main billboard

“Đây là một trong rất nhiều âm mưu bán nước cho Tàu, Hán hóa Tàu, tiếp theo là những hành động dâng đất, dâng đảo, bán biển, và luồn cúi bọn Tàu Cộng của những người ở Bắc bộ phủ Hà Nội.”


hoithao 1
Các diễn giả (từ trái) Thầy Vũ Hoàng, Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng, Luật sư Nguyễn Hoàng Dũng, và nhà văn Chu Tất Tiến trong buổi Hội thảo “Âm mưu bán nước của Cộng Sản Việt Nam qua việc hủy bỏ chữ quốc ngữ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Hội thảo “Âm mưu bán nước của Cộng Sản Việt Nam qua việc hủy bỏ chữ quốc ngữ” được tổ chức vào trưa Thứ Bảy, 27 Tháng Giêng tại hội trường Việt Báo, Westminster, do nhà văn Chu Tất Tiến khởi xướng, thu hút nhiều quan khách và đồng hương đến dự.

Ông Nguyễn Phú Hùng, thành viên trong buổi tổ chức, mở đầu buổi hội thảo bằng cách tóm tắt sự việc có liên quan, “Vào Tháng Chín, 2017, ông Bùi Hiền, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Ngữ Văn Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội có công bố công trình nghiên cứu cải đổi chữ quốc ngữ chưa hoàn thiện trong cuộc hội thảo về ngôn ngữ tại Quy Nhơn. Lúc đó, ông cho biết mới hoàn tất một phần về phụ âm, và sẽ công bố toàn bộ công trình bao gồm phần nguyên âm vào ít tháng kế tiếp.”

“Đến Tháng Mười Hai, 2017, ông Bùi Hiền công bố công trình hoàn chỉnh việc cải đổi chữ quốc ngữ và cho biết việc cải đổi này sẽ đem lại nhiều điều lợi như: 1/Có sự thống nhất chữ viết cho cả nước, loại bỏ hầu hết các thiếu sót, không có chuyện viết sai lỗi chính tả, không gây khó khăn cho người dùng. 2/Tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.”

“Tuy có một số nhỏ của người trong nước ủng hộ, nhưng hầu như đa số từ trong nước ra đến hải ngoại đều phản đối việc làm vô bổ này. Và, Bộ Giáo Dục của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã khẳng định là không dự kiến cải tiến chữ viết trong giai đoạn này,” ông nói tiếp.

Theo ban tổ chức, nhận thấy việc làm của ông Bùi Hiền có nhiều tác hại nghiêm trọng đến ngôn ngữ, văn hóa của Việt Nam, vốn có giá trị lịch sử từ lúc chữ quốc ngữ ra đời vào đầu thế kỷ 17, một số các nhân sĩ trí thức tại địa phương Orange County quyết định tổ chức cuộc hội thảo này để cho mọi người, nhất là người Việt Nam thấy được: Việc làm vô bổ của ông Bùi Hiền nhằm phá hoại giá trị lịch sử hay đẹp của chữ quốc ngữ hiện hành. Thứ hai là âm mưu xóa bỏ ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, đưa đến thuận lợi cho việc nô lệ Tàu Cộng về mọi mặt.

hoithao 2
Nhà văn Chu Tất Tiến trong Hội thảo “Âm mưu bán nước của Cộng Sản Việt Nam qua việc hủy bỏ chữ quốc ngữ.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Các diễn giả của buổi hội thảo gồm có: Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (Phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học khu Garden Grove), Thầy Vũ Hoàng (Trung tâm trưởng các trung tâm Việt Ngữ); Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng (đại diện tiếng nói mạnh mẻ cho giới trẻ hải ngoại), và nhà văn, cựu giáo sư Chu Tất Tiến.

Trong phần trình bày của mình, Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng cho rằng, truyền thống chữ viết là vinh dự riêng cho một quốc gia đi đôi với tiếng nói dân tộc. Tuy chữ viết của một ngôn ngữ nào cũng có sửa đổi qua thời gian, nhưng không bao giờ có thể cải cách toàn diện trong nhất thời được.

“Nên nhớ là tiếng Việt nay đứng hàng 13 trên thế giới về số đông người nói; thứ 12 về một ngôn ngữ chính thức của một quốc gia và đã có mặt trong số 150 mẫu chữ quốc tế được vệ tinh đưa lên mặt trăng cho đến muôn đời, cũng như có mặt hàng ngàn sách vở Việt trong hầu hết các thư viện quốc gia và quốc tế và trong thời đại internet, tiếng và chữ Việt đã chính thức tràn ngập trên các diễn đàn thế giới. Vậy mà văn nô Bùi Hiền đòi cải cách cho viết nhanh hơn và tiết kiệm giấy, thật là quái lạ,” bác sĩ nói.

Bác sĩ Vọng cho rằng: “Đây là một trong rất nhiều âm mưu bán nước cho Tàu, Hán hóa Tàu, tiếp theo là những hành động dâng đất, dâng đảo, bán biển, và luồn cúi bọn Tàu Cộng của những người ở Bắc bộ phủ Hà Nội.”

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cho biết học khu Garden Grove đã thực hiện chương trình dạy Việt ngữ như là một ngoại ngữ tương đương với tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha,… cho bảy trường trung học từ hơn mười năm nay, và có thể sau này cho cả các trường đại học.

Theo Luật sư Lân, “người Việt ở hải ngoại phải có trách nhiệm bảo vệ, bồi dưỡng cho ngôn ngữ của chúng ta, nhất là khi ai thấy có sự khác biệt của quốc ngữ được dùng trước 1975 và sau đó trong và ngoài nước, mà sự khác biệt đó đã đưa đến sự lụng bại của ngôn ngữ Việt, thì cần phải chỉnh sửa ngay.”

Sau khi kể qua về sự hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, thầy giáo Vũ Hoàng nói: “Dân tộc Việt Nam may mắn hơn so với các nước khác trong khu vực Châu Á hiện nay, vì Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi sử dụng mẫu tự La tinh làm chữ viết của mình. Vì vậy, việc sử dụng rõ ràng đã mang lại nhiều lợi ít trong công cuộc bảo tồn, phát triển nền văn hóa của dân tộc, và là một bước ngoặc lớn trong lịch sử văn hóa nước nhà.”

hoithao 3
Đồng hương đến dự buổi Hội thảo “Âm mưu bán nước của Cộng Sản Việt Nam qua việc hủy bỏ chữ quốc ngữ” tại hội trường Việt Báo, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, trong phần trình bày của mình, đã nói lên sự suy nghĩ, quan tâm của tuổi trẻ hải ngoại khi chữ quốc ngữ bị xóa bỏ.

Theo luật sư, khi sang Mỹ, tài sản mà ông mang theo được đó là tiếng Việt. Rồi từ đó, được học hành bên Mỹ, đã đỗ đạt được nhiều bằng cấp, nhưng đối với ông, tiếng Anh cũng không được thông thuộc bằng tiếng Việt, vì tiếng Việt lúc nào cũng gần gũi với ông hơn và nghe hay hơn những ngôn khác.

“Tiếng Việt cũng như những ngôn ngữ khác là sẽ phát triển và thay đổi theo thời gian. Nói về ông Bùi Hiền muốn xóa bỏ chữ quốc ngữ là điều làm trở ngại cho người Việt Nam rất lớn, và đây cũng để đánh thức mọi người là cần quan tâm và gìn giữ chữ quốc ngữ. Vì thế, tương lai tiếng Việt sẽ đi về đâu, nếu mà giới trẻ không có quan tâm đến chữ quốc ngữ của mình,” luật sư bày tỏ.

Nhà văn Chu Tất Tiến đưa ra vài kết cấu chữ Việt mới của ông Bùi Hiền, mà có nhiều nguyên âm và phụ âm đọc gần giống theo tiếng Tàu, rất khó nghe, khó hiểu và cũng có nhiều chữ có ý nghĩa hay đẹp khi đọc ra nghe như âm của chữ thô tục.

Một số chữ Việt do ông Bùi Hiền sửa đổi như: Chữ Ch và Tr sẽ đổi thành C; chữ Đ sẽ đổi thành D; G và Gh sẽ đổi thành G; chữ Ph sẽ đổi thành F; những chữ C, Q, K sẽ đổi thành K; chữ Ng và Ngh sẽ đổi thành Q; chữ Kh sẽ đổi thành X; chữ Th sẽ đổi thành W; những chữ D, Gi, R sẽ đổi thành Z; chữ Nh sẽ đổi thành N’,…

Nhà văn Tam Giang Hoàng Đình Bảo tham dự trong tư cách khách mời, chia sẻ: “Chữ quốc ngữ đã có từ lâu và đã êm ái tròn trịa trong văn chương thi phú đầy rẫy của người Việt Nam. Vì thế, muốn cải tiến thì phải có một thời gian ghê gớm lắm, cũng chưa chắc gì thực hiện được, vì chữ quốc ngữ đã đi sâu vào máu của người dân Việt Nam rồi. Thành ra, ông Bùi Hiền muốn xóa chữ quốc ngữ thì theo tôi, đó là muốn phá hoại chớ không phải để cải tiến.”