Đây có phải là một hành động muốn nổi loạn hay để phản đối một điều gì. Nếu là để phản đối thì không mấy ai hiểu được thông điệp trên những hàng chữ đó.
Đây chẳng phải là bài phê bình văn học nghệ thuật, hay tôi muốn làm nhà văn, hoạ sĩ. Thực ra chỉ vì rất ngứa mắt khi thấy ngoài đường phố những nét chữ, mà mình cho là làm bẩn mắt, làm mất vẻ đẹp của môi trường sinh sống chung quanh. Tôi muốn viết về vấn nạn graffiti – vẽ bậy, viết bậy trên tường – mà ngày càng trở nên tệ hơn trong xã hội, ít ra là nơi chúng ta đang sinh sống.
Bạn đọc chắc cũng đã nhiều lần chứng kiến sự việc này. Vào nhà tiểu ở những nơi công cộng, như tại trường học và trung tâm buôn bán, nhiều khi phải nheo mắt vì thường thấy trên tường những hàng chữ viết tục hay những ký hiệu vẽ nguệch ngoạc mang ẩn dấu một điều gì đó mà chỉ người trong cuộc, trong cùng nhóm mới có thể hiểu được.
Nơi trường trung học, những học sinh chưa trưởng thành và thích phá phách nên vẽ bậy đã đành, nhưng tại các đại học, ngay cả danh tiếng như Đại học Berkeley với thành phần sinh viên ưu tú, trong nhà tiểu cũng có viết vẽ bậy bạ. Có lẽ vì là nơi kín đáo nhất, không thể phát hiện ra ai đã viết vẽ lên tường nên tiện tay có bút cứ thản nhiên viết:
Down with Bush
Obamacare sucks
Suck my d.
M. loves you forever
Đó là vài câu chữ tôi đã thấy trong nhà tiểu đại học. Tinh thần tự trọng của những sinh viên này ở đâu. Có phải đây là căn bệnh đã truyền nhiễm từ nhỏ đến lớn trong một nhóm người nào đó.
Trên phố cũng thế, viết vẽ bậy ở nhiều nơi, khác với trong nhà tiểu, ngoài đường nét chữ và ký hiệu được phóng to lên gấp trăm lần để mọi người chú ý.
Cầu vượt, bảng chỉ đường ngoài xa lộ cũng như trên tường cửa tiệm bán hàng và ngay cả tường nhà cũng bị dùng như những tấm bảng để vẽ vời lung tung, sơn xịt vài đường cho thoả mãn nỗi bực tức của một ai đó. Đây có phải là một hành động muốn nổi loạn hay để phản đối một điều gì. Nếu là để phản đối thì không mấy ai hiểu được thông điệp trên những hàng chữ đó.
Vẽ bậy trên tường có ở nhiều nơi trên nước Mỹ. (ảnh Bùi Văn Phú)
Hai tháng trước, lái xe trên xa lộ 101 xuôi nam qua San Jose, từ khúc nối với xa lộ 880 tới khúc nối qua 680 thấy trên hai bên tường chắn tiếng động, trên các bảng chỉ đường chằng chịt nét chữ béo phì chi chít bên nhau khiến không còn đọc được những dấu chỉ các lối ra. Nhìn thoáng, vì còn phải chú ý lái xe, vào những chỗ vẽ bậy này trông thật rối mắt và chắc chắn nhiều người chẳng đọc được ra điều gì.
Nhưng không phải thế. Mỗi nét vẽ, kiểu chữ và mầu sắc có một tín hiệu riêng của nó. Một người cố vấn xã hội làm việc tại các trường học kể rằng thật khó cho người ngoài cuộc hiểu được những hình, chữ vẽ trên tường, trên bảng chỉ đường ngoài phố vì đa phần là dấu hiệu của những băng đảng khác nhau. Nếu biết và hiểu được những nhóm này thì sẽ tìm ra ý nghĩa của những gì được viết, vẽ quanh khu xóm, thành phố.
Những ký hiệu không phải bất kỳ ai cũng vẽ được mà là đặc thù của một phe nhóm, băng đảng nào đó. Một hình dạng, kiểu chữ khi được vẽ lên là để xác nhận vùng đất đó do nhóm này hay nhóm kia kiểm soát. Một nhóm này viết lên, nhóm khác đi qua không đồng ý thì vẽ đè lên hay ít ra cũng vẽ ngay bên cạnh để xác nhận sự có mặt của mình. Đó là những tín hiệu báo cho phe nọ biết tao đã có mặt ở đây. Những ký hiệu hay chữ cứ thế đè lên nhau. Các mầu sắc, đặc biệt là xanh dương và đỏ cũng là dấu chỉ có sự hiện diện của hai băng đảng khác nhau.
Thường thì nếu tường nhà hay cửa tiệm của ai đó bị vẽ lên thì chủ nhân tự lo mua sơn về để bôi xóa. Còn nơi công cộng thì nhà nước lo. Cảnh sát không mấy khi điều tra, tìm kiếm những kẻ viết bậy. Trừ trường hợp hình vẽ hay ngôn từ mang tính kỳ thị sắc tộc, tôn giáo khi đó truyền thông và an ninh sẽ lên tiếng.
Xe chở hàng cũng bị vẽ bậy lên. (ảnh Bùi Văn Phú)
Vẽ bậy là một vấn nạn làm mất đi vẻ đẹp của khu phố, khung cảnh nơi cư dân sinh sống. Vẽ viết bậy cũng làm hao tốn tài chánh và ngân sách nhà nước.
Khi quãng đường trên xa lộ 101 nói đến ở trên đã trông rất bẩn, dân cử khu vực đã phải lên tiếng và đã có nhân viên thành phố làm sạch trong ít đêm sau đó. Công quỹ dành cho việc này cuối cùng cũng là tiền thuế của dân.
Với iPhone rất phổ thông hiện nay, ai cũng có thể trở thành cảnh sát công dân. Khi thấy kẻ vẽ, viết bậy chúng ta nên chụp hình, quay phim ghi lại, trong điều kiện an toàn nhất. Sau đó gửi đến cho giới chức hữu trách tại thành phố hay quận hạt.
Đề nghị chính quyền có nhân viên lo tiếp nhận những thông tin này, lập thành hồ sơ lưu trữ xem ai là thủ phạm của những việc làm thiếu ý thức. Khi có tang chứng và nếu bắt được, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hy vọng biện pháp trên sẽ làm giảm đi những hành động viết vẽ bậy để môi trường sinh sống quanh chúng ta được an bình và tốt đẹp hơn.