Trong những căn phòng khác, nhiều bệnh nhân hôn mê, đã say ngủ, cũng có những người lúc tỉnh lúc mê và rất nhiều bệnh nhân khó ngủ, còn trằn trọc vì đau đớn, phiền muộn.
Gặp lại những người lính năm xưa
Ðêm 30 Tết, nusing home có vẻ vắng lặng hơn những ngày thường, trong chỗ đậu xe hình như chỉ có xe của nhân viên làm việc. Trên lối vào tôi không gặp một người khách nào. Lác đác trên hành lang, chỉ có những người y tá đẩy xe đang đi đo áp huyết hay thăm hỏi các bệnh nhân. Trong khi ngoài phố, không khí Tết tràn ngập, thì ở đây trái hẳn, lạnh lẽo, không một cành hoa, còn lặng lẽ hơn một ngày bình thường khác.
Những chiếc xe lăn trong căn phòng vắng lặng đêm 30 Tết.
Lúc ấy đã 11 giờ đêm, ngoài cửa một phòng bệnh tôi gặp một bác đang lặng lẽ ngồi trên chiếc xe lăn có vẻ thẫn thờ. Tôi tiến lại gần và thăm hỏi:
- Sao giờ này ông chưa đi ngủ?
- Buồn quá làm sao ngủ được!
Sau câu trả lời, tôi nghe một tiếng thở dài mệt mỏi.
Ðây là ông Trần Văn Có, năm nay đã 76 tuổi. Trước năm 1975, ông là hạ sĩ quan hải quân, phục vụ trên HQ 5, ở cảng Cam Ranh, ông còn nhớ tên hạm trưởng là Phạm Trọng Quỳnh. HQ5 ra đi trước khi Saigon đầu hàng, nhưng không nghe người lính biển về già này giải thích vì sao ở lại không đi theo con tàu. Ở lại Saigon đổi tên, hai năm, ông làm nghề bán cà phê lề đường, kiếm sống qua ngày. Năm 1977, ông Trần Văn Có may mắn kiếm được một chỗ lái tàu vượt biển, đến trại tỵ nạn rồi vào Mỹ, định cư ở Santa Ana.
Ông Có đưa tôi vào phòng, ngồi trên giường với ông, ít ra cũng có người nói chuyện mươi phút. Ông Có bị bệnh ruột, nằm bệnh viện một tuần, theo lời ông, “không tìm ra bệnh” và mới vào nursing home này được ba ngày. Ba ngày nay ông chưa được gặp bác sĩ. Vào đây ông thấy buồn và không ngủ được, mỗi đêm chỉ chợp mắt được vài tiếng và chẳng muốn ăn.
Khi tôi ướm lời hỏi thăm gia cảnh ông để biết vợ con hiện nay ra sao, có lui tới thăm bác không? Câu trả lời của ông là:
- Thôi đừng nhắc đến vợ, mà cũng đừng nhắc đến con làm gì? Ở đây đã có nhà nước lo!
Tôn trọng lời nói của ông, tôi không dám đặt câu hỏi, hôm nay là ngày ba mươi, giáp Tết, có ai vào thăm ông không?
Bà Huỳnh Thị Tiên không nhớ tuổi mình mà cũng không biết mình có bao nhiêu đứa con.
Nhắc đến đêm nay là đêm ba mươi Tết, ông Trần Văn Có nói có biết, vì có xem TV.
Nằm chung phòng với bác Trần Văn Có là cựu Trung Úy Phan Phụng. Tôi bắt gặp ông ngồi tựa tay vào chiếc bàn nhỏ, đang ôm đầu như có vẻ đau đớn lắm, điều đó khiến tôi chú ý và tìm đến hỏi thăm ông. Nói chuyện với tôi, hình như ông được đôi phút quên đi cơn đau đang hành hạ. Phan Phụng sinh năm 1949, nguyên quán Thừa Thiên, nhưng theo cha mẹ vào Sài Gòn từ nhỏ. Ông nguyên là trung úy đại đội trưởng ÐÐ Biệt Lập Biệt khu Trà Lòng, quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện. Nhớ lại thời chiến đấu, ông Phan Phụng giải thích tuy là chi khu, nhưng nhờ có Cha Tông năm 1954, vào đây xây dựng một giáo xứ chống Cộng, nên đơn vị này trở thành một đặc khu biệt lập.
Năm 1975, Trung Úy Phan Phụng bị tù tập trung 8 năm qua các trại Bà Ðen, Tống Lê Chân, Tống Phước Hiệp, Bùi Gia Mập, Ka Trum, Suối Máu. Tuy ở ngay quận 3 Sài Gòn, nhưng mãi năm 1993, gia đình ông mới được sang Mỹ theo danh sách H.19, theo ông, vì không đủ tiền “chạy dịch vụ”.
Ông Phan Phụng đã nằm ở bệnh viện Orange Coast hơn một tháng, qua một vụ giải phẫu tim khá nguy kịch. Ông mở áo cho tôi xem một vết sẹo chạy dài giữa ngực.
Ông Phụng cho biết, vợ chồng ông chỉ có một cô con gái, đang học y tá ở Long Beach, sắp ra trường, cô này rất thương cha mẹ, nên ông cũng được an ủi phần nào. Từ ngày ông vào bệnh viện, vợ ông phải nghỉ làm để lo cho ông.
- May mà bả còn lái xe để còn vào ra thăm viếng tôi, chiều nay cháu có vào thăm!
Người lính biển Trần Văn Có của HQ5 năm xưa.
Ông chỉ cho tôi một hộp mứt nhỏ để trên chiếc tủ nhỏ.
- Nhưng làm sao nuốt nổi!
Ông Phan Phụng nhăn nhó kêu đau trong ruột, nhức đầu, đau đớn tứ chi, ông cho biết đã xin thuốc giảm đau nhưng y tá chưa mang lại. Ông nói, ban sáng, xem TV ông mới biết Tết đến, nhưng bây giờ tiếng ồn ào, tiếng nhạc làm ông thêm nhức đầu. Trong hoàn cảnh này, Xuân Tết cũng chẳng có nghĩa gì.
Khi nhận biết, tôi cũng là “chiến hữu” năm xưa của ông, ông Phan Phụng nói, gần như nghẹn ngào muốn khóc:
- Sao không ở nhà hưởng Tết với gia đình, vào đây mà làm gì?
Tôi cầm lấy bàn tay gầy guộc của ông nhưng cuối cùng cũng phải đứng dậy ra về. Trung Úy Phan Phụng vẫn ngồi đó, như lúc tôi mới bước vào, hai tay ôm lấy đầu, cơn đau đang tiếp tục hành hạ.
Phan Phụng, người tù “cải tạo” 8 năm, trong nursing home đêm 30 Tết trên đất Mỹ.
Những người nhớ nhớ, quên quên
Tôi gặp bà Huỳnh Thị Tiên trong phòng ăn cũng là phòng hội của nursing home, đêm nay vắng lạnh không một bóng người. Bà hoàn toàn không nhớ tuổi của bà, không nhớ có bao nhiêu đứa con và chúng ở đâu và cũng không biết vào đây từ lúc nào. Tuy vậy bà Tiên cho biết bà là người Việt gốc Hoa (cha Tàu mẹ Việt) sinh đẻ và lớn lên ở Sài Gòn. Hỏi về việc ăn uống hằng ngày và giấc ngủ, bà cho biết vào đây “có khi ăn được, có khi không; có khi ngủ được, có khi không!”
Bà Tiên cho biết, bà không biết hôm nay là ba mươi Tết, “mà Tết cũng vậy, ngày thường cũng vậy!”
Gần Giao Thừa rồi, chưa trở về phòng phủ, bà Huỳnh Thị Tiên lái chiếc xe lăn lang thang qua phòng ăn, đi dọc theo hành lang như vô định. Nhớ nhớ, quên quên, vui hay buồn, bà không nói với ai, mà cũng không ai quan tâm hỏi đến bà.
Nhân viên nursing home giới thiệu cho tôi theo yêu cầu “một người đã lâu, không có thân nhân thăm viếng!” Bà Nguyễn Thị Lan, năm nay 70 tuổi, nhưng trông vẫn còn tráng kiện, mạnh khỏe, giọng nói rổn rảng. Chồng bà là Lý Văn Ðức, trước tháng 4 năm 1975 là sinh viên y khoa chưa ra trường, nhưng lại bị đi tù Cộng Sản 8 năm, nhờ vậy bà và gia đình được sang Mỹ năm 1990 theo danh sách H.O.
Chồng bà đã mất, bà có tất cả 7 người con, đứa ở xa tận Thụy Sĩ, đứa gần ngay đây thôi, nhưng đã lâu không có người thăm viếng. Hai đứa con độc thân của bà ở gần, một em gái bị bệnh chậm phát triển từ nhỏ, ở với người anh, người con trai này cũng đang bị bệnh, nên không còn ai lui tới với bà. Tuy vậy, bà nói: “Bây giờ, sống chết, lành đau, đều do ý Chúa!”
Bà Nguyễn Thị Nhài 80 tuổi, bây giờ sống cũng như đã chết. Bị hai lần stroke, giờ đây bà sống cuộc đời gần như không có cảm xúc, được nuôi qua ống dẫn thức ăn vào thẳng ruột.
Ðêm nay ba mươi Tết, trong nursing home này, tôi chỉ gặp duy nhất một người thăm bệnh là người con gái của bà Nhài, từ Louisiana về săn sóc mẹ từ mấy tháng nay, nhưng mẹ cũng chẳng biết cô là ai. Ðêm vắng lặng, cô ôm chiếc laptop cho đỡ buồn ngủ, nhưng rồi cô cũng phải ra về trước Giao Thừa.
Trong những căn phòng khác, nhiều bệnh nhân hôn mê, đã say ngủ, cũng có những người lúc tỉnh lúc mê và rất nhiều bệnh nhân khó ngủ, còn trằn trọc vì đau đớn, phiền muộn.
Ở đây không xa vùng Little Saigon mấy, nhưng cũng không quá gần để tiếng pháo Giao Thừa có thể vẳng lại. Tiếng pháo nổ ran hằng giờ, dân chúng hội họp đông vui, những chương trình ca nhạc chưa tàn, các tiệm ăn đêm ở Bolsa đang đầy nghẹt người.
Không biết có ai trong những người khách vui chơi, hạnh phúc đêm 30 Tết này, có nhớ cha mẹ còn thao thức không ngủ trong nursing home này không?