé bỏng , nhân vật mang tên bé Tâm, một nhân vật suốt đời cô đơn rất tội nghiệp, một nhân vật mà vào đó, ba đã gửi hết nỗi niềm tâm sự của ba. Nhân vật đó, người cô đơn đó, đứa bé cô đơn đó, chính là con, chính là Hoài, chính là cái kỷ niệm quý đẹp nhất của một người nghệ sỹ họ Hoàng và một người nghệ sỹ họ Trương… Con chớ giật mình, con nhé, con chớ ngạc nhiên, con nhé! Ba xác nhận một lần nữa, “người cô đơn” chính là con, chính là Hoài, chính là người con đã tưởng rằng cha mình đã chối bỏ mình.

“Suốt 35 năm trời, ba hằng tự hào về một điểm: Đời ba, trong đó có con và mẹ con, sao giống như một pho tiểu thuyết. Mà tiểu thuyết nào mà lại không có nhiều tình tiết éo le, phải không con? Thôi chúng ta, ba +mẹ+ con, dù gặp những éo le, gập ghềnh, buồn sầu thì cũng cho đó là số phận của những người có cuộc đời giống như tiểu thuyết…

Hoài con, nếu theo con, “con đã mất ba nửa cuộc đời rồi” thì chắc chắn nửa cuộc đời còn lại, con sẽ có ba hàng ngày, hàng tháng, hàng năm… Còn đối với ba đã 35 năm nay, dù chưa một lần được gặp, ba chưa bao giờ mất con và mẹ con một ngày một tháng một năm nào. Vì không một ngày một tháng một năm nào, ba không có con và mẹ con trong lòng ba, trong tâm hồn ba…

Nhắc đến mối tình đầu của Mẹ con mà con viết: “Tưởng hết sức đẹp đẽ” ba hãnh diện xác nhận với con một lần là, cho đến bây giờ mối tình đó, đối với ba cũng như một số người đã biết mối tình đó, là mối tình đẹp nhất trần gian. Ba không đại ngôn, không phóng đại khi ba nói như vậy. Ba và mẹ con sẽ tìm thấy dần để hiểu thấu dần. Đối với ba, suốt đời, mẹ con là tuyệt vời, Tân Nhân là tuyệt vời. Lại một dẫn chứng nữa, một chứng dẫn nữa. Năm 1956, thời gian ba soạn sách, ba soạn cuốn “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông”, trang đầu của cuốn sách, ba in dòng chữ: “Thân yêu gửi Tân Nhân”. Mặc dù ba biết mẹ con “đã đi thêm bước nữa”. Ba yêu mẹ con là thế, từ những năm 49-50-51 đến 56, đến cả bây giờ 87, thì không có lý nào ba lại không yêu con và yêu ít hơn? Điều này chắc con không biết, nhưng điều này ba tin mẹ con biết. Có lẽ vì một hoàn cảnh bắt buộc nào đó, mẹ con biết nhưng chẳng hề nói ra cho con hay…

nhanvat hoangthitho1
Lời đề tặng của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trong cuốn Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông

Thôi, dù biết hay chưa biết, với thời gian, với những tác phẩm của ba mà rồi đây con và mẹ con sẽ dần dà tìm thấy, mẹ con và con có ngày sẽ hiểu được lòng ba và tình ba. Sự muộn màng nào, hiểu nhau muộn cũng đau thương, nhưng sự muộn mằn nào cũng đẹp. Đó là sự muộn màng trong tiểu thuyết, sự muộn màng trong cuộc đời tiểu thuyết của chúng ta…

Mối tình đẹp nhất trần gian

Ba tôi đã nói vậy về mối tình của ba tôi và mẹ tôi. Nhưng ba tôi không biết rằng, đó chính cũng là mối tình khổ đau nhất của mẹ tôi, người đã trao cho ba tôi tất cả tuổi thanh xuân của mình. Hồi tưởng lại mối tình ấy, mẹ tôi đã viết trong hồi ký:

Cuối năm đệ nhất Huỳnh Thúc Kháng (Một trường học kháng chiến ở khu Tư thời kháng Pháp), cùng với đợt ồ ạt vào Lục quân khu 4, ra Việt Bắc nhận công tác của các anh các chị, tôi gia nhập Đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên và Trung Lào do hai anh Đình Quang và Bửu Tiến lãnh đạo vào chiến trường phục vụ bộ đội. Đó là thời kỳ gian khổ nhất của chiến trường BTT.

Hiệu quả hoạt động của đoàn hạn chế. Địch luôn rình rập càn lên chiến khu. Một lần, chúng tôi bị bao vây tứ phía, trên trời máy bay, dưới sông ca nô, trên bộ địch vây quanh… Quá bất ngờ, chúng tôi từng tốp theo hướng núi xanh mà chạy. Nhóm tôi có 6 người, 4 đứa là con gái chui vào rừng sâu, đứt liên lạc với đơn vị.

Tin đồn về trường Huỳnh Thúc Kháng là Tân Nhân đã bị chết trong trận càn. Một người bạn học cùng quê – Nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ đã truy điệu tôi bằng bài hát : Xuân chết trong lòng tôi. Cả trường đã hát, đã khóc, đã xót thương tôi ra đi quá trẻ…

“Xuân ơi xuân/chim xa đàn/xuân ơi xuân/ ngỡ đâu xuân chết trong lòng tôi…”

Nhưng tôi đâu đã chết. Một thời gian sau, Bộ chỉ huy cho một số ít chúng tôi trở về trường cũ HTK học tập. Trên chuyến đò dọc Châu Phong – Bạch Ngọc, một bạn gái lớp dưới đã hát cho tôi nghe “Xuân chết trong lòng tôi”, với lời bình: “ Phải có một tình yêu sâu sắc lắm , anh ấy mới như điên như dại khi hay tin chị chết, đã lang thang cầm roi quất ngang quất dọc trên các nẻo đường Bạch ngọc mà khóc mà viết nên bài ca ấy”.

“Ôi chim xa cành, bướm lìa hoa, trùng phùng xa lắm…”

Với nỗi xúc động thơ trẻ chứa chan, tôi thầm nghĩ “Biết mình chết rồi mà vẫn yêu thương tiếc nuối, phải chăng đó là tình yêu chân thật”. Xót xa thay, mối tình chân thật ấy lại là một mối tình bất hạnh: Trong chuyến về thăm nhà vùng tạm chiếm, anh Hoàng Thi Thơ bị mắc kẹt, và từ đó chúng tôi mãi mãi cách chia. Cháu Hoài, kết quả của mối tình mà chúng tôi tưởng rằng rất đẹp đẽ ấy, hơn nửa cuộc đời mới biết mặt cha, và bao năm sống trên đất Bắc phải mang trong lý lịch của mình là con một “nhạc sỹ ngụy”…

Con là con sông có dòng đục dòng trong
“Con sinh ra là một giọt lệ đau
Giọt lệ ấy chẳng đủ soi lòng mẹ
Đừng giận con mẹ ơi vì thơ bé
Con nào đã hiểu hết nổi cuộc đời…
Con là vật kỷ niệm lúc chia phôi
Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi
Con lại mang khuôn mặt người cha ấy
Vì có con mẹ chẳng thể quên cha…

15 tuổi, khi còn là học sinh phổ thông ở Hà Nội, không biết vì một nỗi tủi thân nào đấy, tôi đã viết bài thơ tâm sự trên và định gửi tặng mẹ. Nhưng rồi tôi đã không dám gửi, mà chỉ để trong nhật ký của mình. 17 tuổi tốt nghiệp phổ thông, tôi làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ và đi chiến đấu ở mặt trận Trường Sơn và mặt trận Lào. Chính nơi lửa đạn ấy đã tôi luyện tôi trở thành một người lính dạn dày, và trở thành một cây bút trẻ (bút danh Châu La Việt). Những cha chú trong văn chương khen trong tôi có gen văn nghệ của Tân Nhân và Hoàng Thi Thơ …

Năm 1976 lần đầu tôi vào Sài Gòn. Me tôi mong tôi có dịp gặp ba tôi, người mà từ khi chào đời, tôi chưa một lần biết mặt. Nhưng ông đã ra đi từ trước đó. Cho đến mãi năm 1987, cha con mới liên lạc được với nhau qua lá thư đầy xúc động trên. Đến năm 1994 thì ba tôi lần đầu về nước, và lần đầu cha con được gặp nhau, được những đêm nằm bên nhau thổ lộ hết tâm can…

Tôi nhớ ở đêm đầu tiên gặp gỡ, có cả con trai tôi Hưng Việt, ba tôi bộc bạch tâm sự với tôi rằng:“Bao năm xa con rồi, ba biết con rất khổ. Giờ đây con muốn gì ở ba, con yêu cầu gì ở ba?”. Tôi đã lặng đi vì điều quan tâm ấy, và thưa với ba hai nguyện vọng: Một là lúc này bà ngoại của tôi đang nằm ở bệnh viện Nguyễn Trãi, thập tử nhất sinh, tôi nói với ba tôi rằng: Ngày xưa bà ngoại từng yêu quý ba lắm, nếu được sáng mai xin ba hãy vào thăm bà, cũng là để bày tỏ ân tình với mẹ của con. Và điều thứ hai là, con lớn lên được như hôm nay là nhờ ở đất nước, nhân dân và bè bạn đã nuôi dưỡng, khi ba đẻ con ra nhưng không có điều kiện nuôi con (ba tôi đã ra đi khi mẹ tôi còn mang thai tôi giữa một cánh rừng kháng chiến), con muốn nhân dịp này, ba tổ chức một bữa liên hoan với tất cả bạn bè của con để ba tôi nói những lời từ trái tim mình những lời cám ơn họ…

Ngay sáng hôm sau, ba cùng tôi và cháu Hưng Việt vào bệnh viện Nguyễn Trãi thăm bà ngoại của tôi, đang những giây phút cuối của cuộc đời. Cũng chính ở đây, ba tôi đã xúc động gặp lại mẹ tôi sau 45 năm xa cách. (Mẹ tôi đã bay từ Hà Nội vào trước đó một thời gian để săn sóc bà ngoại tôi…)

Rồi ít ngày hôm sau, tại nhà hàng Thanh Niên, một bữa tiệc do chính ba tổ chức. Bạn bè tôi đến nhiếu lắm, dù còn thiếu biết bao người hoặc ở xa, hoặc là những đồng đội của tôi đã nằm xuống…. Ba tôi đã nghẹn ngào xúc động đứng lên cám ơn tất cả bè bạn của tôi, nhiều năm tháng qua đã đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ cho con trai mình nên người. Những ly rượu nâng lên, có cả nụ cười và cũng có rất nhiều dòng nước mắt …

(Cũng xin được nói thêm, sau đợt này về Mỹ, ba tôi đã làm các thủ tục để tôi mang họ Hoàng, với tên gọi là Hoàng Hữu Hoài, và con tôi, cháu Hưng Việt là Hoàng Hữu Hưng Việt. Và ghi rõ vào gia phả họ Hoàng… Năm 2008, con trai tôi cưới vợ. Khi này ba tôi không còn nữa, nhưng nghệ sỹ Thúy Nga, vợ của ba tôi mà tôi gọi là Mợ, dù đã đau yếu lắm, cũng đã từ Mỹ gửi về mừng cưới cho cháu 200 USD. Cháu Hưng Việt và vợ cháu là Quỳnh Thi đã hết sức xúc động về tấm lòng của bà )…