“Hospice” là một chương trình chăm sóc cuối đời cho những người bị bệnh nan y, và cho gia đình của họ.
ORANGE (NV) - Sau gần bốn thập niên sinh sống tại Hoa Kỳ, số người cao niên của thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên càng ngày càng ít đi vì lớn tuổi, vì bệnh tật phải qua đời, nhưng dịch vụ chăm sóc cuối đời cho nhóm người này lại ít được phổ biến sâu rộng.
Nhân viên Seasons Hospice. (Hình:Linh Nguyễn/Người Việt)
Nói chung, nếu định cư tại Hoa Kỳ, người Việt thường rơi vào những trường hợp điển hình sau đây về phương diện bảo hiểm y tế.
Nếu làm cho một công ty tư nhân của Mỹ, thường thì nhân viên trong sổ lương lãnh W-2 sẽ được ở trong chương trình bảo hiểm y tế của sở, chẳng hạn như Healthnet, Blue Cross hay Blue Shield... Nhân viên, nếu độc thân, công ty sẽ trả bảo phí hoàn toàn hay nhân viên sẽ phải trả một phần bảo phí y tế tùy theo loại bảo hiểm cho nhân viên. Bảo hiểm cũng có thể khác cho từng loại nhân viên trả lương tháng hay lương theo giờ làm việc.
Anh Thomas Nguyễn, một chuyên viên bán bảo hiểm với 16 năm kinh nghiệm có văn phòng trong khu Lily Bakery, cho biết: “Tôi đại diện hãng Farmer's, nhưng cũng bán bảo hiểm sức khỏe của Anthem Blue Cross và Healthnet. Tôi thấy có hãng bảo hiểm cung cấp khoản săn sóc cuối đời (hospice care) không giới hạn thời gian và thường là 'cover' cho tới khi bệnh nhân qua đời. Dĩ nhiên phải căn cứ vào từng 'policy' của từng trường hợp vì mỗi cá nhân mỗi khác.”
“Có hãng bắt phải trả 'co-pay,' có hãng thì không. Ngoài ra, có thể còn ảnh hưởng tới phần tiền phải trả trước 'deductible', tùy 'policy,'” anh Thomas nói.
Nếu là nhân viên thuộc các cơ quan chính quyền các cấp, đa số nhân viên loại này được bảo hiểm y tế tốt vì hãng bảo hiểm thường có quá trình làm việc lâu dài với họ. Thêm vào đó, các cơ quan này thường ít sa thải nhân viên, giúp thu nhập cho các hãng bảo hiểm ổn định hơn, họ có thể có giá theo nhóm, rẻ hơn. Vì thế, tùy theo vị trí công việc làm, chuyên môn và trình độ học vấn, bảo hiểm y tế có thể khác nhau ở trong cùng một cơ quan.
Anh Bình Dương, một chuyên viên bán bảo hiểm cho hãng AAA ở Huntington Beach, chia sẻ: “Tôi bán bảo hiểm 15 năm nay. Rất khó để nói một cách tổng quát cho mọi người, vì mỗi trường hợp mỗi khác vì ý muốn và hoàn cảnh mỗi người thường khác nhau.”
“Tuy nhiên, tôi chỉ có thể nói cho bảo hiểm sức khỏe mà tôi hiện có. Tôi có 'full coverage' nên tôi được 'cover' phần 'hospice' là dịch vụ chăm sóc cuối đời cho tôi. Tốt nhất và chính xác nhất là phải xem giấy bảo hiểm của mình, phần 'hospice' nói mình được hưởng gì,” anh Bình nói thêm.
Nếu là người cao niên hoặc bệnh hoạn không thể đi làm được, những người này sau khi đã hội đủ điều kiện cho chương trình Medical hay Medicare, khi cuối đời cũng được hưởng những chăm sóc loại này khi được bác sĩ ở bệnh viện chứng nhận phải chuyển sang các cơ sở cung cấp dịch vụ này.
Bà Yến Tuyết, một chuyên viên cố vấn bảo hiểm sức khỏe cao niên, 6 năm làm việc với Hội Ðồng Cho Người Cao Niên (Council on the Aging) thuộc chương trình HICAP, giải thích: “Thông thường, nếu bác sĩ nói chuyển qua 'hospice' thì Medicare có thể trả chi phí đến khi bệnh nhân qua đời hay kéo dài đến 6 tháng. Bệnh nhân có thể nằm tại các bệnh viện 'hospice' hay có thể xin được nằm tại nhà.”
Từ trái, Gina Andres, giám đốc Seasons Hospice; Khanhi Nguyễn, cán sự xã hội; Vân Nguyễn, y tá; Yvonne Ái-Vân Murray, cố vấn; và Christine Lưu, cán sự xã hội tập sự. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
“Thường thì Medical không trả cho một số phụ chi, nhưng được Medicare trả. Tốt nhất là quý vị vào trang mạng của Medicare: www.medicare.org và vào phần 'Hospice' để xem cho rõ hơn,” người chuyên viên trả lời những câu hỏi về Medicare trên nhật báo Người Việt cho biết thêm.
“Hospice” là một chương trình chăm sóc cuối đời cho những người bị bệnh nan y, và cho gia đình của họ. Sự chăm sóc này bao gồm chăm sóc thể chất và tư vấn. Chăm sóc cuối đời được cung cấp bởi một cơ quan công hoặc công ty tư nhân được Medicare chấp thuận và dành cho tất cả các nhóm tuổi, kể cả trẻ em, người lớn và người già trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Mục tiêu của nhà thương “hospice” để chăm sóc cho bệnh nhân và gia đình của bệnh nhân, chứ không phải để chữa bệnh cho bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân hội đủ điều kiện để được chăm sóc cuối đời, bệnh nhân có thể nhận được các dịch vụ y tế và hỗ trợ, bao gồm chăm sóc điều dưỡng, dịch vụ y tế xã hội, các dịch vụ bác sĩ, tư vấn, dịch vụ nội trợ, và các loại dịch vụ khác... Bệnh nhân sẽ có một đội ngũ bác sĩ, y tá, các phụ tá sức khỏe tại nhà, cán sự xã hội, tư vấn và các tình nguyện viên được đào tạo để giúp bệnh nhân và gia đình đối phó với bệnh tật của mình. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân và gia đình có thể ở lại với nhau trong sự thoải mái tại gia. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, chăm sóc cuối đời tại nhà, bệnh viện, hoặc nhà dưỡng lão.
Trường hợp điển hình nhất mà quý vị cao niên, thường có Medicare, cần chú ý là trước khi bác sĩ ở bệnh viện cho biết bệnh nhân đang trong tình trạng cuối đời, gia đình, thân nhân cần phải nói chuyện với một cán sự xã hội (social worker) để lo liệu các thủ tục về bảo hiểm hoặc tài chánh.
Về phía các tổ chức hay cơ quan cung cấp dịch vụ săn sóc cuối đời, thân nhân người bệnh cần tìm hiểu và tham vấn với những người chuyên môn vì vấn đề này phức tạp.
Cô Khanhi Nguyễn, một cán sự xã hội cho Seasons Hospice ở Orange, tâm sự: “Vai trò chính của tôi là hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân và gia đình. Tại nhà thương 'hospice,' viện dưỡng lão hay tại gia, chúng tôi giải quyết các nhu cầu về thể chất, cảm xúc và tinh thần của bệnh nhân. Công việc của tôi là tuyệt vời vì có những ngày, tôi có thể ngồi tại giường bệnh của một ai đó, nắm tay và nói chuyện về cuộc sống của họ.”
“Thông thường, các gia đình cho tôi biết rằng người thân yêu của họ hiếm khi mỉm cười hay cười, nhưng bằng cách nào đó tôi thấy họ mỉm cười. Và đó là những khoảnh khắc tôi trân trọng nhất. ‘Hospice’ của chúng tôi giúp đỡ các gia đình nhận ra rằng cái chết sắp tới, nhưng chất lượng cuộc sống không kết thúc cho đến khi người bệnh trút hơi thở cuối cùng. Và công việc của chúng tôi là làm mọi thứ trong khả năng của chúng tôi để mang lại sự thoải mái để bệnh nhân thanh thản ra đi,” cô Khanhi chia sẻ.
Cô Khanhi cho biết: “Seasons Hospice có chương trình âm nhạc trị liệu có thể giúp xin chương trình Medi-Cal cho các gia đình có thu nhập thấp. Cung cấp thư giới thiệu cho thân nhân từ Việt Nam có thể sang Mỹ thăm trong một thời gian ngắn, gởi y tá điều dưỡng chuyên môn đến nhà. Hỗ trợ chuẩn bị tang lễ, giúp thân nhân phải làm gì trong hoàn cảnh khó khăn. Giải thích các dịch vụ và các chương trình 'hospice' để gia đình hiểu được những gì họ muốn biết. Cung cấp các dịch vụ tang lễ hay tư vấn cho gia đình sau khi bệnh nhân đã qua đời. Thậm chí, chúng tôi có thể giúp xin tiền trợ cấp của Seasons Hospice Foundation của chúng tôi nếu bệnh nhân đủ điều kiện.”
Cô Yvonne Ái-Vân Murray, chuyên viên tư vấn cho Seasons Hospice, cho biết sự cảm thông với những bệnh nhân là cựu quân nhân: “Khi gặp các bác HO là cháu nhớ đến ba của cháu và thấy rất gần gũi với các bác.”
Cô Vân Nguyễn, y tá làm việc với năm nhân viên người Việt tại Seasons Hospice, nói: “Em chỉ muốn giúp các bác càng nhiều càng tốt vì các bác thoải mái khi nói tiếng Việt với nhóm của em. Em cũng biết được tâm tình của các bác một thời trai trẻ trong một đất nước chiến tranh. Các bác dạy cho em biết đến các bài nhạc tiền chiến. Em nhớ bác Lộc vì săn sóc cho bác ấy gần ba tháng. Bác là người có óc khôi hài và tế nhị. Em không cầm được nước mắt mỗi khi nhìn các bác ra đi.”
“Cộng đồng mình cần biết những gì mà hãng bảo hiểm và Medicare cung cấp vì đó là quyền lợi của người bệnh. Thay vì người nhà phải thay nhau nghỉ học, nghỉ làm để chăm sóc cho người bệnh, gia đình có thể xin các y tá hay người chuyên môn săn sóc cho người thân yêu của mình,” cô Vân nói.
Mọi chi tiết về Seasons Hospice, xin liên lạc 714-980-0900 hay vào trang mạng www.seasons.org.