Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Người Việt ở Mỹ – Vẻ vang dân Việt?

Người Việt ở Mỹ – Vẻ vang dân Việt? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Giao Thủy   
Thứ Bảy, 26 Tháng 9 Năm 2009 07:28
Đấy là những cá nhân thành công và xuất sắc.  Vài nét chính trong báo cáo ACS — Tuy người Mỹ gốc Á sống khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, đa số sinh cư tại California (35%), New York (10%), và Texas (6%).

So với người Mỹ da trắng-không phải gốc châu Mỹ La tinh hay Tây Ban Nha (non-Hispanic White), dân gốc châu Á trẻ hơn, lập gia đình nhiều hơn. So với người Mỹ da trắng, phụ nữ Á châu sinh sản nhiều hơn.

Người Á châu cũng có tỉ lệ tốt nghiệp đại học và mức lương trung bình cao hơn. Một số lớn người gốc châu Á làm việc trong nghành quản trị, là các chuyên viên hay các ngành nghề liên hệ. Thường, người Á châu nói tiếng Anh với nhau trong nhà hay nói tiếng Anh rất thông thạo. 70% người gốc Á châu là công dân Mỹ, đã sinh ra hoặc trở thành công dân tại đây.

Trong nhóm người gốc châu Á, dân Nhật có số tuổi trung bình cao nhất (nhiều người cao niên hơn những sắc dân khác) và tỉ số dùng tiếng Anh ở nhà làm ngôn ngữ chính cung cao hơn cả. Người Ấn và Việt là hai sắc dân có nhiều thiếu niên (dưới 18 tuổi) nhất. Gần 50% người Mỹ gốc Á tốt nghiệp cử nhân hay cao hơn. Người Ấn và Phi là sắc dân Á châu có lợi tức trung bình cao nhất. Tỉ lệ người nghèo cao nhất trong các cộng đồng người Hàn, Việt và Trung. Người Á châu, trừ Việt Nam, ở nhà trị giá trung bình 300.000 đô-la Mỹ hay cao hơn.
 
 Một cuộc biểu dương lực lượng của người Việt tại San Jose đòi thành phố đặt tên Little Saigon cho một khu thương mại.


Người Việt Tại Hoa Kỳ

Hơn ba mươi năm qua, từ khi người Việt di cư sang Mỹ hay tị nạn chính trị đã có khá nhiều bài viết, sinh hoạt, chương trình truyền thông ca ngợi thành đạt của dân Việt Nam khắp mơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Có tác giả đã cố gắng thu thập thông tin và tài liệu viết thành sách (“Vẻ vang dân Việt”, Trọng Minh) và có cả chương trình phát hình (Saigon Broadcasting Television Network - SBTN, Vẻ Vang Dân Việt với Trọng Minh), phát thanh (Radio Việt Nam Hải Ngoại, Hệ thống Truyền thông Việt Nam Hải ngoại, Vẻ Vang Dân Việt ) hay cả tại các diễn đàn trên mạng Internet (Vinanet forum: Vẻ Vang Dân Việt), v.v...

Không những chỉ có “vẻ vang dân Việt” ở tại các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trong nước, đảng cộng sản cũng không bỏ lỡ cơ hội dùng danh hiệu “Vinh danh nước Việt” qua các màn vinh danh Việt Kiều do Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức hàng năm nhờ “sáng kiến” của Báo điện tử VietNamNet; Và tương tự như người Việt hải ngoại, báo Tổ Quốc (Báo điện tử của Bộ Văn Hoá – Thông tin) cũng “Vẻ vang dân Việt”.

Không còn nghi ngờ và cũng không thể tranh luận, những Việt kiều được “vinh danh” đã có những đóng góp không nhỏ với nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam. Đa phần những Việt kiều đó cũng là những cá nhân thành đạt. Đóng góp của họ có thể là vật chất hay những đóng góp có lợi về mặt tuyên truyền chính trị, kiều vận mà tiền tươi (đô-la xanh hay ơ-rô đỏ) cũng khó bì. Để cho báo Đảng đăng tên “vinh danh” cũng đã là một đóng góp tuyên truyền lớn.

Cũng thế, những người Việt đã “Vẻ vang dân Việt” được nêu tên, được đề cao tại hải ngoại là những cá nhân người gốc Việt xuất sắc.

Đúng. Đó là những người Việt xuất sắc, thành công. Tuy nhiên, xem đó là những trường hợp vẻ vang (cá nhân) người Việt có lẽ thích hợp hơn chăng? Gọi là “Vẻ vang dân Việt” hay “Vinh danh nước Việt” e có chiều phiến diện, vơ vào, và hơi thiếu khách quan, không nhìn tổng thể sự thật. Những ông bà Việt kiều “Vinh danh nước Việt” hay những người Việt hải ngoại trong danh sách “Vẻ vang dân Việt chỉ là một góc nhỏ, rất nhỏ, của bức tranh toàn diện gồm hơn 3 triệu người Việt đang sinh sống khắp nơi trên thế giới. Cũng không nghi ngờ gì, còn rất nhiều người Việt khác, cũng thành đạt cũng xuất sắc nhưng đâu đã nằm trong sách, hay được vinh danh trên báo đài hàng năm. Vắn tắt, đấy là những cá nhân thành công và xuất sắc; đáng quý, đáng mừng và xin chúc vui với tất cả các cá nhân đó.

1. Phân bố, thời điểm nhập cư, thành phần dân số – Với một vài số liệu vừa được công bố từ Nghiên cứu về Cộng đồng Người Mỹ người đọc có thể nhìn rõ hơn cận ảnh, chân chung của cộng đồng người Việt đang sống tại Hoa Kỳ. Theo ACS, người Việt tại đây chiếm khoảng 10,5% tổng số người Mỹ gốc châu Á (không kể người Á lai các sắc dân khác). Người Việt tại Mỹ là cộng đồng lớn thứ 4 sau người Trung, Ấn, và Phi, xấp xỉ người Hàn và lớn hơn các cộng đồng Nhật, Lào, Pakistan, Cam bốt, Hmong, Thái Lan và Đài Loan. Hơn 50% trong 1.267.510 người Việt nhập cư vào Mỹ từ sau 1990: đã sống hơn 16 năm tại Hoa Kỳ. Xem Bảng (1) và (2).

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Bảng số liệu (3) cho thấy phân bố dân số Á châu theo lứa tuổi. Người Việt tại Hoa Kỳ là cộng đồng Á châu “trẻ” thứ hai sau người Ấn. Và trong cộng đồng người Việt tại đây, 73,5% là người dưới 44 tuổi và có gần ¼ là thiếu niên dưới 18.

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

2. Xã hội – Về mặt xã hội tài liệu ACS cho biết một nét văn hoá Việt Nam mới, ít được biết đến trong cộng đồng người Á châu ở Mỹ. Đây cũng là một “mở mắt” cho chính người viết. Bảng (4) theo sau trình bày số liệu về khả năng sinh sản của phụ nữ Mỹ gốc Á châu. Phụ nữ, ở số liệu về khả năng sinh sản, theo định nghĩa của Nghiên cứu về Cộng đồng Người Mỹ nằm trong khoảng 15 đến 50 tuổi.

Đứng đầu bảng khả năng sinh sản là phụ nữ Ấn tại Hoa Kỳ; điều này không phải là một ngạc nhiên vì dân số của cộng đồng trẻ trung này có đến 75,7% dưới 44 tuổi. Cuổi bảng sinh nở là phụ nữ Đại Hàn, cộng đồng sắc tộc có 67,5% dưới 44 tuổi. So với Đại Hàn thì phụ nữ Việt tại Hoa Kỳ, tuy không phải hàng đầu như đàn bà Ấn Độ nhưng có thể đưa vào hạng “mẹ quốc tế”. So với đàn bà Hàn quốc chỉ sinh có 45,9 lần trong năm, cứ 1000 phụ nữ Việt thì có đến 71.8 lần sinh trong 12 tháng trước khi cuộc thăm dò bắt đầu. Nhưng kỷ lục của người (phụ nữ) Việt chưa phải ở đây; cột kế bên trong cùng Bảng (4) cho thấy đàn bà Việt Nam ở Mỹ không phải thuộc hạng “thế gian sự thường”. Người (phụ nữ) Việt chúng ta ở Mỹ vô địch về khâu “không chồng mà chửa”. Đứng đầu bảng khả năng sinh sản, trong số các bà mẹ Việt Nam tại Mỹ thì có đến 18,6% là phụ nữ độc thân. Một tỉ lệ siêu vượt trung bình của phụ nữ Á châu trong khi con số này của các bà mẹ người Nhật và Đại Hàn quá nhỏ để “được” lên bảng.

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Đây là một nếp văn hoá mới hay là một chọn lựa tân thời, là lối hội nhâp với xã hội của phụ nữ Việt tại Mỹ? Computer của Cục Điều tra Dân số Mỹ crashed, cháy cầu chì, hư ổ cứng, hay hỏng bộ nhớ? Nếu không phải như thế, có lẽ, các tổ chức dân sự cung cấp dịch vụ xã hội phụ nữ cũng như bậc làm cha mẹ cần quan tâm về vấn đề giáo dục sinh lý cho thanh thiếu niên hơn nữa tại các vùng có đông dân Việt như California, Texas và New York.

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Về tổ chức gia đình, Bảng (5) cho thấy gia đình người Việt “đông” thứ nhì sau người gốc Phi và có tỉ số gia đình có-đủ-chồng-vợ thấp nhất trong cộng đồng người châu Á. Một điểm đáng chú ý khác ở đây, số phụ nữ Việt đứng đầu gia đình (không có đàn ông) xếp hạng nhì sau Phi Luật Tân. Và cũng đáng kể, số đàn ông Việt Nam (không có đàn bà) làm chủ gia đình đứng hàng đầu trong cộng đồng Á châu ở Mỹ. “Non-family” là đơn gia cư của người độc thân hay sống chung với người không liên hệ.

3. Quốc tịch, khả năng nói tiếng Mỹ và học vấn – Theo thống kê ở Bảng (2): Phân bố dân số theo năm nhập cư Mỹ, cộng đồng người Việt ở Mỹ có thể xem là một cộng đồng “tương đối” lâu đời nhất, 90,8% đã sinh sống tại Hoa Kỳ từ 13 năm (tính đến 2004) hay lâu hơn. Bảng số liệu (6): Phân bố dân số theo quốc tịch, cũng cho thấy cộng đồng người Việt có tỉ số là công dân Mỹ cao nhất, 79,1% sinh tại Mỹ, có cha hay mẹ là công dân Mỹ hoặc đã trở thành công dân Mỹ. Nhưng ở Bảng số liệu (7), về khả năng Anh ngữ, cho thấy cộng đồng người Việt “gìn giữ tiếng nước nhà” cao nhất: chỉ có 11,8% dân Việt chỉ nói tiếng Mỹ ở nhà so với 16,9% người Hàn hay 53% người Nhật. Và có phải đó là nguyên nhân của một “cái nhất” khác? Cộng đồng người Việt ở Mỹ có tỉ số người kém khả năng Anh ngữ (nói tiếng Anh kém hơn “very well”) cao nhất 55,1% so với 47,6% người Trung Quốc và 48,9% người Đại Hàn.

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Thống kê ở Bảng số liệu (7) còn có khả năng là hệ quả hay/và phản ảnh trung thực của thống kê ở Bảng (8): Mức độ học thức. Ở thống kê này, cộng đồng người Việt có tỉ số người có học lực dưới trung học nhiều nhất, 30% dân số. Con số người Việt tại Mỹ tốt nghiệp cử nhân và có bằng hậu đại học cũng là tỉ số thấp nhất trong cộng đồng người Mỹ gốc Á châu, 23,5%, và dưới hơn cả trung bình toàn nước Mỹ.

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

4. Kinh tế: Nghề nghiệp, lợi tức và gia cư – Số liệu về phân bố nghề nghiệp, thu nhập trung bình, tỉ lệ nghèo và trị giá nhà ở của người Việt ở Mỹ nằm trong 3 Bảng (9), (10, và (11).

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Bảng số liệu (9): Phân bố nghề nghiệp, cho biết tỉ số người Việt tại Hoa Kỳ làm nghề lao động xí nghiệp và vận tải hàng hoá cao nhất trong cộng đồng châu Á, 21,0%. Người Phi và Hàn là hai sắc dân có tỉ lệ dân hành nghề lao động cao ngay sau Việt Nam, khoảng 10%. Cũng theo thống kê này, tỉ lệ người Việt tại Mỹ làm việc trong ngành quản trị và chuyên nghiệp thấp nhất so với những sắc dân gốc châu Á khác, 29,2% so với 60,6% người Ấn (cao nhất) và 43% người Đại Hàn (thấp nhất, nhưng hơn Việt Nam). Mực thu nhập gia đình trung bình, Bảng (10), phản ảnh lựa chọn và phân bố nghề nghiệp trong cộng đồng người Việt. Tỉ lệ nghèo cũng thế, người Việt ở Mỹ có lợi tức gia đình trung bình hàng năm là 45,980 USD và tỉ số nghèo là 14%. Ở thống kê này, sắc dân có thu nhập kém hơn người Việt và tỉ lệ nghèo tương đương là cộng đồng Đại Hàn với lợi tức gia đình trung bình 43.195 USD và 14,9% là tỉ số người nghèo.

Nguồn: U.S. Census Bureau


 

Mực nghèo theo định nghĩa dùng trong nghiên cứu trích dẫn tuỳ theo gia đình ít hay nhiều người; thí dụ một gia đình 3 người có một trẻ dưới 18, được xem là nghèo nếu lợi tức gia đình ít hơn 14.974 $USD/năm. Tình trạng nghèo được đánh giá cho tất cả mọi người trên 15 tuổi trong cuộc thăm dò.

Bảng (11) liệt kê tỉ số người trong cộng đồng đang ở nhà mua và trị giá trung bình của gia cư. Thống kê này cho thấy người Việt (cũng như người Phi, Nhật, Trung) thích ở nhà mua hơn là đi thuê. Có 61,3% người Việt đang ở nhà mua tại Mỹ. Một lần nữa, người Việt ở Mỹ lại đứng đầu bảng thống kê. Trị giá trung bình của gia cư của người Việt là 207.577 USD, thấp hơn tất cả nhà của các sắc dân châu Á khác, khoảng 2/3 trị giá nhà của người Ấn xếp hàng ngay trên, 309.377 USD.


Cận ảnh người Việt ở Mỹ

Khi nói đến người Việt tại Hoa Kỳ, có lẽ vẫn không đủ nét dù có liệt kê hết tên người Việt ở Mỹ trong 5 tập Vẻ vang dân Việt và tất cả một đội ngũ khoa học gia tầm cỡ gốc Việt của Cơ quan Hàng không và Không gian Quốc gia Mỹ, cùng tất cả Việt kiều Mỹ được Hà Nội cho danh hiệu “Vinh danh nước Việt”, cũng như tất cả người Việt đã từng nhận giải “Đuốc Vàng” của VANG (Vietnamese American National Gala), v.v... Một cách khác “Vẻ vang dân Việt” có ra đến tập 15 cũng không cho thấy chân dung thật của tập thể người Việt ở Hoa Kỳ.

Thật ra, theo ACS người Việt ở Hoa Kỳ là một cộng đồng trẻ trung, khoảng 1,3 triệu người, lớn hàng thứ 4 trong khối dân Á châu.

Về mặt xã hội, gia đình người Việt, trung bình, đông hơn các sắc dân khác; khả năng sinh sản của phụ nữ Việt cao thứ nhì; Đặc biệt, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam độc thân sinh con cao nhất trong các sắc dân gốc châu Á. Người Việt ở Mỹ còn đứng đầu về cả hai tỉ lệ “single mom”“gà trống nuôi con”.

Về mặt hội nhập và học lực, người Việt có tỉ số cao nhất là công dân Mỹ trong khối người Mỹ gốc Á, có trình độ học thức thấp nhất, và tỉ số cao nhất những người nói tiếng Anh kém so với tất cảc các sắc dân gốc Á châu khác.

Công nhân gốc Việt ở Hoa Kỳ
Nguồn: rapiddisplays.com


 

Về đời sống kinh tế, nghề nghiệp, thu nhập và nhà ở, người Việt ở Hoa Kỳ cũng có thêm vài cái nhất khác so với các sắc dân Á châu: Tỉ lệ người làm ở tầng lớp quản trị và chuyên gia thấp nhất; tỉ lệ người Việt làm trong hai ngành dịch vụ và lao động xí nghiệp cao nhất và cũng cao hơn trung bình toàn quốc. Thu nhập gia đình trung bình và tỉ số người nghèo của người Việt chỉ thấp nhất nhì xấp xỉ với người Đại Hàn; Tỉ số người Việt mua nhà ở cao hơn người Ấn và Hàn nhưng có trị giá trung bình thấp nhất.

Nhận định, phân tích có thể còn nhiều thiếu sót, sơ xuất nhưng những con số chẳng khi nào nói dối hay “nổ” được. Nghiên cứu về Cộng đồng Người Mỹ, ACS cho chúng ta một cận ảnh khá rõ về thực tế người Việt tại Hoa Kỳ.

Tóm lại, sau môt thời gian, 13 năm hay hơn, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có những phát triển tích cực và thành đạt nhất định. Tuy nhiên thống kê của Nghiên cứu về Cộng đồng Người Mỹ đã đưa ra một vài tín hiệu đáng quan tâm: tỉ số nghèo cao nhất nhì, tỉ lệ người lao động cao nhất – tỉ lệ thuận với trình độ học vấn và khả năng Anh ngữ kém nhất, và tỉ số phụ nữ độc thân sinh con gấp đôi trung bình của người gốc Á châu và gần bắt kịp người Mỹ da trắng. Những tổ chức xã hội dân sự người Việt ở Hoa Kỳ cần khẳng định đó là vấn nạn xã hội cần có phương án khả thi, hiệu quả để điều chỉnh.

Một tác giả và cũng là một trong những người được nêu tên trong “Vẻ vang dân Việt”, viết

“... Tôi viết tặng các bạn trẻ, lòng những mong rằng thế hệ của tôi chỉ là lớp người đi trước đặt những viên đá sơ sài lót đường... Sau này các bạn sẽ đạt được những thành công rực rỡ xây thành một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người Việt cùng tiến bước, cho non sông được mở mặt với đời. Mong mỏi các bạn được giải thưởng Nobel về khoa học, hay một giải văn chương quốc tế, hay giải Oscar về điện ảnh...”

(Trích Theo Ánh Tinh Cầu, Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Đại Nam, 1991)

Như tác giả Toàn Phong – có lẽ còn rất nhiều người Việt khác, và người viết cũng thế – mong thấy “một đại lộ thênh thang cho toàn thể những người Việt cùng tiến bước, cho non sông được mở mặt với đời”. Dù đã có khá nhiều đá lót đường, thành đạt mẫu mực của nhiều cá nhân, nhưng với chân dung người Việt ở Mỹ báo cáo ACS vừa phổ biến e rằng chúng ta và thế hệ sau còn phai bươn chải nhiều năm ở các ngõ ngách trước khi tìm được Exit ra đường cái, vào “đại lộ thênh thang” để may ra sẽ thấy “non sông được mở mặt với đời”.

Vẻ vang dân Việt?

Chưa! Chẳng còn nghi ngờ gì nữa.


Nguồn: DCVOnline