“Ai nói gì nói, cho đến chết, lúc nào tôi cũng mang ơn người Mỹ, nước Mỹ, đã cưu mang cho gia đình tôi, cho tôi được sống và hưởng những gì mà chính trên 'quê hương thứ nhất' chúng tôi chưa được có.”
WESTMINSTER (NV) - “Tôi cám ơn nước Mỹ, vì nước Mỹ đã cho tôi sự bình yên trong tâm hồn. Ðối với tôi, nước Mỹ không phải là thiên đường, nước Mỹ là một cuộc sống đời thường, và tôi cám ơn nước Mỹ đã cho gia đình tôi cuộc sống đời thường.” Ông Huy Phạm, một người đã về hưu, đang sống tại vùng Arleta của thành phố Los Angeles, nói về tâm tình của mình nhân ngày Lễ Tạ Ơn.
Ông Khương Diệp, “Ngày Thanksgiving là ngày quây quần trong gia đình, và luôn luôn có món gà đút lò hay gà nướng, nhưng nhất định không phải là gà tây.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Ông Xem Nguyễn, hiện sống tại tiểu bang Tennessee, nói một cách bộc trực, “Ai nói gì nói, cho đến chết, lúc nào tôi cũng mang ơn người Mỹ, nước Mỹ, đã cưu mang cho gia đình tôi, cho tôi được sống và hưởng những gì mà chính trên 'quê hương thứ nhất' chúng tôi chưa được có.”
“Cám ơn nước Mỹ” không phải chỉ là lòng biết ơn của một vài người, một số người. Mà đó dường như là lời tri ân có trong tâm tư hầu hết những người Mỹ gốc Việt đang sống tại đất nước tự do này.
Trong không khí nhộn nhịp của ngày Lễ Tạ Ơn, người di dân gốc Việt không chỉ hấp thụ nền văn hóa thể hiện lòng biết ơn mảnh đất đã cưu mang mình, mà còn mang truyền thống đó vào trong mỗi gia đình, theo những cách rất riêng, và rất Việt.
Từ kỷ niệm ngày đầu dự Lễ Tạ Ơn
Ông Bùi Ðường, người khá quen thuộc với cộng đồng người Việt tại đây qua các sinh hoạt văn học nghệ thuật của Viện Việt Học, nhớ lại, “Tôi sang Mỹ ngày 18 Tháng Mười Một, 1971, khi đó mới 18 tuổi, học ở Long Beach. Tôi nhớ Thanksgiving đầu tiên một ông mục sư trong trường đã mời tôi cùng vài người bạn về nhà ăn lễ. Buổi tối hôm ấy thực sự để lại ấn tượng trong tôi, tôi thấy thích đồ ăn Mỹ, thích không khí thân mật, ấm cúng của họ, và đó cũng là lần đầu tiên tôi được giảng giải về ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.”
Thêm một kỷ niệm về ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ khiến người đàn ông có giọng nói trầm ấm này nhớ mãi đó là “họ muốn tôi hát một bài. Tôi chọn hát bài Gia Tài Của Mẹ, một người bạn của tôi dịch ý nghĩa bài hát này ra tiếng Anh.”
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu/Một trăm năm đô hộ giặc Tây/Hai mươi năm nội chiến từng ngày/Gia tài của mẹ để lại cho con/Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.” Lời bài hát của Trịnh Công Sơn, với những ca từ xao xuyến lòng người cất lên trong không khí đó “đã khiến người ta khóc.” Ông Bùi Ðường kể.
Không chỉ vậy, hình ảnh vị mục sư người Mỹ dạy ông Ðường học tiếng Anh, với những tình cảm thân thiện dành cho người sinh viên lần đầu xa nhà du học, mang trong lòng bộn bề nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, cũng khiến ông nhớ mãi, giữ mãi tình cảm tốt đẹp dành cho người Mỹ. Ông Ðường cho rằng, “Ông mục sư đó tiêu biểu cho một người Mỹ tốt đối với người Việt mình.” Và cũng chính những ân tình như thế mà cho dù sau này người Mỹ có những đường lối chính trị khiến ông “không thích” thì ông vẫn “hoàn toàn thông cảm, bởi vì chính trị và nhân bản là hai điều hoàn toàn khác nhau.”
Từ ngày đó trở về sau, năm nào ông Ðường cũng ăn mừng ngày Lễ Tạ Ơn cùng bạn bè người Mỹ, theo đúng cách của Mỹ, “cho đến khi người Việt Nam có mặt ở đây đông hơn.”
Ông Ðường nói, “Tổ chức tiệc trong ngày lễ Thanksgiving, tôi luôn làm theo truyền thống của người California, tức là có gà tây, có 'sweet jame', có bắp, có khoai tây,... còn bạn bè Việt thì mang thêm đồ ăn Việt Nam tới.”
Với ông Khương Diệp, đang sống tại Tampa, Florida, kỷ niệm nhớ nhất về ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ là kỷ niệm về con gà tây.
Ông Khương kể, “Năm 1986, tôi đón mùa Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Utah, trường Utah Technical College. Năm đó không hiểu sao tuyết rơi nhiều hơn mọi năm, bao nhiêu cây cành cảnh vật đều bị tuyết ôm trắng xóa.”
Theo lời người sinh viên khi đó, tiệc Thanksgiving được nhà trường đãi, có gà tây đút lò, có bánh pumpkin pie, táo, nho, nước trái cây, nước ngọt... và “nhìn những dãy bàn nối dài dài phủ đầy thức ăn, tôi thấy ngợp luôn. Toàn là những món mà hồi còn ở Việt Nam có mơ cũng không bao giờ thấy được.”
“Nuốt nước miếng ừng ực khi nhìn những con gà quay màu vàng” thế nhưng “khi cắn miếng gà đầu tiên, tôi nhai mà cứ tưởng đâu mình nhai miếng giấy! Nó cứ nhàn nhạt, lờ lợ chả có mùi vị gì hết! Ðúng là miếng ngon nhớ lâu, và miếng nào quá dở cũng khó mà quên cho được,” ông Khương nhận xét.
Chị Jennifer Nguyễn, “Nói gì nói, ăn 'turkey' để cho có không khí ngày lễ Thanksgiving, chứ có họp mặt lúc nào đi nữa thì ăn đồ ăn Việt Nam vẫn hơn.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Theo trí nhớ của ông Khương, khi tiệc tan, sinh viên còn được nhà trường tặng mỗi người một con gà đông lạnh mang về. “Nhưng có lẽ cũng ngán món gà này nên đám bạn dùng những con gà đông đá cứng ngắc đó làm banh đá lăn long lóc từ trên sườn đồi xuống.”
“Ðường đến bãi đậu xe phủ đầy tuyết, mải mê nhìn tụi bạn đá banh 'gà' nên tôi bị sụp chân xuống cái lỗ gì sâu đến đầu gối, bị trẹo giò đi cà nhắc gần hai tuần mới hết. Kỷ niệm đầu về Lễ Tạ Ơn của tôi là như vậy.” Ông Khương Diệp hồi tưởng.
Ðến tiệc sum họp không chỉ có gà tây
Nếu như nhiều gia đình, giống như gia đình ông Bùi Ðường năm nay ăn mừng Lễ Tạ Ơn ở Arizona, là “phải có gà tây, phải ăn tiệc theo đúng truyền thống Mỹ để mang đầy đủ ý nghĩa hơn” thì nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt khác lại biến đổi đi ít nhiều thức ăn trong ngày lễ này cho phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam.
Cô Jennifer Nguyễn ở Seattle cho biết, “Trong vài năm đầu sau khi đến Mỹ, tôi thường mua gà tây nấu sẵn ở chợ để ăn lễ Thanksgiving với gia đình.”
Tuy nhiên, theo cô, “Từ lần đầu đã không nuốt nổi món thịt này, nhưng mà không biết làm và cũng không có đủ người để thanh toán hết con gà 15-20 pounds.”
Nghe lời chỉ dẫn của một số người, cô Jennifer xé thịt ra làm chà bông, “ăn tạm được nhưng mà khô đến mắc nghẹn,” lấy bộ xương gà nấu súp, nhưng “không thể nào ăn được có lẽ vì tôi không biết cách khử mùi gà!”
Nhưng “Thanksgiving thì phải có gà tây,” nên sau này cô Jennifer “chế biến và làm gà tây theo kiểu Việt Nam, tức là nhồi ruột bằng nếp xào với hành tím, tôm khô và lạp xưởng, làm nước xốt cũng chế biến từ 'gravy' của Mỹ nhưng pha thêm 'maggi' vào cho đậm đà và có 'mùi Việt Nam.'”
“Nói gì nói, ăn 'turkey' để cho có không khí ngày lễ Thanksgiving, chứ có họp mặt lúc nào đi nữa thì ăn đồ ăn Việt Nam vẫn hơn.” Cô Jennifer nhận xét.
Theo đúng truyền thống Mỹ, Lễ Tạ Ơn cũng là ngày họp mặt đại gia đình của ông Huy Phạm.
“Gia đình chúng tôi có 10 anh em, sống cũng gần gần nhau, nên năm nào cũng tụ về nhà ba má tôi ở Reseda, cách nhà tôi chừng 25 phút để họp mặt, gần cả 50 người bao gồm cả dâu rể, cháu chắt.” Ông Huy cho biết.
Bữa tiệc Lễ Tạ Ơn trong gia đình ông Huy là một bữa “ẩm thực đa quốc gia,” vì “vừa có gà tây theo kiểu Mỹ, vừa có món gà theo kiểu Tàu, có món mì Ý, lại không thể thiếu món Việt Nam.”
Ông Huy vui vẻ “tiết lộ,” “Nhà có năm cô con gái, mỗi người làm một món mang tới. Rồi thêm năm người chị em bạn dâu, cũng mỗi món một người. Nghe nhiêu đó là đã thấy tưng bừng linh đình rồi.”
Với ông Khương Diệp, ngày Lễ Tạ Ơn cũng là ngày “quây quần trong gia đình, và luôn luôn có món gà đút lò hay gà nướng, nhưng nhất định không phải là gà tây.”
Ngoài chuyện “ngỡ ngàng” khi ăn phải miếng gà tây không do một đầu bếp giỏi làm trong ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở Mỹ, ông Khương còn “đụng” thêm một “kỷ niệm để đời với gà tây” khi một lần “quần áo chỉnh tề sạch sẽ đi xuống thăm vợ sắp cưới, thì bị má vợ tương lai bắt đi chặt con gà tây vì nhà không ai biết làm.”
“Con gà thì lớn, con dao thì lụt, giống như mình vừa bằm vừa cứa con gà. Ðem được thau thịt gà vô nhà mà mồ hôi nhỏ từng giọt trong tiết trời lạnh giá.” Hình ảnh “đau thương thê thảm” đó thấm sâu trong đầu nên ông Khương “chờ cho lấy được vợ, mới ra quyết định là cho dù lễ Thanksgiving hay lễ gì tôi cũng không cho bất cứ con gà tây nào được phép léo hánh vô nhà tôi.” Ông Khương nói một cách hài hước, “May sao hai đứa con tụi tôi hiện giờ chúng cũng không thích ăn gà tây chút nào.”