Chuyện gì sẽ xảy ra một khi giới linh mục được phép lập gia đình?
Chuyện gì sẽ xảy ra một khi giới linh mục được phép lập gia đình?
‘Linh mục lấy vợ’ là một vấn đề đang được thảo luận trong giáo hội công giáo. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra một khi giới linh mục được phép lập gia đình?
Vẫn biết rằng Vatican đã biết trước những hậu quả không mấy tốt đẹp một khi người đàn bà xuất hiện trong đời sống của linh mục.
Nhưng tôi nghĩ rằng, những đề nghị đóng góp từ phía giáo dân đối với việc thay đổi quan trọng trong đời sống linh mục sẽ hữu ích phần nào trước khi tòa thánh có quyết định cuối cùng.
Bởi lẽ đó, trong phạm vi một Kytô hữu, tôi xin góp ý: giáo hội công giáo không phải chỉ một khối lãnh đạo độc nhất của Vatican, tòa giám mục và nhà thờ, mà chính là cả một tập thể lớn, được kết hợp và hoạt động chặt chẽ giữa con chiên và chủ chăn, tức là giữa giáo dân với linh mục.
Vì lý do nầy, và trong giai đoạn Vatican đang nghiên cứu việc cho phép linh mục lấy vợ, tôi xin trình bày quan điểm của một giáo dân về những chuyện có thể xảy ra, nếu…
Trước hết, xin khẳng định rằng đây là một bài viết xây dựng mà cá nhân người viết cũng nhìn thấy trước phần nào những gì không mấy tốt đẹp sẽ xảy đến cho linh mục cũng như họ đạo một khi người đàn bà thực sự bước vào đời sống của nhà thờ.
Theo nhật báo New York Times, trong chương trình đổi mới của Giáo Hội Công Giáo, đương kim Đức Giáo Hoàng đã đồng ý đưa nhiều vấn đề thời sự ra thảo luận, trong đó có đề tài linh mục sẽ được lấy vợ.
Đây là một tin quan trọng đối với các vị lãnh đạo tinh thần cũng như người công giáo trên toàn thế giới.
Trước khi vào bài, xin minh định rằng, người viết kính trọng tất cả các vị tu hành của bất cứ tôn giáo nào, nơi đâu và thời buổi nào, vì theo tôi, những người tu hành là những vị có một đời sống hơn hẳn người phàm tục về tất cả mọi phương diện.
Đúng vậy, kẻ tu hành là những người đã dứt khoát từ bỏ được ba cái tầm thường ‘tham sân si’ để hiến đời mình cho lý tưởng.
Họ vui lòng chấp nhận một cuộc sống gian khổ, ăn uống đạm bạc, không màng đến danh lợi của cải vật chất, và nhất là, tự kềm chế mình trước những đòi hỏi của xác thịt.
Hơn nữa, những người tu hành luôn tu luyện bản thân để suốt đờì phục vụ tín hữu từ trách nhiệm tinh thần cho đến sinh hoạt xã hội.
Nhưng thật buồn, một số nhỏ linh mục đã lên tiếng đòi được phép lập gia đình, trong đó có nhiều vị phạm phải giới răn thứ sáu cũng như lạm dụng tình trạng ấu dâm để phải ra tòa và gây tổn thương lớn cho giáo hội, nhất là tại Mỹ.
Có thể vì những yêu cầu của số linh mục nầy hoặc nhằm giải quyết sự dồn ép sinh lý trong cơ thể của giới linh mục mà Đức Thánh Cha đã đồng ý đưa vào chương trình thảo luận việc cho phép linh mục lấy vợ.
Linh mục công giáo được đào tạo bởi các giáo phận theo phạm vi vùng (địa phận) hoặc các cơ sở trực thuộc giáo hội trung ương để phục vụ các giáo xứ (họ đạo), gọi là linh mục triều.
Ngoài ra còn nhiều nhà dòng đào tạo linh mục để phục vụ theo chiều hướng phụng vụ riêng, như đã có ở VN trước đây và hiện giờ vẫn còn một số dòng tu.
Nhưng dù linh mục dòng hay triều, việc đào tạo linh mục đều tương đối giống nhau về thời gian, chương trình giáo huấn và phải đủ điều kiện tinh thần cần thiết đúng theo tiêu chuẩn của giáo hội mới được thụ phong linh mục.
Các linh mục dòng thường sống trong khuôn khổ tập thể, đọc kinh cầu nguyện và làm việc theo luật riêng của từng dòng tu.
Nói chung, các linh mục dòng đều sống khổ hạnh (Vinh Sơn, Phanxico) và hoạt động trong các lãnh vực bác ái (Phanxico), truyền thông (DCCT) văn hóa (Jésus) cũng như giáo dục (Jésus, DomBosco, Đa Minh….).
Ngược lại, linh mục triều, sau khi được truyền chức thánh thì được bổ nhiệm về phục vụ tại các họ đạo.
Do đó đời sống của các linh mục triều được cởi mở rất nhiều từ giờ giấc, dinh dưỡng đến chương trình phụng vụ cũng như tự do tiếp xúc với giáo dân.
Đó là nguyên nhân linh mục triều thường vấp phải một số lỗi lầm như vi phạm điều răn thứ sáu, và thời gian gần đây, đã đi đến việc yêu cầu được lấy vợ. Có thể nói rằng những cái cám dỗ nầy đều bắt nguồn từ môi trường nầy.
Đào tạo một linh mục công giáo không phải là một chuyện dễ dàng và nhanh chóng. Ví dụ đối với giới linh mục triều, sau khi xong bậc tiểu học, nếu thí sinh được chọn thì phải mất trên 13 năm học tập cũng như thử thách qua hai trường đào tạo tiểu chủng viện và đại chủng viện..
Chương trình học tại hai trường tu nầy tương đương với trung và đại học ngoài đời. Trước khi trở thành linh mục, mỗi đại chủng sinh tối thiểu cũng đạt đến trình độ tiến sĩ thần học.
Nếu có khả năng, linh mục sẽ được tiếp tục theo các chương trình hậu đại học trên thế giới hay tại các học viện trực thuộc giáo hội công giáo tại Vatican.
Người viết hơi dài dòng một chút vì cảm thấy tiếc cho những linh mục đã quên lời khấn hứa của mình, ngoài việc vi phạm những điều cấm về nhục dục (điều răn thứ sáu) đối với một người đã chịu chức thánh mà còn đòi hỏi được lập gia đình như một giáo dân bình thường!
Vậy khi người đàn bà xuất hiện trong đời sống của linh mục, nhà thờ cũng như họ đạo thì những tệ hại nào sẽ xảy ra?
Xin đơn cử vài ba ví dụ:
1. Người đàn bà sẽ chi phối đời sống thánh thiện và chương trình phụng vụ của một linh mục.
Linh mục giữ một vai trò tối quan trọng đối với họ đạo, không những trách nhiệm tinh thần người tín hữu mà còn có bổn phận xã hội với con chiên trong giáo xứ.
Bù lại, với quan niệm của giáo dân, cha sở họ đạo là người thay mặt Chúa, là người vượt trên tất cả những cái tầm thường của người đời, do đó linh mục được tất cả con chiên kính trọng và tùng phục.
Nhưng nếu mai kia đời sống của linh mục có một người vợ và đàn con bên cạnh, liệu chủ chăn có còn thời gian rỗi rãnh cũng như sức lực thể xác, sự bình an tâm hồn như một người độc thân?
Hay suốt ngày phải bận rộn về cuộc sống gia đình, từ đưa vợ vào nhà thương, dẫn con đến trường học đến việc đi chợ mua thức ăn hoặc mua sắm cho vợ con…
Từ những hình ảnh nầy con chiên sẽ mất dần cảm tình một chủ chăn qua những cái tầm thường của một người đàn ông ngoài đời.
Thử nghĩ xem, một linh mục có vợ có con, đêm mệt mỏi thể xác, ngày toan tính tiền bạc thì khi dâng lễ có còn hùng biện để rao giảng phúc âm cho giáo dân tránh tội lỗi và sống một cuộc đời thánh thiện?
Ngoài ra, người đàn bà sống bên cạnh linh mục thì trước sau gì cũng nắm phần tài chánh gia đình và dĩ nhiên sẽ nhúng tay vào việc đóng góp của nhà thờ!
Sự kiện quan trọng nầy làm cho linh mục luôn lo nghĩ và bận rộn về tiền bạc, vậy linh mục có đủ cam đảm để rao giảng về đề tài: ‘được cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì’ trong các buổi lễ cho con chiên họ đạo không?
Có thể nói rằng khi người đàn bà đến với một người đàn ông thì sẽ mang hạnh phúc hoặc đau khổ cho người đó.
Riêng với linh mục, tôi chắc chắn sự hiện diện của người vợ sẽ đem lại sự khổ tâm hơn là an lành.
Tôi cho như vậy vì linh mục trước đây độc thân, không bị ai dằn vật trong cuộc sống hằng ngày từ tiền bạc đến ghen tương, đêm ngủ ngon giấc, ngày lo việc đạo và tự do cởi mở với con chiên tín hữu trong giáo xứ.
Hơn nữa, bản tính người linh mục hiền hòa, chân chất, dễ tin và nhất là chưa kinh nghiệm bề mặt trái của tình cảm cũng như cuộc sống lứa đôi nên dễ bị người đàn bà lấn áp và chỉ huy.
Và một khi đã có vợ con thì linh mục phải đèo thêm nhiều gánh nặng gia đình và nhiều vấn đề ngang trái khác của cuộc sống tình cảm.
Người chủ chăn không còn sáng suốt cũng như nhiều thời gian để suy gẫm kinh sách, chuẩn bị bài giảng và làm việc phụng sự tông đồ.
Hơn nữa, khi một người đàn ông đã có vợ mà còn được phái nữ ái mộ thì, dù là linh mục, cũng chắc chắn có nhiều thứ tình cảm khác nẩy sinh theo ngày tháng, rồi sẽ có chuyện so sánh, đèo bồng để đi đến tình trạng mèo chuột, ghen tương, đổ vỡ và ly dị.
Vậy còn đâu hình ảnh tốt đẹp của một linh mục để cho giáo dân kính phục!
2. Sự tôn nghiêm và nếp sống đạo đức của nhà thờ sẽ bị ảnh hưởng vì sự xuất hiện của một người đàn bà.
Đây là điều dĩ nhiên, người đàn bà sẽ nhúng tay vào công việc nhà thờ. Với vai trò người vợ trong gia đình, người đàn bà là phụ tá riêng cho linh mục trong giao tế, hành chánh… rồi dần dần sẽ tiến đến việc kiểm soát tài chánh và nhúng tay vào tài sản giáo hội cũng như quỹ của nhà thờ.
Linh mục cũng là một con người, nhất là đang hạnh phúc với mái ấm gia đình, thì liệu linh mục có thể cấm cản người vợ yêu quý của mình những vấn đề liên quan đến nhà thờ?
Hay linh mục sẽ tìm mọi cách nhắc khéo giáo dân đóng góp tiền bạc thêm cho nhà thờ qua các buổi giảng đạo hoặc những dịp giao tế thăm viếng con chiên?
Một vấn đề nữa sẽ xảy đến, đó là việc ghen tương trong nhà thờ và giáo xứ.
Đúng vậy, người vợ nào lại không muốn bảo vệ người chồng cho riêng mình trong lúc linh mục cai quản họ đạo là cái đích của theo đuổi của các bà các cô trong giáo xứ.
Từ lý do nầy, linh mục bị vợ theo dõi và kiểm soát từ tư tưởng đến hành động, nhất là những lần linh mục ngồi tòa giải tội cho giáo hữu thuộc phái nữ.
Từ những yếu tố trên, có thể tạm nghĩ rằng tòa giảng sẽ bị lạm dụng cho việc xin tiền theo nhu cầu của gia đình linh mục và tòa giải tội cũng có thể biến thành nơi hẹn hò thầm kín.
Linh mục không còn là thần thánh nữa, cha xứ có vợ con tức là đã trở thành một người phàm tục thì có thể yêu bất cứ ai và cũng không ngăn cấm được đàn bà con gái trong họ đạo yêu cha.
Như vậy có thể nghĩ rằng, tòa giải tội là nơi kín đáo và hợp lý nhất để biến thành chỗ hẹn hò, tỏ tình, yêu đương và ghen tương!
3. Trật tự cũng như tinh thần đoàn kết của họ đạo sẽ xáo trộn.
Khi linh mục cưới một người đàn bà trong giáo xứ thì chắc chắn sẽ xảy ra một vài biến cố về việc đổi ngôi vị và cách xưng hô tại họ đạo.
Ví dụ một gia đình bình thường nào đó, trong phạm vi quản lý của cha xứ, trở thành thông gia với linh mục thì dĩ nhiên gia đình nầy biến thành cha mẹ vợ của cha xứ.
Việc trước tiên phải đổi cách xưng hô. Một người con gái hay phụ nữ bình thường nào đó trước khi nay trở thành vợ cha xứ thì giáo dân trong họ đạo phải thưa trình thế nào cho hợp với vai trò vợ của linh mục quản xứ?
Không lẽ phải ‘lạy mẹ’ hay ‘thưa mẹ’ mỗi khi gặp nhau ngoài đường! Ngoài ra gia đình thông gia với linh mục cũng trở thành kẻ ăn trên ngồi trước và có một ngôi vị trong họ đạo.
Vấn đề nầy sẽ tạo nên khoảng cách và những cảm giác khó chịu cho toàn bộ giáo dân, nhất là giới phụ nữ lắm chuyện.
Và từ đây, có thể sinh ra mầm chia rẽ trong những họ đạo, là đơn vị căn bản của giáo hội.
Tôi xin mạn phép đề nghị:
- Vatican cần cứng rắn để giữ nề nếp tốt của giáo hội công giáo và phải có biện pháp với những linh mục phạm lỗi.
Giáo hội trung ương và tòa tổng giám mục địa phương có trách nhiệm với hàng linh mục dưới quyền thì không nên im lặng hoặc bao che và chạy tội cho những linh mục phạm phải các tội lớn.
Hình phạt ‘treo chén’ và ‘hủy thiên chức linh mục’ là những biện pháp thích đáng nên áp dụng để làm sạch giáo hội.
- Vị linh mục nào muốn lập gia đình lấy vợ sinh con đẻ cái thì tự tình nguyện trở về đời sống bình thường của một giáo dân.
Công việc quá đơn giản, dĩ nhiên sẽ được mọi người chấp thuận và hoan nghênh.
Được như vậy, linh mục sẽ tạo được hạnh phúc gia đình và vẫn giữ được vai trò con chiên của giáo hội.
Xin tạm kết bài viết:
Đừng đem việc lấy vợ sinh con đối của các vị lãnh đạo tinh thần từ các tôn giáo khác để bênh vực cho việc lập gia đình của linh mục công giáo.
Mỗi tôn giáo đều có giáo luật và truyền thống riêng, nhất là giới linh mục công giáo, thì nên bảo vệ lấy hình ảnh tốt đẹp của một người đã chịu chức thánh.
Hơn nữa, mong rằng các vị lãnh đạo giáo hội đừng làm mất thêm niềm tin của giáo dân đối với giáo hội.
Một sự thật cần nói ra, ngày nay nhiều người công giáo đã lơ là với đạo thì giáo hội không nên cho phép tạo thêm những hình ảnh xấu của vị chủ chăn để tín hữu, vì lý do nầy, mà ít đến hoặc xa lánh nhà thờ!