main billboard

Sở dĩ Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt được người dân sùng bái như vậy qua nhiều thế hệ là vì khi sanh tiền ông hết sức lo cho dân được sống an ninh, tự do tín ngưỡng và tự do làm ăn sinh sống, mở cửa cho thương buôn nước ngoài đến giao thương sầm uất.


WESTMINSTER, California (NV) - Trưa hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Mười, tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation và Hội Ái Hữu Nữ Trung Học Lê Văn Duyệt đã tổ chức Lễ Vía Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt tại The Church of Jesus Chris of Latter Day Saints, Westminster.

levanduyet levia 1Tế lễ theo nghi thức truyền thống trong ngày Vía Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trước đông đảo đồng hương đến tham dự, chương trình lễ được diễn ra với ba phần gồm nghi thức khai mạc, nghi thức tế lễ và chương trình văn nghệ trong lúc mọi người dùng cơm trưa.

Cựu Ðốc Sự Châu Văn Ðể, hội viên Lê Văn Duyệt Foundation, thay mặt ban tổ chức, mở đầu buổi lễ đã cảm ơn mọi người đến tham dự và giới thiệu quan khách.

Ông nhắc đến truyền thống phát huy và bảo tồn văn hóa Việt Nam của cộng đồng người Việt hải ngoại trong đó có tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, người sáng lập tổ chức Lê Văn Duyệt Foundation, nhân dịp này đề cập đến hoạt động của hội mà ngày Lễ Vía Ðức Tả Quân chính là để vinh danh ngài, noi gương ngài mà cùng tranh đấu cho đất nước được tự do, người dân Việt được no ấm.

Giáo Sư Liêm nói, “Trong tinh thần bảo tồn và phát huy văn hóa của người Việt chúng ta, hội cũng còn tổ chức Ngày Văn Hóa hàng năm, ngày Tôn Sư Trọng Ðạo để tuổi trẻ hải ngoại được hiểu biết thêm về nền nếp sống của
cha anh mà cùng nhau gìn giữ.”

Giáo sư kêu gọi, “Trong tinh thần ấy, hội Lê Văn Duyệt Foundation rất mong được đồng hương hưởng ứng và hỗ trợ, khuyến khích con em vào những hoạt động của hội.”

Phần nghi lễ được tiếp diễn với bài phát biểu của Giáo Sư Vũ Ngọc Mai. Giáo sư nói về tiểu sử và công đức của Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Người dân Việt Nam, nhất là người ở miền Nam, không ai là không biết đến Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt qua di tích Lăng Ông Bà Chiểu.

Ðây là một ngôi đền lớn khang trang trong tỉnh Gia Ðịnh giáp ranh Sài Gòn, luôn luôn có người đến lễ bái cầu an cầu lộc cầu tài suốt năm. Vào những ngày lễ lớn như Tết Nguyên Ðán thì Lăng Ông là nơi người dân Sài Gòn và các nơi phụ cận đến dự Lễ Giao Thừa đông chật không chỉ trong khuôn viên lăng mà còn cả các khu phố xung quanh nữa, và kéo dài trong gần suốt Tháng Giêng.

Sở dĩ Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt được người dân sùng bái như vậy qua nhiều thế hệ là vì khi sanh tiền ông hết sức lo cho dân được sống an ninh, tự do tín ngưỡng và tự do làm ăn sinh sống, mở cửa cho thương buôn nước ngoài đến giao thương sầm uất.

Sử sách Việt Nam đều chép ông không chỉ là một bực đại thần của hai triều Gia Long và Minh Mạng mà còn là một nhà chính trị lỗi lạc, một nhà quân sự đánh Ðông dẹp Bắc.

Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt quê gốc ở Tiền Giang nên hai lần được triều đình cử làm tổng trấn, ông đã ra sức ổn định và phát triển các miền đất ở miền Nam sau những cuộc chiến tương tàn giữa anh em nhà Tây Sơn với Chúa Nguyễn Ánh.

Ðất nước vì thế tan hoang, dân tình đói khổ, trộm cắp khắp nơi. Ðược về trấn nhậm Gia Ðịnh Thành (khi ấy là toàn bộ các phần đất miền nam từ Bình Thuận trở vào), ông chú tâm vào việc dẹp loạn đem lại an ninh cho người dân đồng thời mở dinh điền lập ấp cho người dân Việt mở mang bờ cõi.

levanduyet levia 2Cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt đồng ca bản “Dòng An Giang” của Anh Việt Thu, ca tụng vẻ đẹp của sông nước miền Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ngoài ra, ông còn bãi bỏ việc cấm đạo của nhà Nguyễn, mở cửa giao thương với các thương nhân nước ngoài trong khi triều đình có lệnh “Bế Quan Tỏa Cảng.”

Kết quả người dân các vùng Gia Ðịnh Thành đều trở nên sung túc, được hưởng tự do làm ăn buôn bán và tự do tín ngưỡng.

Nhưng kết quả cũng làm cho ông bị triều đình hạch tội đến độ phá hoại cả lăng mộ của ông sau khi ông mất. Người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi, trước bất công này của triều đình, đã dấy quân nổi loạn nên công đức của ông vẫn còn bị triều đình truy tội cho đến đời vua Thiệu Trị thì vụ án mới được triều đình xét lại và ông Lê Văn Duyệt được phục hồi danh dự.

Phần nghi lễ khai mạc chấm dứt, đến phần nghi lễ chính. Ban tế lễ của Lê Văn Duyệt Foundation đã phụ trách những nghi thức cổ truyền trong gần nửa tiếng đồng hồ với đủ lễ bộ dâng hương tiến tửu, độc chúc.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm lên chánh niệm hương sau đó là vị phó tế điều hành suốt buổi lễ.

Cũng trong phần nghi lễ, một trích đoạn tuồng hát bội “Trưng Nữ Vương” được các cựu nữ sinh thủ các vai diễn khá là thành thạo.

Hát bội (hay hát bộ) là diễn viên vừa ca vừa làm điệu bộ rất ước lệ để diễn tả câu chuyện, tình tiết câu chuyện và cả diễn tiến tâm lý nhân vật. Do đó, hát bội đòi hỏi những tập luyện công phu, thế mà các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt đã thu hút được toàn thể khán giả trong buổi lễ với những tràng vỗ tay vang dội.

Sở dĩ có phần này trong ngày Vía Ðức Tả Quân là vì sinh thời, Ðức Tả Quân rất chú trọng đến văn hóa của dân tộc, nhất là với những di dân mở nước nên các hình thức giải trí trong dân gian lúc bấy giờ là hát bội và sau là cải lương rất được người dân ngưỡng mộ. Hát bội là một hình thức sinh hoạt văn nghệ rất phổ thông ở các tỉnh địa đầu “Ðàng Trong” thời Nam Bắc phân tranh mà người dân ở các phần đất này phần lớn đã kéo nhau đi mãi về phương Nam khai hoang lập ấp trong thời Tổng Trấn Lê Văn Duyệt. Họ ra đi đã mang theo quê hương của mình.

Phần nghi lễ chấm dứt, bữa cơm trưa cũng được các nữ thành viên Lê Văn Duyệt Foundation đích thân mang đến cho từng người tham dự để sau đó cùng thưởng thức một chương trình văn nghệ đặc sắc do các cựu nữ sinh trình diễn trong hơn một tiếng đồng hồ sau đó.