Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt San Jose xem xét việc công bố hồ sơ vụ cảnh sát bắn chết Daniel Phạm

San Jose xem xét việc công bố hồ sơ vụ cảnh sát bắn chết Daniel Phạm PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 03 Tháng 11 Năm 2009 22:22

Vụ bắn chết Daniel Phạm hôm 10 Tháng Năm trở nên sôi động

SAN JOSE (SJ Mercury News) - Sau khi hoàn tất cuộc điều tra về vụ một người đàn ông Việt Nam bệnh tâm thần bị bắn chết bởi cảnh sát San Jose mà gia đình đã gọi tới để yêu cầu trợ giúp; một ủy ban thành phố sẽ xem xét việc công bố các hồ sơ hầu làm sáng tỏ nghi vấn là cảnh sát có biết trước về tình trạng sức khỏe tâm thần của người đàn ông không và vì sao cuối cùng dẫn đến cái chết của ông ta.

 
 Gia đình của Daniel Phạm, nạn nhân bệnh tâm thần bị cảnh sát San Jose bắn chết hồi Tháng Năm. (Hình: Littlesaigoninside)

Việc công bố băng ghi âm của tổng đài 911 cùng với báo cáo của cảnh sát sẽ là một chuyển hướng đáng kể từ thông lệ cũ của sở cảnh sát mà trong thời gian gần đây đã cố sức ngăn chận mọi vận động đòi công bố hồ sơ của họ ra trước công chúng.

Vụ bắn chết Daniel Phạm hôm 10 Tháng Năm trở nên sôi động trong giới các nhà hoạt động địa phương và cộng đồng Việt Nam khiến Hội Ðồng Thành Phố San Jose cũng cảm thấy như bị phỏng lửa.

Tuy nhiên, chưa rõ cảnh sát sẽ công bố những thông tin nào liên quan đến vụ án mặc dầu các công tố viên đã rút lại sự phản đối về việc phổ biến hồ sơ án mạng. Cảnh Sát Trưởng Rob Davis muốn bảo đảm là việc công bố các báo cáo sẽ không vi phạm đến sự riêng tư của gia đình ông Phạm lẫn các nhân chứng, mà lời khai của họ đã được thâu lại.

Ông Davis nói cơ quan ông muốn tiếp cận với những người này để “chắc chắn rằng chúng tôi thỏa mãn quan tâm về sự riêng tư của họ” trước khi quyết định sẽ công bố bao nhiêu đoạn băng ghi âm của tổng đài 911 cùng với báo cáo của cảnh sát.

Ông ta tiếp rằng, nếu gặp sự phản kháng về vấn đề riêng tư thì có thể ông sẽ đề nghị chỉ công bố băng ghi âm của tổng đài 911 cùng với báo cáo của cảnh sát, bản viết lại, hoặc có thể chỉ là bản tóm tắt. Tuy biết sẽ không làm nguôi được các lời chỉ trích, ông Davis bênh vực cho ý tưởng rằng “những đòi hỏi đã đi quá xa đối với chúng tôi.”

Thị Trưởng Chuck Reed, mà ủy ban Rules and Open Government Committee của ông sẽ xét đến việc công bố các hồ sơ vào Thứ Tư này, nói rằng ông sẽ thúc đẩy để công bố càng nhiều càng tốt bản gốc của băng ghi âm cũng như báo cáo của cảnh sát, tuy nhiên tên người gọi hay nhân chứng có thể được đổi đi.

Ông nói: “Tôi đứng về phía đòi hỏi một sự công bố toàn diện trong chừng mực luật pháp cho phép”. Ông tiếp, “Tôi thiết nghĩ trong vụ này, quan tâm của quần chúng về các thông tin đặt nặng hơn vấn đề riêng tư.”

Thị Trưởng Reed rồi ra cần phải thuyết phục được sự đồng ý của ít nhất là hai người trong ủy ban bốn người.

Nhiều người trong cộng đồng dân Mỹ gốc Việt đông đảo ở San Jose phẫn nộ về vụ bắn chết Phạm, 27 tuổi. Vụ này khơi lại vết thương từ một thảm kịch tương tự xảy ra vào năm 2003, trong đó một sĩ quan cảnh sát của thành phố đã bắn chết một phụ nữ Việt bị bệnh tâm thần ngay trong nhà bà, khi bà này cầm lấy cây dao gọt cà rốt.

Cha của Phạm nói rằng cảnh sát đã được cho biết trước khi đến nhà ông, rằng con ông mắc bệnh tâm thần để dè dặt khi cần nổ súng.

Ông này cũng như nhiều người khác hy vọng hồ sơ của cảnh sát sẽ làm sáng tỏ nghi vấn là cảnh sát có thực sự biết trước về tình trạng sức khỏe của con ông không và vì sao họ vẫn hành động như thế.

Cảnh sát cho biết họ được gọi đến nhà anh Phạm ở đường Berryessa sau khi anh này dùng dao để cứa cổ người anh của mình. Họ buộc phải bắn Phạm vì đương sự không tuân theo lệnh buông dao của cảnh sát, và ngay cả khi dùng súng điện cũng vẫn không khuất phục được Phạm.

Một đại bồi thẩm đã kết luận là các cảnh sát không làm gì sai khuấy, nhưng buổi điều trần đã không được diễn ra công khai như cộng đồng mong muốn.

Mới đây vào Tháng Chín vụ sinh viên Phương Hồ bị cảnh sát đánh bằng dùi cui và bắn bằng súng điện Taser, ghi được trên băng video, càng làm cho cộng đồng tăng thêm mối hoài nghi rằng cảnh sát của thành phố thiếu huấn luyện để xử trí trước những trở ngại về văn hóa và bệnh tâm thần. Chiều tối Thứ Ba tuần trước, hằng chục người đã tụ tập trước Tòa Thị Sảnh để phản đối cảnh sát và đòi hỏi công bố các hồ sơ.

Tờ Mercury News có yêu cầu Sở Cảnh Sát San Jose cung cấp toàn bộ băng ghi âm của tổng đài 911 cùng với báo cáo của cảnh sát. Liên Minh Pháp Lý Á Châu, Cộng Ðồng Người Mỹ Gốc Việt Bắc California, và Coalition for Justice and Accountability and Silicon Valley Debug, mỗi đoàn thể đều đã đưa ra những đòi hỏi tương tự về vụ của ông Phạm. Các hội đoàn trong cộng đồng cũng đòi hỏi băng ghi âm của tổng đài 911 cùng những hồ sơ khác liên quan đến việc bắt giữ Phương Hồ.

Trong quá khứ San Jose không công bố các băng ghi âm 911 và luật tiểu bang không đòi hỏi phải làm như vậy, mặc dầu nhiều sở cảnh sát khác vẫn thường làm. Thị Trưởng Reed đã bị chỉ trích về việc bác bỏ một đề nghị trong tháng vừa qua là nên phổ biến nhiều hơn cho công chúng biết những hồ sơ của cảnh sát. Ông cho là chỉ cần công bố những hồ sơ như vậy theo từng vụ việc.

Ngay chính anh của Phạm, người đã bị em mình dùng dao cứa cổ cũng nói với báo San Jose Mercury News là anh muốn các hồ sơ được công bố. Nhưng người bạn gái của anh, được coi là người đã gọi điện thoại báo cảnh sát, chưa bao giờ lên tiếng và không biết suy nghĩ của cô đối với việc công bố hồ sơ ra sao. Ðiện thoại viên nhận được nhiều cú gọi từ nhiều người khác không được xác định.

Cảnh Sát Trưởng Davis giải thích rằng khi tiếp xúc với các nhân chứng, cơ quan của ông không có ý “bằng cách này cách khác ảnh hưởng đến họ”. Nhưng theo ông những ai liên hệ đến chuyện này nên hiểu rằng ở thời đại Internet, những hồ sơ này có thể được đưa lên lưới điện toán và lặp đi lặp lại hoài trên lưới. Ông lo ngại cơ quan của mình sẽ mở đường cho những sự chỉ trích hay có thể cả những tranh tụng do việc công bố “những đoạn băng ghi âm chẳng vui thú gì”.

Tuy nhiên ông khẳng định là: “Nếu những cá nhân liên hệ không có gì lo lắng về quyền riêng tư thì chắc chắn chúng tôi sẽ tiến tới và phổ biến”. (T.P.)