main billboard

Anh là người từ giã cõi đời trong sự chứng kiến của những người không máu mủ ruột rà, nhưng quý anh, nể anh, thương anh, thương “thằng Bay tâm thần” mà biết sống tử tế, không lợi dụng tình thương, lòng tốt của bất cứ ai.


tinhnguoi bolsa 1
Đám tang anh Ngô Bay, một người "không bình thường" sống nhờ sự đùm bọc của tình người Bolsa hơn hai mươi năm qua. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sổ tay phóng viên

WESTMINSTER, California (NV) – Bolsa trong những ngày gió mưa tơi tả, như bù cho bao năm hạn hán, tôi và người bạn cùng sở lấy ngày nghỉ phép để đội nón che dù đi dự đám tang một người… dưng.

Thật tình, người nằm trong quan tài kia tôi chưa từng một lần gặp mặt lúc anh còn sống. Tôi cũng không biết mặt một ai hiện diện trong đám tang này.

Mà có lẽ không chỉ riêng tôi. Thân nhân của người vừa nằm xuống cũng đâu biết những người đến tiễn đưa anh trai mình bằng tất cả sự đau thương thể hiện trên nét mặt kia là ai đâu.

Anh là Ngô Bay (không phải Bảy, em trai anh xác nhận như thế), là một người “không bình thường” trong mắt những ai từng thấy anh, biết anh, quen anh và cưu mang anh từ hơn hai mươi năm qua quanh quẩn chốn Bolsa này.

Anh là người từ giã cõi đời trong sự chứng kiến của những người không máu mủ ruột rà, nhưng quý anh, nể anh, thương anh, thương “thằng Bay tâm thần” mà biết sống tử tế, không lợi dụng tình thương, lòng tốt của bất cứ ai.

Anh là người mà nhiều người dưng khác sẵn sàng đứng ra tổ chức đám tang cho, nếu như họ không tìm được thân nhân của anh – những người từ mấy mươi năm qua “chưa từng một lần nghe Bay nhắc tới.”

Nhưng thật là may. Hai người em trai của anh, sống ngay tại thành phố anh lang thang mấy mươi năm qua, đã có mặt trong phút cuối để nhận thi hài anh hai mình.

Tôi nghĩ, có lẽ mình phải trách họ, và nhiều người cũng sẽ trách họ, vì, tại sao lại để người anh “tâm thần” sống bơ vơ như vậy.

tinhnguoi bolsa 2
Vợ chồng ông Chuyên Nguyễn (trái) và hai người em trai của anh Ngô Bay. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhưng, khi nói chuyện với một người em trai của anh Bay qua điện thoại, và gặp thêm một người em trai khác nơi đám tang, trong lòng tôi, và có lẽ trong lòng những người có mặt, chẳng thể nào đọng lại được một lời trách móc nào.

Vẻ lam lũ, vất vả vì cuộc mưu sinh hằn in qua dáng vóc, trong ánh mắt, trên nét mặt mỗi người.

“Nhà anh em tôi ở Sài Gòn, quận Tư, nghèo lắm. Vì nghèo quá nên dì Ba tôi mới cho tiền để lần lượt từng đứa đi vượt biên mong có sự đổi đời. Anh Bay đi trước, khoảng năm 80-81, rồi tôi, rồi đến em Tỷ, khoảng năm 87,” người em trai kế của anh Bay, đầu chít khăn tang, ngồi kể tôi nghe câu chuyện gia đình.

Sang được đến Mỹ, nhưng cái nghèo vẫn bủa vây. Tin người cha bệnh nặng ở Sài Gòn cứ được thư nhà gửi sang báo, càng dồn thêm những đứa con đang lao đao nơi xứ người vào chỗ quẫn trí.

“Có lẽ anh Bay bị áp lực từ lúc đó, mà đổ bệnh, có những thái độ, biểu hiện mà tụi tôi không biết, để rồi anh em gây gỗ nhau, mỗi đứa đi một chỗ,” người em trai tiếp tục kể bằng giọng buồn thiu.

Người kể chuyện tôi nghe, sang Mỹ từ năm 1987, đến giờ vẫn chưa một lần trở về Sài Gòn, vì “nặng gánh gia đình quá chị ơi, một người đi làm nuôi sáu miệng ăn, làm bảy ngày một tuần, thì chị hiểu rồi đó,” anh nói với nụ cười hiu hắt, nhưng mà ánh mắt lại bừng lên khi mở chiếc điện thoại khoe hình bốn đứa con, trong đó có hai cô con gái đang học đại học. “Tụi nó học giỏi lắm chị, tự kiếm được nhiều học bổng để theo đuổi chuyện học hành.”

Vợ anh ngồi kế bên, cũng vóc người nhỏ nhắn, cam chịu, là người nội trợ lo chăm sóc cho chồng và bốn đứa con. Chị không biết tiếng Việt, chị là người Hoa. Nhưng nhìn chồng khoe hình con, mắt chị cũng rạng rỡ.

Anh đi làm suốt, thoảng nghe có người nói gặp anh trai mình đâu đó ở Bolsa, “nhưng lúc mình có thời gian đi tìm thì lại không thấy ảnh đâu. Có những lúc người làm cùng hãng với Tỷ gặp ảnh, cho ảnh tiền, nhưng họ nói khi ảnh nhận, khi không. Tỷ trả lại tiền cho những người đó.”

Vợ chồng anh Tỷ cũng không hơn gì. Cuộc sống làm thuê vất vả với bao nỗi lo oằn vai khiến người ta không thể trọn vẹn nghĩa tình anh em.

Nhưng sự chân thật, nỗi bàng hoàng trước tin anh Bay mất là điều không giấu được nơi họ.

“Lúc bệnh viện báo tin anh Bay mấy, tụi tôi cảm thấy sốc, rồi cứ thắc mắc không biết ảnh mất như thế nào, mất ngoài đường ngoài sá hay sao. Đến khi ngồi đọc bài báo chị viết, mới hiểu được tất cả, mới biết được bao năm qua ảnh đã được mọi người đùm bọc ra sao. Không biết phải nói cám ơn mọi người như thế nào cho đủ.”

tinhnguoi bolsa 3
Chị Nga Trương (phải) dù không ruột rà thân thích, nhưng coi anh Ngô Bay như đứa em, luôn muốn đi tìm người thân cho anh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Anh Bay đã có gần 10 năm sống nương tựa tiệm nước mía Viễn Tây của vợ chồng ông Chuyên Nguyễn nơi góc đường Brookhurst và Hazard từ năm 2000 đến khoảng 2010.

Biết anh là một người “không bình thường” như vậy, nhưng ông bà Chuyên lại luôn giúp đỡ anh, dẫn anh đi làm passport, làm thẻ ID với mục đích “muốn đưa nó về Việt Nam thử coi nhìn cảnh cũ nó có nhớ gì về gia đình không.”

Tình người như vậy nơi Bolsa này, có phải là hiếm không?

Câu trả lời là “không.”

Bởi, khi ông bà chủ nước mía Viễn Tây sang tiệm sau một biến cố mất mát trong gia đình, anh Bay lại “lưu lạc” xuống gần Phước Lộc Thọ hơn, quanh quẩn nơi những shop may của người Việt. Và họ, những người chủ shop may, những người thợ may, lại tiếp tục cưu mang anh trong ý nghĩa của sự đùm bọc.

Đứng che dù dưới trời mưa lúc quan tài anh Bay chuẩn bị đưa vào lò thiêu, chị Phượng Ngô, một chủ shop may đã nhận anh Bay làm trong khoảng 5 tháng cho đến khi shop may của chị phải đóng cửa, kể, “Thương ảnh lắm, ảnh có lòng tự trọng của mình, dù là người có vấn đề về tâm thần. Trong thời gian làm chung với ảnh, mình lo cho ảnh ăn uống. Mà không phải ai cho gì cũng ăn, cho quần áo gì cũng nhận đâu.”

Sự “chiếu cố” của chị Phượng dành cho anh Bay còn là những lần kêu anh về sớm, “vì biết ảnh chỉ đi bộ, sợ ở tối quá thì tội ảnh.”

Trong khi đó, chị Nga Trương, người “coi Bay như đứa em,” cũng là một người làm cùng anh ở các shop may, mắt đỏ hoe kể, “Mình qua đây cũng đâu có ai, đi với chồng, mà chồng đánh quá nên thôi, ở vậy nuôi con. Gặp Bay cũng một thân một mình nên coi nó như em. Ở nhà mình bên Việt Nam cũng nghe kể chuyện Bay, ai cũng thương Bay hết, nói chị em đùm bọc nhau mà sống.”

Chị Nga đã bao lần hỏi “Bay nhớ coi có chị em gì ở đâu để chị dẫn Bay đi tìm, chứ không già rồi thì đâu có sống một mình hoài vậy được.” Lần nào anh cũng nói “thì chị là chị của em chứ còn ai nữa.”

Biết anh Bay từng rất quý vợ chồng ông Chuyên, nên khi thấy anh sắp không qua khỏi, chị cố tìm cho bằng được vợ chồng ông để báo tin. Tự trong lòng họ, coi nhau như những người thân, không cùng máu mủ, và cố làm mọi thứ cho trọn vẹn với tình thân đó.

Trong đám tang chóng vánh của anh Bay, còn có vợ chồng anh Viên chị Trân, người chủ shop cuối cùng mà anh Bay làm việc cùng.

Chị Trân, người được biết là ra vào bệnh viện trong suốt những ngày cuối cùng của anh Bay, kể, “Hồi trước anh Bay làm cho shop của ba chồng mình. Khi shop của ba chồng mình đóng cửa thì ảnh đi đâu mất tiêu, kiếm không được, gọi phone ảnh không bắt máy.”

Lý do anh Bay không bắt máy, theo lời chị Nga là vì, “Bay biết chú (ba chồng chị Trân) gọi Bay cho tiền, nhưng mà Bay không có lấy tiền của chú nữa, chú bán shop rồi, chú làm không ra tiền sao lấy tiền của chú được.”

Anh Viên, chồng chị Trân, kể chuyện với đôi mắt đỏ như khóc cho người anh ruột thịt, “Tụi này coi ảnh như người anh trong gia đình. Đi kiếm ảnh về làm với tụi mình. Đến đầu Tháng Mười Hai này ảnh mới về, thì cũng là lúc hết hàng, nhiều thợ của tôi cũng không có việc làm, nhưng thấy ảnh về thì tụi mình giữ ảnh lại làm, không muốn thấy ảnh đi tùm lum. Ngày Thứ Năm, mình chở ảnh về sau khi đi làm ra. Qua Thứ Sáu thì hay tin ảnh được chở vô bệnh viện…”

Cứ vậy, tôi nghe người sống kể những câu chuyện về người sắp sửa được hỏa táng, dưới cơn mưa phùn, mà cảm nhận được sự mênh mông của tình người.

Mười năm gắn bó với nghiệp làm báo, tôi hiểu Bolsa này luôn có những điều lạ lùng.

Và, những câu chuyện “lạ lùng” trong đám tang của một người “không bình thường” như thế này luôn là những câu chuyện khiến tôi không bao giờ cảm thấy cuộc đời của những người Việt tha hương nơi đây là nhàm chán. (Ngọc Lan)