Home CĐ Việt Du Học Mỹ Đại Học Mỹ Giáo sư cũng đạo văn

Giáo sư cũng đạo văn PDF Print E-mail
Tác Giả: * Vann Phan (Viết theo rbs2.com và plagiary.org)   
Thứ Hai, 14 Tháng 2 Năm 2011 20:03

Giáo Sư M. Jamil Hanifi đạo văn từ một quyển sách

 

 Trong bài trước có đề cập tới trường hợp của một vị giáo sư đại học -Giáo Sư Frost- đã xúi một sinh viên -tên là Faulkner- đạo văn của chính vị giáo sư này để làm thành bài của sinh viên kia, nhưng nội vụ đã bị đổ bể, và người sinh viên đã bị trường đại học của mình , Ðại Học University of Tennessee in Knoxville- xử phạt bằng cách rút lại bằng Ph.D. đã cấp cho sinh viên đó trước đây.

 Hình minh họa. (Hình: Ian Waldie/Getty Images)
Nhưng chính một số các vị giáo sư đại học cũng can tội đạo văn nữa, đừng nói gì đến sinh viên của họ. Sau đây là hai trường hợp điển hình trong đó các giáo sư đại học đã can tội đạo văn và đã bị các trường đại học liên hệ trừng phạt. Cả hai vụ việc này đều đã được tòa án thụ lý và giải quyết.

Thầy đạo văn trò

Tiến Sĩ Jason Yu là vị giáo sư thực thụ khoa kỹ sư công chánh tại Ðại Học University of Utah. Ủy ban Academic Freedom and Tenure Committee tại đại học này kết luận rằng Tiến Sĩ Yu đã không ghi tác quyền của một đồng tác giả một bài viết của ông, và như thế đây là một vụ đạo văn.

Nhà trường cũng kết luận rằng Tiến Sĩ Yu đã không ghi tác quyền bài viết của hai cựu sinh viên tại đại học Virginia Polytechnic University, là trường mà ông dạy học trước kia, liên quan tới hai tác phẩm mà ông đã xuất bản mà “90% nội dung là do hai sinh viên này soạn ra,” coi đó là hai ví dụ khác nữa về vụ đạo văn của ông. Một ủy ban của Ðại Học Utah đề nghị Giáo Sư Yu phải nghỉ việc không lương một năm về các tội đạo văn nói trên.

Vị viện trưởng chấp thuận đề nghị này. Nhưng Giáo Sư Yu kháng cáo lên ủy ban khiếu nại nội bộ. Ủy ban này chuyển tiếp vụ việc về cho ủy ban Academic Freedom and Tenure Committee.

 Trong lần xét xử thứ nhì này, ủy ban đã đề nghị sa thả vĩnh viễn vị giáo sư ra khỏi trường đại học, và lần này viện trưởng cũng chấp thuận quyết định này.

Thế là Tiến Sĩ Yu đưa nội vụ ra kiện tại tòa án liên bang khu vực, và tòa án này kết luận rằng “có đầy đủ bằng chứng ủng hộ cho lời cáo buộc đạo văn, và rằng việc sa thải (kẻ phạm tội đạo văn) được các quy định của trường đại học cho phép. Tòa án tự quyền (sua sponte) quyết định hủy bỏ vụ kiện của nguyên cáo Yu. Nhưng nguyên cáo Yu lại kháng án lần nữa, và Tòa Kháng Án lại truyền giữ vững quyết định của tòa án liên bang khu vực.

Ðạo được một lần, bèn đạo thêm lần nữa

Giáo Sư M. Jamil Hanifi đạo văn từ một quyển sách và một bài tiểu luận trong luận án tiến sĩ của ông tại đại học Southern Illinois University vào năm 1969.

Về sau, vị giáo sư này cho phổ biến luận án “của mình” qua một quyển sách mà trong đó “ba trong số chín chương cốt lõi đều có đạo văn.” Tác giả (thật) của bài tiểu luận khám phá ra vụ đạo văn hồi năm 1976, và tác giả (thật) của quyển sách khám phá ra vụ đạo văn hồi năm 1977.

Ðại học Southern Illinois University biết được vụ đạo văn vào năm 1981. Vào lúc đó, Hanifi là giáo sư nhân chủng học tại trường và đang được cứu xét để làm trưởng phân khoa này.

Vụ đạo văn của Giáo Sư Hanifi bị đưa ra tòa, và tòa án cho vị giáo sư chọn lựa giữa việc tự ý nghỉ việc hoặc để cho trường đại học sa thải.

 Hanifi đã chọn việc từ chức. Nhưng sau đó vị cựu giáo sư đại học Northern Illinois University lại đâm đơn kiện Hội Ðồng Quản Trị Ðại Học trước tòa án, viện cớ rằng vụ từ chức của ông là do bị nhà trường cưỡng ép. Nhưng vì tòa án xét thấy Hanifi không có đủ chứng cớ rằng trường đại học đã ép buộc ông nghỉ việc nên vụ kiện này đã bị bãi bỏ.

Sau đây là lời phán quyết của tòa án trong vụ Hanifi v. Board of Regents, 1994. Xin để ý tới lời lẽ của tòa án dành cho kẻ đạo văn trong câu cuối cùng:

“Sau khi xem xét đầy đủ các bằng chứng trong vụ án này, bản tòa nhận thấy nguyên cáo không chứng minh được vụ từ chức là không phải mình tự nguyện, bị bó buộc hoặc là kết quả của hành vi cưỡng ép.

 Lời chứng của nguyên cáo và lời khai của các nhân chứng bên bị cáo đối nghịch nhau. Ðể có thể tin vào lời chứng của nguyên cáo về sự cưỡng ép, bó buộc và không tự nguyện, bản tòa phải không tin vào nhiều nhân chứng khác và thấy được âm mưu của các giới chức cao cấp tại đại học Northern Illinois University muốn gây thiệt hại cho nguyên cáo, và đó là một sự kiện bao gồm tội bội thệ tập thể.

Nguyên cáo đã không đưa ra được bằng chứng có tính thuyết phục nào để chứng thực cho lời khai của mình, và vì thế, căn cứ vào các chứng cớ có khả năng bác bỏ lời khiếu nại của đương sự, bản tòa kết luận rằng lời khai của đương sự không xác đáng.

Thẳng thắn mà nói, bản tòa không tin vào kẻ từng nhận tội đạo văn này khi đương sự khai rằng ý muốn của mình bị trấn áp và đương sự đã không làm chủ lấy hành động từ chức của mình.”