"... lượng cua nhiều nhất vào khoảng tháng 8, 9 âm lịch do nước lũ về ngập đồng và cũng là mùa cua sinh trưởng, phát triển nhất.”
AN GIANG (NV) - Do cua đồng ở Việt Nam bán được giá vì nhiều người tiêu thụ, các ngư dân ở ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Ðông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã sang tận Cambodia thuê đồng ruộng để đặt lọp bắt cua đồng.
Ngư dân xã Vĩnh Hội Ðông, huyện An Phú, chuẩn bị lọp đặt cua đồng.
(Hình: SGTT)
Theo báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT) vào tháng 8 âm lịch - khi con nước từ thượng nguồn đổ về lấp loáng ruộng đồng. Thì “ban ngày ở ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An này rất khó tìm đàn ông, thanh niên trai tráng trong nhà, bởi ai cũng lo chuyện mưu sinh mùa lũ.”
Báo này dẫn lời ông Huỳnh Công Phương, phó chủ tịch xã Vĩnh Hội Ðông, cho biết: “Xã có trên 113 hộ dân làm nghề đặt lọp cua quanh năm, tập trung nhiều nhất ở hai ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An.”
SGTT cho hay, “Con cua đồng ở Vĩnh Hội Ðông có quanh năm, do ngư dân thuê đồng ở Cambodia để đặt lọp. Ông Võ Thanh Vấn, người có hơn chục năm sống bằng nghề đặt lọp cua đồng ở ấp Vĩnh Hòa, cho biết nhiều năm nay, ông thuê đồng xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo mỗi năm 12 triệu đồng để đặt cua.”
Báo SGTT kể: “Ngay sau Tết Nguyên Ðán, những người làm nghề đặt lọp cua ở địa phương chuẩn bị ngư cụ để bắt đầu cho niên vụ làm ăn mới. Tuy nhiên, lượng cua nhiều nhất vào khoảng tháng 8, 9 âm lịch do nước lũ về ngập đồng và cũng là mùa cua sinh trưởng, phát triển nhất.”
SGTT dẫn lời các ngư dân ở ấp Vĩnh Hòa, với 100 chiếc lọp cua, mỗi ngày có thể đặt được từ 20-30kg cua đồng. Ông Lê Văn Lên, người có thâm niên hàng chục năm làm nghề đặt cua đồng bên đất Cambodia, cho biết mỗi ngày ông đặt khoảng 400 cái lọp ở đồng thuộc tỉnh Tà Keo (Cambodia) thu hoạch từ 50-60kg cua đồng.”
“Ở Vĩnh Hội Ðông trong số hơn 120 hộ dân làm nghề đặt lọp cua kiếm sống, có khoảng 100 hộ dân thuê đồng ở Cambodia để làm ăn quanh năm. Còn lại, ngư dân đặt cua ở các đồng trong tỉnh như: Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên...”
“Do đồng phía bạn trũng hơn, nên có thể đặt được cua quanh năm. Mình thuê mỗi năm 12 triệu đồng, sau đó người ta quy định ‘ranh giới’ khu vực cho phép đặt cua, nếu vượt ra ngoài thì họ phạt,” ông Vấn nói.
Vẫn theo SGTT, “Thông thường, mỗi luồng lọp cua được đặt khoảng 100 chiếc. Mồi cua có thể là ốc bươu vàng đập vỏ, hoặc khoai mì xắt khoanh rồi cho vào lọp đặt xuống đáy nước. Mỗi luồng lọp có thể đặt suốt mùa, hoặc chỉ đặt vài hôm rồi dời đi nơi khác, tùy vào lượng cua nhiều hay ít. Mỗi chuyến đi đặt cua của ngư dân kéo dài từ 3 giờ khuya đến 3-4 giờ chiều, sau đó mang cua về bán cho chủ vựa.”
“Ông H., một chủ vựa cua đồng ở Vĩnh Hội Ðông, cho biết mỗi ngày có khi cân tới vài tấn cua là chuyện thường, nhất là vào tháng 8, 9 âm lịch. Theo ông H., cua ‘xô’ (loại cân ngang) được mua với giá khoảng 10,000 đồng/kg, nếu cua lựa thì cao hơn, khoảng 20,000 đồng/kg.” (KN)