... lưu lại những sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc ra đi tìm tự do của người Việt tị nạn ... Và thứ hai nữa là để trình bày với người dân địa phương những thành quả mà cộng đồng người Việt đã đóng góp vào các quốc gia định cư từ hồi năm 1975.
Tiến sĩ Lê Duy Cấn, trưởng dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân đến Hoa Thịnh Đốn để vận động gây quỹ cho dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân tại Canada.
Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở Ottawa dự trù khởi công năm 2013 và hoàn tất năm 2015.
Từ cuộc triển lãm chương trình “4000”đến Viện bảo tàng
Hòa Ái: Trước hết, xin phép Tiến sĩ cho biết là dự án về Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở Ottawa được dự trù sẽ khởi công vào năm tới, ý tưởng xây dựng nên Viện Bảo tàng này được khởi nguồn từ đâu?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Trước khi trả lời cô Hòa Ái, chúng tôi xin đính chính là chúng tôi là đồng trưởng dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân. Dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân được Liên Hội Người Việt Canada khởi xướng sau cuộc triển lãm chúng tôi tổ chức năm 2004. Năm 2004 là kỷ niệm 25 năm ngày thành lập chương trình “4000”. Đây là chương trình do thành phố Ottawa đề xướng để mang 4000 người tỵ nạn vào Canada. Tháng 12/2004, chúng tôi có tổ chức một cuộc triển lãm.
Lúc ban đầu, chúng tôi dự định chỉ kéo dài 10 ngày thôi, nhưng có nhiều người đến xem quá thành ra chúng tôi phải kéo dài cuộc triển lãm đến 5 tuần lễ. Sau đó, chúng tôi nghĩ nếu mà triển lãm như vậy thì chỉ được một khoảng thời gian ngắn thôi, còn nếu làm nên một viện bảo tàng thì những di tích lịch sử có thể giữ lại về lâu về dài. Đó là lý do tại sao có dự án đó.
Chúng tôi nghĩ nếu mà triển lãm như vậy thì chỉ được một khoảng thời gian ngắn thôi, còn nếu làm nên một viện bảo tàng thì những di tích lịch sử có thể giữ lại về lâu về dài. Đó là lý do tại sao có dự án đó. ( TS Lê Duy Cấn)
Hòa Ái: Như Tiến sĩ chia sẻ, Tiến sĩ có thể cho quý khán thính giả biết về qui mô cũng như kinh phí và những bước cụ thể nào mà dự án đã khởi động được rồi, dạ?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn,đồng trưởng dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Sau khi chúng tôi khởi xướng dự án đó vào tháng 12/2005, thì chúng tôi đã bắt đầu đi vận động. Thứ nhất là các cộng đồng người Việt tại Canada, tại Hoa Kỳ, tại Úc Đại Lợi và các nơi khác cho dự án này. Thứ hai là chúng tôi vận động các cơ quan chính phủ ở Canada.
Có thể nói một cách đại khái là cho tới bây giờ chúng tôi đã mua được một miếng đất, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Ottawa, miếng đất rộng 8000 bộ vuông, và chúng tôi đã hết 600 ngàn đô la cho miếng đất đó rồi. Chúng tôi dự tính trong vòng 2 năm tới, chúng tôi sẽ quyên tiền để chúng tôi có thể khởi công xây cất vào năm 2013. Với mục đích 2015, tức là cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do.
Trở lại câu hỏi của cô về chi tiết của dự án, Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân sẽ là một căn nhà có 3 tầng. Tầng thứ nhất, chúng tôi sẽ dành để cho các cho các cơ sở thương mại thuê, để lấy tiền điều hành viện bảo tàng. Còn tầng thứ hai sẽ có một hội trường, sẽ có các phòng làm việc và sẽ có một thư viện. Tầng thứ ba hoàn toàn dành cho triển lãm, sẽ có 3 phòng triển lãm.
Hòa Ái: Vậy thì mức tổng kinh phí dành cho dự án là bao nhiêu?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Tổng số mức kinh phí dự trù là 4 triệu 300 ngàn đô la. Trong đó, 600 ngàn đô la là tiền đất mà chúng tôi đã trả hết rồi. Thứ hai là 3 triệu 500 ngàn đồng tiền xây cất. Và thứ ba là 200 ngàn đồng tiền thiết kế. Hiện giờ, chúng tôi đã gây quỹ được cũng như được một số các quý vị mạnh thường quân ở các nơi hứa đóng góp, tất cả là trên 1 triệu đô la. Như vậy, chúng tôi còn 3 triệu đô la nữa để gây quỹ trong vòng 2 năm tới.
Tổng số mức kinh phí dự trù là 4 triệu 300 ngàn đô la. Trong đó, 600 ngàn đô la là tiền đất mà chúng tôi đã trả hết rồi. Thứ hai là 3 triệu 500 ngàn đồng tiền xây cất. Và thứ ba là 200 ngàn đồng tiền thiết kế. ( TS Lê Duy Cấn)
Hòa Ái: Vậy, bên cạnh chính phủ Canada sẽ tài trợ một số, phần lớn còn lại chủ yếu là do cộng đồng Việt Nam, hầu hết ở Hoa Kỳ và và ở Canada, đóng góp. Còn có thông tin là có nhiều mạnh thường quân ở Canada cũng như các cơ sở thương mại, họ sẵn lòng để giúp đỡ cho dự án này. Tiến sĩ có thể chia sẽ nguyên nhân vì sao những mạnh thường quân cũng như các cơ sở thương mại sẵn lòng tham gia vào?
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Thật ra thì nguồn tài trợ chính mà chúng tôi dự định đó là sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Vì cộng đồng người Việt hải ngoại theo chúng tôi biết có 2,3 triệu người. Trong đó vào khoảng 1,5 triệu là ở bên Mỹ, bên Canada có 200 ngàn, bên Úc trên 200 ngàn, phần lớn là thuyền nhân. Chúng tôi hy vọng là các quý vị hồi xưa là thuyền nhân hay có thân nhân là thuyền nhân cũng có thể đóng góp vào trong viện bảo tàng này. Với mục đích để lưu lại những sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc ra đi tìm tự do của người Việt tị nạn và sự đón nhận của các quốc gia định cư. Và thứ hai nữa là để trình bày với người dân địa phương những thành quả mà cộng đồng người Việt đã đóng góp vào các quốc gia định cư từ hồi năm 1975.
Ngoài cộng đồng người Việt tại các nơi, chúng tôi cũng sẽ vận động các cơ sở thương mại ở Canada cũng như là ở các nơi khác đóng góp. Tôi nghĩ lý do chính tại sao họ muốn đóng góp: điều này do chính họ nói với chúng tôi là vì họ có nhiều nhân viên trước đây là thuyền nhân, trước đây là tị nạn người Việt Nam. Phần lớn bà con mình khi đi làm việc thì làm việc rất có lương tâm, làm việc rất tốt. Thành ra mấy người chủ hãng và quản trị rất là thích. Họ đóng góp như là một hình thức để vinh danh người Việt tị nạn.
Hòa Ái: xin cảm ơn Tiến sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với đài ACTD. Và xin chúc cho dự án Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở Ottawa được khởi công và hoàn thành đúng như dự kiến.
Tiến sĩ Lê Duy Cấn: Cám ơn cô Hòa Ái