main billboard

“Khi một cộng đồng bạn nhìn vào cộng đồng mình, người ta không để ý nhiều về cái vòng kim cương mình đeo trên tay, hay cái xe mình chạy, mà người ta sẽ xem trình độ văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng mình có gì để họ thưởng thức và chiêm ngưỡng.”

WESTMINSTER (NV) - Họ không hẳn là những người thật sự nổi tiếng, bên cạnh những người nổi tiếng.

vaala le dinh ysaDược Sĩ Lê Ðình Ysa, người được xem là “linh hồn cho những người trẻ của VAALA”. (Hình: Uyên Việt/Người Việt)

Họ không hẳn là người bình thường, bên cạnh những người bình thường.

Họ có một công việc ổn định để làm, xứng đáng với bằng cấp họ dày công học tập. Họ có một gia đình hạnh phúc, xứng đáng với công họ chăm nom, vun vén.

Nhưng, điều quan trọng họ có mà nhiều người không hề có, đó chính là tấm lòng và công sức họ dành cho việc góp nhặt, gìn giữ, và phổ biến văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng Việt Nam nơi đây để cho mọi người, nhất là các cộng đồng bạn, biết đến “diện mạo” của dân tộc Việt là gì.

Họ, trong bài viết này, là 3 trong số những người phụ nữ gánh vác công việc của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ, VAALA (Vietnamese American Arts and Letters Association).

“Khi một cộng đồng bạn nhìn vào cộng đồng mình, người ta không để ý nhiều về cái vòng kim cương mình đeo trên tay, hay cái xe mình chạy, mà người ta sẽ xem trình độ văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng mình có gì để họ thưởng thức và chiêm ngưỡng.” Lời phát biểu đó của họa sĩ Ann Phong, chủ tịch hội đồng quản trị của VAALA, cũng chính là lý do để những người phụ nữ của VAALA dấn thân từ bao năm qua, một cách tự nguyện.

Ysa, Ann Phong, Titi Mary

Từ nhiều năm qua, các hoạt động của Hội VAALA từ ra mắt sách, Vẽ Trung Thu, tổ chức các lớp học về cải lương, hát bội, đến những hoạt động tầm cỡ hơn như Ðại Hội Ðiện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (ViFF), triển lãm F.O.B I, F.O.B. II, Ẩn Dụ Nhiệm Màu (Marvelous Metaphors) hay Ðời Sống Tuần Hoàn (Cycles of Life), chương trình kịch “Finding Home”, v.v. thực sự trở nên quen thuộc với nhiều người Mỹ gốc Việt tại đây.

Và người ta cũng dễ dàng nhận thấy, xuất hiện trong vai trò tổ chức những hoạt động đa màu đa sắc đó đều là những người phụ nữ.

Trong số này, Dược Sĩ Lê Ðình Y Sa được xem là linh hồn, là đầu tàu cho những người trẻ của VAALA, họa sĩ Ann Phong là người gắn bó lâu đời nhất với VAALA, và Titi Mary Trần, người đến với ViFF, một hoạt động mang tầm quốc tế của VAALA, trong một tình cờ ngẫu nhiên, và tiếp tục hành trình cùng ViFF và VAALA đến tận hôm nay, là người làm nghề chẳng có chút dính dáng gì đến “văn học nghệ thuật”.

Hành trình đến với VAALA

Nếu như Dược Sĩ Lê Ðình Ysa, đang làm việc tại St. Joseph Home Care Pharmacy, bắt đầu đến làm việc cho VAALA từ năm 2000, sau ngày mất của bố cô, nhà báo Lê Ðình Ðiểu, một trong những người sáng lập nên VAALA, “như một cách tôi muốn tưởng nhớ đến bố tôi, muốn đi tìm hiểu những điều bố tôi đã làm” thì họa sĩ Ann Phong, hiện đang dạy hội họa tại trường đại học Cal Poly Pomona, đến với VAALA trong một dung rủi tình cờ khi cô đang lần dò tìm đường “về nguồn”.

Năm 1993, đang học thạc sĩ tại trường Cal State Fullerton, một lần tình cờ, Ann nhìn thấy tờ giới thiệu về cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Việt Nam tại đại học Cypress. Cô tìm đến xem.

“Lần đầu tiên tôi được xem tranh của họa sĩ Việt Nam là tranh của Nguyên Khai và Ngô Bảo. Có một điều gì ấm áp lắm vì lần đầu tiên sau khi đến Mỹ, tôi mới thấy người Việt trong ngành tôi theo học, tôi lại có thể nói chuyện hội họa bằng tiếng Việt với họ nữa.” Ann Phong nhớ lại.

Từ sự quen biết này, cô được giới thiệu đọc báo Người Việt, và biết đến VAALA từ một bài viết trong tờ báo đó. “Sau lần đến xem tôi triển lãm tranh tại Costa Mesa do người Mỹ tổ chức, anh Lê Ðình Ðiểu mời tôi đến VAALA sinh hoạt và tôi dính luôn với VAALA.” Cô kể tiếp.

Titi Mary Trần, một cố vấn tài chánh đang làm việc tại Irvine, cũng “lạc bước” đến với ViFF của VAALA từ chỗ “ không biết gì về VAALA, về ViFF hết, thoạt đầu chỉ là nghe theo lời rủ rê của bạn cùng phòng, lúc còn đang học tại UCLA”.

“Khi đó là năm 2003, lần đầu tiên VAALA tổ chức ViFF. Bạn cùng phòng làm thiện nguyện viên cho chương trình đó mắc bận, nên nhờ mình ra sân bay đón đạo diễn Nguyễn Ðình Nhân từ Pháp sang.”

Chuyến đi đón đạo diễn đó mở ra một thế giới mới cho Titi, “Khi đó mình còn đang đi học, chưa hề có kinh nghiệm gì với cuộc sống, nhưng qua câu chuyện với bác Nguyễn Ðình Nhân, mình nhìn thấy xã hội, thấy cuộc sống có nhiều điều hay quá nên gắn bó với ViFF, rồi từ ViFF cũng tham gia giúp đỡ trong chừng mực nào đó với các hoạt động của VAALA.”

Những tâm tình khi làm việc cùng VAALA

“Làm cho VAALA” tức là làm thiện nguyện. Nhưng không ai trong số những phụ nữ của VAALA mang tâm lý làm lấy có, làm theo ngẫu hứng. Tất cả họ đều làm với cái tâm của người biết hành trình mình đang hướng tới có ý nghĩa như thế nào trong việc phát huy và bảo tồn văn hóa Việt cho thế hệ sau.

Hãy thử một lần nói chuyện với Ysa, để thấy những ấp ủ, những dự định, những trăn trở của cô đối với VAALA, dường như đã đi vào hơi thở và máu thịt cô là như thế nào.

Buông công việc của một người dược sĩ ra là toàn bộ tâm trí Ysa dành hết cho VAALA, để lúc nào cô cũng thấy “công việc cứ quay cuồng, thì giờ đi đâu hết trơn, phải lấy cả ngày vacation ra để làm nữa!” Nếu không thì làm sao mỗi mùa Trung Thu hơn 300 trẻ em quanh đây lại tíu tít tụ về tham dự cuộc thi vẽ Trung Thu? Nếu không thì làm sao các đạo diễn gốc Việt từ nhiều nơi trên thế giới có cơ hội được trình chiếu các bộ phim của mình trong cùng một đại hội điện ảnh? Nếu không thì làm sao các họa sĩ gốc Việt có một nơi gom về để đưa các sáng tác của mình đến cho công chúng thưởng lãm? Nếu không thì sao có những cuộc Hội Luận Ðiện Ảnh tổ chức cùng Hội Văn Hóa và Ngôn Ngữ Việt Nam (VNLC) của trường Ðại Học UCLA?

Cũng như vậy, họa sĩ Ann Phong gắn bó cùng VAALA trong tâm tình của người họa sĩ gốc Việt nhận ra rằng “không ngờ trong cộng đồng cũng có những người để ý tới nghệ thuật, dù bản thân họ không phải là họa sĩ mà lại sẵn sàng bỏ thời gian, tâm huyết, tiền bạc ra làm trụ sở cho họa sĩ có nơi triển lãm.”

vaala ann phongHọa sĩ Ann Phong, “Có lẽ phải tự hỏi mỗi người sống trên đời để làm gì, khi mình đi rồi thì mình để lại cái gì?” (Hình: Uyên Việt/Người Việt)

Người họa sĩ này tâm sự, “Sau này khi đi sâu vào nghệ thuật tôi mới thấy dù đứng trong dòng chính của Mỹ, mình vẫn thấy cô đơn. Mình muốn tìm đến những người cùng màu da tiếng nói, cùng tim đập nhịp của người gốc Việt như mình.” Ðó là lý do để cô trở lại với cộng đồng gốc Việt.

Từ năm 1996 đến 1999 họa sĩ Ann Phong rời VAALA vì lý do “chán nản do bị một họa sĩ khác hại”. Tuy nhiên, năm 2002, họa sĩ Ann Phong trở lại VAALA theo lời mời của Ysa với tình cảm “đậm hơn ngày xưa”. Bởi “Mình không có lý do gì để buông tay, khi Ysa đứng ra gánh vác VAALA thay người bố đã mất.”

Thêm vào đó, họa sĩ Ann Phong nói tiếp, “Họa sĩ trong cộng đồng này không có chỗ nào để triển lãm, không có chỗ nào để người từ xa đến quận Cam có thể tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam. Ysa là một dược sĩ mà sẵn sàng bỏ thời gian cá nhân ra làm thì sao tôi là một họa sĩ, lại vì chuyện buồn cá nhân mà buông thả hết?”

Không mang nhiều nỗi niềm như các chị lớn trong VAALA, Titi Mary Trần gắn bó lâu dài với ViFF của VAALA vì “tinh thần của ViFF rất là hay, mọi người tham gia vì tất cả cùng chung sở thích, họ đổ toàn bộ tâm sức, sự nhiệt tình vào đó là tại vì họ thích làm công việc đó, chứ không vì một sự cạnh tranh, ganh ghét hơn thua nào hết”.

Thêm vào đó, Titi tha thiết với ViFF “đơn giản chỉ vì thích, vì đã xem nó là món ăn nuôi sống tinh thần mình rồi”.

Người cố vấn tài chánh này chia sẻ, “Khi còn đi học, mình có bạn bè xuất thân từ nhiều quốc gia, mỗi bạn có một niềm tự hào riêng về đất nước họ, như bạn người Brazil mỗi lần nói tới bóng đá là nó tỏ ra rất tự hào, bạn người Nhật lại tự hào về tinh thần tự tôn dân tộc, tinh thần tập thể, và nền kinh tế của Nhật. Thế nhưng khi nói đến Việt Nam, mình lại không thấy có gì để tự hào hết, ngoại trừ chiến tranh và chết chóc. Thế nên từ khi làm việc với ViFF, mình xem đó chính là món ăn tinh thần, là cái để mình mang ra nói chuyện với bạn bè.”

****

Trả lời câu hỏi, “12 năm gắn bó với VAALA, chị nghĩ điều thành công nhất của chị là gì?”, Ysa suy ngẫm:

“Tôi nghĩ thành công lớn nhất của mình là lôi cuốn được giới trẻ hơn mình tham gia vào công việc. Nếu không có những bạn trẻ đó, tôi không thể đi tiếp được.”

“Tôi rất thích truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc. Ở đất Hoa Kỳ này, tôi nghĩ thế hệ thân phụ tôi là cây mắm, thế hệ 1.5 của tôi là cây tràm, thế hệ sau này mới là xoài, mít, ổi ngon lành, nếu mình chịu khó vun trồng.”

Dù thừa nhận rằng “không có cộng đồng nào làm về văn hóa nghệ thuật một cách cực khổ như VAALA do VAALA không có bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính phủ, mà chỉ có một phương tiện duy nhất là tìm sự bảo trợ từ những người hảo tâm”. Nhưng để trả lời cho câu hỏi “Cực khổ như vậy nhưng điều gì khiến mọi người cứ đam mê với công việc thiện nguyện không mang lại tiền bạc này?” Họa sĩ Ann Phong từ tốn, “Có lẽ phải tự hỏi mỗi người sống trên đời để làm gì, khi mình đi rồi thì mình để lại cái gì?”

Cô giải thích, “Cái hay cái đẹp cái vĩ đại của văn chương, nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc là nó vượt được biên giới của lời nói để có thể để lại cho đời sau. Khi mình không làm gì cho nó, mình không có chết. Nhưng khi mình làm, mình lại có những hạnh phúc mà không có tiền bạc nào mua được. Khi VAALA đứng ra tổ chức được một triển lãm, có người đến xem, thưởng thức được vẻ đẹp, hiểu được ý nghĩ của nó, thì niềm vui, niềm hạnh phúc đó không thể đếm được.”

vaala titi mary tranCố vấn tài chánh Titi Mary Trần, “Từ khi làm việc với ViFF, mình xem đó chính là món ăn tinh thần, là cái để mình mang ra nói chuyện với bạn bè.” (Hình: Uyên Việt/Người Việt)

“Cái đẹp của VAALA cho đến ngày hôm nay là không ai kể lể công mình, tất cả cùng làm cùng một cảm xúc, cùng tìm thấy một niềm vui.” Ann nhận xét.

Là một cố vấn tài chánh, Titi nói một cách thẳng thắn, “Thật ra mình là người hơi ích kỷ, vì thực ra mình làm những chuyện này là vì chính mình đầu tiên, vì những gì mình có được, học được. Và rất vui khi được làm việc với ViFF, với VAALA.”

Titi cho rằng, “Ở Mỹ khi mình thỏa mãn nhu cầu hằng ngày về ăn no mặc ấm thì cần phải đi tìm một cái gì đó để thỏa mãn nhu cầu về tinh thần. ViFF tạo cơ hội cho nhiều người, như đạo diễn có cơ hội trình bày khả năng của mình, để có sự giao lưu giữa những người cùng chung niềm đam mê... giúp cho cuộc sống của mọi người da dạng hơn chứ không chỉ đi làm về rồi ở nhà thôi.”

Chính vì những lý do như thế nên, dù mỗi lần tham gia phải “tốn rất nhiều thời gian và mệt lắm” nhưng ngay từ bây giờ, Titi đã sẵn sàng cho việc có mặt ở ViFF 2013 tổ chức vào tháng 4 sắp tới, bởi “bỏ không được, vì mê quá rồi!”

Bên cạnh họa sĩ Ann Phong, Dược Sĩ Lê Ðình Ysa, và cố vấn tài chánh Titi Mary Trần, VAALA còn có nhiều gương mặt phụ nữ khác không thể không nhắc đến, như Giáo Sư Tú Uyên Nguyễn, dạy chuyên ngành Asian American Studies tại Ðại Học Fullerton, Tiến Sĩ Thúy Võ Ðặng, dạy Asian American Studies và cũng là người điều hành Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu tại Ðại Học UC Irvine, ca nhạc sĩ Giana Nguyễn, Trâm Lê, người điều hành chương trình Châu Á Thái Bình Dương tại John Anson Ford Amphitheatre ở Hollywood, Julie Võ, nhân viên của MOMS, một tổ chức bất vụ lợi ở quận Cam nhằm phục vụ sức khỏe cho phụ nữ và em bé, Helena Trần, làm việc tại Ðại Học UCLA.