Thanh long là giống rồng xanh ... Tượng trưng người Việt xứng danh Lạc Hồng.
Một góc vườn thanh long nhà ông Ðặng Minh ở thành phố Westminster.
(Hình: Ngọc Lan)
Ðiều thú vị nhất là đất vườn này không mênh mông rộng rãi như người ta vẫn nghĩ, mà thực ra chỉ là một khoảnh đất nhỏ rộng chừng 4 tấc chạy dọc theo bờ tường rào bằng gạch và ván sau nhà. Nhỏ nhoi vậy nhưng lại có cảm giác như một bức màn thanh long hình chữ U đập vào mắt với vô số thanh long đỏ au đang chín tới.
Là người Qui Nhơn, ông Ðặng Minh trải qua nhiều năm làm thầy giáo ở Ðắc Lắc, rồi vào lính, trước khi cuộc chiến ở Việt Nam chấm dứt. Sau 1975, ông “về quê làm ruộng” cho đến ngày sang Mỹ theo diện H.O năm 1993.
Hiền lành, chân chất và nhiệt tình là điều có thể dễ dàng nhận ra ở “nhà nông dân bất đắc dĩ” này. Bài viết dưới đây, như một câu chuyện kể về quá trình ông Minh trồng và chăm sóc cây thanh long, để mỗi năm cứ ngót nghét cả ngàn trái đậu cành.
Trồng thanh long ra nhiều trái, nhưng mục đích chính của ông Minh vẫn là “cho vui, đến mùa cây ra trái thì hái mang tặng bà con, bạn bè quanh đây, và gửi đi tiểu bang khác.” Có người khuyên ông cắt ra chợ bán, nhưng “mỗi lần muốn cắt bán lại thấy tiếc tiếc, thà rằng để cho, để tặng mọi người lại thấy vui hơn.” Ðó chính là tâm sự của ông Ðặng Minh.
Cũng theo lời ông Minh, sau khi đọc xong bài viết này, nếu độc giả nào vẫn còn thắc mắc, hay muốn đến xem thanh long nhà ông ra sao, thì cứ gọi điện thoại cho ông, ông sẵn sàng “truyền kinh nghiệm.”
***
Cô Ngọc Lan phụ trách mục “Viết Cho Nhau” bảo tôi “Chú viết về kỹ thuật trồng thanh long đi, vì nhiều độc giả yêu cầu.”
Xin thưa, tôi chỉ là một nông dân bất đắc dĩ suốt 16 năm. Không học trường lớp về nông nghiệp, nên tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ.” Nhưng vì nhiều bạn yêu cầu, tôi kể lại việc trồng thanh long có năng suất cao của tôi, để các bạn tham khảo.
Mùa Thu năm 2003, được tin chị tôi mất, tôi tức tốc đáp máy bay từ Cali thẳng về Nha Trang để kịp làm ma chay cho chị. Trên đường về lại Sài Gòn bằng xe, đến Phan Rí và Phan Thiết, tôi thấy nhà nào cũng có nhiều trụ thanh long ngay hàng thẳng tắp, trông thật đẹp mắt. Hai bên đường trái thanh long chất thành đống để bán cho khách vãng lai. Tôi ghé vào mua, họ bán 5,000 VNÐ/kg. Tôi xìa ra 15,000 VNÐ mua 3 ký. Tính ra thì 1 đô/6 lbs, trái lại ở Cali thì 6 đô/1 lb. Do vậy, tôi tìm cách trồng cho được một giàn thanh long để tạo niềm vui tuổi già.
Cô Ngọc Lan viết “tôi có một vườn thanh long” nhưng trên thực tế đó chỉ là một hàng rào thanh long ba phía cộng lại vỏn vẹn 90 feet (30m). Hằng năm thu hoạch không dưới 800 quả, nếu tôi không lặt bớt bông thì cả 1000 quả có thừa, vì nếu để nhiều bông thì trái sẽ nhỏ, Việt Nam ham to đó mà!
Nắng, đất và tạo rễ
Ðiều đầu tiên muốn trồng thanh long phải có đất rộng và đầy đủ ánh sáng. Nhà tôi thì ánh sáng có thừa vì sau nhà giáp ranh với đường đất của city dùng để nạo vét mương thoát nước, ngăn cách bởi hàng rào lưới sắt. Nhưng đất thì tôi không có, vì cái hồ bơi chiếm hết khoảng sân sau, phần còn dư thì lại được tráng cement.
Do “rễ thanh long cũng hút đạm trong không khí để sinh tồn” nên ông
Ðặng Minh tạo rễ bám trên trụ cây mục. (Hình: Ngọc Lan)
Chỉ còn lại đất dọc theo hàng rào city và sát tường ranh giới hai đầu hồ bơi, mỗi phía được 4 tấc (1.5 feet). Ở mỗi đầu hồ bơi dài chừng 15 feet chủ nhà cũ trồng 6 cây thông loại thẳng đuột. Chiều dài đất dọc theo hàng rào city là 60 feet. Tính tới tính lui, trừ ra những gốc thông, tôi chỉ còn lại chừng 100 square feet đất trồng.
Rễ thanh long nằm cạn trên đất, chứ không phải rễ cột cầu như cây ăn quả. Ðất chỉ rộng 4 tấc, vây quanh bởi cement, thì làm sao trồng cho cây có năng suất. Thật khó, phải không các bạn?
Sau khi quan sát bộ rễ thanh long, tôi liên tưởng lại những năm tháng băng rừng, lội suối lúc hành quân nhìn thấy những cây phong lan rừng có bộ rễ bám vào những thân cây cổ thụ có da sần sùi sống khỏe mạnh. Tôi tìm hiểu thì biết phong lan hút được chất đạm trong không khí và hơi nước bằng rễ, lá để sinh tồn. Tôi nghĩ chắc rễ thanh long cũng giống phong lan.
Tôi thử nghiệm bằng cách trồng một nhánh thanh long vào chậu, cắm vào một thanh gỗ cũ để nó leo. Tôi tạo độ ẩm đầy đủ, sau vài tháng rễ thanh long bám đầy. Ðể rễ trưởng thành, tôi nhổ nhánh thanh long đặt trong bóng mát, nó không chết. Như vậy, chứng tỏ rễ thanh long cũng hút đạm trong không khí để sinh tồn. Duy chỉ khác thanh long thích ánh sáng, còn phong lan chịu mát mẻ. Thế là tôi có kế hoạch trồng thanh long tạo rễ bám nhiều lên trụ cây.
Tôi quyết định phá hàng thông, bằng cách “trim” hết cành nhánh chỉ để lại thân cây. Tôi cắt đôi thân cây, phần dưới chừa 8 feet cao, phần trên cắt trụ 7 feet, trồng cách đều theo hàng rào city. Thế là tôi có 24 trụ cây vững chắc. Khoảng trống hàng rào lưới tôi xin ván cũ đóng vào. Con tôi bảo, “Home Depot thiếu gì ván, ba rinh đồ phế thải về dùng làm chi.” Tôi cười, “Ván mới tốn tiền nhưng không ích bằng thứ này đâu” vì tôi có ý định tạo bộ rễ thanh long giống như phong lan bám lên thân cây mục. Tôi mua 12 trụ 4x4 dài 6 feet và 120 feet (4x2) để làm giàn dọc theo rào.
Tôi đến Home Depot mua loại phân bò rẻ nhất 98 cent/bao. Ðổ xuống tạo đất trồng. Tôi tưới nước 5 tháng cho phân hoai. Tôi trồng cuối tháng 2 năm 2005. Sau 4 tháng thanh long có rễ, dây bắt đầu leo, tôi bón phân hóa học đợt đầu.
Cây nứt ra nhiều nhánh, những nhánh sát dưới tôi lấy gạch hoặc đá đằng nằm xuống, lấy đất có trộn phân hữu cơ lấp lên, đó gọi là đôn cành, nhằm tạo nhiều rễ cho dây thanh long. Tôi chọn những nhánh trên cao, khỏe cột vào trụ hoặc giàn, cắt bỏ những nhánh yếu hoặc nhánh bò không đúng hướng.
Sau 6 tháng, những dây mẹ lác đác đơm bông. Thêm 45 ngày có quả thanh long chín. Tức là khi thanh long nhuốm hoa bằng hột đậu trắng, thì 15 ngày sau hoa nở, một tháng nữa có thu hoạch.
Tưới và bón phân
Dây thanh long có giòng họ với xương rồng chịu nắng, gió, sương, nên không cần nhiều nước. Mùa Xuân 7-10 ngày tôi tưới một lần. Mùa Hạ nắng gắt, 4-6 ngày tôi mới tưới. Thu, Ðông không cần tưới. Khi hoa sắp nở nên để đất khô, nếu tưới bông sẽ rụng. Tôi áp dụng như vậy đậu trái 99%.
Phân vô cơ bạn không cần phải mua phân đắt tiền. Mua loại phân bón cỏ, loại một bao 15 lbs giá khoảng 7 đô. Cuối tháng 2 bón một lần, tháng 6 bón một lần.
Khi bón thì bạn rắc đều trên mặt đất. Sau đó tưới nước để phân ngấm. Nếu bạn thấy dây thanh long không có màu xanh, thì mua loại phân đạm giống muối diêm, tìm bao có số 21, về tưới mỏng lên đất. Ðừng lạm dụng phân nóng làm hư bộ rễ. Thỉnh thoảng phải bón phân hữu cơ.
Khi thanh long bắt đầu hườm, dùng bao nilong hay bao giấy bọc trái lại
trái sẽ ngọt hơn nhiều. (Hình: Ngọc Lan)
Nếu bạn đã có giàn thanh long, nhớ đừng bao giờ cắt những cành già, vì những cành đó sẽ ra quả. Chỉ tỉa những cành héo úa hoặc có trái nhiều lần. Ðến mùa Xuân, sau khi bón phân, nhánh già đẻ ra nhiều nhánh non. Bạn ngắt bỏ để nhánh già cho hoa quả. Trừ phi bạn muốn cho bò thêm đầy giàn. Từ khi nứt nhánh hoa, phải mất một đến hai năm mới ra hoa. Nếu bạn không khống chế nhánh non, hoa ra thưa thớt, năng suất không cao.
***
Bạn nào chưa trồng mà thích thú với dây thanh long, tôi sẽ hướng dẫn, giúp bạn đạt được như mơ ước.
Nếu các bạn có cùng quan điểm với anh La Quốc Tâm và tôi, cùng lấy dây thanh long làm hình ảnh tượng trưng cho người Việt Nam tha hương, thì còn chần chừ gì mà không thực hiện?
Thanh long là giống rồng xanh
Tượng trưng người Việt xứng danh Lạc Hồng.