Home Đời Sống Gia Đình Kỳ 2: Bạo hành giết người và bạo hành ‘êm ái’

Kỳ 2: Bạo hành giết người và bạo hành ‘êm ái’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngọc Lan   
Thứ Hai, 17 Tháng 9 Năm 2012 04:46

 Kết quả cuộc thảm sát này, ông Tân không chỉ bắn chết vợ mình là bà Trini, mà còn bắn chết ba người em vợ, một người chị dâu của vợ, làm bị thương nhiều người trước khi quay súng tự sát.

Bạo hành gia đình, chuyện không thể xem thường 

LTS: Theo trang mạng domesticviolencestatistics.org, bạo lực gia đình là nguyên nhân hàng đầu gây nên thương tích cho phụ nữ nhiều hơn so với các tai nạn xe hơi, hay các vụ cướp bóc, hãm hiếp gộp lại.Theo thống kê của California Partnership to End Domestic Violence, trong năm 2008, có 99 phụ nữ ở California bị chồng, chồng cũ, hay bạn trai giết chết, và 14 người đàn ông bị vợ, vợ cũ, hay bạn gái giết chết. Trong số 174,649 trường hợp bạo hành bị đưa ra tòa ở năm 2008, có đến 65,219 trường hợp bạo hành có sử dụng vũ khí, bao gồm cả súng và dao. Ðây chỉ mới là những trường hợp được người ta biết đến bằng các báo cáo cụ thể. Trong năm 2007, số phụ nữ bị giết là 110 người, đàn ông là 18 người.

Bạo hành gia đình ngoài trường hợp gây nên những cái chết thảm khốc, như trường hợp gia đình cô Trini Tạ ở Texas, còn có những trường hợp bị bạo hành một cách “êm ái” như trường hợp ông Tom Trần, đang sống tại Costa Mesa, thuộc Orange County, hay chị Hạnh Nguyễn ở Anaheim, đã và đang nếm trải. Dù dưới hình thức nào, hậu quả để lại đều khó lường.

Do tính chất nhạy cảm của đề tài, chúng tôi đổi tên một vài nhân vật cũng như thành phố diễn ra câu chuyện.

 Bạo hành giết người

 Trở lại vụ thảm sát gia đình họ Tạ, theo Reuters, ông John Brimmer, đại diện cảnh sát thành phố Grand Prairie, nơi gia đình nạn nhân sinh sống, cho biết vợ chồng cô thường xuyên xảy ra những trận cãi vã.

Thành viên tổ chức “National Organization for Women” (NOW) tuần hành
trước Quốc Hội kêu gọi chấm dứt bạo hành đối với phụ nữ. (Hình minh
họa: Chip Somodevilla/Getty Images)

Tháng Chín 2008, cô Trini nộp đơn xin ly dị, nhưng chỉ bốn tháng sau cô xin rút đơn với lý do “muốn chồng có cơ hội sửa đổi”.

Cơ hội mà người phụ nữ mới 29 tuổi này muốn giúp chồng sửa đổi chưa biết ra sao, nhưng điều mà mọi người chung quanh đều biết đó là cô bắt đầu bị người “đầu ấp tay gối” của mình hành hạ.

Qua lời kể của bạn bè Trini, cô đã giúp đỡ tiền bạc cho gia đình ba mẹ và các em cô rất nhiều, và đó chính là nguyên nhân đưa đến xung đột giữa hai vợ chồng cô.

Theo những gì người phụ nữ xấu số này kể lại trong đơn nộp tòa án Tarrant County khi xin phát lệnh bảo vệ cô vào cuối Tháng Mười Một 2010, người chồng từng lôi cô vào nhà kho, rút súng bắn lên trần nhà và dọa tự tử nếu như cô Trini tiếp tục đòi ly dị.

Chuyện ông Tân, chồng Trini, lôi tên từng người trong gia đình cô ra chửi bới và nguyền rủa, rồi đánh cô trước mặt hai đứa con nhỏ cũng được cô kể lại trong đơn.

Nhưng trong hoàn cảnh đó, thay vì bấm số 9-1-1 gọi cảnh sát, cô lại chỉ “giả vờ gọi” bằng cách bấm lộn số khác, “vì sợ chồng bị cảnh sát bắt”.

Tưởng rằng làm như vậy cho chồng sợ, không ngờ người chồng trong cơn cuồng nộ lôi cô vào bếp, và mang tất cả súng ra rồi kẹp đầu cô vào giữa đầu gối, dọa bắn bất cứ ai vào nhà.

Khi đó, thấy hai con khóc lóc thảm thiết, vì muốn bảo vệ con, người mẹ trẻ này xuống nước van xin chồng muốn gì cũng được, miễn đừng làm con trẻ phát hoảng.

Cũng trong đơn nộp tại tòa án, cô Trini kể, có đêm, ông Tân không cho vợ ngủ bằng cách đổ nước vào mặt cô mỗi khi cô nhắm mắt.

Sau ngày 20 Tháng Mười Một, 2010, nghe Trini hăm ly dị, ông chồng kéo cô vào phòng ngủ, lấy gối đè lên mặt cô và đòi bắn cô. Trini chỉ được buông tha sau khi hứa không trình báo với cảnh sát.

Một ngày trước Giáng Sinh, 2010, tòa án phát lệnh bảo vệ cô Trini trong tình trạng ly thân, cấm người chồng đến gần cô.

Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, cô lại yêu cầu bãi bỏ lệnh bảo vệ này, bất chấp lời can gián của mọi người, với lý do “cho chồng thêm một cơ hội sửa đổi”.

Thiện chí của Trini, từng tốt nghiệp đại học Arlington ở Texas, đã không được đền bù. Trái lại, ông Ðỗ Quốc Tân âm thầm chuẩn bị cho cuộc giết người đẫm máu bằng súng vào ngay buổi tiệc sinh nhật lần thứ 11 của con trai họ, ngày 23 Tháng Bảy, 2011. Kết quả cuộc thảm sát này, ông Tân không chỉ bắn chết vợ mình là bà Trini, mà còn bắn chết ba người em vợ, một người chị dâu của vợ, làm bị thương nhiều người trước khi quay súng tự sát.

Bạo hành ‘êm ái’

Không phải chỉ có phụ nữ bị bạo hành, mà một số người đàn ông cũng bị rơi vào tình trạng này.

Một cuộc nghiên cứu thăm dò hồi cuối năm 2011 vừa qua của chính quyền Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề bạo hành gia đình cho thấy cứ trong bốn phụ nữ thì có một người cho biết họ bị chồng hay bạn trai đánh, đá hoặc tấn công hung bạo. Và cứ trong số 33 người đàn ông, lại có một ông bị vợ hay bạn gái thực hiện các hành vi cưỡng hiếp.

“Có lúc đang ngủ, giật mình dậy, thấy vợ cũ đang ngồi nhìn ngắm và vuốt ve trên người tôi, tôi cảm thấy sợ như con chuột bị nhúng nước vậy.” Ðó là lời tâm sự của một người đàn ông Mỹ gốc Việt, nạn nhân của sự bạo hành “êm ái” bởi chính vợ cũ của mình.

Ông tên là Tom Trần, ngoài 50 tuổi, đang sống tại Costa Mesa.

Một mình vượt biên sang Mỹ, năm 26 tuổi, ông Tom lập gia đình với một cô gái “rất đẹp,” theo lời ông nói, làm việc trong một quán bar mà ông thường lui tới ở vùng Los Angeles.

Một năm sau, vợ ông sinh cho ông một đứa con gái. Cũng năm đó, ông Tom mở một hãng tiện nhỏ ở Temple City. Ông đi làm, vợ chỉ ở nhà chăm sóc con. Khi con gái ông được 19 tuổi, vào đại học, thì cũng là lúc ông Tom dứt khoát ly dị vợ sau hơn 10 năm chịu đựng cuộc tình vụng trộm của vợ với một người đàn ông khác, “chỉ vì thương con, nó không muốn tôi ly dị má nó”.

Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau, tức khoảng năm 2007, người tình của vợ cũ ông Tom “do mâu thuẫn làm ăn gì đó bị người ta dàn cảnh giết chết”. “Kể từ lúc đó, bả trở thành ác mộng với tôi.” Ông Tom lắc đầu, chán ngán.

“Ác mộng là bởi bả muốn quay trở lại trong khi tôi không còn chút tình cảm gì với bả, ngoại trừ chuyện bả là má của con tôi, mà con tôi lại rất thương má nó.” Người đàn ông kể tiếp.

Không được chồng cũ cho “nối lại tình xưa,” người phụ nữ này bắt đầu “giở chiêu”.

Theo lời ông Tom, vợ cũ ông “tấn công” ông bằng cách “tôi xuất hiện ở đâu thì bả có ở đó. Tôi đi coi football, bả cũng đi. Tôi đi nhậu với đám bạn, bả cũng tới. Mà những người đó cũng đều quen biết với bả trước giờ nên chẳng lẽ đuổi bả. Rồi bả cứ gọi điện thoại giả bộ hỏi cái này cái kia hoài.”

“Mỗi lần nhậu xong thì bả mượn rượu để kể chuyện ngày xưa, rồi bả khóc, nói bả vẫn còn thương tôi, nếu tôi không cho bả quay lại bả sẽ tự tử. Bà cứ làm như vậy thành ra có những người phụ nữ tôi quen, tôi đưa đến đó, nhìn cảnh như vậy, ai cũng bỏ chạy hết.” Ông Tom lại lắc đầu ngao ngán.

Ông cũng nhìn nhận “tôi là người không có thích ồn ào, cãi vã, tôi không còn cảm giác gì với bả, nhưng tôi cũng không thể cấm bả tới nhà thăm con. Nhưng mỗi lần bả tới là lại bày ra chuyện này chuyện kia. Khi thì bả tháo hết mấy bức tranh tôi treo trong nhà xuống, rồi treo hình đám cưới hồi xưa lên. Rồi có khi tôi ở trong phòng ngủ, bả vào làm những cử chỉ mà tôi thấy sợ, tôi bỏ đi ra ngoài. Rồi bả lại khóc lóc. Nói chung là tôi cảm thấy sợ lắm.”

Cũng theo lời ông Tom, vợ cũ ông cũng từng tự tử thiệt nhưng không chết, khi ông cố tình lánh mặt, không nghe điện thoại.

“Từ ngày ly dị bả đến giờ, tôi cũng quen vài người nhưng chẳng đi đến đâu hết, vì bả làm cho người ta ngại. Tôi cũng chưa biết nên làm gì bây giờ để thoát khỏi cảnh này.” Người đàn ông bị bạo hành một cách “êm ái” nói.

Một trường hợp khác không bị bạo hành bằng những lời chửi mắng, đánh đập, mà vẫn được yêu thương, chăm sóc, nhưng với điều kiện “đừng bao giờ nhắc tới bất kỳ ai trong gia đình bên ngoại, chứ đừng nói đến chuyện được tiếp xúc, thăm viếng”. Ðó là trường hợp của chị Hạnh Nguyễn, đang sống tại thành phố Anaheim, Orange County.

Lớn lên trong một gia đình được giáo dục theo kiểu “lễ giáo phong kiến, chồng chúa vợ tôi” từ những ngày còn ở Việt Nam, nên sau khi lập gia đình năm 1985, nghe chồng “thủ thỉ,” “Gái xuất gia phải theo chồng,” chị Hạnh cảm thấy không có gì là ngạc nhiên.

“Thời gian đầu, hai tuần một tháng, những ngày cuối tuần ổng cũng chở tôi về thăm ba mẹ và các anh chị em tôi. Nhưng rồi những đợt thăm đó cứ ít đi, khi thì ổng nói bận chuyện này, khi thì bận chuyện kia, mà tôi nói đi một mình thì ổng không cho, có lúc lại làm dữ hỏi ‘bộ có hẹn với ai sao đòi đi một mình.’” Chị Hạnh nhớ lại.

Ba mẹ chị sang nhà thăm, chồng chị cũng tỏ thái độ không vui, không thích, với lý do “mỗi gia đình đều có cuộc sống riêng, đi tới đi lui, nói này nói nọ rồi vợ chồng sinh chuyện”.

“Ðến khi đứa con trai đầu lòng của tôi được 3 tuổi thì chuyện qua lại thăm viếng gia đình tôi hầu như không còn nữa. Bởi vì mỗi lần tôi đi về là ổng kiếm chuyện ổng gây, ổng làm dữ, đập cái này liệng cái kia, nhìn thấy ghê lắm. Có nói gì ổng cũng không nghe, chỉ hứa là không đi nữa thì ổng mới nguôi.” Chị Hạnh kể tiếp.

Không những vậy, cả việc gọi điện thoại hỏi thăm gia đình, chị cũng bị theo dõi, hạn chế. “Ồng cứ nhìn điện thoại tôi có số gọi về nhà thì ổng hỏi gọi làm chi, tại sao phải gọi. Ổng nói gọi điện thoại chỉ là nói xấu ổng hay nói xấu người này người kia thôi.”

Cuối cùng, để cho nhà cửa êm ấm, chị Hạnh quyết định “thì thôi coi như mình không liên lạc với gia đình nữa, chỉ trừ những lúc có chuyện gì thật quan trọng thì tôi mới về nhà ba mẹ tôi, còn ổng thì không đi rồi, vì nhà tôi cũng không muốn người như ổng tới”.

Dù rất buồn lòng, phiền muộn về chuyện đó, nhưng chị Hạnh Nguyễn vẫn không hề có trong đầu mình suy nghĩ đó là một hình thức bạo hành gia đình. Với chị, mọi việc chỉ đơn giản là “gái có chồng phải theo chồng, trong nhờ đục chịu, cho dù là ở Việt Nam hay ở Mỹ gì cũng là như vậy thôi”.

 Phải biết tự bảo vệ mình thoát khỏi nạn bạo hành gia đình

 Ða số trường hợp bị bạo hành đều không được đưa ra ánh sáng vì nạn nhân muốn giấu giếm với lý do sợ sẽ bị chồng hành hạ nhiều hơn, hay vẫn giữ nếp nghĩ “xấu chàng hổ thiếp,” không muốn người khác biết sẽ “đàm tiếu dị nghị kiểu có lẽ cổ phải làm gì nên mới bị chồng đánh như vậy...” Về phía kẻ hành hung thì dĩ nhiên họ luôn phủ nhận chuyện họ làm.

Lời khuyên của hầu hết các tổ chức bảo vệ nạn nhân của việc bạo hành gia đình là phải giữ bình tĩnh, tránh cãi cọ với kẻ bạo hành, cũng như luôn nghĩ phương cách và đường thoát thân cho bản thân và cả con cái khi sự việc xảy ra. Nếu cảm thấy thân thể bị đe dọa, có thể gọi cảnh sát để được che chở. Khi bạo hành liên tục xảy ra, hãy xin tòa ban hành án lệnh tạm thời cấm chỉ kẻ hành hung tới gần.

Hầu hết các thành phố đều có nhà tạm trú ngắn hạn cho nạn nhân trong khi chờ giải quyết khó khăn.

Khi cần thiết, hãy gọi Ðường Dây Nóng Quốc Gia 1-800-799-SAFE (7233) (The National Domestic Violence Hotline) để kêu gọi sự giúp đỡ suốt 24/24. Riêng với người dân ở California, có thể liên lạc với tổ chức chấm dứt nạn bạo hành gia đình (CPEDV-California Partnership to End Domestic Violence) qua số 1-888-524-4765.