Chung tiếng nói với một triệu con tim, một công dân Áo Quốc, gốc Việt: “Tôi không thể ngồi yên!”
Nguyễn Bé Ba (Anthony Nguyễn) sinh ra trong một gia đình nghèo, thân phụ là ông Nguyễn Văn Sung, trước là quân nhân thuộc giáo phái Hòa Hảo, tình nguyện vào ÐPQ tỉnh Chương Thiện, tử trận vào tháng 8 năm 1965, lúc Bé Ba mới lên 3 tuổi. Học xong tiểu học thì miền Nam mất, Bé Ba phải làm đủ nghề để mưu sinh và giúp gia đình. Tháng 8 năm 1979, Bé Ba vượt biển trên một chiếc ghe nhỏ đến Malaysia. Mang giấy trờ chứng nhận có cha là quân nhân VNCH tử trận, nhưng cuối cùng lại theo bạn bè đến định cư tại Áo Quốc (Austria) cho đến ngày nay.
Nguyễn Bé Ba, thủ môn đội bóng tròn Người Việt Tự Do tại Áo Quốc.
Ðến Áo, cư ngụ tại thủ đô Vien, Bé Ba bắt đầu đi làm ngành cơ khí. Có khả năng đá bóng, Bé Ba tham gia đội bóng tròn và dần dần trở thành thủ môn của đội, đồng thời cũng nhận huấn luyện cho những đội bóng Áo tại địa phương để kiếm thêm tiền giúp gia đình mẹ già và ba em ở Việt Nam. Có dịp về Việt Nam, Bé Ba thấy hoàn cảnh các thương binh VNCH rất thương tâm nên anh đã tìm cách giúp đỡ, lấy hồ sơ từ Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/VNCH để vận động bà con, bạn bè tại Áo giúp đỡ.
Ở trong các đội bóng tròn người Việt tại Áo quốc, thủ môn Bé Ba luôn luôn mang lá cờ VNCH là một biểu tượng của người Việt tự do, nhưng những năm gần đây khi có bàn tay của tòa đại sứ Cộng Sản nhúng vào các sinh hoạt thể thao, Nguyễn Bé Ba đã ra khỏi đội banh và hiện nay chỉ sinh hoạt với các đội bóng của dân Áo tại địa phương.
Người thanh niên 49 tuổi này cho biết, anh đã nhìn thấy tình cảnh người dân bị đàn áp ở quê nhà cũng như đời sống vô tình của người Việt Nam tại Áo, hầu hết là những người ra đi từ miền Bắc, ai cũng lo cuộc sống của riêng mình và hễ có tiền lại bay về Việt Nam phè phỡn. Nay được biết phong trào phát động lấy chữ ký cho nhân quyền của đài SBTN tại Mỹ mà anh được xem qua You Tube, nên anh đã quyết định đứng ra vận động lấy chữ ký trong bạn bè và cả những người bạn Áo, và đã gửi thư lên tổng thống Áo, Dr. Heinz Fischer, trình bày hoàn cảnh phi nhân quyền Việt Nam, cũng như tội ác của Cộng Sản làm cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi.
Thư gửi tổng thống Cộng Hòa Áo
Rotenturm , 15-09-2012
Kính thưa Tổng Thống,
Chúng tôi được biết, trong chuyến thăm chính thức nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ngày 29 đến 31 tháng 5 năm 2012, tổng thống đã bày tỏ sự ủng hộ về việc Việt Nam trở thành thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Là những công dân Áo gốc Việt và những người bạn Áo, chúng tôi phản đối sự ủng hộ đó và xin chuyển đến tổng thống sự thật về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay.
Kính thưa Tổng Thống,
Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một nước độc tài Cộng Sản, đàn áp các đảng phái đối lập, đàn áp tôn giáo, đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, tranh đấu cho sự tiến bộ xã hội là truyền thống, là việc làm thường xuyên từ khi đảng Cộng Sản cướp được chính quyền từ năm 1945 đến nay. Cuộc đấu tố “cải cách ruộng đất”, theo chỉ thị của Stalin và Mao Trạch Ðông từ năm 1953 đến 1957 đã cướp đi sinh mạng trên 300 ngàn người Việt; cuộc cách mạng văn hóa “Nhân Văn Giai Phẩm” 1957-1960 làm hàng ngàn trí thức, nhà văn, ký giả có tư tưởng dân chủ bị vào tù, nhiều người bị chết trong ngục tối. Chiến dịch “chống xét lại” từ năm 1963 tiếp tục bức hại hàng chục ngàn người trong đó có cả những đảng viên Cộng Sản.
Trong cuộc thảm sát tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân, trong đó Cộng Sản đã phá vỡ thỏa thuận ngưng bắn với VNCH, đã giết hại khoảng 6,000 thường dân vô tội. Từ năm 1975, sau khi cưỡng chiếm miền Nam nhằm thống nhất đất nước, thay vì dùng chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại dùng chính sách trả thù khốc liệt: Ðánh tư sản miền Nam, cướp tài sản của mọi tầng lớp nhân dân, đẩy hàng triệu người lên vùng kinh tế mới thực chất là các trại lao động cưỡng bức tại những vùng rừng núi hẻo lánh; đưa hàng trăm ngàn sĩ quan binh lính của VNCH vào các nhà tù không thời hạn, trải dài khắp đất nước Việt Nam.
Sự trả thù khốc liệt đã khiến hàng triệu người phải tìm đường trốn chạy khỏi đất nước bằng đường biển tạo nên hiện tượng “boat people” của thế kỷ 20, khiến hàng trăm nghìn người bị chết trên biển.
Ðấu giao hữu giữa đội bóng Việt Nam Tự Do và tỵ nạn Kampuchea. (Hình: Anthony Nguyễn cung cấp)
Từ năm 1990, sau khi khối Cộng Sản Ðông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhằm cứu nguy chế độ, nhà cầm quyền Cộng Sản buộc phải cải cách kinh tế theo phương thức “kinh tế thị trường,” nhưng lại liên kết với đảng Cộng Sản Trung Quốc tại “Hội nghị Thành Ðô” để duy trì chế độ độc tài Cộng Sản. Hàng ngàn người yêu nước tiếp tục bị bức hại, bị vào tù. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dùng chính sách “Cộng Sản hóa” các tôn giáo và các tổ chức xã hội. Các sĩ quan an ninh đã tốt nghiệp tại “rrường công an C500” đội lốt thầy tu xâm nhập hầu hết các nhà chùa Phật Giáo và nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Những cơ sở tôn giáo nào chống lại chính sách này đều bị đàn áp khốc liệt. Những cái tên Thái Hà, Ðồng Chiêm, Cồn Dầu, Tam Tòa, Con Cuông, Bát Nhã trở thành những biểu hiện hãi hùng đối với người dân Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bị phong tỏa triệt để; Ðại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ (người được đề cử giải Nobel nhiều lần) bị tù và bị quản thúc đến nay vẫn chưa được tự do. Các cơ sở và thánh đường Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Ðài bị tàn phá, các Phật tử thường xuyên bị truy bức, đánh đập thậm chí bị thủ tiêu. Chỉ những cơ sở tôn giáo nào chấp nhận đường lối Cộng Sản, chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản thì mới được hành đạo. Nhà cầm quyền Cộng Sản thường dùng những cơ sở này để quảng cáo trước thế giới cho chính sách tôn giáo của họ.
Các tổ chức xã hội: Nghiệp đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân... cũng bị tập trung trong một tổ chức “Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam” do một ủy viên trung ương đảng Cộng Sản cầm đầu, thực chất đây là các cơ sở ngoại vi của đảng Cộng Sản, thực hiện chỉ thị của đảng Cộng Sản, kềm tỏa mọi hành động và tư tưởng của người dân.
Hiện nay tại Việt Nam hàng ngàn người Việt đang bị tù đày trong các nhà tù khắc nghiệt chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước, bày tỏ chính kiến khác với đảng Cộng Sản, viết blog để bày tỏ quan điểm, không chấp nhận quan điểm tôn giáo do đảng Cộng Sản áp đặt.
Kính thưa Tổng Thống,
Chúng tôi là những người trốn chạy khỏi nhà nước độc tài Cộng Sản bằng nhiều con đường khác nhau. Trong chúng tôi, nhiều người có thân nhân bỏ xác trên biển cả.
Chúng tôi được nhà nước Áo cưu mang, được định cư và mang quốc tịch Áo. Những năm sống và làm việc tại đây, chúng tôi đã hiểu thế nào là tự do, thế nào là nhân quyền. Chúng tôi rất kính phục ngài khi đón tiếp Ðức Dạt Lai Lạt Ma bất chấp sự phản đối của nhà cầm quyền Cộng Sản Trung Quốc.
Chúng tôi hiểu rằng quyền lợi kinh tế của nước Áo là quan trọng, nhưng nhân quyền là một giá trị thiêng liêng mà nhân dân các nước dân chủ phải tranh đấu hàng trăm năm mới có được. Gần 90 triệu người Việt đang sống trong ngục tối không có nhân quyền tại Việt Nam.
Nếu chế độ độc tài cộng sản Việt Nam trở thành viên Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp quốc thì giá trị nhân quyền bị hạ thấp, bị nhạo báng không thể nào chấp nhận được
Chúng tôi hiểu rõ thực trạng nhân quyền tại Việt Nam, vậy chúng tôi thỉnh nguyện ngài và chính phủ Cộng Hòa Áo không ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Kính gửi ngài lời chào trân trọng.
Xin liên lạ, hoặc gửi về địa chỉ.
Nguyen Beba Anthony
Hauptstraße 50
A, 7501: Rotenturm, an der pinka
Tel: 03352/31913
Mobil: 0680/1403343
Email
Trong khi chờ đợi tổng thống Áo tiếp kiến, Nguyễn Bé Ba đang vận động xin chữ ký cho chiến dịch “Triệu Con Tim, Một Tiếng Nói,” đặc biệt là những người bạn Áo trong các đội bóng tròn địa phương. Một phần khác, anh Bé Ba có hai con là Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Thái Bảo cũng ở trong các đội bóng tròn và là những cầu thủ xuất sắc tại thủ đô nước Áo, có nhiều fans và thân hữu.
Anh hứa với chúng tôi, người viết bài này cũng như đài SBTN, cho đến ngày 10 tháng 12 năm 2012 phải có trên 600 chữ ký.
Hiện nay trong toàn nước Áo có 3,400 người Việt sinh sống, nhưng trong đó người Việt tự do ra đi từ miền Nam rất ít, không đến 10%. Sự quan tâm và cố gắng của Nguyễn Bé Ba, cũng như tấm lòng của anh đối với vấn đề nhân quyền tại quê nhà Việt Nam rất đáng khâm phục.