Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Dạy nghề kiện, trò ra kiện trường!

Dạy nghề kiện, trò ra kiện trường! PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Tâm (theo NYT)   
Thứ Bảy, 07 Tháng 4 Năm 2012 22:09

 Tốt nghiệp không có việc, cựu sinh viên New York Law School

Trường luật New York Law School có trụ sở nằm trong khu TriBeCa ở New York, mới đây bị một số sinh viên tốt nghiệp đưa đơn kiện, lấy lý do họ bị nhà trường dối gạt và không kiếm được việc luật sư sau khi ra trường.

Ðại học New York Law School ở Manhattan. Một số sinh viên không tìm ra việc làm quay lại kiện nhà trường. (Hình: Jim.henderson/Wikimedia/Public Domain)

 

Trong hoàn cảnh khó khăn trong kỹ nghệ luật hiện nay, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp than phiền về khó khăn để có được cơ hội hành nghề luật sư. Và họ đưa đơn kiện trường cũ của mình.

Tuần qua, Thẩm Phán Melvin L. Schweitzer, thuộc Tòa Kháng Án New York, bác bỏ một đơn kiện của chín sinh viên tốt nghiệp New York Law School, theo đó cáo buộc trường cũ đã dối gạt về khả năng có việc làm sau khi ra trường.

Tuy cũng bày tỏ sự cảm thông về hoàn cảnh của các sinh viên này, Thẩm Phán Schweitzer nói rằng đơn kiện không có giá trị và đây là một thí dụ điển hình của “caveat emptor” -cảnh báo người mua phải biết về món hàng của mình.

“Theo quan điểm của tòa, các vấn đề đưa ra trong vụ kiện này cho thấy rõ ràng một điều là không phải bất cứ khó khăn nào của xã hội đều có thể giải quyết bằng một vụ kiện,” Thẩm Phán Schweitzer viết trong phán quyết.

Các sinh viên từng tốt nghiệp ở bậc đại học “muốn thật sự theo đuổi ngành luật là một nhóm riêng những người có sự hiểu biết sành sõi, có khả năng xem xét các dữ kiện và lựa chọn các giải pháp trước khi đi đến quyết định về ngành muốn đi sau khi tốt nghiệp cử nhân,” theo Thẩm Phán Schweitzer.

Phán quyết này là một thất bại cho hàng loạt các vụ kiện tương tự đang diễn ra khắp nước Mỹ, ở vào thời điểm nhiều bấp bênh cho cả lãnh vực giáo dục luật pháp và nghề luật.

 Trong hai năm liên tiếp, số người thi LSAT, một kỳ thi trắc nghiệm khả năng của các ứng viên dự tuyển vào trường luật, đã giảm hẳn, cho thấy sự trì trệ trong thị trường luật vẫn còn kéo dài. Và tuy rằng phần lớn các sinh viên tốt nghiệp từ những trường luật danh tiếng vẫn có được việc làm, những người tốt nghiệp từ các trường ít nổi tiếng hơn đang gặp rất nhiều khó khăn để có được công việc mà họ trông đợi.

David Anziska, một luật sư của các nguyên đơn ở New York, đang tích cực tìm kiếm thân chủ trong số những người mới tốt nghiệp trường luật này.

Trong bảy tháng qua, ông nộp đơn kiện 14 trường, kể cả Widener University Law School ở Delaware, Thomas M. Cooley Law School ở Michigan và Southwestern Law School ở California. Các đơn kiện này cáo buộc nhà trường đánh lừa sinh viên về khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp. (Một đơn kiện tương tự, từ một văn phòng luật sư khác, cũng nhắm vào trường Thomas Jefferson School of Law tại California.)

Hôm Thứ Năm tuần này, Luật Sư Anziska cho hay ông không đồng ý với việc tòa bác đơn kiện trường New York Law School và sẽ kháng án. Ông gọi đây chỉ là “một trở ngại trong tiến trình lâu dài”.

Ông Anziska, tốt nghiệp trường luật University of Michigan Law School, cho hay sẽ tiếp tục kiện thêm nhiều trường luật khác trong thời gian sắp tới đây.

Phán quyết ở New York không trực tiếp ảnh hưởng các đơn kiện nhắm vào các trường luật ở khắp nước Mỹ, nhưng bản phán quyết tỉ mỉ của Thẩm Phán Schweitzer có thể ảnh hưởng tới quyết định của các thẩm phán xét xử các vụ kiện khác, theo các luật sư liên hệ.

Trường New York Law School, với học phí vào khoảng $47,800 một năm, và được xếp vào nhóm 30% dưới đáy trong số các trường luật ở Mỹ, là mục tiêu đầu tiên của Luật Sư Anziska. Ông cho rằng nhà trường đã tạo cho sinh viên sự tin tưởng là ít nhất 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm toàn thời gian với tư cách luật sư. Ông Anziska cho hay các dữ kiện nhà trường đưa ra không chính xác vì bao gồm cả các công việc bán thời gian, kể cả những công việc không cần có bằng luật.

“Nếu căn cứ theo các định nghĩa của nhà trường thì một sinh viên tốt nghiệp có thể đứng bán cà phê ở Starbucks hay làm bất cứ các công việc gì khác, không kể là tầm thường hay ít lương đến đâu, hay không liên hệ gì đến pháp luật, mà vẫn được coi là 'có việc làm' và làm việc 'trong doanh nghiệp.’”

Một trong những người đưa đơn kiện này là Choloe Gilgan, tốt nghiệp trường New York Law School năm 2008 trong số 15% những người đầu lớp.

Sau khi không kiếm ra việc làm hành nghề luật, cô phải làm việc bán hàng và sau đó làm phụ tá pháp lý. Một vài người khác trong số này có việc làm với tư cách luật sư, kể cả một người ở một văn phòng luật tại New Jersey và một người khác là luật sư di trú ở New York.

Họ đòi $225 triệu tiền bồi thường, một con số theo họ phản ánh sự khác biệt giữa những gì mà họ coi là mức học phí quá cao và “giá trị thật sự” của mảnh bằng mà họ có.