Mặc dù làn sóng thuyền nhân hiện nay hầu như ít được công luận thế giới quan tâm, nhưng vấn nạn thuyền nhân trên vùng biển Thái Bình Dương vẫn còn là một cơn sóng âm ỉ khuấy động chính trường Úc cũng như là nỗi lo chung của cộng đồng Việt Nam tại đây.
Cảnh sát Úc đang kiểm tra một chiếc tàu chở người tị nạn mới đến đảo Christmas, ảnh minh họa (AFP)
Làn sóng thuyền nhân tị nạn đến Úc trong những năm gần đây vẫn tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi trong chính quyền Úc. Để giải quyết vấn đề này và trấn an dư luận, chính phủ Úc đã đưa ra những biện pháp hết sức gắt gao như trục xuất và di dời thuyền nhân ra các đảo. Tâm trạng của các thuyền nhân ra sao và các tổ chức Nhân quyền tại Úc đã có những hành động gì . Thông tín viên Tường An tìm hiểu trong bài sau:
Mặc dù làn sóng thuyền nhân hiện nay hầu như ít được công luận thế giới quan tâm, nhưng vấn nạn thuyền nhân trên vùng biển Thái Bình Dương vẫn còn là một cơn sóng âm ỉ khuấy động chính trường Úc cũng như là nỗi lo chung của cộng đồng Việt Nam tại đây.
Công an VN được vào trại tỵ nạn Úc
Tháng 8 vừa qua công an CP A18 đã vào các trại tạm cư để điều tra lý lịch của các thuyền nhân và bắt họ ký giấy tự nguyện hồi hương. Một thuyền nhân bị ép ký 3 lần đã tuyệt vọng và tự tử nhưng được cứu. Có ít nhất 5 người bỏ trốn, ngoài ra, tại trại Yongah Hill, nơi đang giam giữ khảng 600 thuyền nhân, trong đó có 342 người Việt, đã tổ chức biểu tình để phản đối việc Bộ Di trú cho công an Xuất nhập cảnh Việt Nam vào trại giam. Thuyền nhân rơi vào tâm trạng hoang mang cho tương lai bấp bênh, hoảng sợ trước viễn ảnh bị trả về một nơi chốn mà mình đã bỏ trốn ra đi. Một thuyền nhân tại trại Yongah Hill tâm sự:
“Ai ai cũng buồn chán và hoang mang lo sợ, không biết rồi đến lượt mình sẽ như thế nào. Hiện giờ chính phủ Úc cũng không có một cách giải quyết rõ ràng nào cả mà người ta cứ trù nhắm vào những người Việt của mình giống như là nay bắt 2 người , mai bắt 3 người rồi hôm kia bắt cưỡng chế buộc hồi hương.Cho nên bây giờ ai cũng lo sợ cho số phận của mình giống như những người đó”
Tháng 8 vừa qua công an CP A18 đã vào các trại tạm cư để điều tra lý lịch của các thuyền nhân và bắt họ ký giấy tự nguyện hồi hương. Một thuyền nhân bị ép ký 3 lần đã tuyệt vọng và tự tử
Anh Thành, một thuyền nhân khác, cũng ở trại Yongah Hill lên án chính sách của chính phủ Úc cưỡng ép thuyền nhân trở về Việt Nam và bỏ mặc cho số phận của họ. Anh nói:
“Những thuyền nhân trong trại hiện nay rất là hoang mang lo sợ khi mà bộ di trú dùng những chiêu bài rất chi là cộng sản để dùng cho các thuyền nhân tại trại Yongah Hill này. Họ bắt cóc và cưỡng bức thuyền nhân hồi hương và họ không để ý đến thuyền nhân khi quay lại quê hương có bị như thế nào hay không ? Khi những thuyền nhân đó trở về quê hương thì có một số bị bắt, bị đánh đập, bị bỏ tù, có những người bị chặn lại lấy hết tiền. Cho nên khi những chuyện đó xảy ra thì khiến cho các thuyền nhân ở trại Yongah Hill này rất chi là hoang mang lo sợ”
Trại tạm cư Yongah Hill, Northam, thuộc Tây Úc, ảnh chụp hôm 25/6/2012
Cưỡng bức hồi hương
Trong trường hợp không tự nguyện thì bộ Di Trú dùng biện pháp cưỡng chế để buộc hồi hương, họ đã dùng những phương thức đánh lừa , gần như là bắt cóc để ép thuyền nhân phải trở về Việt Nam; anh Thành cho biết tiếp:
“Họ bảo xuống phòng để nhận đồ, nhưng mà xuống thì họ nhốt lại luôn. Rồi có những người họ lên tận phòng họ đưa đi chứ họ không thông báo trước rằng sẽ hồi hương. Khi họ kêu lên đó thì họ nhốt lại trong 1 khu vực riêng rồi từ đó họ đưa về Việt Nam luôn chứ không có cơ hội gặp IOM (International Organization for Migration) hay là cơ hội để gặp luật sư ạ”
Sự cưỡng bức hồi hương ngoài sự tự nguyện của thuyền nhân chỉ xảy ra sau khi công an CP A18 vào các trại tạm giam để điều tra lý lịch thuyền nhân. Anh Thành nói:
“Trước khi công an CPA18 của Việt Nam vào trại thì chỉ có những người tự nguyện hồi hương thì họ mới phải hồi hương, không có chuyện trục xuất . Nhưng sau khi công an CP A18 sang đến nay thì họ đã ép hồi hương ít nhất là 26 người ở trong trại Yongah Hill về lại Việt Nam
Khi những thuyền nhân đó trở về quê hương thì có một số bị bắt, bị đánh đập, bị bỏ tù, có những người bị chặn lại lấy hết tiền...thuyền nhân ở trại Yongah Hill này rất chi là hoang mang lo sợ ( Anh Thành)
Trước tình hình đó, để hỗ trợ về mặt tinh thần và pháp lý cho các thuyền nhân Việt Nam, một tổ chức gồm người Việt và Úc được hình thành với tên gọi là Liên Minh VIETBoat People (gọi tắt là VietBP) là một Liên Minh gồm 3 tổ chức: Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tây Úc, CARAD (The Coalition for Asylum Seekers, Refugees and Detainees) và RRAN (Refugee Rights Action Network). Phát ngôn nhân của Liên Minh VIETBP là luật sư Phạm Việt Dũng nói về mục tiêu và phương thức hỗ trợ của nhóm:
“Nhóm của chúng tôi hổ trợ các thuyền nhân qua 2 hình thức: thứ nhất là chúng tôi trực tiếp thăm viếng, an ủi , tư vấn về pháp lý cũng như đại diện về pháp lý cho các thuyền nhân để làm thủ tục xin tị nạn. Thứ hai là qua các cơ quan báo chí, truyền thông chúng tôi cung cấp thông tin và nhất là cảnh tỉnh các công dân Úc và cộng đồng Quốc tế về tình trạng của các thuyền nhân cũng như chính sách khắc nghiệt và thiếu nhân bản của chính phủ đương nhiệm”
Theo thống kê của Bộ di trú Úc thì cho tới cuối tháng 9 năm 2013,có 11341 người với ít nhất 11 sắc tộc khác nhau đang bị giữ trong các trại tạm giam ở Úc, trong đó 96% là thuyền nhân. Người Việt chiếm 5% với khoảng 700 người, trong đó có 498 đàn ông, 96 phụ nữ và 106 các em dưới 18 tuổi.
Bộ Di trú Úc không công bố con số chính thức về con số người đã bị trả về Việt Nam , nhưng theo luật sư Dũng cho biết thì cho tới nay có khoảng hơn 80 người đã bị trục xuất và đa số là dưới 18 tuổi.
Chính sách vi phạm nhân quyền rất là lớn đối với chính phủ Úc và sự trốn tránh trách nhiệm đối với những người xin tị nạn tại Úc...Chính sách chính Phu Úc đối xử với người tị nạn hiện giờ vi phạm nghiêm trọng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ( Luật sư Dũng)
Ngoài ra, có thông tin cho rằng chính phú Úc sẽ chuyển một số thuyền nhân sang đảo Nauru, trong số đó có 15 phụ nữ đang mang thai. Đảo Nauru nằm ở Nam xích đạo, thuộc biển Thái Bình Dương, nơi mà khí hậu rất nóng bức, ẩm ướt, Trại Nauru không có nhà mà thuyền nhân phải ở trong lều, thiếu thốn tiện nghi và nhà thương ở đó đã bị cháy vào tháng 8 năm ngoái và vẫn chưa được sửa chữa. Khi nhận được thông tin đó, VIETBP đã viết thư phản đối lên chính phủ Úc, Luật sư Dũng nói:
“Thì sau khi nhận được nguồn tin này thì chúng tôi có viết thư trực tiếp với lại Bộ Di Trú cũng như là chúng tôi có thông tin ra cho giới truyền thông cũng như báo chí. Cho đến này thì chúng tôi chưa có nghe được một tin gì hết thì tôi nghĩ rằng cái cuộc chuẩn bị để đưa 15 phụ nữ Việt Nam đang mang thai ra các đảo Naru đó hiện đang bị đình lại, nhưng mà chúng tôi không biêt cái này là vĩnh viễn hay là chính phủ vẫn còn có chính sách đưa 15 người phụ nữ Việt Nam này ra đảo”
Trong mấy ngày qua, có khoảng 40 thuyền nhân Việt Nam bị đưa đi giam một chổ kín, đây là dấu hiệu họ sắp bị cưỡng bức hồi hương. VietBP cũng đã công bố danh sách những thuyền nhân bị dưa đi mất tích này. Danh sách được cho biết là:: Công, Hùng , Hiệp Hậu, Thanh, Lâm , Sơn, Sinh, Thuỷ….và còn nhiều nữa. Ngày 8 tháng 11 vừa qua, Viet BP đã tổ chức đêm thắp nến để yểm trợ tinh thần cho các thuyền nhân còn lại trong các trại tạm giam ở Úc. Theo luật sư Dũng, đây là một chính sách vô nhân đạo và vi phạm nhân quyền trầm trọng:
“Chính sách này theo tôi là một chính sách vi phạm nhân quyền rất là lớn đối với chính phủ Úc và sự trốn tránh trách nhiệm đối với những người xin tị nạn tại Úc rất là lớn nếu mà họ tiếp tục chính sách này. Chính sách chính Phu Úc đối xử với người tị nạn hiện giờ vi phạm nghiêm trọng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền , Công ước về người tị nạn, Công ước bảo vệ phụ nữ, Công ước bảo vệ trẻ em mà chính phủ Úc đã ký và cam kết thực hiện. Chính sách này cũng đã bị Cao Uỷ Tị nạn nhiều lần chỉ trích ”
Kết quả của chính sách cưỡng bức hồi hương này là cho tới nay, đã có hơn 80 thuyền nhân đã bị trả về Việt Nam , nơi mà họ đã bỏ trốn ra đi. Số phận của các thuyền nhân này ra sao khi mà họ bị kết vào tội “phản quốc “ vì đã bỏ nước ra đi ? chúng tôi sẽ trình bày trong bài kế tiếp.