main billboard

Chương trình Ða Văn Hóa Westview được thành lập từ năm 1993 nhằm cung cấp việc làm và huấn luyện kỹ năng cho người lớn chậm phát triển.


GARDEN GROVE (NV) -Người ta có thể cảm thấy không thích khi ai đó chỉ lên nói lời chúc mừng thôi mà cũng phải nhìn vào giấy. Người ta có thể không hài lòng với một “diễn giả” nói không thành câu, ngập ngừng, đứt đoạn.

davanhoa westview 1Những người chậm phát triển của Westview đại diện cho từng sắc tộc lên nói lời chào mừng nhân mùa lễ hội 2012. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Vậy mà cả khán phòng nhà hàng Furiwa, Garden Grove, trưa Thứ Năm, 13 Tháng Mười Hai, dường như cứ nín thở, hồi hộp nghe từng người, đại diện cho từng sắc tộc, cố gắng đọc hoặc nói từng chữ, từng chữ, cho tròn câu bằng tiếng mẹ đẻ, đại loại như “Con tên là Uyên Ðặng, con xin đại diện các bạn kính chúc quý phụ huynh và quan khách một mùa Giáng Sinh thật vui tươi bên gia đình.” Chỉ cần như vậy, là tất cả thở phào, mừng rỡ, vỗ tay.

Ðơn giản, họ là những người chậm phát triển.

Những gì họ thể hiện được ra trước đông đảo mọi người có mặt trong tiệc mừng Giáng Sinh 2012 này, là một sự cố gắng của chính bản thân họ, và là thành quả của các thầy cô giáo, huấn luyện viên của tổ chức bất vụ lợi Westview từ nhiều năm qua.

Ðó cũng chính là mục đích của chương trình Christmas Lunch 2012 mà Chương Trình Ða Văn Hóa Sinh Hoạt Cộng Ðồng (Multicultural Community Based Program) của Westview tổ chức, vừa để học viên có một sinh hoạt vui chơi nhân mùa lễ hội, vừa là dịp để tri ân các ân nhân, mạnh thường quân, và phụ huynh đã có những đóng góp tích cực cho Westview.

***

Chương trình Ða Văn Hóa Westview được thành lập từ năm 1993 nhằm cung cấp việc làm và huấn luyện kỹ năng cho người lớn chậm phát triển. Chương trình là nhịp cầu giữa học viên và gia đình để hợp tác với cộng đồng và những doanh nghiệp địa phương.

Trong vai trò của một “senior coach,” người quán xuyến công việc của tất cả các nhóm, ông Trần Ba cho biết, “Hiện thời trường có 101 học viên, và có ba người đang chuẩn bị để được nhận vào trường Tháng Giêng, 2013. Ðây là những học viên chậm phát triển, được gửi đến trường qua sự sàng lọc và phân loại của Regional Center của Orange County.”

“Các học viên của chương trình dĩ nhiên đều là người lớn, trong đó nhỏ nhất là 18 tuổi, và lớn nhất hiện nay là 56 tuổi, gồm có cả người Việt Nam, Trung Quốc, Cambodia, Thái Lan, Philippines, Nam Hàn, Nhật, Hispanic,...” Ông Ba nói thêm.

davanhoa westview 2Tiết mục múa “Trống Cơm” của những người chậm phát triển gốc Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Theo lời ông, “Khi vào chương trình, các học viên được phân nhóm, tùy theo tình trạng sức khỏe, tùy theo mức độ chậm phát triển và tùy theo hành vi ứng xử của họ. Mỗi thầy cô giáo sẽ săn sóc bốn học viên.”

Kể về một ngày sinh hoạt của học viên tham gia chương trình, huấn luyện viên lâu năm này cho biết, “Dịch vụ của Westview nói chung và Chương Trình Ða Văn Hóa nói riêng là 'door-to door services,' tức là mỗi sáng chúng tôi đón các em tận cửa nhà, chiều chở về tận cửa nhà giao cho cha mẹ. Trong ngày các em được tập thể dục 30 phút mỗi sáng. Sau đó lịch sinh hoạt của các em một ngày có ít nhất ba loại hình hoạt động.”

Cô Angie Nguyễn Fisher, giám đốc điều hành chương trình Ða Văn Hóa, qua “slideshow,” đã giúp những người có mặt hiểu rõ hơn về các hoạt động của chương trình. Từ việc các học viên làm thiện nguyện ở chùa, ở nhà thờ, đến việc đi học ở Coastline Community College, hay có những lớp học ngay tại trường như lớp học về điện toán, lớp về thủ công mỹ nghệ. Những học viên trong chương trình có năng khiếu về ca hát thì được vào phòng tập ca hát, tập múa. Bên cạnh đó còn có những lớp dạy vẽ tranh.

“Các em vẽ tranh, chúng tôi tổ chức 'art show,' mời cha mẹ các em, các trung tâm và quan khách đến xem và mua tranh.” Ông Trần Ba chia sẻ.

Từ chương trình Ða Văn Hóa phục vụ người lớn chậm phát triển này, nhiều học viên tìm được việc làm lâu dài tại Home Depot, chợ Vons, JC Penny, Walmart, Doggie Walk Bags, Home Town Buffet...

Nhìn cách một cô giáo người Việt, trong số các thầy cô thuộc nhiều sắc tộc, lăng xăng chạy theo để chỉnh sửa trang phục, “nhắc tuồng” động tác cho các học viên múa sao cho trọn vẹn bài “Trống Cơm” hay ngồi vào bàn và lấy thức ăn cho từng học viên, cũng đủ hình dung ra tấm lòng nhẫn nại và bao dung của những người làm công việc chăm sóc hướng dẫn cho người chậm phát triển là như thế nào.

***

Tuy nhiên, nhìn lại những gì mà chương trình Ða Văn Hóa này đạt được, người của tổ chức bất vụ lợi Westview cho rằng đó là “nhờ vào sự hỗ trợ và tấm lòng của tất cả.”

“Phải nói sau 25 năm thành lập, chương trình Ða Văn Hóa này, từ lúc đầu chỉ có mười mấy học viên, đến giờ có 101 người và sắp tới là 104, là nhờ vào sự hỗ trợ và tấm lòng của tất cả mọi người trong cộng đồng, từ cá nhân đến các cơ sở thương mại. Nhờ sự hỗ trợ tốt của cộng đồng, từ vật chất đến tinh thần mà Westview phát triển và tồn tại tốt như thế này.” Ông Trần Ba bày tỏ.