... như một phép màu, một phần cơ thể chị vẫn còn đang sống, đang chuyển động bên trong cơ thể của một người phụ nữ khác...
Câu chuyện mùa Lễ Tạ Ơn
WESTMINSTER (NV) - Những nhánh hoa cuối cùng được rải trên nắp mộ. Những xẻng đất cuối cùng cũng phủ đầy huyệt. Trong tinh thần của người Công Giáo, như vậy là chị Hanna Hoa Nguyễn, 49 tuổi, đã thực sự về với Chúa vào đúng ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, sau hơn một năm bị bệnh ung thư ruột già.
Anh Phát (chồng chị Hoa) và xướng ngôn viên Nhã Lan bên những di ảnh của chị. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Thế nhưng, như một phép màu, một phần cơ thể chị vẫn còn đang sống, đang chuyển động bên trong cơ thể của một người phụ nữ khác, xướng ngôn viên Nhã Lan của đài Little Saigon Radio.
Câu chuyện về chị Hoa, người đã san sẻ một quả thận của mình để cứu sống Nhã Lan, một người xa lạ, từ năm năm trước, nay lại trở về trong ký ức của nhiều người.
***
Chiều đám tang chị Hoa là một chiều ảm đạm với nhiều hơi lạnh và mưa giăng.
Tôi đến dự đám tang khi không biết bất kỳ một người nào trong tang gia, kể cả người vừa khuất.
Tôi chỉ biết chị Hoa, qua câu chuyện do Nhã Lan kể, suốt hai buổi tối, sau ngày chị mất. Câu chuyện về cuộc đời riêng của một người nổi tiếng trên làn sóng phát thanh, cần có một trái thận để sống, để làm việc và nuôi con. Và câu chuyện của chị Hoa, người mẹ của ba đứa con, đã hiến tặng một phần cơ thể mình nhằm cứu sống Nhã Lan, không chút vụ lợi, không chút suy bì, tính toán thiệt hơn, thêm một lần nữa, vẽ nên trong tôi những sắc màu huyền hoặc, thiêng liêng của tình đời, của lòng người.
Nhìn hình ảnh Nhã Lan cúi xuống chiếc quan tài mở nắp, ngắm nhìn, đưa hai tay vuốt nhẹ lên đầu, rồi cúi xuống hôn lên gương mặt người quá cố, trong đầu tôi văng vẳng giọng kể của Nhã Lan: “Lần đầu tiên nhìn thấy Hoa, tôi thầm kêu lên, 'Ôi, Chúa lại muốn thử thách con thêm một lần nữa rồi.' Bởi Hoa đẹp quá! Tóc nhuộm vàng, uốn lọn, điệu đà. Người như vậy làm sao có thể chịu cho người ta rạch một vết sẹo trên người mình để mang đi một trái thận cho người khác!”
Xướng ngôn viên Nhã Lan bên cạnh chị Hoa những ngày cuối đời. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Giá như chị Hoa là một người hâm mộ Nhã Lan, qua chương trình Tâm Tình Thái Hà khi ấy, nghe được câu chuyện đầy nước mắt của người xướng ngôn viên, nên vì xúc động mà thể hiện nghĩa cử cao thượng đó, cũng đành.
Ðằng này, Hoa không hề nghe, chưa một lần nghe Nhã Lan. Hoa chỉ biết câu chuyện có một người mẹ hai con đang cần một quả thận để sống, để làm việc kiếm tiền nuôi con, qua một bạn làm chung tiệm nail kể lại.
Vậy mà cô trăn trở. Vậy mà cô day dứt. Ðể nói cùng chồng, cô muốn cho người phụ nữ xa lạ kia một quả thận của mình.
“Anh nghĩ gì khi nghe vợ anh nói như thế?” Tôi hỏi anh Phát, chồng chị Hoa, trong lúc cả tôi và anh cùng hướng mắt về chiếc quan tài.
“Tôi không nói đồng ý. Tôi cũng không nói phản đối.” Người đàn ông có vóc dáng nhỏ nhắn, chít trên đầu chiếc khăn tang, trả lời. “Tôi chỉ nói nếu em nghĩ điều đó là đúng thì em cứ làm. Nếu em làm thì anh luôn ở bên ủng hộ em.”
Sẵn sàng hiến đi một phần cơ thể mình sau khi qua đời để cứu sống bao người khác đã là chuyện không nhiều trong cộng đồng Châu Á nói chung và cộng đồng Việt Nam nói riêng. Vậy mà cho đi một phần máu thịt ngay trong lúc mình còn đang sống để cứu người, lại được hai vợ chồng chị Hoa và anh Phát nghĩ một cách đơn giản, nhẹ như không.
Yêu cầu duy nhất của chị Hoa đối với Nhã Lan khi ấy chỉ là: Không được cho ai biết gì về người hiến thận.
Nhã Lan tôn trọng lời đề nghị của người ban ơn. Cho đến khi cuộc giải phẫu thành công vài tháng, theo lời thuyết phục của một người làm truyền thông, chị Hoa đồng ý xuất hiện trước công chúng, để kể về mình, về điều mình đã làm.
Người ta biết về “câu chuyện cổ tích của thời hiện đại,” về một người có “tấm lòng Bồ Tát,” là như vậy. Tên “chị Hoa” - không hề nghe nhắc đến họ - được ghi nhớ trong lòng nhiều người là như vậy.
***
Tôi ngồi cạnh chị Quỳnh, một người chị của chị Hoa. Trong tiếng sụt sùi, chị nói, “Ðến hôm nay tôi mới thực sự biết chính xác chuyện em tôi đã làm. Trước giờ, tôi chỉ nghe loáng thoáng như vậy, nhưng em không muốn kể, tôi cũng không muốn hỏi cho tỏ tường.”
Lòng dặn lòng sẽ “không nhìn mặt Nhã Lan vì tôi cứ cảm thấy có một điều gì đó đau đớn quá,” thế nhưng hình ảnh chị Quỳnh ôm chặt Nhã Lan, cùng khóc, lại một lần nữa cho tôi thấy: con người trong cuộc đời độ lượng và bao dung rất nhiều.
Xướng ngôn viên Nhã Lan được chị Quỳnh, chị của chị Hoa, chia sẻ sự thông cảm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Không hiểu sao, vừa nhìn thấy Nhã Lan, tôi như thấy hình ảnh của Hoa. Tôi chỉ thấy thương, không thấy căm ghét, giận hờn một chút nào hết. Và tôi biết, điều em tôi làm là rất đúng,” người chị mất em nói trong tiếng khóc.
Nếu như ai đó từng chứng kiến người bị hư đi cả hai quả thận, phải triền miên trải qua những trận lọc máu, cận kề cái chết qua những lần biến chứng.
Nếu như ai đó từng chứng kiến cánh tay trái nhỏ nhắn của người hư thận bị tím bầm rồi sưng vù và “đầy những vết sẹo ngang dọc như một tay giang hồ tứ chiếng.”
Nếu ai đó từng chứng kiến một khoảng ngực của người hư thận bắt đầu mấp mô do ống shunt được cài dưới da đôi lần rỉ máu ướt cả áo phải vào cấp cứu.
Thì có lẽ họ sẽ đồng cảm hơn biết bao lần khát vọng có được quả thận để sống, như một phần của người bình thường, lớn lao đến như thế nào.
Tự nguyện hiến thận không phải vì bất kỳ sự ràng buộc, thúc ép nào, nhưng cũng có những lúc chị Hoa chần chừ, đắn đo. Anh Phát nhớ lại, “Thời gian gần đến ngày giải phẫu, vợ tôi có cảm thấy băn khoăn. Tôi nói vợ tôi có thay đổi quyết định cũng không sao hết, vì đây không là chuyện ép buộc. Nếu vợ tôi không làm thì đến phiên tôi cũng sẽ thử xem có cho được không.”
“Nếu như khi ấy người cần thận không phải là Nhã Lan thì anh chị có làm như vậy hay không?” Tôi muốn nghe câu trả lời cho những lời dị nghị mà tôi được nghe đây đó.
“Thì vẫn cho thôi, cứu người mà. Hơn nữa lúc đó chúng tôi có biết chị Nhã Lan là ai đâu. Chúng tôi có nghe đài Việt Nam đâu,” anh Phát trả lời, như một điều hiển nhiên.
Ngày 12 Tháng Sáu, 2007, là ngày thay đổi cuộc đời của hai người phụ nữ và cả hai gia đình chị Hoa và Nhã Lan.
Nhìn những đứa con của chị mặc áo tang ôm lấy Nhã Lan khi đứng cạnh quan tài mẹ. Nhìn những bàn tay nắm lấy bàn tay của những người chị của chị Hoa cùng Nhã Lan. Tôi lại mường tượng hình ảnh Nhã Lan từng bước đi qua dãy hành lang bệnh viện Cedars Sinai cách đây hơn năm năm vào phòng ghép thận, “Sau khi Hoa vào phòng mổ chừng 1 tiếng thì bác sĩ ra gọi tôi vào. Bước chân qua dãy hành lang đến phòng mổ, trong đầu tôi cứ nghĩ 'qua hết hành lang này, và chỉ năm tiếng nữa sau khi mở mắt ra, tôi sẽ có một quả thận, tôi sẽ sống, sẽ không còn sợ hãi khi nhìn những cây kim chích, sẽ không còn những lần cấp cứu sống chết. Tôi sẽ có một quả thận. Tôi có thể uống một ly nước đá chanh đường mà không phải vào cấp cứu... '”
Những điều tưởng chừng như chả bao giờ là nghĩa lý gì với một người bình thường lại là khao khát cháy bỏng với một người bị hư cả hai quả thận như Nhã Lan. Và, chị Hoa đã mang lại được cho Nhã Lan những điều bình thường giản dị đó, bằng một “hành động can đảm và vĩ đại mà tôi nghĩ mình không bao giờ làm được,” như lời của anh Thiện, một người bạn của gia đình chị Hoa, nói trong đám tang.
Sau cuộc phẫu thuật đó, chị Hoa cũng như Nhã Lan, cùng hai gia đình nhỏ, mới thực sự trở thành những người bạn thân thiết, gắn bó, và cùng sống khỏe mạnh, cho đến Tháng Bảy, 2011, tức là hơn bốn năm sau, chị Hoa được chẩn đoán ung thư ruột già.
***
Trong số người theo ra nghĩa trang để tạm biệt chị Hoa lần cuối, có một người phụ nữ, cũng xa lạ như tôi đối với gia đình này, chị chỉ xưng tên là Mến.
“Tôi biết câu chuyện của cô Hoa từ hồi đó, qua radio, qua tivi. Nay nghe tin cô mất, tôi nghĩ mình đã không làm được việc như cô đã làm thì ít nhất tôi cũng phải đến dự đám tang để cầu nguyện cho cô.”
Với tâm tình đó mà chị Mến, sau khi tan ca làm việc lúc 2 giờ sáng, chỉ ngủ một chút, rồi lái xe ra nhà thờ lúc hơn 6 giờ sáng để dự lễ cầu nguyện và di quan cho chị Hoa.
“Tôi nghĩ trong số những người có mặt trong đám tang, có nhiều người cũng như tôi,” chị Mến nói thêm.
Ngày đưa tiễn chị Hoa không phải là một ngày nắng ấm, trời trong, và đẹp như trong cổ tích.
Ngày đó mây cũng xám, và đường còn ướt sau trận mưa đêm.
Cho dẫu là như vậy, như lòng người chưa từng một lần làm điều đẹp nên luôn tin rằng cuộc đời này không bao giờ có chuyện thần tiên, thì Nhã Lan vẫn nói, “Cám ơn Hoa, nếu không nhờ có Hoa, tôi đã không thể sống quá 10 năm. Cho dù ai nói gì, tôi vẫn thấy mình nhận đủ ơn của Hoa. Hoa đã cho tôi sống được quãng đời bình thường, cho các con tôi, cho tôi được làm tròn vai trò làm mẹ.”
Có lẽ, ngày Lễ Tạ Ơn, từ đây, nhiều người sẽ cùng nhắc nhau tạ ơn thêm một người: chị Hoa, người đã viết nên một câu chuyện đẹp cho cuộc đời vốn không rộng lòng bao dung.