Home Đời Sống Pháp Luật Vụ án Cồn Dầu dưới góc độ pháp luật Việt Nam hiện hành

Vụ án Cồn Dầu dưới góc độ pháp luật Việt Nam hiện hành PDF Print E-mail
Tác Giả: VRNs   
Thứ Tư, 27 Tháng 10 Năm 2010 09:57

Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…

 

VRNs (26.10.2010) – Sài Gòn – Kính thưa quý vị độc giả, VRNs nhận được một phân tích về vụ án Cồn Dầu dưới góc độ pháp luật Việt Nam hiện hành do một luật sư hiện đang làm việc tại Sài Gòn gửi tới. Chúng tôi xin phép không nêu danh tánh vị luật sư ấy và giới thiệu đến quý độc giả bài phân tích này để chúng ta có cơ sở hiểu hơn về vụ án bất công này đối với giáo dân Cồn Dầu.

 

Tôi chưa được nghiên cứu hồ sơ vụ án 6 giáo dân Cồn Dầu hiện đang bị giam giữ tại công an TP. Đà Nẵng, nhưng qua các thông tin từ gia đình các nạn nhân và trên mạng internet, tôi có ý kiến:

1. Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự: Các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội… Cụ thể trong trường hợp này, tôi thấy chỉ nặng về kết tội mà không xác định những chứng cứ vô tội, tức chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội (nếu có). Đó là những hành vi trái pháp luật của cơ quan công quyền, nguyên nhân dẫn đến hậu quả “gây rồi trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ” (nếu có).

(i) Theo quy định tại khoản 2, Điều 29, Luật Đất đai: “Trường hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố có diện tích đất đai phải thu hồi mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nếu người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật”. Như vậy, nếu xác định đất nghĩa trang thuộc Giáo xứ Cồn Dầu, nhưng nay có quy  hoạch “Khu du lịch sinh thái” mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì giáo dân phải được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch. Việc UBND các cấp nghiêm cấm chôn cất là không phù hợp các quy định kể trên nếu Nhà nước chưa thực hiện thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

(ii) Theo quy định tại khoản 1, Điều 44, Luật Đất đai, chỉ UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo mà không được ủy quyền. Nếu UBND quận Cẩm Lệ ra Quyết định thu hồi là không phù hợp.

(iii) Ngay cả trong trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì theo quy định tại khoản 2, Điều 39, Luật Đất đai trước khi thu hồi, chậm nhất là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển, phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Như vậy, nếu chưa được thông báo đầy đủ các nội dung trên, và chưa có Quyết định thu hồi mà nghiêm cấm an táng người qua đời là chưa phù hợp.

(iv) Theo thông tin thì khu đất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái do chủ đầu tư là doanh nghiệp Mặt Trời. Như vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/4/2007 của Chính phủ, trường hợp  này, UBND thành phố Đà Nẵng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo việc cung cấp các văn bản về chính sách, pháp luật, các hồ sơ về thửa đất có liên quan đến việc thỏa thuận; chủ trì việc tiến hành thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất nếu có đề nghị của một hoặc các bên có liên quan; chỉ đạo việc thực hiện các thủ tục về chuyển nhượng, thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được ra quyết định thu hồi đất hoặc thực hiện các biện pháp không phù hợp với quy định của pháp luật để can thiệp vào việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất trong trường hợp đất không thuộc diện thu hồi theo quy định tại khoản 2, khoản 6 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP, khoản 3 Điều 2 Nghị định 17/2006/NĐ-CP, Điều 34, 35 Nghị định 84/2007/NĐ-CP.

Rõ ràng nếu các cơ quan công quyền hành xử đúng pháp luật thì không thể có hành vi gọi là trái pháp luật xảy ra vào ngày 4/5/2010.

2. Ngoài ra, cáo trạng thể hiện một số nội dung chưa được xác định rõ sự thật, ví dụ như:

(i) Các “đối tượng” chỉ muốn chôn cất Bà Tân (tức chỉ có ý định (nếu có) sử dụng khoảng 2 – 3m2 đất, nhưng cáo trạng quy kết: “chiếm khu vực nghĩa địa” dẫn đến việc phải huy động lực lượng công an triển khai hàng rào và thép gai…, nguyên nhân dẫn đến vụ việc ngày 4/5/2010.

(ii) Suy diễn của cáo trạng theo hướng bất lợi cho bị cáo “mặc dù không có bà con, quan hệ họ hàng… vẫn mặc đồ tang và đội khăn tang…”. Không có quy định pháp luật nào cấm mặc đồ tang hoặc khăn tang nếu không có bà con, quan hệ họ hàng nên không được suy diễn theo hướng phạm tội cho các bị cáo, nếu các bị cáo có hành vi này.

Một luật sư tại Sài Gòn

Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam