Home Đời Sống Gia Đình Bạo hành gia đình, chuyện không thể xem thường (Kỳ 1)

Bạo hành gia đình, chuyện không thể xem thường (Kỳ 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan   
Chúa Nhật, 16 Tháng 9 Năm 2012 03:31

 Bạo hành gia đình không chỉ đơn giản là sự đánh đập như nhiều người vẫn nghĩ mà nó diễn ra dưới nhiều hình thức.

Kỳ 1: Bị hành hạ từ tinh thần đến thể xác

 LTS: Theo trang mạng domesticviolencestatistics.org, tại Hoa Kỳ, cứ mỗi 9 giây trôi qua là có một phụ nữ bị hành hung, đánh đập hay cưỡng hiếp, và mỗi ngày tại Mỹ có hơn ba phụ nữ bị người chồng hay bạn trai giết hại.

Theo số liệu của tổ chức Hãy Chấm Dứt Bạo Hành Gia Ðình California (California Partnership to End Domestic Violence), cứ trong bốn phụ nữ thì có một người cho biết họ bị chồng hay bạn trai đánh, đá hoặc tấn công hung bạo. Và cứ trong số 33 người đàn ông, hay trong số 6 người phụ nữ, lại có một người từng bị xâm phạm hay cưỡng hiếp.

Một năm trước đây, không chỉ cộng đồng Việt Nam mà cả người dân nước Mỹ bàng hoàng trước vụ thảm sát xảy ra cho gia đình họ Tạ tại khu vui chơi Roller World, thuộc thành phố Grand Prairie, tiểu bang Texas. Trong vụ thảm sát này, hung thủ Ðỗ Quốc Tân, 35 tuổi, không chỉ bắn chết vợ mình là bà Trini Tạ Ðỗ, 29 tuổi, mà còn bắn chết ba người em vợ, một người chị dâu của vợ, làm bị thương nhiều người trước khi quay súng tự sát. Ði sâu vào tìm hiểu bi kịch gia đình họ Tạ, người ta lại khám phá ra rằng bà Trini từng là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình trong suốt một thời gian dài trước khi bị chồng bắn chết ngay trong tiệc sinh nhật con trai mình.

Tìm hiểu một số câu chuyện liên quan đến vấn đề bạo hành gia đình xảy ra trong các gia đình người Mỹ gốc Việt tại đây cũng phần nào minh chứng cho thực trạng đáng được quan tâm này.

Do tính chất nhạy cảm của đề tài, chúng tôi đổi tên một vài nhân vật cũng như thành phố diễn ra câu chuyện.

 Các hình thức bạo hành

 Bạo hành gia đình không chỉ đơn giản là sự đánh đập như nhiều người vẫn nghĩ mà nó diễn ra dưới nhiều hình thức.

Thượng Nghị Sĩ Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont) nói về chuyện chấm dứt
bạo hành gia đình, tại một cuộc tập hợp ở Washington, DC, hồi Tháng Sáu.
(Hình minh họa: Chip Somodevilla/Getty Images)

Ðó có thể là hành động bạo lực như “thượng cẳng tay hạ cẳng chân,” gây thương tích cho nạn nhân bằng cách đánh, đấm, xô đạp, tát tai, nắm tóc, đâm bằng dao, đe dọa bằng súng,...

Ðó có thể là lạm dụng tinh thần bằng những lời chửi bới, nhục mạ, giễu cợt, nói nặng lời để hạ uy tín, nhân phẩm, làm mất đi lòng tự trọng, hoặc khiến nạn nhân cảm thấy tâm thần bị hoảng loạn. Bạo hành tinh thần là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh trầm cảm đối với nhiều phụ nữ.

Bạo hành gia đình còn thể hiện ở sự bao vây kinh tế bằng cách khiến cho nạn nhân phải bị lệ thuộc về tiền bạc theo kiểu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” hay bất cứ mọi chuyện chi tiêu mua sắm từ những thứ nhỏ nhặt nhất cũng phải ngửa tay xin.

Lạm dụng tình dục cũng là một hình thức bạo hành gia đình. Ðây là vấn đề tế nhị, ít được nạn nhân kể ra, nhất là theo quan niệm văn hóa người Á Ðông, “chuyện phòng the là chuyện riêng tư.” Việc cưỡng bách làm tình, không cho uống thuốc ngừa thai, cưỡng hiếp nạn nhân khi ngủ, đau ốm, coi vợ như một thứ đồ chơi, đi với vợ mà để ý hay nói đến người đàn bà khác... đều được xem là hình thức lạm dụng tình dục.

Ngoài ra, những việc như cấm đoán, cô lập sự giao du, di chuyển, thăm viếng của người phối ngẫu đối với họ hàng, bạn bè; hăm dọa bằng những lời nói kiểu “đánh chó chửi mèo,” đập phá đồ đạc khiến người phối ngẫu sợ hãi; gia trưởng, độc tài kiểu chồng chúa vợ tôi,... cũng đều được xem là những hình thức bạo hành gia đình.

 Chuyện người phụ nữ bị bạo hành từ tinh thần đến thể xác

 “Nó là con điếm nhưng nó ngon hơn mày. Mày hãy tự nhìn lại mày đi. Chứ tao nhìn mày là tao muốn ói rồi.” Gần năm năm đã trôi qua, nhưng câu nói ngày nào của người chồng mắng thẳng vào mặt bà vợ ngay tại tiệm phở, trước mặt nhân viên và khách, vẫn còn văng vẳng bên tai bà, đau đớn, và nhục nhã.

Người vợ vẫn cay đắng với câu nói trên tên là Nhu Nguyễn, ngoài 55 tuổi, sống tại thành phố Los Angeles.

Bằng giọng kể khi đau khổ, khi sôi sục sự căm hận, lúc lại đẫm nước mắt tủi hờn, người phụ nữ đã ly dị chồng được hơn hai năm kể lại những điều bà từng trải qua.

Theo lời bà Nhu, năm 1989, bà cùng chồng và đứa con trai ba tuổi sang Mỹ, bắt đầu cuộc sống mới bằng việc bà nhận đồ về may tại nhà, còn ông thì đi phụ việc cho một tiệm ăn Việt Nam.

Hơn 10 năm sau, với số tiền dành dụm được, vợ chồng bà Nhu sang lại một tiệm phở ở thành phố El Monte, thuộc Los Angeles County. Bỏ nghề may, bà Nhu ra tiệm phở phụ chồng coi sóc việc kinh doanh.

“Trong mắt mọi người, chúng tôi là một gia đình thành công và hạnh phúc. Mấy người phụ việc cũng nói nhìn chúng tôi hạnh phúc quá.” Bà Nhu kể.

Cuộc sống cứ vậy trôi qua đến gần cuối năm 2007, khi mà bà Nhu không cần phải mỗi ngày mỗi ra tiệm, thì tiệm phở của bà có thêm một cô nhân viên mới, tên Thủy Trần, 24 tuổi, từ Texas chuyển về California sinh sống.

Vào làm việc không bao lâu thì cô gái này “cặp bồ” với một anh nhân viên cũ của tiệm, họ cùng thuê nhà sống chung. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian rất ngắn, những nhân viên khác trong tiệm nghe anh chàng này kể rằng, “Không hiểu sao tối tối cứ khoảng 11 giờ đêm là ông chủ lại gọi điện thoại cho Thủy, rồi thấy cổ ra sân nói chuyện. Hỏi thì cổ nói ông chủ kêu dặn dò chuyện này chuyện kia khi đi làm.”

Mọi người trong tiệm cũng nhận ra là ông chủ tiệm phở không còn mặc quần áo xuề xòa, luộm thuộm, nhìn “dơ dơ” như trước mà giờ “chỉ diện áo thun polo, quần jean 'Ông Ðịa'” mà thôi. Sau một thời gian, anh nhân viên cũ tự động xin nghỉ việc tiệm phở, chia tay luôn với Thủy.

Lời ra tiếng vào về chuyện “giữa ông chủ và cô Thủy có quan hệ gì đó” đến tai bà Nhu.

Một ngày ngay tại tiệm, hai vợ chồng bà Nhu từ nói chuyện chuyển sang “chửi lộn” xoay quanh chuyện cô nhân viên tên Thủy.

Bà Nhu yêu cầu cho cô gái đó nghỉ việc với lý do “đó là một con điếm, cặp hết người này đến người khác.”

Tuy nhiên, ông chồng đã chỉ thẳng mặt bà Nhu mà hét, “Nó là con điếm nhưng nó ngon hơn mày. Mày hãy tự nhìn lại mày đi. Chứ tao nhìn mày là tao muốn ói rồi.” Và ông kiên quyết, “Nghỉ là mày nghỉ ở nhà chứ không phải là nó.”

“Lúc đó trong tiệm có cả con Thủy, có hết mọi người, cả khách khứa cũng đều nghe thấy.” Bà Nhu nói cay đắng.

Từ “anh, em” ngày nào, trong phút chốc cách xưng hô của hai người chỉ còn lại là “mày, tao.”

Ðó là lần khởi sự cho những trận chửi bới và đánh đập của người chồng lên bà Nhu, lúc ở nhà, khi ở ngay tại tiệm. Theo lời bà Nhu, chuyện bà bị chồng tát liên tục lên mặt, hay xô ngã vào tường là chuyện thường xuyên.

“Tại sao những khi đó bà không gọi cảnh sát?” Tôi hỏi.

Bà Nhu lắc đầu, “Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện gọi cảnh sát, bởi vì tôi nghĩ đó là chuyện trong gia đình.”

Tuy vậy, theo lời tâm sự của bà Nhu, nỗi đau thể xác không khiến bà cảm thấy khó chịu bằng nỗi đau về tinh thần.

“Cứ tưởng tượng sáng sáng nó đợi ổng ra tiệm thì nó gọi điện thoại đến kêu làm món này món kia mang đến cho nó. Rồi ổng kêu bếp nấu để mang đi hầu nó. Chịu nổi không?”

Chưa hết, chuyện chứng kiến những lúc cô gái đó đến trước tiệm hẹn hò với chồng bà Nhu, rồi hai người đứng nói chuyện nắm tay tình tứ với nhau ngay trước mắt bà, mới là điều khiến bà cảm thấy bị “sỉ nhục” hơn.

“Tình trạng đó kéo dài hai năm. Tôi hầu như không ngủ được. Cứ nhớ lời ổng chửi tôi, nhớ những lời ổng sỉ nhục tôi trước mặt mọi người, cho dù không muốn nghĩ tới nhưng nó cứ văng vẳng trong đầu, nó không khác gì như muối chà xát vào vết thương chưa lành, nó khiến mình cảm thấy mất tự tin, và suy sụp dễ sợ lắm.” Bà Nhu khóc, nhớ lại “cuộc sống nặng nề như địa ngục” lúc đó.

***

Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên khi thấy chuyện bạo hành tương tự diễn ra tại đất nước tự do này. Tuy nhiên, những người rơi vào tình cảnh như bà Nhu Nguyễn không phải là hiếm. Theo California Women's Health Survey 1, có gần 40% phụ nữ California bị chồng hay bạn trai hành hạ trong suốt cuộc đời họ.

Bạo hành gia đình không phải là một vấn đề mới nhưng là một thực trạng mà các tổ chức xã hội quan tâm từ nhiều năm qua. Ða số các trường hợp bạo hành không được đưa ra ánh sáng vì nạn nhân không dám nói lên sự thật và người hành hung đương nhiên phủ nhận các việc làm của họ.

Nhiều nạn nhân bị đe dọa đến tính mệnh cũng như mạng sống của con cái, hoặc thân nhân. Nhiều phụ nữ sợ bị chồng hành hạ, sợ sẽ bị trả thù nặng hơn, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, hoặc bị phụ thuộc tài chánh, nên đành cắn răng chịu đựng và không dứt khoát lánh xa người hành hạ mình.

Quan trọng hơn, giống như bà Nhu Nguyễn, nhiều người không biết mình là nạn nhân của việc bạo hành gia đình và mình có quyền đòi hỏi sự bảo vệ từ các tổ chức của chính phủ.

Tuy nhiên, may mắn hơn một số người cam chịu cuộc sống bị bạo hành gần như suốt cuộc đời, bà Nhu Nguyễn quyết định ly thân rồi ly dị với người chồng sau gần 30 năm chung sống.

“Ly dị xong, hầu như tài sản chẳng còn gì để mà chia. Vì trong suốt thời gian trước đó, ổng đã lén lút lấy tiền nhà, bán xe, mượn tiền từ căn nhà đang ở, để cung phụng cho 'con kia.' Sau 23 năm đến Mỹ, tôi lại trở lại đi nhận đồ về may như hồi đó. Thằng con cũng chán cảnh ba má nó gây gổ, chửi bới, đánh đập nên mướn nhà ở luôn gần trường, chẳng mấy khi về.” Bà Nhu chua xót.

“Giờ hình như ổng cũng đi phụ bếp cho người ta thì phải. Con nhỏ kia cũng ‘đá’ ổng rồi vì ổng có còn gì nữa mà cho nó.” Bà Nhu cho biết thêm.

Nhiều người quen biết nghe chuyện bà Nhu vừa thương xót nhưng cũng thầm mừng cho bà thoát khỏi sự hành hạ, bởi lẽ, có những người phải trả giá cho sự ngần ngại, không tố giác kẻ hành hạ mình, bằng chính mạng sống của mình.

(Kỳ 2: Bạo hành giết người và bạo hành 'êm ái')