Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Tương lai sinh viên gắn liền tương lai California

Tương lai sinh viên gắn liền tương lai California PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Giang/Người Việt   
Thứ Tư, 23 Tháng 2 Năm 2011 12:22

 Cắt ngân sách hệ thống đại học CSU / Sinh viên, gia đình ‘Bị Ép Từ Mọi Phía’

WESTMINSTER - “Bị Ép Từ Mọi Phía” là tên gọi buổi họp báo do nhóm “Dự Án Các Quyền Dân Sự” (The Civil Rights Project) thuộc đại học UCLA tổ chức tại Los Angeles trưa 15 tháng 2 vừa qua.

Theo lời ông Gary Orfield, giám đốc “Dự Án Các Quyền Dân Sự,” đồng thời là tác giả bản tường trình được phổ biến trong dịp này, thì mục đích của buổi họp báo là để gióng lên tiếng chuông cảnh báo về ảnh hưởng sâu xa của việc cắt giảm ngân quỹ giáo dục tại hệ thống đại học CSU (California State University) đối với sinh viên.

 Tương lai California lâm nguy?

 Thông điệp chính của bản tường trình dài 15 trang, tựa đề “Bị Ép Từ Mọi Phía - Cuộc khủng hoảng của CSU và tương lai của tiểu bang California,” là việc cắt giảm ngân sách giáo dục của hệ thống đại học CSU không những ảnh hưởng sâu sắc đến sinh viên đang theo học tại đây, mà còn tạo ảnh hưởng trầm trọng cho tương lai của nền kinh tế California. Bản tường trình nhận định, nếu cứ tình trạng này, California sau này sẽ thiếu nhân sự có trình độ đại học để làm việc.

 
Sinh viên tại UC Berkeley mang biểu ngữ xuống đường phản đối việc tăng học phí ngay trong khuôn viên trường đại học vào cuối năm 2010. (Hình: Website www.ife.com)

Dựa trên cuộc nghiên cứu được thực hiện tại trường đại học California State University tại Northridge, đồng tác giả của bản tường trình là ông Gary Orfield, và bà Patricia Gandara, cùng lãnh đạo nhóm “Dự Án Các Quyền Dân Sự” nhận định, lập luận rằng việc cắt giảm ngân sách của hệ thống đại học CSU sẽ có ảnh hưởng lên sinh viên nặng nề hơn người ta tiên liệu.

 Các tác giả lý giải, đó là vì tình trạng phải đối diện với học phí ngày càng tăng, số lớp học ngày càng giảm, sinh viên sẽ phải học lâu hơn mới có thể ra trường, tạo nên gánh nặng tài chánh cho gia đình, giữa lúc nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn còn đang ảm đạm.

Một đoạn của bản tường trình viết rằng: “California, sau một thời gian phát triển nhanh chóng, tạo cơ hội cho nhiều người dân đạt được giấc mơ Hoa Kỳ, hiện đang cố gắng phục hồi từ cơn khủng hoảng kinh tế khắc nghiệt nhất, đã làm sụp đổ tài sản của tiểu bang.

 Và tình hình này đưa đến tình trạng sinh viên đại học tại California ngày càng phải trả học phí cao hơn, để được ít hơn.”

Qua bản tường trình, nhóm “Dự Án Các Quyền Dân Sự” cũng kết luận, để tiểu bang California được trở lại thời vàng son trước đây, tất cả cư dân California phải hy sinh. Tuy nhiên, nhóm đặt vấn đề là, “mặc dù hiện nay có nhan nhản những cuộc thảo luận về sự khủng hoảng tài chánh của tiểu bang, hầu như không ai phân tích xem ảnh hưởng của việc cắt giảm ngân sách giáo dục sẽ có ảnh hưởng thế nào đến lớp người trẻ, đang cố gắng tốt nghiệp đại học và chuẩn bị cho tương lai.”

Ông Gary Orfield giải thích, sở dĩ nhóm “Dự Án Các Quyền Dân Sự” chú tâm đến ảnh hưởng của việc cắt giảm ngân sách trên hệ thống đại học CSU, thay vì UC, dù ngân sách tài trợ từ tiểu bang cho cả hai hệ thống này trong niên khóa tới sẽ đều bị cắt giảm $500 triệu, là vì CSU có 23 trường đại học, và được xem là hệ thống đại học đào tạo ra nhiều sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân nhất Hoa Kỳ.

Cũng theo ông Gary Orfield, hệ thống CSU còn là nơi có đông học sinh sắc dân thiểu số nhất, với 21% tốt nghiệp là người Mỹ gốc La Tinh, 5% da đen, và đông học sinh gốc Á hơn hệ thống UC.

Còn lý do tại sao nhóm “Dự Án Các Quyền Dân Sự” chọn trường California State University, Northridge để thực hiện cuộc nghiên cứu, theo bà Patricia Gandara, là vì đại học này có hơn 35 ngàn sinh viên, là một trong 50 trường đại học lớn nhất Hoa Kỳ.

Hơn thế nữa, California State University, Northridge còn được chọn vì đại học này có tỷ lệ sinh viên đa sắc tộc cao nhất, với 30% sinh viên Mỹ gốc Âu Châu, 31% sinh viên Mỹ gốc La Tinh, 7% sinh viên Mỹ gốc Phi Châu, và 11% sinh viên Mỹ gốc Á.

 Sinh viên ‘khó tứ bề’

 Hơn 2,000 sinh viên của trường, đa số là sinh viên năm thứ ba hay năm thứ tư, được chọn (ngẫu nhiên) tham dự cuộc nghiên cứu.

Một số điểm chính được bản tường trình công bố gồm có:

Sinh viên cảm thấy bị dồn ép từ mọi phía. Trong khi khủng hoảng kinh tế khiến họ có nhu cầu phải giúp đỡ cho cha mẹ về mặt tài chánh, thì chính bản thân họ không tự lo được vì phải đối diện với học phí tăng, và số lớp học giảm.

Khoảng 1,200 sinh viên đồng loạt xuống đường từ Balboa Park kéo đến văn phòng cựu Thống Ðốc Arnold Schwarzenegger tại San Diego để phản đối việc các nhà lập pháp California cắt giảm ngân sách giáo dục. (Hình: Steven Bartholow - website www.sdnn.com)
 
Hơn một nửa số sinh viên cho biết cha mẹ không còn có thể giúp đỡ các em về học phí hay tiền mua sách vở nhiều như trước đây. Và tình trạng thiếu lớp học kéo dài thời gian phải theo học, càng tạo áp lực lên kinh tế gia đình.

10% sinh viên cho biết cha hoặc mẹ bị thất nghiệp lâu dài.

4% sinh viên cho biết, cha mẹ bị xiết nhà, khiến các em không có chỗ ở thuận tiện để đi học, và phải xin bạn bè hay người thân “share” phòng để cố gắng tiếp tục việc học.

Bản tường trình còn cho biết, đa số các sinh viên thuộc thành phần sắc tộc thiểu số (non-white) bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bản tường trình của nhóm “Dự Án Các Quyền Dân Sự” vẽ nên một viễn ảnh u ám cho sinh viên đang theo học tại hệ thống CSU, nhưng thực tế thì sao?

Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, em Hằng Ngô, sinh viên đang theo học ngành quản trị kinh doanh tại Cal State, Long Beach, tâm sự, kinh tế khó khăn khiến em “cũng kẹt lắm,” nên phải cố gắng kiếm việc thêm để kiếm tiền.

Tuy nhiên, Hằng Ngô cũng cho biết, cha mẹ em “có lẽ vì đã dành dụm từ trước,” nên vẫn hỗ trợ tài chánh, chỉ mong sao em “sớm ra trường.”

Vì thế, với Hằng Ngô, tài chánh kẹt không là vấn đề đáng lo ngại nhất, mà “việc giảm lớp học khiến thời gian đi học phải kéo dài ra” mới là đáng sợ.

Em Thịnh Nguyễn, sinh viên năm thứ tư tại Cal State, San Diego, cùng hoàn cảnh với Hằng, cho biết: “Em thực sự chỉ muốn ra trường sớm để đi làm phụ giúp cha mẹ. Nhưng không biết phải làm gì trước hơn là phải chuẩn bị tinh thần ‘vừa học, vừa làm’ trong một thời gian lâu hơn.”

“Chuẩn bị tinh thần” cũng là điều mà ông Tấn Trần, dân cư Cypress, có con sẽ vào đại học vào Mùa Thu năm nay, phát biểu rằng tình hình “kể cũng bi đát,” nhưng có lẽ vì ông lớn lên ở một đất nước mà “việc đi học đại học là một điều xa xỉ,” nên tuy hơi lo, ông cũng không ta thán nhiều mà “chuẩn bị tinh thần cả cho mình lẫn cho con,” có thể phải học đại học một thời gian 5 hay 6 năm mới ra trường.

“Kinh tế suy thoái không riêng chỉ ở California, mà còn ở toàn thế giới!” Ông Tấn nói.